MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Người giáo dân Công Giáo dưới cái nhìn của một giáo dân Mỹ

J. Brian Benestad đậu tiến sĩ tại Boston College, MA, và đậu thạc sĩ thần học tại Gregorian University ở Rome. Đề tài giảng dạy và nghiên cứu của ông khá rộng, bao gồm thần học luân lý, tư tưởng xã hội Công Giáo, Thánh Augustinô, Thánh Tôma Aquinô, tiểu thuyết gia Ý Alessandro Manzoni và các trước tác của Joseph Ratzinger và Avery Dulles. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng mà gần đây nhất là cuốn “Church, State, and Society: An Introduction to Catholic Social Doctrine” do Catholic University of America Press xuất bản năm 2011.

Trên trang mạng của Viện Faith and Reason (www.frinstitute.org) mới đây, ông có viết một bài về “Người Giáo Dân Công Giáo và Nước Mỹ”, đề cập tới sứ mạng chủ yếu của giáo dân và đưa ra một số trở ngại chính khiến cho sứ mạng ấy không chu toàn được.

Sứ mạng giáo dân

Banestad cho rằng nền thần học về giáo dân của Công Đồng Vatican II, của Bộ Giáo Luật và của Đức Gioan Phaolô II vừa có tính linh hứng vừa có tính thách thức. Nhưng chính Bộ Giáo Luật đã nhận diện một cách ngắn gọn nhất hàng ngũ giáo dân và giải thích rõ vai trò của họ trong Giáo Hội. Giáo dân Kitô Giáo là những người được sáp nhập vào Chúa Kitô và Giáo Hội nhờ Phép Rửa, và do đó, tham dự vào ba chức vụ (munus) tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Họ có nhiệm vụ sống cuộc sống thánh thiện, phát huy sự lớn mạnh của Giáo Hội trong đường thánh thiện và làm việc để truyền bá sứ điệp cứu rỗi của Chúa ra khắp thế gian. Thêm vào đó, giáo dân cũng có quyền và bổn phận phải lưu ý hàng giáo phẩm về các vấn đề liên quan tới việc cứu rỗi các linh hồn. Dựa theo Hiến Chế Lumen Gentium, Bộ Giáo Luật này cho hay:

“Tùy theo kiến thức, chuyên môn và tài ba của mình, người giáo dân có quyền, và đôi khi cả bổn phận, bày tỏ cho các chủ chăn có chức thánh biết ý kiến của mình liên quan tới lợi ích của Giáo Hội. Họ cũng có quyền biểu lộ ý kiến của mình cho các tín hữu khác, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, cũng như sự tôn kính đối với các chủ chăn, và để ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân”.
(Giáo Luật, điều 212).

Nhiệm vụ chính thứ hai của họ là dậy men trong thế gian bằng cách phục vụ công bình xã hội và “dùng chính tài nguyên của mình trợ giúp người nghèo”. Một cách tổng quát hơn, Giáo Luật viết “Tùy theo điều kiện riêng của từng người, các giáo dân cũng có bổn phận riêng phải thấm nhập và kiện toàn trật tự trần thế với tinh thần Phúc Âm; và như vậy, họ làm chứng cho Chúa Kitô, đặc biệt khi điều hành các sự việc thế trần cũng như lúc thi hành các chức vụ trần đời” (Điều 225).

Một phần trong nhiệm vụ theo đuổi đời sống thánh thiện và kiện toàn trật tự trần thế của họ là người giáo dân có gia đình phải có bổn phận đối với gia đình mình. “Những ai sống trong bậc vợ chồng theo ơn gọi riêng, thì có bổn phận đặc biệt phải cố gắng xây dựng dân Chúa qua hôn nhân và gia đình. Các cha mẹ, vì truyền thụ sự sống cho con cái nên có nghĩa vụ rất nghiêm trọng và quyền lợi giáo dục chúng. Vì thế, trách nhiệm đầu tiên của các cha mẹ Kitô giáo là lo bảo đảm sự giáo dục Kitô giáo cho con cái hợp với giáo huấn Giáo Hội” (Điều 226). Điều sau hết sức quan yếu đối với việc theo đuổi đời sống thánh thiện và sự kiện toàn trật tự trần thế.

