MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau

Đức hồng y Fernando Filoni
WHĐ (27.06.2012) – Mới đây, Đức hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc, đã dành cho nguyệt san 30 Giorni một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài đề cập đến một số vấn đề quan trọng và tế nhị trong đời sống Giáo Hội.

Trong giai đoạn Đặng Tiểu Bình chủ trương chính sách mở cửa cho Trung Quốc, Đức hồng y Filoni là sứ thần Tòa Thánh tại Hồng Kông; vì thế từ lâu ngài đã biết đến tình hình Giáo Hội tại Trung Quốc. Được hỏi về tình trạng chia rẽ của người công giáo tại Trung Hoa lục địa, ngài nói: “Sự chia rẽ không phát xuất từ cách làm việc của Giáo Hội nhưng từ những hoàn cảnh lịch sử và chính trị. Đó là một hoàn cảnh nhiều khó khăn và đau khổ. Cần phải giúp đỡ Giáo Hội tại Trung Quốc, cả Giáo Hội được gọi là hầm trú và Giáo Hội được đặt tên không đúng là Giáo Hội yêu nước. Cả hai cộng đoàn giáo hội này cần hiệp nhất lại trong Chúa Kitô”.

Sau đó, Đức hồng y nói đến vấn đề tế nhị là việc bổ nhiệm giám mục: “Người ta phải từ bỏ cách nhìn giám mục như những quan chức nhà nước. Nếu không vượt lên trên não trạng đó, thì mọi sự đều bị điều kiện hóa do nhãn quan chính trị. Để chọn một người làm đảng viên hay viên chức nhà nước, người ta có một số tiêu chuẩn. Việc chọn giám mục dựa vào những tiêu chuẩn khác. Và sự khác biệt này cần được tôn trọng. Vì thế không chỉ ở Trung Quốc nhưng ở mọi nơi, điều chúng tôi yêu cầu là các giám mục phải là giám mục tốt, xứng đáng với nhiệm vụ được trao phó”. Rồi ngài nói thêm: “Theo lẽ tự nhiên, các giám mục cũng là những công dân trong đất nước của họ và như thế, họ phải trung thành với đất nước, trả cho Cesar cái gì của Cesar. Là những người kế vị các tông đồ, các giám mục được đòi hỏi phải hoàn toàn trung thành với giáo huấn của Giáo Hội. Đây không phải một “mệnh lệnh” từ Đức giáo hoàng. Chính các tín hữu là những người đầu tiên đòi hỏi điều đó. Và vào cuối cuộc đời này, chính các tín hữu sẽ xét xử về sự thích đáng và phẩm chất các giám mục của họ”.

Ngài cũng nhấn mạnh sự hiệp thông trong Giáo Hội: “Giáo Hội là nơi của hiệp thông. Các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân cần giúp đỡ Tòa Thánh trong mối quan hệ với các thực thể dân sự và chính trị, bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn lượng giá. Điều duy nhất không được làm là gây chia rẽ giữa Đấng kế vị thánh Phêrô – cũng như những cộng tác viên của ngài – với các giám mục, cũng như giữa các giám mục với Dân Chúa”.

Đức hồng y Fernando Filoni cũng từng là sứ thần Tòa Thánh tại Iraq thời Saddam Hussein. Người ta còn nhắc lại sự kiện, khi đại sứ các nước, kể cả nhân viên Liên hợp quốc và nhiều phóng viên, đều lên đường rời Iraq vì lý do an ninh, thì Đức hồng y Filoni vẫn ở lại vì ngài nói không thể bỏ rơi cộng đoàn công giáo cũng như nhiều người dân Iraq đang phải chịu đau khổ: “Nếu mục tử bỏ chạy trong lúc khó khăn, thì đoàn chiên tuyệt vọng”.

Khi được hỏi về cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, dù không ủng hộ Saddam Hussein nhưng ngài cho biết: “Đó là cuộc chiến sai lầm. Dân chủ không thể đến từ chiến tranh. Vào lúc đó, đã có những điều kiện thuận lợi cho việc thương thảo. Saddam cũng nói với tôi rằng ông mong muốn điều đó. Thế nhưng đối với những người lãnh đạo, cách riêng trong thế giới Ả Rập, nếu bạn muốn thương thảo với họ thì bạn phải bảo đảm là bạn không nhục mạ họ. Người ta đã không hiểu được điều đó. Các Kitô hữu và những người khác đã phải chịu nhiều bất công dưới chế độ Saddam, nhưng để duy trì hòa bình trong đất nước, ít nhất họ cũng đã bảo vệ quyền tự do thờ phượng của người dân. Cũng không thể biện minh cho cụộc chiến đó từ quan điểm công lý quốc tế và chính trị vì Iraq không can thiệp gì vào vụ việc 11 tháng 9. Còn vấn đề về vũ khí hủy diệt hằng loạt chỉ là lý cớ viện dẫn thôi.”

(Nguồn: WHĐ)