MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Kỷ niệm 400 năm: Cách mạng Truyền giáo Di Nobili bên Ấn

Năm 2010 vừa qua, cả thế giới (gồm Trung Quốc luôn) đã tưng bừng khánh niệm 400 năm ngày ly trần tại Bắc Kinh của một nhân vật vĩ đại, cha Matteo Ricci, được ngưỡng mộ vừa như người tiên phong trong giao lưu khoa học-văn hóa Đông-Tây, vừa như một trong hai nhà truyền giáo, cũng tiên phong trong kế sách hội nhập văn hóa. Người tiên phong thứ hai về mặt này, đó là cha Roberto Di Nobili, cũng người Ý (và Dòng Tên). Phải chăng vì dân Ý là dân cởi mở nhất bên Tây trong việc tiếp thu ánh sáng của những nền văn minh xa lạ? Chúng ta nên nhớ, vào thế kỷ XIII, cũng một người Ý khác là Marco Polo đã du hành Phương Đông, cho tới tận xứ sở các Con Trời (Thiên Tử), và nói về văn minh này với nhiều kính nể.

Năm 2010, tôi đã viết về Ricci, năm nay không thể tôi không nói về Di Nobili nhân 400 năm (1612-2012) cuộc Cách mạng truyền giáo của cha bên Ấn Độ. Tôi nói CÁCH MẠNG TRUYỀN GIÁO, vì tuy việc trruyền giáo đã khởi sự từ trước ở đấy, nhưng cách làm của cha đi ngược hẳn cách làm của những thừa sai tiền nhiệm, do đó gây sóng gió lớn, không những làm cha đau khổ, mà còn khiến thiệt hại cho việc Phúc âm hóa đất nước đông dân thứ hai của thế giới ấy.

Tình trạng xã hội Ấn và ngõ cụt truyền giáo

Không dân tộc nào sùng đạo như dân Ấn, nhưng cũng không đất nước nào bị phân hóa xã hội cho bằng đất nước Nam Á này…

Về mặt tôn giáo, tuy Ấn giáo chia thành hai ngành, ngành lấy Vishnu làm thượng thần, ngành lấy Shiva làm đấng tối cao, nhưng các thần đều được thờ chung ở cả hai bên. Sống đạo cũng vậy, cư sỹ (tín đồ tại gia) tới cầu nguyện ở đền thờ, còn tu sỹ sống một mình trong rừng hoang hay sơn cốc, nhưng hai bên không hề va chạm nhau.

Về mặt xã hội thì khác hẳn. Dân Ấn chia thành những giai cấp cha truyền con nối, tức tập cấp (castes), và giữa những tập cấp khác nhau, người ta không kết hôn với nhau, tránh tiếp xúc với nhau. Thậm chí một số người bị loại khỏi tập cấp (outcastes), trở thành dơ dáy, được gọi là Candala (sanskrit), Dalit, Pariah (tamil), nghĩa là BẤT KHẢ XÚC ( Intouchables, Untouchables). Theo niềm tin lâu đời, sự phân cấp ấy là tự nhiên. Kinh Veda cho biết, từ Con người nguyên sơ Purusha[1] bị sát tế, các thần đã phân chia thân thể ấy mà làm nên bốn tập cấp cao thấp khác nhau:

Khi các thần phân xẻ Con người,
Họ làm nên mấy phần?
Miệng thành gì, cánh tay thành chi?
Là gì cẳng chân, là chi bàn chân?

Miệng thành tế sư (brahmana)
Cánh tay thành chiến tướng (ksatriya),
Cẳng chân nên công-nông (vaisya),
Bàn chân nên nô bộc (sudra).

Rigveda X.90

Có điều quyển X của sách Rigveda tập hợp những bài kinh khá mới, riêng bài kinh 90 chỉ có mặt sau công nguyên, cốt ý giải thích một tình trạng xã hội sẵn có rồi, đồng thời xác định địa vị cao nhất của tế sư. Chứ hẳn nhiên trước đó, địa vị cao nhất phải thuộc về giai cấp cai trị là ksatriya (do chữ ksatra là việc cai trị) từ đó chọn ra vua và những sỹ quan trong quân ngũ cùng với người cai quản trong vương quốc. Bằng chứng được tìm thấy trong bộ sử thi vĩ đại Mahâbhârata được hoàn tất vào thế kỷ II trước công nguyên, trong đó rõ ràng địa vị của vua và ksatriya là cao nhất.

