VATICAN - Sáng 25-6-2012, Bộ Giáo dục Công giáo đã công bố văn kiện mới, tựa đề “Những đường hướng mục vụ ơn gọi linh mục”.
Văn kiện dài khoảng 30 trang, soạn thảo trong vòng 7 năm qua, được ĐTC cho phép công bố ngày 25-3 năm nay và đã được ĐHY Tổng trưởng Zenon Grocholewski, Đức TGM Jean Louis Bruguès, Tổng Thư ký, và Đức ông Phó Tổng Thư ký Vencenzo Zani, giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Toà Thánh.
3 phần của Văn kiện lần lượt trình bày “Việc mục vụ ơn gọi trong thế giới ngày nay” (I); “Ơn gọi và căn tính của chức linh mục thừa tác” (II) và sau cùng là “Các đề nghị cụ thể cho việc mục vụ ơn gọi linh mục” (III).
Tài liệu này chủ yếu nói về tình trạng tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu đang bị khan hiếm ơn gọi linh mục một cách trầm trọng; trong số những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này, có tình trạng giảm sút dân số và cuộc khủng hoảng gia đình, hiện tượng tục hoá, gương mù lạm dụng tính dục do một số linh mục, những ý tưởng sai lầm trong nội bộ Giáo Hội đưa tới sự coi rẻ đoàn sủng và sự chọn lựa độc thân,… Nhiều cha mẹ, với những mong đợi về tương lai của con cái, nên ít quan tâm đến sự kiện con cái có thể được ơn gọi làm linh mục”. Cản trở ơn gọi linh mục, cũng có thể là chính đời sống linh mục bị thu hút vào sự miệt mài làm việc, với hậu quả là bị các hoạt động mục vụ đè bẹp, làm lu mờ và suy yếu kinh nghiệm sáng ngời về linh mục”.
Trong số những đề nghị cụ thể, Văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo nhấn mạnh đến chứng tá vui tươi và trung thành của linh mục trong sứ vụ, đây có thể là một hình ảnh thu hút mạnh mẽ nơi giới trẻ về chức linh mục; ngoài ra có kinh nghiệm về thiện nguyện; học đường như một môi trường quan tâm đến sự huấn luyện con người toàn diện.
Họp báo
Trong cuộc họp báo, 3 vị lãnh đạo của Bộ Giáo dục Công giáo lần lượt giới thiệu nội dung 3 phần của Văn kiện:
1. ĐHY Zenon Grocholewski, người Ba Lan, đã giới thiệu lai lịch văn kiện và nội dung phần thứ I. Ngài cho biết tiến trình soạn Văn kiện đã diễn ra trong 7 năm, qua các Đại hội của Bộ Giáo dục Công giáo. Đại hội năm 2005 với sự tham dự của các hồng y và giám mục thành viên, đã thảo luận về ơn gọi linh mục và yêu cầu đào sâu vấn đề để chuẩn bị một văn kiện về việc cổ vũ ơn gọi linh mục. Đại hội cũng đề ra một số tiêu chuẩn hướng dẫn việc soạn văn kiện, ví dụ:
- Mời gọi toàn thể cộng đoàn Giáo Hội tái ý thức về trách nhiệm giáo dục và mục vụ trong việc cổ vũ ơn gọi linh mục.
- Cống hiến một ý tưởng rõ ràng về hình ảnh chức linh mục thừa tác và sự cần thiết cũng như vai trò của chức linh mục trong Giáo Hội.
- Khuyến khích mọi phần tử của Giáo Hội, đặc biệt là các nhóm, hội đoàn và phong trào, nâng đỡ các sáng kiến và tiến trình ơn gọi.
- Cung cấp những chỉ dẫn và gợi ý hành động rất cụ thể và rõ ràng để việc mục vụ được hữu hiệu.
- Soạn thảo một văn kiện ngắn và xúc tích.
Đường hướng trên đây đã được đào sâu trong Đại hội năm 2008 của Bộ Giáo dục Công giáo, trong khi đó, một cuộc tham khảo sâu rộng được thực hiện nơi các HĐGM, qua một bản câu hỏi được chuẩn bị kỹ lưỡng, với mục đích thu thập các đề nghị cho việc soạn thảo văn kiện. Các bản trả lời từ các nơi gửi về thật phong phú và dồi dào. Đại hội kế tiếp của Bộ đã cứu xét và phê chuẩn văn kiện này và ngày 25-3-2012, nhân kỷ niệm 25 năm Tông huấn “Thầy sẽ ban cho các con những vị mục tử” (Pastores dabo vobis), ĐTC Bênêđictô XVI đã cho phép công bố Văn kiện này.