Hiến Chế Lumen Gentium của Vatican II đề cập chi tiết hơn tới vai trò của giáo dân trong trần gian. Bản văn đáng lưu ý là câu này “Bằng cố gắng chung, giáo dân hãy điều chỉnh các phong tục và điều kiện của trần gian, khi phong hóa là dịp khiến người ta phạm tội, để họ luôn khích lệ việc thực hành đức hạnh chứ không ngăn cản nó”. Hiệu quả của cố gắng này là phải làm cho nền văn hóa cũng như các hoạt động nhân bản thấm nhuần luân lý, phải “chuẩn bị cánh đồng thế giới đón nhận hạt giống Lời Chúa”. Nói cách khác, giáo dân phải cố gắng cải thiện phong hóa trong mọi phạm vi của đời sống chính trị, xã hội và kinh tế. Nếu họ thành công, người ta sẽ dễ dàng thực hành đức hạnh hơn trong đời sống hàng ngày của mình và sẵn sàng hơn để đời sống mình được Lời Chúa biến đổi. Nói cách khác, người ta dễ đạt tới thánh thiện hơn trong một chế độ tốt.

Một đoạn khác của Hiến Chế Lumen Gentium cho rằng giáo dân làm cho Chúa Kitô được người khác biết đến, nhờ biết sống đức tin, đức cậy và đức mến của mình. Rồi Hiến Chế viết tiếp: “Giáo dân liên hệ mật thiết với công việc trần thế đủ loại. Nên họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ” (Lumen gentium, 31).

Còn Đức Gioan Phaolô II, trong Christifideles Laici, đã đề cập tới việc đổi mới trật tự trần gian một cách cụ thể, để phần lớn người Công Giáo hiểu rõ Giáo Hội muốn dạy người giáo dân điều gì trong ơn gọi đặc biệt của họ. Ngài viết “Tình bác ái với người lân cận, qua các hình thức hiện đại của việc thương người về phần hồn và phần xác, là những cách tức khắc nhất, bình thường và thông thường nhất dẫn tới việc lên linh hồn Kitô Giáo cho trật tự trần gian, vốn là nhiệm vụ chuyên biệt của người giáo dân” (số 41). Việc đó ít phức tạp hơn việc nghĩ cách giải quyết cơn khủng hoảng lạm dụng bảo hiểm, cải tổ giới luật pháp, tái lập căn tính Công Giáo cho các đại học Công Giáo, áp dụng nguyên lý chiến tranh chính nghĩa vào cuộc chiến ở Iraq nhiều.

Các trở ngại

Ngay từ năm 1988, Đức Gioan Paholô II đã ý thức được rằng người giáo dân gặp nhiều trở ngại trong việc chu toàn sứ mạng của mình. Trong Christifideles Laici, ngài đặc biệt nhắc tới 2 cơn cám dỗ mà người giáo dân rất dễ sa vào: “Cơn cám dỗ quá quan tâm tới các dịch vụ và trách vụ của Giáo Hội đến nỗi một số người quên khuấy việc phải tích cực dấn thân đối với các trách nhiệm của họ trong phạm vi chuyên nghiệp, xã hội, văn hóa và chính trị của mình; và cơn cám dỗ muốn hợp pháp hóa việc tách biệt đức tin một cách bất chính ra khỏi đời sống, nghĩa là tách biệt việc thừa nhận Tin Mừng ra khỏi việc thực sự sống Tin Mừng ấy trong các hoàn cảnh khác nhau của trần thế” (Số 2).

Ít ai chối cãi rằng khá nhiều giáo dân sa vào các cơn cám dỗ trên và họ cần phải hối hận về việc đó. Có điều, theo Tiến sĩ Benestad, thay vì giúp giáo dân chống lại cơn cám dỗ đầu, nhiều mục tử còn hướng dẫn và khích lệ họ trở nên tích cực hơn nữa trong một số thừa tác vụ của Giáo Hội, được coi như phương cách đáng ca ngợi và đầy đặc ân để sống đạo một cách hoàn hảo hơn. Mà thừa tác vụ ngày nay mọc ra như nấm, cái gì cũng được coi là thừa tác vụ cả. Tỷ dụ tại giáo xứ chính tòa Scranton, PA, vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 2011 chẳng hạn, đức ông chánh xứ coi việc làm của 12 ông đóng vai tông đồ là thừa tác vụ! Ít có bài giảng lễ nào giải thích cho giáo dân hiểu thế nào là đổi mới trật tự trần thế. Phần lớn chỉ lo giải thích phương cách tham gia vào các thừa tác vụ giáo dân. Trách nhiệm lên men giữa trần gian dường như bị quên lãng khiến cho giới trẻ ngày nay gần như mù tịt.