Thật ra, cách đây 3500 năm sau khi dân Ârya từ Tây-Bắc sang xâm lăng Ấn Độ, tại xứ sở này chỉ có hai giai cấp : giai cấp thống trị là Ârya da trắng, giai cấp bị trị, gọi daisyu hay man di, là người Ấn da đen. Chính vì thế, tiếng dùng để chỉ tập cấp là Varna, nghĩa là mầu sắc, sắc da. Phân biệt thống trị-bị trị nay đã đổi thành phân biệt theo ngành nghề, nhưng tiếng Varna thì vẫn được dùng để chỉ tập cấp.

Có bốn tập cấp chính : tế sư, vương tướng, công nông và nô bộc, trong đó chỉ ba tập cấp trên có khả năng tôn giáo. Thật ra, khả năng ấy đầy đủ nhất là ở tập cấp tế sư, balamona (brahmana). Và cũng chỉ balamona mới học hành cao, và phải cố sống theo bốn giai đoạn (âsrama) của bộ luật Manu : lúc niên thiếu thì làm tập sinh (brahmacârin), thụ huấn với một sư phụ; lớn lên thành cư sỹ (grihastha), nghĩa là lập gia đình, có bổn phận tế tự; khi đã lo cho con cái thành gia thất thì vô ẩn tu trong rừng; đợi khi lòng thoát tục, sẽ đi lang thang và trở thành tu sỹ bỏ đời, chờ ngày giải thoát hay giác ngộ.

Như đã nói trên, thuộc tập cấp khác nhau thì khó tiếp xúc với nhau. Nhất là không thể tiếp xúc với người ngoại tập cấp (outcastes), vì bản chất họ dơ dáy, bất khả xúc (untouchables). Chỉ cần bóng họ đi qua, phủ lên thức ăn, là thức ăn ấy phải đổ đi, không ăn được nữa. Biết như thế, ta mới hiểu sự trruyền giáo xuyên tập cấp là điều khó khăn thế nào.

Sự bế tắc truyền giáo ở Madurai vào đầu thế kỷ XVI

Madurai là một thành phồ lớn, nay thuộc bang Tamil Nadu với thủ phủ Chennai (xưa là Madras) .. Về phía đối diện ở Tây Nam có căn cứ quân sự của Bồ Đào Nha tại Goa, từ đó hải quân Bồ có thể kiểm soát toàn vùng bờ biển Nam Ấn. Do đò, người Bồ theo sang đấy buôn bán và truyền giáo. Họ đi sâu vào đất liền, ở đó có những tiểu vương quốc như Madurai.

Theo đạo lúc ấy rất ít người, và hết thảy thuộc tập cấp Bất khả xúc (Pariah, Dalit). Truốc hết, đó là dân Paravers mò ngọc trai. Vì bị người Hồi đoạt hết miếng ăn và đàn áp khốn khổ, nên họ chạy đến xin quân Bồ che chở, và quân Bồ đánh đuổi lũ cướp biển Hồi giáo, giúp Paravers trở lại với nghề mò ngọc trai cũ. Do đó mà họ theo đạo đông. Cho đến năm 1537, tất cả đã chịu Phép rửa, khoảng hai chục ngàn người, nhưng gần như không được dạy dỗ gì, lại chỉ có một linh mục coi sóc thôi. Năm 1542, thánh Phan sinh Xavier tới, thấy họ dốt giáo lý quá, nên dừng lại một thời gian để dạy.

Loại người thứ hai theo KTG là một số rất ít những cô gái thuộc tập cấp rất thấp hay ngọai tập cấp, họ theo đạo để lấy chồng Bồ, nhờ đó được cấp phát nhà cửa và ruộng đất tịch thu từ người Hồi giáo.

Người theo KTG thuộc cả hai loại, đều ăn mặc như Bồ, ăn thịt như Bồ và sống theo cách Bồ, nên họ bị người Ấn ghê tởm và xa lánh. Nhất là từ khi có sắc dụ 1546 của vua Bồ, ra lệnh cấm thờ thần tượng trong vùng thuộc địa của Bồ Đào Nha; riêng tế sư nếu bị bắt quả tang tiếp tục hành nghề, sẽ bị tù khổ sai và tịch biên gia sản. Vì thế, người Ấn càng ghét Bồ và ghét người theo đạo Bồ, mà họ gọi là Prangui một cách khinh bỉ. Không may là các thừa sai, phần vì dốt tiếng Tamil và không hiểu phong tục Ấn, phần khác ít tiếp xúc với người Ấn học thức nên không hiểu họ nghĩ gì, nên tự đồng hóa mình với Prangui, để rồi thay vì hỏi ai đó có muốn theo Kytô giáo không, thì lại hỏi :-Có muốn gia nhập tập cấp (markam, vedam, kulam) Prangui không?

