MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Công đồng Chung Vatican II là biến cố rộng mở cho Thánh Kinh

Một số nhận định của Đức Hồng y Albert Vanhoye

Cách đây 50 năm ngày 11-10-1962, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã chủ sự Thánh lễ trọng thể khai mạc Công đồng Chung Vatican II tại Đền thờ Thánh Phêrô. Sau khi Đức Gioan XXIII qua đời, Đức Phaolô VI đã tiếp tục công viêc và chủ tế Thánh lễ kết thúc Công Đồng ngày 7-12-1965.

Đã có 2.540 Nghị phụ tham dự Công Đồng, trong đó có 1.041 vị Âu châu, 956 vị Mỹ châu, 30 vị Á châu, 379 vị Phi châu. Công Đồng đã công bố 4 Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”; về tương quan giữa Giáo Hội và thế giới “Gaudium et Spes”; về Mạc khải “Dei Verbum”; về Phụng vụ “Sacrosanctum Concilium”. Bên cạnh đó là 9 Sắc lệnh: về các Giám mục “Christus Dominus”; về Đời sống Tu trì “Perfectae Caritatis”; về việc Đào tạo các Linh mục “Optatam Totius”; về các Giáo hội Công giáo Đông phương “Orientalium Ecclesiarum”; về Đại kết “Unitatis Redintegratio”; về việc Tông đồ Giáo dân “Apostolicam Actuositatem”; về việc Truyền giáo “Ad Gentes”; về Đời sống Linh mục “Presbyterorum Ordinis”; về Truyền thông Xã hội “Inter Mirifica”. Sau cùng là 3 Tuyên ngôn về Giáo Hội và các anh chị em không Kitô “Nostra Aetate”; về Tự do Tôn giáo “Dignitatis Humanae”; và về việc Giáo dục Kitô “Gravissimum Educationis”.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng y Albert Vanhoye, chuyên viên chú giải Thánh Kinh Tân Ước, về một vài kỷ niệm liên quan tới biến cố này. Đức Hồng y Vanhoye đã không phải là người trực tiếp tham dự Công Đồng, nhưng đã sống các năm họp Công Đồng như là chứng nhân.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y Vanhoye, thời khai khai mạc Công đồng Chung Vatican II cách đây 50 năm, tuy không phải là chuyên viên trực tiếp tham dự, nhưng chắc chắn Đức Hồng Y đã có nhiều kỷ niệm liên quan tới biến cố này?

Đáp: Vâng, như là các chuyên viên Kinh Thánh, chúng tôi đã chỉ có một âu lo duy nhất: đó là làm sao để cho Công Đồng được thành công. Trong một nghĩa nào đó, tôi đã sống trong “trận bão” của Công Đồng, bởi vì năm 1963 tôi phải đảm nhận chức giáo sư Thánh Kinh Tân Ước thay thế Cha Stanislao Lyonnet, bị cách chức không được dạy học nữa. Trong quyết định cách chức cha có sự đồng ý của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Cha Giovan Battista Janssens, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên. Đó là các năm xảy ra cuộc tranh luận gay go với Đại học Giáo hoàng Laterano, và đặc biệt là với Đức ông Antonio Piolanti: họ tố cáo chúng tôi tại Học viện Thánh Kinh Rôma, cách riêng Cha Lynonnet, là đã không giảng dậy đạo lý đúng đắn trong lĩnh vực Thánh Kinh, và chắc hẳn là họ khó chịu vì sự kiện Học viện Thánh Kinh nổi tiếng và độc quyền trong lĩnh vực Thánh Kinh hồi đó.

Hỏi: Việc loại bỏ Cha Lyonnet khỏi ghế dạy Thánh Kinh Tân Ước tại Học viện Thánh Kinh có khiến cho Cha Lyonnet đau khổ không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Người anh em của tôi có bản chất lạc quan; cha đã xác tín rằng Công đồng Chung sẽ mở ra các con đường mới. Tôi vẫn còn nhớ mãi điều cha nói: “Mà, Đức Thánh Cha có biết bao nhiêu chuyện phải lo lắng với Công Đồng! Đối với tôi thì đây sẽ là dịp để nói về Công Đồng với các giám mục, chứ không phải với các sinh viên của Học viện”. Tuy Cha Lyonnet không phải là chuyên viên tham dự Công đồng Chung Vatican II, nhưng ngài thường được các Nghị phụ tham khảo ý kiến, đặc biệt là các nghị phụ người Pháp. Và cha đã sống các năm này trong tinh thần phục vụ rất cao.