Tất nhiên, hiện đang có nhiều cá nhân và nhóm hăng say dấn thân vào đời. Trong một bài báo gần đây, Mary Ann Glendon có nhắc tới Nhóm Hiệp Thông và Giải Phóng, Cộng Đồng St. Egidio, Focolare, Đường Tân Dự Tòng, Opus Dei và Regnum Christi. Nhiều cá nhân khác đang âm thầm dùng đời sống mình ảnh hưởng tới người khác. Tuy nhiên, người ta không khỏi nhận thấy rằng phần lớn người Công Giáo không ý thức được các cơ hội dậy men giữa trần gian. Vị hiệu trưởng một trường tiểu học Công Giáo gần đây có cho bà Banestad, đương kim Giám Đốc Ngành Giáo Dục Tôn Giáo của Giáo Phận Scranton hay: thuê một giáo viên Công Giáo hơn thuê một giáo viên không Công Giáo là kỳ thị. Vị hiệu trưởng này còn cho hay thêm: cũng là kỳ thị khi yêu cầu một giáo viên không Công Giáo tôn trọng sứ mạng của học đường Công Giáo. Nhiều vị hiệu trưởng khác cũng cho rằng với sự vắng bóng các nữ tu tại trường học, người giáo dân khó có hy vọng cổ vũ Đạo Công Giáo cách hữu hiệu được.

Ở cao điểm cơn khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo, nhiều giáo dân muốn được leo cao hơn để có thể tham dự vào việc quản trị Giáo Hội, để có thể sửa chữa lại các lỗi lầm của hàng giáo phẩm vì đã không đóng đúng vai trò chăn chiên của mình. Tiếng Nói Giáo Dân đưa ra tuyên bố sứ mạng sau đây: “cung cấp tiếng nói biết lắng nghe Thần Khí, nhờ đó, Người Giáo Dân có thể tích cực tham dự vào việc quản trị và hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo”. Điều đáng lưu ý là trong công bố sứ mạng ấy, không thấy nhắc gì tới vai trò của giáo dân trong việc dậy men thế giới.

Việc tách rời đức tin khỏi đời sống là một cơn cám dỗ mà rất nhiều người đã sa vào trong nguyên tắc. Một trong các thần học gia hàng đầu của Hoa Kỳ là Avery Dulles cho rằng nhiều người Mỹ coi tôn giáo như việc riêng. Ngài viết: “Bất cứ cố gắng nào của Giáo Hội nhằm cho người ta thấy điều gì được phép, điều gì được đòi hỏi hay ngăn cấm về phương diện luân lý theo luật của Chúa trong các lãnh vực chính trị, y khoa, kinh doanh hay đời sống gia đình đều bị ghét bỏ như là xâm phạm vào lãnh thổ lạ… Bất cứ ai coi tôn giáo như yếu tố điều hướng các sinh hoạt thế tục đều có cơ bị coi là cuồng tín. Các bậc thầy, các nhà kinh doanh, chính trị gia hay quan tòa nào để cho tôn giáo ảnh hưởng một cách đáng kể đến hoạt động chuyên nghiệp của mình đều bị coi là điên khùng”.

Ngay từ năm 1983, tại một cuộc hội thảo tại Đại Học Virginia về đạo đức sinh học do các nhà đạo đức học tôn giáo tổ chức, người ta đã thấy thần học bị loại khỏi hiện trường. Người lãnh đạo cuộc hội thảo cũng như các tham dự viên, bất luận là thần học gia hay triết gia, thẩy đều nói cùng một ngôn ngữ và ngôn ngữ đó không có chút gì gọi là thần học cả. Chính nhà đạo đức sinh học có cái nhìn thông sáng nhất nước Mỹ là Leon Kass cũng đã lưu ý tới sự nghèo nàn về suy tư thần học nơi các thần học gia về các vấn đề đạo đức sinh học: “Phần lớn các nhà đạo đức học tôn giáo, khi công khai bước vào việc hành nghề đạo đức, đều để các hiểu biết chuyên môn về tôn giáo của họ ở ngoài cửa, để chỉ nói đến các chủ đề như ‘nghĩa vụ học ngược với chủ nghĩa duy hiệu quả’, ‘tự lập ngược với chủ nghĩa cha chú’, ‘công lý ngược với hữu dụng’ như bất cứ ai khác”. Kass ghi nhận thêm rằng: trong phạm vi này, chủ nghĩa vô tôn giáo chính dòng luôn coi các hiểu biết thần học là hoàn toàn có tính cục bộ hay bè phái. Nên, để có thể tham gia vào trò chơi và được coi trọng, các nhà đạo đức học tôn giáo kết luận rằng họ chỉ nên sử dụng thứ ngôn ngữ và quan niệm triết học hiện hành.

