Phỏng vấn ĐHY Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Mục vụ cho Người Di cư và Lưu động, về Đại hội Quốc tế lần đầu tiên về Mục vụ Lưu động bên Phi châu và Madagascar
Trong các ngày 11 đến 15-9-2012, Đại hội Quốc tế về Mục vụ cho Người Di cư và Lưu động bên Phi châu và Madagascar đã diễn ra tại Dar es Salam bên Tanzania. Đại hội do Hội đồng Toà Thánh về Mục vụ cho Người Di cư và Lưu động tổ chức và bảo trợ.
Di cư và lưu động càng ngày càng có chiều kích quan trọng và đặt ra cho Giáo Hội nhiều thách đố mục vụ rất lớn. Trên thế giới hiện nay, số người di cư lên tới 130 triệu, và trong năm 2050 sẽ lêm tới 400 triệu. Người di cư là một tài nguyên nhân lực rất quý báu đối với các quốc gia họ tìm tới sinh sống. Ngoài phần đóng góp tích cực vào nền kinh tế địa phương, họ cũng dóng góp các giá trị văn hoá, tinh thần và tôn giáo cho đất nước đón tiếp họ.
Bên cạnh các người di cư vì công ăn việc làm và kiếm tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cháu họ, còn có 44 triệu người tị nạn nữa. Họ là các nạn nhân của chiến tranh, xung khắc, bạo lực, khai thác bốc lột chèn ép và bất công xã hội đủ loại. Có những người chạy ra nước ngoài, có những người lánh nạn bên tromg quốc gia của mình. Năm 2011, số người xin tị nạn trên thế giới đã gia tăng 20%. Hiện tượng di cư trong nội địa thịnh hành hơn người ta tưởng nghĩ, vì làn sóng dân quê tìm về thành thị kiếm công ăn việc làm và sinh sống liên tục gia tăng tại mọi nước nghèo trên thế giới. Đây là tình trạng tại các nước nghèo đang trên đường phát triển bên Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh, cũng như tại Âu châu, trong đó người dân các nước cựu cộng sản Đông Âu tìm sang các nước Tây Âu sinh sống.
Tình trạng nông dân tìm về thành thị sinh sống khiến cho các khu xóm ổ chuột mọc lên như nấm chung quanh các thành phố lớn, làm gia tăng các tệ đoan xã hội như mại dâm, băng đảng tội phạm, trẻ em bụi đời, xì ke ma tuý... Bên cạnh đó là tệ nan lao động chui với cảnh hàng trăm triệu công nhân bị bóc lột sức lao động mỗi ngày, mà không được bảo hiểm bất cứ thứ gì kể cả mạng sống.
Trong số những người lưu động cũng còn phải kẻ đếm các mgười sống về nghề biển, các ngư phủ, các thuỷ thủ làm việc trên các tầu chở hàng hoá đủ loại, các tài xế xe vận tải. Những người này phải thường xuyên sống xa gia đình, nhiều khi mấy tháng mới ghé nhà một lần. Thế rồi còn có các nghệ sĩ và công nhân làm vệc trong các gánh xiệc nay đây mai đó. Nhất là có hàng trăm triệu khách du lịch đi hành hương, thăm viếng và thưởng lãm các danh lam thắng cảnh và các nền văn hoá trên thế giới.
Theo thống kê năm 2011, nước Pháp thu hút đông du khách nhất với 76,8 triệu; Hoa Kỳ 59,7 triệu; Trung Quốc 55,7 triệu; Tây Ban Nha 52,7 triệu; Italia 43,6 triệu; Anh quốc 28,1 triệu; Thổ Nhĩ Kỳ 27 triệu; Đức 26,9 triệu; Malaysia 24,6 triệu và Mehicô 22,4 triệu khách du lịch. Đây là lĩnh vực thu dụng hàng trăm triệu công nhân viên, trực tiếp hay gián tiếp, trong các lĩnh vực chuyên chở, hướng dẫn, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, kỹ nghệ làm các vật lưu niệm... Và hằng năm, ngành du lịch thu vào cho các quốc gia một ngân khoản rất lớn, có khi lên tới 15-18% tổng sản lượng quốc gia.