Như thế, làm gì có ai vì tôn kính mà theo Kytô giáo đây? Sau 12 năm trời làm việc, cha sở Fernandez không kiếm nổi dù chỉ một tân tòng, đành làm phép rửa gấp gáp “in articulo mortis” cho mấy kẻ hấp hối, thế thôi. Tình trạng bi đát đến nỗi cha Giám tỉnh dòng Tên Laerzio phải than thở :

-“Sự ghê tởm của dân Ấn đồi với người Bồ hay Prangui, đi kèm với nỗi lo mất danh hiệu quý tộc để rồi bị (đồng bào) khinh bỉ mãi mãi, chính những điều ấy khiến người ta không cách nào theo Kytô giáo được. Truyền giáo kiểu này, đi đôi với sự dốt tiếng Tamil, đã gây những hiểu lầm thực vô cùng tai hại.”

Đang lúc cha Laerzio và đức Tổng giám mục Roz, cũng dòng Tên, lâm cảnh bế tắc không lối thoát như thế, thì Trời gửi đến cho họ một cứu tinh, cha Roberto Di Nobili!

Cha Di Nolili và cuộc cách mạng truyền giáo ở Madurai

Roberto sinh năm 1577 ở Roma, từ dòng họ quý tộc danh tiếng Di Nobili, trong đó có giáo hoàng Julius III (trị vì từ 1550 đến 1555) và một số hồng y, mà vị đang sống lúc ấy là hồng y Sforza, con nữ bá tước Sforza Di Santa Fiore. Hồng y này, vì thấy Roberto học rất giỏi, nên đặt nhiều kỳ vọng vào người em họ của mình, mong ít là cậu cũng trở thành hồng y như mình.

Thế nhưng Roberto lại nuôi một tham vọng ngược lại, cậu muốn vô dòng Tên, mà dòng này muốn các thành viên phải lánh xa những chức tước như hồng y và giám mục. Thế là hồng y Sforza bèn vận động cả gia tộc chống lại ý định trên của Roberto, khiến cậu bé 16 tuổi phải “đào vi thượng sách”, một mình vượt biên giới đến ẩn lánh ở vương quốc Napoli, trong dinh của nữ công tước Di Nocera, tên Anna Carafa. Bà này cho cậu hầu cận hai năm bên mình, và giúp cậu tiếp tục việc học. Trong khi ấy, bà cũng dùng thế lực của mình mà vận động gạt bỏ những rào cản từ phía gia tộc Di Nobili. Cuốii cùng, một cách “không kèn không trống”, Robeto đã có thể vô tập viện dòng Tên ở Napoli. Sau nhà tập, Roberto theo đuổi việc học ở Napoli, rồi Roma, kế đó thụ phong linh mục năm 1603.

Ngay khi còn ở nhà tập, Roberto đã bày tỏ ý nguyện muốn được đi truyền giáo bên Ấn. Một lần nữa, sóng gió lại nổi lên từ phía dòng tộc Di Napoli, nhưng Roberto cương quyết giữ nguyên ý định của mình. Cuối cùng, cha Tổng quyền D.T. Aquaviva phải can thiệp, và gia tộc Di Nobili chịu lui bước.

Với ý chí kiên cường đi đôi với tài học như vậy, lắm người đã thấy trước được những gì phi thường cha sẽ thực hiện ở phương trời xa xôi kia.

* * *

Di Nobili xuống tầu năm 1604 và cập bến Goa một năm sau. Tại đây, cha bệnh tưởng chết. Sau khi khỏi bệnh, cha được Giám tỉnh Laerzio điều tới làm việc ở Madurai.

Ở Madurai, Roberto thấy rõ sự bế tắc truyền giáo, và sau một thời gian ngắn tìm hiểu, cha nhìn ra căn bệnh. Căn bệnh ấy là sự kém hiểu biết về địa phương của thừa sai, sự khinh bỉ của dân Ấn đối với cái mà họ gọi là “Đạo người Bồ”, cũng là sự lẫn lộn Kytô hữu với Prangui.