Có nhiều nguyên nhân gây ra việcn tách biệt đức tin ra khỏi cuộc sống. Nguyên nhân hiển nhiên nhất được Dulles và Kass đưa ra là thèm khát được chấp nhận và có ảnh hưởng trong thế giới làm việc. Người trong giới kinh doanh và chuyên nghiệp, trong đó có cả các phân khoa cao đẳng Công Giáo, các thầy giáo và các hiệu trưởng các trường Công Giáo và các nhân viên tại các văn phòng giáo phận, không muốn bị coi là phe phái và đi trệch ra ngoài lề thói thông thường. Có một giám đốc giáo dục tôn giáo của một giáo phận kia còn hạch hỏi giám đốc giáo dục tôn giáo của Giáo Phận Scranton rằng tại sao bà lại can dự vào việc tổ chức một hội nghị về phò sự sống. Ông ta bảo: “Trong giáo phận tôi, công việc phò sự sống chỉ là việc của văn phòng phò sự sống mà thôi” như thể việc đấu tranh chống văn hóa sự chết không phải là việc của giáo dục tôn giáo. Dù sao, rõ ràng ông ta không muốn tỏ ra “quá lộ liễu” trong việc can dự vào các cố gắng phò sự sống của Giáo Hội.

Nguyên nhân của việc tách đức tin ra khỏi đời sống

Vấn đề được nêu ra ở đây là tại sao rất ít người Công Giáo chống lại chủ trương coi đức tin chỉ là việc tư. Theo Benestad, có thể có hai lý do, một nội một ngoại. Trước nhất, các vị giám mục, các linh mục, các nhà lãnh đạo giáo lý và các trường Công Giáo, cả tiểu học lẫn trung học, đều chưa làm đủ để đào tạo giới trẻ trong các điều căn bản của đức tin. Vốn chỉ được giáo huấn phiến diện, chính các cha mẹ cũng không đủ khả năng đem lại cho con cái mình một nền đào tạo tươm tất và vững chãi về đức tin. Hiện nay, hầu hết các sinh viên Công Giáo không nắm vững ý nghĩa của các thuật ngữ quan trọng như Nhập Thể, Cứu Chuộc, Hiện Xuống và đức hạnh. Rất ít người nhận ra rằng trong Kinh Lạy Cha, có nhiều lời khẩn nguyện. Với một nền đào tạo nghèo nàn như thế về đức tin, làm sao phần đông người Công Giáo ý thức được việc tách đức tin ra khỏi đời sống?

