MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Vai trò của Bí tích Hòa giải trong việc tái truyền giảng Tin Mừng

VATICAN. Trong cuộc tiếp kiến 1.300 linh mục và phó tế tham dự khóa học thường niên về Bí tích Giải tội (Bí tích Hòa giải), ĐTC mời gọi các cha giải tội cộng tác vào công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có ĐHY Manuel Monteiro, người Bồ Đào Nha, Chánh tòa Ân giải tối cao, vị phụ tá là Đức cha Gianfranco Girotti, cùng với nhiều chức sắc của Tòa này, vốn là cơ quan đứng ra tổ chức khóa học.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nêu rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa giữa Bí tích Giải tội và việc tái truyền giảng Tin Mừng. Lý do vì việc tái truyền giảng Tin Mừng kín múc nhựa sống từ sự thánh thiện của các con cái Giáo Hội, từ hành trình hoán cải mỗi ngày của cá nhân và cộng đoàn, để càng ngày càng trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô. Có một liên hệ chặt chẽ giữa sự thánh thiện và Bí tích Hòa giải, như tất cả các thánh trong lịch sử đã làm chứng.

ĐTC nhấn mạnh rằng “Chỉ ai để cho mình được ơn thánh Chúa đổi mới sâu xa thì mới có thể mang trong mình, và rao giảng sự mới mẻ của Tin Mừng.” Trong chiều hướng đó, Ngài lập lại lời mời gọi của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, mong sao các linh mục trình bày cho cộng đoàn Kitô một cách hữu hiệu và đầy sức thuyết phục về việc thực hành Bí tích Hòa giải, với ý thức rằng việc tái truyền giảng Tin Mừng phải giúp con người thời nay nhận biết tôn nhan Chúa Kitô như “mầu nhiệm thương xót của Thiên Chúa”, trong đó Chúa tỏ cho chúng ta thấy con tim từ bi của Người và hoàn toàn hòa giải chúng ta với Người. Cần phải giúp tái khám phá tôn nhan ấy của Chúa Kitô kể cả qua Bí tích Thống hối”.

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhắn nhủ các linh mục và phó tế rằng: “Những người tìm đến với anh em, trong tư cách là hối nhân, họ cảm nghiệm một ước muốn sâu xa: ước muốn thay đổi, nhu cầu về lòng từ bi, và xét cho cùng, đó là ước muốn được gặp lại và ôm lấy Chúa Kitô. Vì thế, anh em hãy là những người cộng tác và giữ vai chính trong bao nhiêu công trình khởi đầu lại của tín hữu; bao nhiêu hối nhân đến gần anh em, với ý thức rằng ý nghĩa đích thực của mỗi điều “mới mẻ” như thế không hệ tại sự từ bỏ hoặc loại trừ quá khứ, cho bằng đón nhận Chúa Kitô, cởi mở đối với sự hiện diện của Chúa, một sự hiện diện luôn mới mẻ và luôn có khả năng biến đổi, soi sáng mọi vùng tăm tối và liên tục mở ra một chân trời mới.

“Vì thế, công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng cũng khởi sự từ tòa giải tội, nghĩa là đi từ cuộc gặp gỡ huyền nhiệm giữa nhu cầu khôn lường của con người và lòng từ bi của Thiên Chúa, vốn là câu trả lời duy nhất thích hợp với nhu cầu của con người về sự vô biên”.

ĐTC nói thêm rằng: “Nếu việc cử hành Bí tích Hòa giải được thực hành như thế, nếu trong bí tích ấy các tín hữu thực sự cảm nghiệm được lòng từ bi mà Đức Giêsu thành Nazareth là Chúa Kitô ban cho chúng ta, thì chính họ sẽ trở thành chứng nhân đáng tin cậy về sự thánh thiện, vốn là mục đích của công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng” (SD 9-3-2012)

G. Trần Đức Anh OP

(Nguồn: vietvatican)