Vì thế, để bắt đầu, cha ra ở riêng để khòi dính dấp tới người Bồ và Prangui. Đồng thời, cha dành hết thời gian để học kỹ ngôn ngữ Tamil, không phải thứ Tamil bình dân, mà Tamil văn học. Cha cũng học kỹ tiếng Sanskrit, nhờ đó đi sâu vào Veda và các kinh thư khác của Bàlamôn giáo[2]. Qua hai ngôn ngữ này, dần dà cha nắm vững được các vấn đề văn hóa-xã hội-tôn giáo của chung xứ Ấn và của riêng miền Nam.[3]

* * *

Bằng cách ra ở riêng, ăn vận và sống theo kiểu các tu sỹ bỏ đời, cha tỏ ra cho thấy cha thuộc dòng quý tộc Roma, cũng là một samnyâsin sang truyền bá nền minh triết (vidya) đích thực. Quả thế, cha ăn chay chứ không ăn thịt như Prangui và người Bồ, cha cũng bỏ giầy mà đi guốc, lại mặc áo cà sa, quấn khăn, mang dây đeo balamona (có thánh giá) và để chỏm tóc kudumi. Cha lại sống cô độc ở nơi thanh vắng và ít tiếp khách. Riêng về mặt kinh thư Ấn giáo, khi rranh luận cha có thể trưng thuộc lòng bất cứ đoạn nào, y như một balamona thông thái vậy. Số là cha được học với một balamona uyên bác, tên Shiva-dharma, và ông này, cảm phục vì đức độ và sự thông minh của cha, đã chép tay các kinh thư cho cha học, trong khi những sách thánh này, đáng lẽ chỉ hàng balamona mới có quyền tiếp cận thôi.

“Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, chẳng bao lâu khắp xứ nghe bàn tán về nhà tu hành quý tộc da trắng ấy, và khá nhiều balamona cùng quan chức Madurai bắt đầu xem cha như một guru (hiền triết sư phụ) để sẵn sàng nghe cha giảng thuyết. Cha thuyết cho họ về thứ Pháp (dharma) Kytô giáo, mà cha không gọi là đạo Prangui. Cha cũng cho họ biết, muốn thành đệ tử của cha, người ta không phải bỏ tập cấp của mình và những thói tục đi theo tập cấp ấy. Vâng, ai là balamona thì vẫn là balamona, cứ việc đeo dây balamona, giữ chỏm tóc kudumi, dùng bột trầm và làm các nghi thức tắm rửa. chỉ cần thay các lời kinh cũ bằng lời kinh Kytô giáo, khi đeo dây chẳng hạn. Tiến xa hơn nữa, thay vì đặt tên Bồ cho người chịu Phép rửa, cha lấy tên tamil hay sanskrit đặt cho họ, như Devadatta (Thiên Chúa-được tặng trao),v.v…[4]. Cha cũng thích nghi trong vấn đề cúng cơm-sữa ngày đầu năm, bằng cách cứ cho cúng, nhưng thay vì cúng trước thần tượng, thì cúng trước thánh giá, thế thôi. Cha còn ban phép lành cho cơm-sữa dùng để cúng nữa.

Dĩ nhiên là trước khi thi hành những thay đổi như thế, cha đã thỉnh ý cha Giám tỉnh, còn vị này thì bàn với Đức cha Roz. Cả hai vị, cùng với đức Giáo trưởng Goa đặt rất nhiều kỳ vọng vào phương pháp mới này, mong rằng nó mở được cánh cửa Madurai và Ấn Độ nói chung cho Phúc âm hóa.

Và xảy ra đúng như vậy. Ngay năm đầu tiên đã có năm chục tân tòng, trong số đó có chính balamona thông thái Shivadharma, thầy dạy ngôn ngữ của cha. Ông này, sau 20 ngày tranh luận với cha, mỗi ngày năm giờ, đã chịu khuất phục và chịu Phép rửa dưới tên mới là Alberto. Một khi đã thành Kytô hữu, ông trở nên một nhà truyền giáo hăng say, và nhiều người quý tộc theo gương ông.