Thứ hai, việc giảng dạy và đào tạo đức tin tại các đại học Công Giáo có thể thành công ở một số định chế, nhưng ở phần lớn các định chế khác, chúng rất yếu ớt, có khi vắng bóng, và trong một số trường hợp, còn có tính phá hoại nữa. Một chương trình do ban giám đốc Boston College hướng dẫn đã trình bày cho các sinh viên của họ nhiều thông tin sai lạc về đạo đức tính dục. Tháng trước, Tim Deely có viết trên tờ The Heights, tờ báo của sinh viên trường này, một bài chỉ trích chương trình BC SAFE dành cho các sinh viên cử nhân. Theo ông, nền luân lý tính dục trong BC SAFE chỉ nhai lại các chủ trương của xã hội thế tục. Vì nó cho rằng “ưng thuận” là nguyên tắc duy nhất của luân lý tính dục, mọi sinh hoạt tính dục đều tùy thuộc nguyên tắc này; không thấy chương trình này nói chi tới các ý niệm như trong sạch, tự chế, tầm quan trọng của hôn nhân, hay một cái hiểu đầy đủ hơn về tính dục con người. Không một lời nào đề cập tới sự vô luân của việc làm tình tiền hôn nhân hay các sinh hoạt đồng tính luyến ái. Tệ hơn nữa, Linh Mục Stephen Schloesser, Dòng Tên, trong bài trả lời tựa là “Để làm sáng tỏ giáo huấn của Giáo Hội về Đồng Tính Luyến Ái”, gần như đã bác bỏ lời của Giáo Hội vốn dạy rằng các hành vi đồng tính luyến ái là sai lạc từ trong nội tại (Sách Giáo Lý Của GHCG, số 2357). Vị linh mục này còn sai lầm hơn nữa khi trích dẫn sai lạc Jacques Maritain, cho rằng triết gia người Pháp này có lúc đã ủng hộ các liên hệ đồng tính về phương diện luân lý. Rồi ngài cố gắng chứng minh rằng đạo đức học tính dục Công Giáo hoàn toàn thiếu mạch lạc trong giáo huấn về hành vi vợ chồng, theo đó, hành vi này phải sẵn sàng chào đón sự sống mới. Luận điệu của vị linh mục này chứng tỏ ngài hiểu rất ít về nền thần học luân lý Công Giáo. May mắn thay, một linh mục Dòng Tên khác là Cha Ronald Tacelli, trong một bài khác, cũng trên tờ báo sinh viên trên, cho hay: Linh Mục Schloesser trình bày sai lạc giáo huấn luân lý Công Giáo. Với những mơ hồ lẫn lộn như thế, làm sao một sinh viên cử nhân trung bình, lúc rời đại học, có thể nắm vững và hiểu rõ được giáo huấn của Giáo Hội.

Lý do thứ ba khiến người ta ít có thể nối kết đức tin của họ với công việc làm ăn và các khía cạnh khác của cuộc sống hàng ngày là việc không dễ dàng lãnh hội được sự khôn ngoan cần thiết. Làm một người tốt không nhất thiết đem lại cho người ta khả năng thực hiện các quyết định khôn ngoan để hỗ trợ đồng bào mình. Sự phân biệt của Thánh Tôma Aquinô giữa sự khôn ngoan thông thường và sự khôn ngoan chính trị có thể giải thích điểm vừa nói. Ngài nói rằng mọi người đang sống trong trạng thái ơn thánh đều có đủ khôn ngoan cần thiết để được cứu rỗi, nhưng không phải ai cũng có sự khôn ngoan chính trị để biện phân được các đòi hỏi của ích chung. Xin trích dẫn lời của chính ngài “Có một sự khôn ngoan khác còn hơn cả vừa đủ nữa; nhờ sự khôn ngoan này, ta có khả năng cung ứng cho cả ta lẫn người khác, không những những gì cần thiết để được cứu rỗi, mà cả những điều thuộc sinh hoạt nhân bản nữa; và sự khôn ngoan như thế không phải ai có ơn thánh cũng đều có cả”. Muốn có được sự khôn ngoan ấy, người ta cần có thời gian, kinh nghiệm và huấn giáo thích đáng. Trong phạm vi này, các vị cao niên, những người nắm vững cùng đích các vấn đề thực tế, là những người thích đáng nhất giúp người trẻ thủ đắc được sự khôn ngoan chính trị, vì các ngài có kinh nghiệm lâu dài trong các điều được Thánh Tôma gọi là “đặc thù” (singulars).

Một nguyên nhân khác nữa khiến người ta tách đức tin ra khỏi đời sống là ảnh hưởng xấu của một số giáo dân Công Giáo “có tiếng”. Không ai không từng được nghe những luận điệu của một số chính trị gia và nhiều người nổi tiếng khác, đại loại như “bản thân tôi chống đối điều đó, nhưng tôi sẽ không áp đặt ý kiến của mình lên người khác, nhất là các ý kiến về tôn giáo”. Mary Ann Glendon cho rằng luận điệu ấy đầy lừa bịp, có tác dụng không những làm những ai đang sa đọa về luân lý dấn sâu thêm vào lầm lẫn, làm câm họng các quan điểm luân lý đặt căn bản trên tôn giáo, mà còn làm câm họng luôn chứng tá của không biết bao nhiêu người thiện chí nói chung. Theo bà, đó là khẩu hiệu rất thân thiết đối với các chính trị gia nhát gan và vô nguyên tắc.