Hỏi: Các lược đồ do Uỷ ban chuẩn bị cũng như các công việc của phân bộ một của Toà Thánh đã không báo trước một Công Đồng tạo ra một sự thay đổi trong Giáo Hội, có đúng thế không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, đúng như vậy. Thánh Bộ đã chuẩn bị các lược đồ và tất cả xem ra đã sẵn sàng, đã được chế tạo và gói sẵn. Thế rồi bài phát biểu của Đức Hồng y Achille Lienart đã trấn an các nghị phụ, và từ đó trở đi bầu khí đã thực sự thay đổi: các lược đồ của Thánh Bộ dọn sẵn đã không được chấp thuận, và từ đó nảy sinh ra một cuộc cách mạng trao ban cho Công Đồng một khởi đầu mới. Theo tôi, đã xảy ra cuộc “đụng độ” đích thực giữa các vị chủ trương canh tân và các vị mang tiếng là bảo thủ, trong phiên họp thứ nhất của Công Đồng liên quan tới đề tài các đặc sủng. Một đàng có thuyết của Đức Hồng Yy Siri, cho rằng các ơn đặc sủng hiếm có trong Giáo Hội; đàng khác Đức Hồng y Leon Joseph Suenens, Tổng Giám mục Bruxelles, trái lại, cho rằng các đặc sủng là các ơn rất thường xảy ra trong Giáo Hội; chẳng hạn như đặc sủng thực thi bác ái đối với các bệnh nhân hay trong việc giảng dạy giáo lý. Nỗi lo lắng lớn của các nghị phụ đã là sự kiện Giáo Hội phải canh chừng việc sử dụng đúng đắn các đặc sủng. Tôi nhớ là các cuộc thảo luận đã rất là gay cấn, và dưa ra ánh sáng các kiểu giải thích Kinh Thánh khác biệt nhau rất lớn giữa hai khuynh hướng.

Hỏi: Trong các năm đó, Cha Henri de Lubac cũng đã trọ tại Học viện Thánh Kinh Rôma. Đức Hồng Y đã có kỷ niệm gì về người?

Đáp: Tôi nhớ Cha De Lubac là một người đặc biệt ngoại thường và có đức tin rất mạnh mẽ. Tôi nhớ tới biết bao nhiêu bữa ăn trưa trong nhà ăn của Học viện Thánh Kinh, Cha De Lubac nói chuyện lâu với Cha Lyonnet, là bạn học của nhau ở Fourvière. Nhưng khác với Cha Lynonnet, Cha de Lubac rất kín đáo liên quan tới công việc của Công Đồng, rất ít kể chuyện và luôn lo lắng cho sự thành công của Công Đồng: tôi nghĩ là cha lo sợ Công Đồng bị phản bội, không đáp ứng được sự chờ mong của Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI. Tính tình của ngài đôi khi cũng bi quan.

Hỏi: Nhưng mà đối với Học viện Thánh Kinh Rôma sự hiện diện của Đức Hồng y Agostino Bea đã có ý nghĩa nào?

Đáp: Đức Hồng y Bea đã là giáo sư của tôi tại Học viện Thánh Kinh, và tôi phải nói rằng các tu sĩ Dòng Tên chúng tôi đã rất hài lòng và hãnh diện vì vị cựu Viện trưởng của chúng tôi có vai trò quan trọng như thế trong Công đồng Chung, và vì dấu vết người để lại trên các tài liệu như Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate, và Sắc lệnh về Đối thoại Đại kết “De Oecumenismo”. Theo tôi Đức Hồng y Bea đã là người được chuẩn bị cho vai trò đại sứ của sự hiệp nhất các tín hữu Kitô và đối thoại với tín hữu Do Thái, từ chính lịch sử cá nhân của người. Thật thế, người sinh ra gần vùng Blumberg thuộc bang Baden Wuertemberg, là vùng đất của Đức nơi cũng có tín hữu Tin Lành và tín hữu Do Thái sinh sống. Người quả thật đã là con người của sự đối thoại.

Hỏi: Cũng trong cùng thời gian ấy Đức Hồng Y đã quen biết Đức Hồng y Carlo Maria Martini. Đức Hồng Y nhớ gì về các kỷ niệm thời đó?

Đáp: Cả hai chúng tôi đều là chuyên viên Kinh Thánh, trong một nghĩa nào đó là những người bắt đầu vào nghề. Chúng tôi đã cùng sống các năm của Công Đồng với cùng sự rúng động, các chờ mong và niềm hy vọng là biến cố công đồng đem lại một làn gió mới trong Giáo Hội. Ngoài ra, tôi lại là giáo sư của người, vì Cha Martini còn thiếu tư cách pháp năng để là giáo sư dạy Thánh Kinh, nên trong một nghĩa nào đó, Cha đã kết thúc tiến trình tập sự là chuyên viên Kinh Thánh với tôi: tôi đã tha cho Cha Martini không phải theo các lớp học, bởi vì Cha đã biết hết mọi sự. Và tôi đã chỉ xin cha viết một bài phê bình văn bản thôi.