Cánh cửa đã mở, và thành công lớn không ngờ, khiến Đức cha Roz phải reo lên trong bức thư gửi cha Tổng quyền Aquaviva như sau :

-“Thế là cha Roberto tốt lành ấy đã đi trước hết mọi người -tôi tin như thế-, để nhờ sự linh ứng rất đặc biệt của Chúa Thánh Thần, cha tiến vào thành phố Madurai vĩ đại, thủ đô của thần tượng cũng như của nền bác học balamona… Cha đã ăn mặc và sống theo người địa phương, từ bỏ hết mọi tiện nghi thể xác cùng với quốc tính của mình. Cha đã học được ba ngôn ngữ rất khó [tamil, sanskrit, telougou], đã hiểu sâu những bí nhiệm thần thánh Ấn Giáo… Tôi đã trao đổi với cha Roberto về ngôn ngữ và phong tục địa phương. Nghe cha, tôi rất ngỡ ngàng. Tôi nghĩ mình cũng nắm được phần nào ngôn ngữ [tamil] ấy, nhưng tôi phải thề trước Phúc âm rằng : không ai có thể ngờ cha đã thể hiện ngôn ngữ nói trên một cách tự nhiên đến vậy, cũng như đã sống khổ hạnh đến độ ấy.

……………

“Sau khi đức Giáo trưởng Menezès biết truyện, nhất là khi thấy cha Roberto đã lôi kéo được một số balamona vào đạo, thì Ngài cảm động vô cùng. Ngài còn thêm câu phát biểu tuyệt vời như sau ;”Tạ ân Chúa nếu số người sống đạo hạnh theo gương cha Roberto cũng đông bằng số kẻ gièm pha lối sống của cha! Riêng tôi, tôi chẳng ngại đeo sáu trăm dây balamona chỉ vì sự cứu độ dù của một linh hồn!”

Và cứ vậy công cuộc truyền giáo tăng tốc. Nên nhớ, không như trước kia khi người theo đạo là kẻ ít học, và họ theo đạo chỉ vì cái lợi vật chất trước mắt thôi. Chứ người theo đạo bây giờ là người có học,: họ tự đến nghe giảng, tranh luận, rồi mới quyết định. Công việc tuy bận rộn, nhưng đầy hưng phấn, và một số linh mục, như cha Vico, cũng tới gia nhập đoàn quân viễn chinh. Dù bị cấm làm phép rửa trên mười năm, nhưng khi cha Roberto qua đời năm 1656, đã có 40.000 người theo đạo. Con số sẽ thành 75.000 vào đầu năm 1688, và vào đầu thế kỷ sau, vọt tới trên 100.000.

Đất bằng nổi sóng

Một cuộc thay đổi lớn, đến đảo lộn tất cả như thế, sao khỏi gây sóng thần.

Sóng gió bắt đầu từ chính hàng tế sư Ấn Độ giáo. Trước đó, chỉ có ngoại tập cấp theo “đạo Bồ” thôi, nên không mấy ai quan tâm. Nhưng nay thì đã có hàng quý tộc, thậm chí balamona tới làm đệ tử người samnyâsin xa lạ kia, nên sự việc ấy làm chấn động Madurai. Hàng tế sư bèn tới kiện nơi tiểu vương Nayakker. Theo họ, thì Roberto vô thần, phá bỏ việc thờ cúng Vishnu và Shiva. Nhân dịp đang có nạn hạn hán, họ bèn đổ tội cho cha, rằng đây là hình phạt do các thần giáng xuống vì sự phạm thánh của cha.

May mắn thay khi ấy, một bạn thân của cha rất có thế lực tại triều đình đứng ra bênh đỡ cha. Không chịu thua, 800 tế sư tập họp lại để nghe một người tố cáo cha. Lần này, chính ông thầy dạy ngôn ngữ cho cha đứng lên phản bác. Ông nói khéo léo đến nỗi, thay vì luận tội cha, các tế sư lại đem lòng kính trọng nhà tu hành thoát tục da trắng ấy.

Một lần khác, trong đám dân mò ngọc trai có kẻ tới xúi dục đệ tử cha, rằng họ bị cha đánh lừa, rằng chính cha cũng chỉ là một prangui, và thứ muối cha cho họ ăn lúc chịu phép rửa, cũng như chính phép rửa, đều thuộc nghi thức gia nhập prangui. Thế là nhốn nháo cả lên, và một số bỏ cha. Không sao được, cha đành phải viết rõ trên lá tán treo trước cửa nhà, rằng cha thuộc dòng quý tộc Roma, chứ không phải prangui gì cả.

Dẫu sao chăng nữa những khó khăn từ phía dân Ấn chỉ là chuyện nhỏ so với những chống phá cha gặp từ chính anh em đồng đạo của mình, các thừa sai dòng Tên..