Khổ một nỗi, nhiều người Công Giáo không thấy vấn đề gì trong các khẩu hiệu như thế. Và đó là dấu chỉ cho thấy nền giáo dục về thần học và chính trị của họ hết sức thiếu sót. Ngay các nhà lãnh đạo Công Giáo cũng không lập tức chỉ cho người ta thấy các thiếu sót của các khẩu hiệu kia bằng chính các soi sáng của mình. Glendon cho hay: “Chỉ mấy năm gần đây, mới có một số người Công Giáo, Thệ Phản và cả Do Thái Giáo nữa chịu lớn tiếng cho hay: trong một xã hội dân chủ, khi các công dân cổ vũ các quan điểm luân lý đặt căn bản trên tôn giáo ở nơi công cộng, họ không hề áp đặt bất cứ điều gì cho bất cứ ai. Họ chỉ đề nghị chúng mà thôi. Điều ấy giả thiết phải có trong hình thức cai trị hiện nay của chúng ta: công dân đề xuất, đưa lý do, tranh luận, rồi bỏ phiếu”.

Vai trò của đại học và truyền thông

Lý do khiến xẩy ra sự kiện: các quan điểm đặt căn bản trên tôn giáo không được khuyến khích ở nơi công cộng, là ảnh hưởng bàng bạc của lý thuyết chính trị phóng túng trong giới học thuật và truyền thông. Theo chân Locke, các lý thuyết gia chính trị hiện nay đang cố gắng dùng lý thuyết của mình để biện minh cho việc loại tôn giáo ra khỏi khu vực công. Trong Political Liberalism, chẳng hạn, John Rawls lý luận rằng có những nguyên tắc trung lập về công lý mà ai cũng có thể và nên nhất trí. Có thể xác định được các nguyên tắc công lý không ai chối cãi này mà không cần dựa vào bất cứ quan điểm thần học và triết học nào về sự thiện. Khi được nhìn nhận, các nguyên tắc công lý tự gọi là trung lập kia sẽ thiết lập ra các giới hạn để công dân tranh luận các vấn đề công về cả phương diện luân lý. Với Locke, sự tách biệt giữa giáo quyền và chính quyên tuyệt đối ra sao, thì với Rawls, sự tách biệt giữa công lý và các quan niệm về sự thiện, bất kể là sự thiện thần học hay sự thiện triết học, cũng tuyệt đối như thế. Michael Sandel đã đưa ra nhận định đanh thép sau đây để chống lại quan điểm vừa trình bày. Ông cho rằng: theo chủ nghĩa phóng túng chính trị, điều lý tưởng là các công dân không được tham chiếu các quan điểm luân lý và tôn giáo của mình, khi thảo luận các vấn đề căn bản thuộc chính trị và hiến pháp. Một hạn chế như thế thực ra chỉ làm nghèo nàn cuộc tranh luận chính trị mà thôi vì đã loại bỏ nhiều chiếu kích quan yếu của cuộc tranh luận này.

Thực tế, hãy xét xem: các nguyên tắc công lý của Rawls sẽ xử lý ra sao đối với vấn đề phá thai chẳng hạn. Chính sách trung lập của chính phủ đối với việc này có nghĩa: các giá trị chính trị như khoan dung hay quyền bình đẳng của phụ nữ phải được đặt lên hàng đầu, còn mọi xác tín có tính luân lý và tôn giáo về nguồn gốc sự sống và tư thế của phôi thai phải cho xuống hàng thứ yếu. Nghĩa là: dựa vào quan điểm toàn bộ về luân lý và tôn giáo, để lý luận chống lại sự hợp pháp của phá thai là điều không thích đáng, không được phép. Thành thử, nguyên tắc công lý của Rawls buộc người ta phải khoan dung đối với quyền của người phụ nữ được phá thai, và không cho phép người ta đem tín lý Công Giáo về phá thai ra bàn luận ở nơi công cộng. Sandel cho hay: trong cuộc tranh luận về quyền phá thai, những ai tin rằng phôi thai đã là người ngay từ lúc thụ thai, và như thế, phá thai là sát nhân, đều không được phép lên tiếng công khai để thuyết phục các đồng bào mình về quan điểm của mình. Mà họ cũng không được bỏ phiếu cho đạo luật hạn chế phá thai dựa trên xác tín luân lý hay tôn giáo của mình. Việc loại bỏ các quan điểm toàn diện này ra khỏi diễn đàn công cộng chắc chắn sẽ được áp dụng vào mọi vấn đề khác thuộc phạm vi công lý và nhân quyền.

