MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Tông thư gửi Giáo hội Trung Quốc đã mang lại kết quả

Lm. Peter Peng Jiandao (*) từ Hàm Đan, Trung Quốc

Tông thư 2007 bén rễ nơi các tín hữu mong muốn hiệp nhất

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ký Tông thư lịch sử gửi Giáo hội Trung Quốc hôm 27-5, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm 2007. Ngài nêu rõ sứ mệnh và lập trường cứng rắn của Giáo hội Công giáo.

Hai năm sau khi tông thư được phát hành, tôi cảm thấy buồn trước sự thờ ơ của các giám mục Trung Quốc và đã viết bài bình luận bày tỏ hối tiếc vì thấy tông thư giống như “một sao băng loé sáng trong nháy mắt”.

Hôm nay, dựa trên quan sát trong những năm gần đây, tôi cảm thấy Tông thư đang mang lại những thay đổi tinh tế cho Giáo hội Trung Quốc.

Trong Tông thư, Đức Giáo hoàng thần học gia nói về tình hình của Giáo Hội theo quan điểm thần học, đặc biệt là việc Giáo Hội tại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vẫn còn bị chia rẽ.

Ngài nhấn mạnh các nguyên tắc Giáo Hội không thể bỏ qua và hy vọng tất cả người Công giáo có thể làm việc chung với nhau vì lợi ích của nhân dân Trung Quốc và thế giới một khi vượt qua những hiểu lầm trong quá khứ.

Sự chia rẽ trong Giáo hội Trung Quốc khiến cho người dân cảm thấy đau buồn nhưng Đức Thánh Cha nói: “Không có người nào trong Giáo Hội là người ngoại quốc, nhưng tất cả đều là công dân cùng một dân tộc, chi thể trong cùng một nhiệm thể Đức Kitô. Giao ước hiệp thông bí tích là Thánh Thể, được bảo đảm qua sứ vụ của các giám mục và linh mục”.

Qua đó, chúng ta có thể hiểu tại sao Đức Thánh Cha công nhận rất nhiều giám mục bất hợp thức. Trước đây, cộng đồng Giáo Hội “bí mật” trung thành hầu như không thể hiểu được các nguyên tắc và chính sách của Toà Thánh, thường cảm thấy họ bị phản bội. Thực ra, Đức Thánh Cha đang chấp nhận sự trở về của người con hoang đàng bằng tấm lòng của người cha.

Tông thư còn thể hiện sự cảm thông sâu sắc của ngài về “những tình huống phức tạp rõ ràng” trong Giáo hội Trung Quốc.

Giữa những hoàn cảnh đó, người Công giáo Trung Quốc, nhất là các giáo sĩ có thể cảm nhận sâu sắc rằng họ thuộc cộng đoàn Giáo Hội hoàn vũ, vốn không một thế lực nào trên thế gian này có thể chia rẽ được.

Sự quan tâm của người cha và giáo huấn nghiêm khắc của Đức Thánh Cha thúc đẩy Giáo hội Trung Quốc tỉnh thức. Mặc dù chúng ta không thể thấy có sự thay đổi lớn lao nào và cuộc sống dường như diễn ra bình thường, nhưng tôi tin rằng sẽ ngày càng ít người thực sự đi theo cơ cấu độc lập khỏi Toà Thánh, như được chứng minh trong các trường hợp sau.

Đức Giám mục John Liu Jinghe của Đường Sơn từ chối tấn phong cho giám mục bất hợp thức của Thừa Đức hồi tháng 11-2010. Đức Giám mục Joseph Li Liangui của Cangzhou (Xianxian) đã hối lỗi sau khi tham dự lễ tấn phong ở Thừa Đức về và thể hiện sự quyết tâm giữ gìn đức tin Công giáo, ngài từ chối tham dự Hội nghị Đại biểu Công giáo toàn quốc, Toà Thánh kêu gọi các giám mục Trung Quốc tránh tham dự hội nghị này, hồi tháng 12-2010.

Đức cha Stephen Yang Xiangtai của Hàm Đan bí mật tấn phong Đức Giám mục phó Joseph Sun Jigen hồi tháng 6-2011 để tránh không cho giám mục bất hợp thức tham dự.

Tháng sau, các linh mục triều thuộc Thẩm Dương (Liêu Ninh) nhóm họp tại toà giám mục để cầu nguyện chung và bảo vệ Đức Giám mục Paul Pei Junmin khỏi bị chính quyền bắt đi dự lễ tấn phong giám mục bất hợp thức.

Các linh mục của Giáo phận Liêu Thành (Yanggu) từ chối đồng tế Thánh lễ với giám mục của họ là Joseph Zhao Fengchang, người đã tham dự một số lễ tấn phong bất hợp thức.

Các linh mục của Giáo phận Hà Trạch gần đó cũng không chấp nhận ngài làm giám quản của họ do các chức sắc Giáo Hội ở Bắc Kinh bổ nhiệm. Cho đến khi vị giám chức không có sự lựa chọn nào khác ngoại trừ xin Toà Thánh tha thứ, các linh mục của Liêu Thánh chỉ đồng tế Thánh lễ Dầu với ngài vào Thứ Năm Tuần Thánh.

Những hành động này là hưởng ứng tốt nhất của giáo sĩ Trung Quốc dành cho tông thư cũng như ý thức bảo vệ hàng giáo phẩm.

Tông thư còn nhấn mạnh sứ vụ giáo huấn và cai quản của giám mục “được Chúa trao ban thông qua ơn Bí tích Truyền Chức Thánh”, nhưng “về bản chất chỉ có thể được thực hiện trong sự hiệp thông phẩm trật với người đứng đầu và các thành viên trong giám mục đoàn”.

Sau khi các Linh mục Paul Lei Shiyin của Lạc Sơn và Joseph Huang Bingzhang của Sán Đầu bất chấp giáo luật nhậm chức giám mục bất hợp thức, Đức Thánh Cha đã ra vạ tuyệt thông cho họ. Quyết định này không những duy trì giá trị của giáo luật mà còn duy trì địa vị kế nhiệm Thánh Phêrô của Đức Thánh Cha.

Các án phạt vạ tuyệt thông này đã ngăn chặn được một số ứng viên có thể được “tự phong giám mục”. Một số giáo phận đã trì hoãn các lễ tấn phong giám mục được lên kế hoạch trước hồi năm ngoái, vì các ứng viên này chưa nhận được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha. Đa số linh mục và giáo dân hy vọng các ứng viên giám mục của họ được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha trước khi được phong chức.

Những dấu hiệu này cho thấy rõ ràng tông thư của Đức Thánh cha Bênêđictô gửi Giáo Hội tại Trung Quốc đã mang lại một số kết quả.

----------------

(*) Linh mục Peter Peng Jiandao thuộc Giáo phận Hàm Đan (Yongnian), tỉnh miền bắc Hà Bắc. Ngài theo học chương trình đào tạo linh mục trong cộng đồng Giáo Hội bí mật trước khi ra hoạt động công khai.

(Nguồn: UCAN)