* * *

Quả thế, sóng gió nổi lên từ phía anh em dòng Tên, bắt đầu là cha Gonsalo Fernandez.

Để giúp cha Roberto dễ thi hành kế sách mới, cha Giám tỉnh Laerzio bèn sai cha Fenandez đi công tác một thời gian ở bờ biển. Lúc trở về, cha này thấy cha phụ tá làm đảo lộn tất cả, và hình như muốn dạy mình một bài học.

Quả vậy, Roberto bỏ hẳn cách sống quen thuộc của các thừa sai. Cha ăn mặc theo địa phương chứ không theo Bồ, nói tiếng Tamil chứ không nói tiếng Bồ, ăn chay chứ không ăn mặn như các anh em khác. Nhất nữa còn tuyên bố thẳng thừng : để thành Kytô hữu, người ta không phải trở thành Prangui, lại cứ việc giữ nguyên cách phục sức và tắm rửa theo tập cấp của mình. Nên nhớ, cách phục sức và tắm rửa đó vẫn bị các thừa sai coi là dị đoan. Sự việc càng trở nên rắc rối khi Roberto rời bỏ xứ đạo mà ra ở riêng, rồi làm nhà thờ riêng luôn.

Tức giận, Fernandez đi gõ cửa mọi nơi để kiện. May mắn cho cha, đúng lúc ấy, có một Kinh lược sứ (Visiteur) đến thanh tra hai tỉnh dòng Tên là Goa và Malabar. Đây là cha Nicolas Pimenta. Vừa là người Bồ, vừa có định kiến là phải y theo phương pháp truyền giáo cũ, nên ngài chỉ nghe Fernandez và làm ngơ trước mọi lời trần tình của Roberto, cũng như ý kiến của Giám tỉnh Laerzio, của Tổng giám mục Roz, của Ban tư vấn Tỉnh dòng, của những Kytô hữu được vời đến điều tra. Tệ hơn nữa, Pimenta còn ra lệnh ngưng chức Laerzio và thay thế bằng một giám tỉnh mới thuộc phe mình.

Trong khi ấy ở Roma, với các báo cáo của Kinh lược sứ, người ta tưởng như Roberto đã cài đạo sang Ấn giáo, khiến cả những bạn thân của Roberto, như hồng y Bellarmino, cũng trách cứ cha. Năm 1613, cha Tổng quyền Aquaviva gửi thư sang Madurai, tuy vẫn ủng hộ cách làm của Roberto, nhưng phải tỏ ra dè dặt hơn, khiến Pimenta và giám tỉnh mới có thể giải thích thư ấy theo hướng suy nghĩ của mình, nhờ đó thắt chặt hoạt động của nhóm Roberto. Vâng, giám tỉnh mới, một mặt ngăn chặn thư từ trao đổi giữa Roberto với Đức cha Roz, mặt khác cấm cha không được làm thêm Phép rửa nào nữa. Phe địch còn tìm cách mua chuộc một vài đệ tử của Roberto để họ bỏ cha và đứng lên tố cáo cha.

Thế nhưng, chưa kịp hoàn thành ý nguyện là bãi bò sứ vụ Roberto, thì giám tỉnh mới đột ngột qua đời năm 1615. Cùng lúc, Roma cũng hiểu ra vấn đề, và cả Aquaviva lẫn Bellarmino đều trấn an Di Nobili. Rồi khi Tổng giám mục mới của Goa muốn ép cha từ bỏ kế sách truyền giáo của mình, thì năm 1616, bằng đoản sắc (bref) Cum sicut Fraternitas, Đức Phaolo V hết lòng khen ngợi Di Nobili và căn dặn phải nghiên cứu kỹ phong tục xứ Ấn để thích nghi trong việc truyền giáo. Đến lúc Tổng giám mục nói trên quay sang Tòa Thẩm sát (Inquisition) Lisbonne để xin kết án cha, thì Thẩm sát trưởng lại khuyên ông phải tuân phục Tòa Thánh.

Không chịu thua, Tổng giám muc Goa bèn tổ chức một cuộc tranh luận công khai, với thành phần tham dự phần lớn là người do ông đưa vào. Biết việc ấy, Tòa Thánh cho phép Roberto được tranh cãi bình đẳng với Tổng giám mục. Vì người tham gia hội thảo hầu hết là của Tổng giám mục, nên ông thắng trong bỏ phiếu, trong khi Kinh lược sứ mới cùng với các thần học gia lại ngả theo lập luận của Di Nobili. Bất chấp tất cả, Tổng giám mục bèn vận động lần nữa với Roma để hạ gục cha, trong khi Thẩm sát trưởng ở đây lại gửi báo cáo tán thành việc làm của cha, có kèm theo lời chứng của 130 balamona, họ trưng dẫn kinh thư Ấn giáo để xác nhận bản chất dân sự (civil) của các tập tục mà cha cho phép.