Rawls cho rằng các lý tưởng của lý trí công cộng đòi phải loại bỏ mọi quan điểm tôn giáo và luân lý ra khỏi khu vực công. Theo Sandel, lý tưởng ấy buộc mọi bàn luận chính trị chỉ được diễn tiến dựa trên các giá trị chính trị mà người ta hy vọng được mọi công dân nhất trí. Vì công dân của các xã hội dân chủ không có cùng những quan niệm luân lý và tôn giáo như nhau, nên lý trí công không được tham chiếu các quan niệm ấy. Cái hiểu quá hạn hẹp về lý trí công này sẽ loại các giáo hội khỏi diễn đàn công cộng, một điều gây hại cho chính nền dân chủ, theo nhận định của những nhà tư tưởng phóng túng khác như William Galston, giáo sư lý thuyết chính trị và là cựu cố vấn của Clinton. Ông này không những chủ trương phải dành chỗ cho các tôn giáo mạc khải, mà còn cho rằng các tôn giáo này mang lại lợi ích về lâu về dài cho quốc gia. Vì các niềm tin và đức hạnh do các tôn giáo này giảng dạy phần lớn có tác dụng củng cố sinh khí và tính thống nhất của nhà nước tự do: chúng vốn hỗ trợ các nguyên tắc và đức hạnh cốt lõi của nhà nước này. Ông ủng hộ việc chống lại các khuynh hướng như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ và việc nhắm mắt tuân theo công luận hiện hành. Theo ông, người Công Giáo có bổn phận phải bác bỏ bất cứ hình thức phóng túng nào nhằm cổ vũ chủ nghĩa hoài nghi hay chủ nghĩa tương đối đối với sự thiện nhân bản; bác bỏ việc quá đề cao vai trò nhà nước hay mưu toan loại bỏ tôn giáo ra khỏi cuộc tranh luận công cộng. Dù thế, Galston vẫn muốn người Công Giáo câm lặng về các vấn để chủ yếu liên quan tới sự sống và đồng tính luyến ái.

Kết luận

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tin rằng tái phúc âm hóa là điều cần thiết để khuất phục khuynh hướng tục hóa trên khắp thế giới. Nhưng trong Christifideles Laici, ngài cho rằng muốn thế phải có điều kiện tiên quyết sau đây: muốn xã hội thấm nhuần tinh thần Kitô Giáo, việc đầu tiên là phải làm hết cách để dựng lại cấu hình cộng đoàn Kitô Giáo cho các dân tộc và quốc gia (số 34). Nan đề hiện nay là người Công Giáo quá sống phù hợp với tinh thần thời đại, tự để cho văn hóa “phúc âm hóa” chính họ. Theo lời Glendon, sự thật hiện nay là có quá nhiều thần học gia Công Giáo Mỹ, vì được huấn luyện tại các trường thần học vô hệ phái, nên nhận được rất ít nền tảng của truyền thống mình. Có quá nhiều tư liệu giáo dục tôn giáo chịu ảnh hưởng của những cựu linh mục và tu sĩ quá khích hiện đang làm việc tại các cơ sở xuất bản tôn giáo; và có quá nhiều giám mục và linh mục không còn giảng dạy Lời Chúa trong cái tinh tuyền trọn vẹn của nó nữa, vì các áp lực nặng nề của xã hội duy khoái lạc và duy vật chất này.

Tác phẩm The Diary of a Country Priest đã đề cập tới điểm sau cùng vừa kể một cách đầy xúc động. Cha quản hạt vùng Blangermont nói với vị linh mục trẻ rằng Giáo Hội hiện bất lực không dạy để các tín hữu trưởng giả bỏ bớt lòng tham lam của họ: những tên trưởng giả này rất có thể uốn nắn được ít nhiều trong giáo huấn về tính dục, nhưng chúng coi kinh doanh như lãnh thổ riêng, trong đó việc chịu khó làm ăn biện minh được mọi sự, vì với chúng, việc làm đã trở nên một thứ tôn giáo rồi. Phải hàng thế kỷ may ra mới gột rửa được cảm thức của chúng coi kinh doanh như một thứ chiến tranh với mọi quyền lợi và đặc quyền như một cuộc chiến tranh thực sự.