Hỏi: Đối với Đức Hồng Y và các chuyên viên chú giải Kinh Thánh, một tài liệu như Hiến chế Tín lý về Lời Chúa Dei Verbum có ý nghĩa gì?

Đáp: Tôi xin phép xác định ngay một khía cạnh. Hiến chế Dei Verbum bị coi lầm như là một tài liệu về Lời Chúa, trong khi trái lại, nó liên quan tới việc mạc khải. Nhất là văn bản đã minh nhiên rằng Mặc Khải không chỉ bao gồm Thánh Kinh, mà cũng bao gồm cả việc thông truyền đức tin của Giáo Hội trong Mầu nhiệm Chúa Kitô nữa. Các chuyên viên chú giải Kinh Thánh đánh giá rất cao sự kiện Công Đồng tiếp nhận điều Đức Giáo hoàng Pio XII đã trình bày trong Thông điệp “Divino Afflante spiritu”, mà Đức Hồng Y tương lai Bea đã cộng tác vào việc soạn thảo, khi nhấn mạnh đến các văn thể. Việc nhấn mạnh ấy đã diễn tả một khúc rẽ đối với thế giới các nhà chú giải Kinh Thánh, bởi vì nó đã cống hiến cho họ một dụng cụ khác nữa giúp hiểu văn bản Kinh Thánh. Qua phương pháp đó, chuyên viên Thánh Kinh giải thích một văn bản với sự chính xác, nhưng có thể quy chiếu các văn thể để giúp hiểu ý nghĩa Lời Chúa một cách rõ ràng hơn, bằng cách lồng khung nó vào trong bối cảnh.

Hỏi: Như thế, Hiến chế Dei Verbum là một tài liệu có tầm quan trọng chính yếu, có đúng thế không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, đúng thế. Hiến chế này tuyên bố một cách rất rõ ràng rằng việc chú giải Kinh Thánh không trọn vẹn, nếu không chú ý tới toàn Mạc Khải, nếu không đọc và giải thích văn bản trong sự hiệp nhất với đức tin của Giáo Hội. Việc xác định này đã cho phép nhấn mạnh rằng các văn bản Thánh Kinh không phải là các tài liệu lịch sử trung lập, nhưng là các văn bản mang trong mình một sự Mạc Khải của Thiên Chúa, và vì thế, chỉ nghiên cứu chúng như là các tài liệu của thời xa xưa không thôi thì không đủ. Đây là một bài học và là một lời cảnh cáo rất thời sự đối với tất cả các nhà chú giải Kinh Thánh như chúng tôi.

Hỏi: Như thế đối với các chuyên viên Kinh Thánh, các tài liệu của Công Đồng, đặc biệt là Hiến chế Dei Verbum, đã là một sang trang của phương pháp làm việc, có phải vậy không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Không thể nói tới việc sang trang. Đây đã chỉ là một xác nhận tầm quan trọng mà các nhà chú giải đã trình bày trong các nghiên cứu của họ liên quan tới phương pháp phê bình lịch sử và việc dùng các văn thể: tất cả những điều này đã cho phép nới rộng cái nhìn và chân trời nghiên cứu. Nó cũng cho phép các nhà chú giải Công giáo giải thích Thánh Kinh một cách sâu xa, cặn kẽ và đầy đủ hơn. Nhưng bài học và đặc biệt là gợi ý đó là cần đi xa hơn các kết quả của phương pháp phê bình lịch sử và đào sâu ý nghĩa tôn giáo của văn bản. Nó là một lời mời gọi không chỉ dừng lại trên các bối cảnh lịch sử và văn thể, trong đó một văn bản đã được biên soạn. Tôi tin rằng đây là di sản lớn nhất của Hiến chế Dei Verbum đối với các chuyên viên chú giải Kinh Thánh. Đây là điều đã được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nêu bật một cách mạnh mẽ.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã sống việc kết thúc Công đồng Chung như thế nào?

Đáp: Xem ra đã là việc kết thúc một biến cố rất phong phú. Công Đồng đã không thể được điễn tả trong tất cả mọi chuyện, nhưng đã cống hiến cho chúng ta các tài liệu soi sáng, sâu sắc, và kích thích. Điều mà tôi chờ mong đó là các tài liệu công đồng không chỉ được học hỏi nghiên cứu, mà cũng còn được sống nữa. Tôi xin gợi ý là việc giải thích Thánh Kinh cũng nên quy chiếu các tài liệu của Công Đồng. 50 năm sau ngày khai mở Công Đồng, gia tài của Công Đồng chính là ở đây. Đây là một hướng đi được bảo đảm bởi uy tín của Công Đồng, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sau nửa thế kỷ, chúng ta có thể trông thấy các hạn hẹp cũng như sự cao cả của biến cố quan phòng ấy đối với cuộc sống của Giáo Hội.

(Avvenire 12-6-2012)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)