Cuối cùng, bằng sắc dụ (bulle) Romanae Sedis Antistites ký năm 1623, Đức Gregorio XV chính thức cho phép các balamona theo đạo được đeo dây balamona và để chỏm tóc kudumi.

Mười hai năm sóng gió (1613-1624) và bị cấm làm phép rửa, đã khiến công cuộc truyền giáo của nhóm người cách mạng bị chựng lại rất nhiều. Sóng gió ấy nay đã yên, cha Roberto đi lập thêm căn cứ ở những vùng xa xôi, như Tiruchirapalli và Salem. Tại đây, nhiều học giả đến nghe cha,thuyết, và một vương gia gửi gấm bốn con trai cho cha dạy dỗ, để rồi cả nhà xin theo đạo. Trở lại Madurai, cha gặp một pandaram đến xin học đạo. Pandaram không phải tập cấp cho bằng một loại người từ nhiều tập cấp miền Nam làm nên. Họ thuộc Shiva giáo, có đeo biểu tượng linga trên người. Họ có thể là người phục vụ trong đền thờ như một thủ quỹ, hay thầy tế ở đền thờ làng… Họ cũng có thể làm tu sỹ khất thực nhưng thuộc tập cấp thấp. Hàng quý tộc không khinh rẻ pandaram, mà pandaram lại không ngại tiếp xúc với tập cấp thấp và ngoại tập cấp. Thấy thế, cha De Nobili bèn nảy ra ý định dùng pandaram để truyền giáo cho những tập cấp này. Điều may mắn là anh chàng pandaram xin học đạo, sau khi theo đạo đã trở thành nhà truyền giáo rất năng nổ, khiến qua anh ta, rồi qua một linh mục Bồ tự cải thành Pandaramsvâmin (pandaram-sư phụ), cha đưa về cho Chúa cả ngàn con chiên. Riêng anh pandaram đầu tiên theo đạo, vì bỏ đạo Shiva và hăng say truyền đạo mới, nên bị chính đồng đạo cũ của mình giết. Và đây là tử đạo đầu tiên của vùng trời phía Nam. Tử đạo thứ hai ở đó sẽ là thánh Gioan De Brito, một quý tộc dòng Tên Bồ. Cha tới Madurai khi Di Nobili mới qua đời. Cha cũng làm Samnyâsin theo gương Di Nobili và mang được mấy chục ngàn người về với Chúa.

Tuy biển đã lặng, nhưng vẫn còn những cơn giông nho nhỏ. Nhất là khi về già, cha không được sống già giữa những người thân tín và con chiên của mình. Lấy cớ là để cha được nghỉ hưu, người ta điều cha tới tận Sri Lanka từ 1646 đến 1648, rồi khi được trở về Ấn Độ, cha lại phải ở xa tít về phía Bắc của Tamil Nadu, tại Madras. Khi ấy cha đã 71 tuổi, hoàn toàn mù lòa, nhưng vẫn sống đời sống khổ hạnh của một samnyâsin. Cả Kytô hữu lẫn người Ấn giáo đều gọi cha một cách kính cần, là Cha thánh. Cha qua đời năm 1656.

Sau khi Roberto đã ly trần được 80 năm, cuộc tranh cãi về phương pháp mới một lần nữa được khơi dậy, gây thiệt hại thêm cho việc truuyền bá Phúc âm. Phải chờ sang thế kỷ XX, cánh cửa mới được mở hẳn, và một số thừa sai, như Jules Monchanin và Henri Le Saux đã có thể tiến xa hơn Roberto Di Nobili trong con đường hội nhập văn hóa, mà chẳng ai bắt bẻ gì nữa. Đó là đi vào con đường tu luyện và huyền nghiệm của các sâdhu, và đây mới là thế mạnh của Ấn Độ huyền nhiệm. [5]

Nhìn lại để tổng kết

Với quan niệm Mọi người bính quyền-bình đẳng hiện nay, khó ai còn có thể chấp nhận sự kỳ thị giai cấp, nói chi đến chế độ tập cấp quá khắc nghiệt của Ấn Độ thời ấy. Gần đây, hiến pháp của Ấn Độ độc lập đã xóa bỏ tập cấp, tuy một số người bảo thủ vẫn cố níu kéo lại. Những nhân vật như M.K. Gandhi và R. Tagore, cùng với những phong trào canh tân như Brahmo Samaj đều cương quyết đấu tranh cho sự bình đẳng, và cho một tình huynh đệ không bất cứ biên giới nào.