Nếu Bernanos còn sống đến ngày nay, hẳn ông sẽ dùng miệng một số linh mục để nói rằng Giáo Hội nhìn nhận mình bất lực trong việc xử lý thái độ tự trị của tín hữu giáo dân trong các vấn đề liên quan tới văn hóa sự sống và đạo đức tính dục. Dù sao, bao lâu các thần học gia, các giáo lý viên, các tư liệu giáo lý, các giám mục và linh mục không chu toàn nhiệm vụ của mình, thì người giáo dân chỉ có được một nền đào tạo thiếu sót, méo mó và do đó không thể thi hành được sứ mạng của họ trong Giáo Hội và giữa trần gian. Thành thử, bước đầu để dựng lại cấu hình cộng đoàn Kitô Giáo là phải cải tổ việc lãnh đạo trong các phạm vi vừa kể. Đã đành việc đó đã xẩy ra đó đây ở một số nơi, nhưng chưa cùng khắp cả nước.

Thứ hai, các người Công Giáo nào còn nghĩ được rằng Đạo Công Giáo không thể là vấn đề tư riêng, thì họ cần phải dùng mọi cách để cực lực chống lại bất cứ mưu toan nào nhằm loại quan điểm Công Giáo ra khỏi diễn đàn công. Về điểm này, các luận điểm lý thuyết và hành động chính trị, cả hai đều cần thiết.

Thứ ba, các giáo dân được huấn luyện thích đáng cần quan niệm sứ mạng của mình như men giữa thế gian theo hai cách: bứng rễ điều ác và thực hiện điều tốt cách tích cực. The Lord of the Rings của Tolkien giúp ta hiểu rõ hơn khía cạnh đầu tiên trong sứ mạng của giáo dân. Ở phần ba, Gandalf cho rằng điều ác chỉ biến đi khi Nhẫn Quyền Lực bị tiêu hủy và Sauron bị đánh bại. Nhưng ta cần đánh bại nó hết thế hệ này qua thế hệ nọ. “Nhẫn Quyền Lực bị tiêu hủy, thì Sauron sẽ bị bại; và sự thất bại của nó tệ đến nỗi không còn ai nghĩ nó có thể trỗi dậy được nữa… Và thế là điều ác vĩ đại của thế giới sẽ được tháo gỡ. Các điều ác khác ở đó có thể xuất hiện; vì Sauron cũng chỉ là một tên bồi, một thứ để sai phái. Nhưng bổn phận ta đâu phải là khuất phục mọi phong ba của thế giới, mà chỉ là làm những gì có trong ta… để nhổ cỏ điều ác trong các cánh đồng ta biết, để những ai đến sau có đất sạch mà cấy cày. Còn thời tiết nào họ phải đương đầu đâu phải việc của ta quyết định”.

Quan điểm của Tolkien vừa có tính linh hứng vừa có tính giáo dục chừng mực. Nó khuyến khích người ta hiểu rằng thành công bứng rễ điều ác của họ không phải chỉ có lợi cho chính họ mà thôi, mà còn cho các thế hệ tương lai nữa. Tuy nhiên, câu truyện của Tolkien còn cho ta thấy rằng chiến thắng điều ác không bao giờ là dứt khoát trên cõi đời này cả. Không bao giờ bạn ngăn cản được mọi hận thù và bất công, như một số người ngây thơ hy vọng. Bernanos cũng có cùng một nhận định như thế. Vị chánh xứ Torcy bảo vị linh mục trẻ vùng quê từ bỏ ám ảnh muốn dẹp sạch ma quỉ đi. Rồi ngài nói thêm: “Điều Giáo Hội cần là trật tự. Cha cần phải xếp đặt sự việc cho ngay ngắn suốt ngày. Cha cần tái lập trật tự ấy vì biết rõ ràng rằng vô trật tự sẽ chiếm ưu thế vào ngày hôm sau; bất hạnh thay, đó chính là qui luật của sự việc: đêm khuya làm đảo ngược công trình lúc ban ngày,vì đêm khuy vốn thuộc về ma quỉ”

Trách vụ tích cực của giáo dân là thực hành các việc thương người về thể xác và tinh thần và sử dụng bất cứ sự khôn ngoan chính trị nào mình có để cải thiện các cộng đồng nơi mình sinh sống. Nhiệm vụ sau khá khó khăn và tùy thuộc các thời cơ thuận lợi cũng như nhiều đức tính hiếm hoi của tâm hồn, nhưng nhiệm vụ đầu thì ai cũng có thể chu toàn được, chẳng cách này thì cách khác.

Vũ Văn An