ĐHY Grocholewski cho biết chìa khoá để đọc Văn kiện “Những đường hướng mục vụ ơn gọi linh mục”, nhất là phần I là “Sự chăm sóc ơn gọi linh mục là một thách đố trường kỳ đối với Giáo Hội”. Điều này có nghĩa là Giáo Hội có nghĩa vụ liên lỉ phải đề nghị, phân định, bảo tồn và thăng tiến ơn gọi linh mục; tiếp đến việc săn sóc ơn gọi linh mục là một thách đố liên lỉ được gửi đến cộng đoàn Giáo Hội. Thực vậy, hoa quả phong phú và dồi dào của Thánh Linh trong lĩnh vực này là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để nhận ra và đo lường sức sinh động của một giáo phận, chất lượng đức tin và chứng tá Tin Mừng của giáo phận ấy, giá trị và đặc tính sâu xa của giáo phận ấy trong sự gắn bó theo Chúa Kitô.
Theo chiều hướng đó, Văn kiện “Đường hướng mục vụ ơn gọi” liên hệ đặc biệt tới các Giáo Hội có truyền truyền kỳ cựu, trong đó sự dửng dưng đối với tôn giáo, cùng với sự yếu kém trong việc làm chứng tá Kitô, khiến cho ơn gọi trở nên khan hiếm và khô cằn. Ví dụ trường hợp của Âu Châu từ nhiều năm nay đang chịu đau khổ nhiều nhất vì thiếu ơn gọi linh mục.
Cũng trong phần thứ I, Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo nêu lên 3 lý do chính cản trở việc mục vụ ơn gọi tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu, đó là:
- Sự giảm sút dân số và cuộc khủng hoảng gia đình làm cho con số các trẻ nam và người trẻ giảm bớt và khiến cho đời sống của họ, kể cả về phương diện đức tin, trở nên khó khăn và họ lo sợ trước một hiện tại bị phân tán và đe doạ, và trước một tương lai bấp bênh.
- Tiếp đến là sự lan tràn não trạng tục hoá và hậu quả là nhiều tín hữu từ bỏ đời sống Kitô. Tình trạng này càng làm cho họ khó thực hiện những chọn lựa quyết liệt và lâu dài trong thời gian, vì một bối cảnh văn hoá duy tương đối hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới sự đào tạo các ơn gọi vững chắc và ổn định hơn.
- Thứ ba là tình cảnh khó khăn trong cuộc sống và sứ vụ của linh mục, phải chịu những biến đổi sâu đậm trong Giáo Hội và xã hội; hiện tượng đó thường làm cho linh mục, một đàng bị gạt ra ngoài lề và không còn quan trọng nữa, và đàng khác người ta có nguy cơ coi sứ vụ linh mục chỉ là một trong bao nhiêu nghề khác mà thôi. Những hiện tượng đó, thật rõ ràng tại nhiều nơi trên thế giới, có thể làm cho một số linh mục nản chí và sa sút tinh thần.
Đứng trước tình trạng ấy, Phần I trong Văn kiện mới của Bộ Giáo dục Công giáo liệt kê những điều kiện cần thiết để ơn gọi tìm được một mảnh đất phì nhiêu trong Giáo Hội và sự cởi mở của người trẻ đối với ơn gọi linh mục. Chẳng hạn:
- Cần kiến tạo một môi trường phong phú cho đời sống Kitô trong cộng đoàn Giáo Hội.
- Vai trò không thể thiếu được của việc cầu nguyện, xin Chủ mùa gặt sai nhiều trợ đến làm việc trong mùa gặt của Ngài.
- Giá trị của việc mục vụ toàn diện, thực thi một sự phối hợp, đồng qui các chương trình và đề nghị giữa các vị hữu trách khác nhau về giáo dục Công giáo.
- Cần có một đà tái truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo, khơi lên nơi người trẻ lòng hăng say mạnh mẽ đối với Tin Mừng.
- Chức năng chủ yếu và không thể thay thế được của gia đình.
- Chứng tá cuộc sống vui tươi của các linh mục, sống phù hợp với niềm tin và ơn gọi của mình.
- Giá trị của trường học và đại học trong đó cần du nhận những cơ hội gặp gỡ và đào sâu ơn gọi Kitô.
2. Đức TGM Jean Louis Bruguès, OP
Phần II của Văn kiện đã được vị Tổng Thư ký Bộ Giáo dục Công giáo là Đức TGM Jean Louis Bruguès, dòng Đa Minh, trình bày, nói về “ơn gọi và căn tính của chức linh mục thừa tác”.
Phần này phê bình xu hướng dần dần biến chức linh mục thành một nghề, như thể đời sống trong sứ vụ linh mục có thể thu hẹp vào một loạt những điều cần phải làm theo khả năng nghề nghiệp chuyên môn. Thêm vào đó có những nguy hiểm thường gặp thấy trong kinh nghiệm đời sống linh mục như thái độ miệt mài làm việc thái quá, xu hướng cá nhân chủ nghĩa ngày càng gia tăng, nhiều khi khép kín linh mục trong sự cô độc tiêu tực và làm cho xuống tinh thần; sự lẫn lộn các vai trò trong Giáo Hội.