Vì thế, để hiểu con đường truyền giáo dựa theo tập cấp của Di Nobili, chúng ta phải đặt mình vào thế kỷ XVI, XVII khi mà bên Tây phương vẫn còn nặng sự phân chia giai cấp, giữa một bên là hàng quý tộc và bên kia là các nông nô. Quả thế khi ấy, đất đai thuộc hết về lãnh địa của các công tước, hầu tước, bá tước, tử tước, nam tước. Dân chúng còn lại trở thành nông nô cho họ, làm cật lực mà chỉ được giữ lại phần nhỏ hoa mầu để tạm sống thôi. Và cũng chỉ hàng quý tộc mới được làm quan trong triều, làm tướng lãnh trong quân đội, làm giám mục hay tu viện trưởng trong tôn giáo. Vâng, khi ấy, cả trong Kytô giáo, người ta cũng chấp nhận sự phân biệt giai cấp như một điều tự nhiên, và chưa ai ý thức gì về quyền được đối xử bình đẳng của mọi người.

Trong thời kỳ mà cả bên Âu lẫn bên Ấn, người ta coi phân biệt giai cấp là điều tự nhiên như thế, Roberto Di Nobili chỉ có ý khai phá một con đường cho những giai cấp cao nói riêng, cho dân Ấn nói chung, có thể tiếp cận Tin mừng, thế thôi. Chính những kẻ chống đối cha, họ cũng không hề chống đối vì chủ trương bình đẳng, mà chỉ vì tưởng lầm việc đeo dây balamona và mang chỏm tóc kudumi, v.v.…là dị đoan. Điều đáng trách nơi họ, là trước khi đem Tin mừng đến một vùng trời xa lạ, họ đã không chịu đi sâu vào ngôn ngữ và văn hóa địa phương, hầu giúp Kytô giáo nhập thể vào văn hóa ấy. Vâng, vì kiêu ngạo, họ chỉ biết ban phát chứ không thèm ngửa tay ăn xin, điều ấy đi ngược với con đường nhập thể trọn vẹn của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Hoành Sơn, S.J.

_______________

[1] Về huyền thoại Con người nguyên sơ trên thế giới và bên Ấn, xin đọc Hoành sơn Hoàng Sĩ Quý, Le mythe de l’Homme cosmique dans son contexte culturel et dans son évolution, trong Revue de l’Histoire des Religions, avril-juin 1969, tr.133-154.

[2] Ấn Độ giáo chia thành Vishnu giáo và Shiva giáo. Bàlamôn giáo là hướng đi tôn giáo truyền thống, đặt nền trên kinh thư cổ điển là các Veda, các Brahmana, các Aranyaka và các Upanishad.

[3] Tamil là ngôn ngữ phổ thông ở miền Nam ngay trước khi người Ârya tới. Có một nền văn học Tamil và một văn minh Tamil.

[4] Bên Tây phương, người ta quen lấy tên một vị thánh mà đặt tên cho con mình, nhưng không luôn như thế. Thánh Gemma chẳng hạn, vì bố mẹ già rồi mới sinh được một mụn con, nên quý như ngọc, và đặt tên Gemma, nghĩa là Ngọc; chứ trước đó, chẳng có thánh nào tên Gemma cả. Sau này, vì các thừa sai quen lấy tên một thánh mà đặt tên Phép rửa trong xứ truyền giáo, nên giáo luật cũ mới theo thói quen ấy mà ấn định làm như vậy, nhưng bên các xứ truyền giáo thôi. Nhưng đây là việc xảy ra sau này. Đến 1972, vì thấy việc đặt tên thánh không tốt cho hội nhập văn hóa, nên thánh bộ Phụng tự đã bãi bỏ.

[5] Xx. Hoành sơn, Một chứng từ của Đttg bề sâu : Henri Le Saux, trong Sống đạo với Phương Đông, tr. 14-24.

(Nguồn: Dòng Tên Việt Nam)