Đứng trước những tình trạng như thế, Phần II Văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo đề nghị một số điểm suy tư, chẳng hạn ơn gọi linh mục luôn ở trong lĩnh vực cuộc đối thoại yêu thương giữa Thiên Chúa và con người (n. 5); tiếp đến, đạo lý thần học về ấn tích linh mục (n. 6) đề ra một điều mới mẻ trong đời sống, đòi người được gọi phải đặc biệt chăm sóc quan hệ sinh động và liên lỉ với Chúa Kitô, dành trọn thời gian cần thiết cho Chúa và tiếp tục vun trồng, đào sâu quan hệ ấy mỗi ngày, như thể chạy đến cùng Chúa (x. Pl 3,12-14).
Trong các đoạn số từ 8 đến 10, Văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo nhắc đến một loạt những hệ luận về cách thức khơi dậy, phân định và làm tăng trưởng ơn gọi linh mục. Ví dụ, để huấn luyện về sứ vụ linh mục, cần có một kinh nghiệm sâu xa về đời sống cộng đoàn để tránh những hình thức mới của xu hướng duy giáo sĩ, tập trung mục vụ, những dịch vụ mục vụ bán thời gian hoặc theo nhu cầu cá nhân; cần có một sự hội nhập và trưởng thành đầy đủ về tình cảm, tránh những đề nghị ơn gọi cho những người có nhân cách mong manh; cần có một sự tham gia rộng rãi và ngoan ngoãn đối với bối cảnh Giáo Hội, yêu thương cụ thể đối với giáo phận của mình đồng thời quảng đại cởi mở đối với chiều kích hoàn vũ của sứ vụ.
3. Đức ông Vincenzo Zani
Phần III là phần dài nhất của Văn kiện mang tựa đề “Những đề nghị cho việc mục vụ ơn gọi linh mục” và do Đức ông Vincenzo Zani, Phó Tổng Thư ký Bộ Giáo dục Công giáo trình bày.
Đức ông Zani đã cung cấp một vài con số về tình hình ơn gọi linh mục trong Giáo Hội: tại Âu Châu trong 10 năm qua, số chủng sinh giảm mất gần 6.000 thầy, từ 27.000 trong năm 2000 xuống còn 21.000 trong năm 2010; tại Bắc Mỹ số chủng sinh hầu như đứng yên với 5.500 thầy; tại Nam Mỹ có phần giảm: từ 22.000 trong năm 2006 xuống còn 21.000 trong năm 2010; trong khi đó số chủng sinh tại Á và Phi châu tiếp tục gia tăng: từ 20.000 trong năm 2000 lên 27.000 chủng sinh tại Phi châu; từ 25.000 trong năm 2000 lên 33.000 trong năm 2010 tại Á châu.
Phần III của Văn kiện chứa đựng một loạt những chỉ dẫn cụ thể do các HĐGM được hỏi ý kiến gửi về. Văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thiếu được của việc cầu nguyện cho ơn gọi, đồng thời nhận xét rằng mặc dù có những cơ quan và tổ chức chuyên về ơn gọi linh mục ở cấp hoàn vũ, quốc gia và giáo phận, nhưng các cơ quan này không thể thay thế cho các thành phần khác nhau trong cộng đoàn Kitô: bắt đầu từ gia đình Công giáo vốn được Công đồng Chung Vatican II gọi là “chủng viện đầu tiên” (OT 2): gia đình phải có thể cống hiến những điều kiện thuận lợi cho sự nảy sinh ơn gọi. Điều này có nghĩa là không bao giờ có thể quan niệm việc mục vụ gia đình và mục vụ ơn gọi, cũng như mục vụ giới trẻ và mục vụ học đường, như thể chúng là những lĩnh vực độc lập và xa lạ với nhau.
Văn kiện trình bày một loạt nhận xét về giáo xứ, vai trò của các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và những ngừơui linh hoạt mục vụ giáo xứ.
Đoạn số 15 nhấn mạnh trách nhiệm đặc thù của chủng sinh đối với ơn gọi. Trong thời gian thụ huấn các chủng sinh cũng phải được huấn luyện về khả năng làm chứng tá và đề nghị cho người khác kinh nghiệm của họ trong việc đáp lại ơn gọi.
Văn kiện Toà Thánh đặc biệt đề cao vai trò của các hội đoàn và phong trào của Giáo Hội trong việc khơi dậy và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục. Văn kiện không quên vai trò của các nhóm lễ sinh, tức là những người giúp lễ, trong đề nghị ơn gọi linh mục. Thời gian phục vụ của họ có thể coi như một trường thực hành về sự cầu nguyện và phục vụ Giáo Hội.
Văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo kết luận:
“Môi trường phì nhiêu đối với hạt giống ơn gọi linh mục chính là một cộng đoàn Kitô cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện bằng phụng vụ và làm chứng tá bác ái; Bộ Giáo dục Công giáo khuyến khích toàn thể Giáo Hội, với lòng tín thác, hãy tái đảm trách quyết tâm giáo dục của mình để đón nhận tiếng Chúa gọi đi vào sứ vụ linh mục; tiếng Chúa gọi ngày nay vẫn dồi dào và thích ứng với nhu cầu của Giáo Hội cũng như nhu cầu rao giảng Tin Mừng trên thế giới.
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vaticana)