Riêng đối với Giáo Hội, tất cả các lĩnh vực kể trên đều là các đối tượng của công tác tông đồ mục vụ và là các thách đố đối với Hội đồng Toà Thánh Thánh về Di cư và Lưu động.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Mục vụ cho Người Di cư và Lưu động, về Đại hội Quốc tế lần đầu tiên về Mục vụ Lưu động bên Phi châu và Madagascar.
Hỏi: Đức Hồng Y có thể cho biết một số chi tiết liên quan tới các tham dự viên đại hội hay không?
Đáp: Các tham dự viên gồm hơn 85 người đến từ 31 quốc gia của đại lục Phi châu. Trong số này có 15 giám mục, các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đại biểu của các uỷ ban mục vụ cho người di cư lưu động của các Hội đồng Giám mục Phi châu, của Caritas Quốc tế, của các dòng tu đặc trách mục vụ cho người di cư, lưu động và sống trên đường phố.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đại hội Quốc tế về Mục vụ Lưu động bên Phi châu và Madagascar đã nảy sinh như thế nào?
Đáp: Mục vụ lưu động đặc biệt liên quan tới 4 loại người: thứ nhất là các phụ nữ và thanh niên thiếu nữ đường phố, thứ hai là trẻ em và người trẻ đường phố, thứ ba là những người không có chỗ ở chắc chắn, và thứ tư là các công nhân viên vận chuyển trên đường, và nói chung tất cả những gì liên quan tới an ninh lưu thông. Tất cả những người này thuộc hiện tượng lưu động mà Hội Đồng của chúng tôi đặc trách.
Đại hội bên Tanzania là đại hội cuối cùng của một loạt các cuộc gặp gỡ đại lục đã được Hội Đồng thực hiện trong bốn năm qua, bắt đầu bên châu Mỹ Latinh năm 2008, Âu châu năm 2009 và Đại dương châu năm 2010. Trong các cuộc gặp gỡ này, chúng tôi đã nhận thấy có sự chú ý lớn trên bình diện quốc tế đối với môi trường của thực tại này trong cuộc sống con người.
Tôi rất biết ơn ĐHY Quốc vụ khanh Toà Thánh về lá thư người đã gửi cho Đại hội nhân danh Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, được đọc trong lễ nghi khai mạc đại hội chiều mồng 11-9.
Hỏi: Có các điểm tiếp xúc nào giữa Đại hội và Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu kỳ II “Africae munus”, mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố hồi tháng 11-2011 không, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Có các quy chiếu trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu “Africae munus” của Đức Thánh Cha liên quan tới thực tại của các phụ nữ, người trẻ và trẻ em tại Phi châu và Madagascar. Đặc biệt tôi có thể minh xác rằng trong các đoạn từ 42 tới 68 dưới tựa đề “Sống với nhau”, Đức Thánh Cha đã duyệt xét thực tại phức tạp của gia đình Phi châu, và cầu mong có một sự chú ý lớn hơn đối với phẩm giá gia đình và việc cứu vãn nhân tố gia đình. Trong bối cảnh đó, Đại hội suy tư về các trạng huống xã hội và chính trị đối nghịch, có thể đem các thành phần trong gia đình ra sống lang thang trên đường phố, để sống còn.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đại hội cũng duyệt xét việc săn sóc mục vụ cho phụ nữ hay cho các thiếu nữ bị liên luỵ trong mạng lưới mại dâm tự ý hay bị cưỡng bách bên Phi châu và Madagascar, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Đại hội cũng đề cập tới thực tại của các phụ nữ trong lục địa Phi châu, tự ý bán thân xác của mình hay bị cưỡng bách bán thân xác của mình, và thường rơi vào các hình thức nô lệ khác. Trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu Africae munus, Đức Thánh Cha kêu gọi các dân tộc Phi châu thăng tiến mọi sáng kiến trợ giúp các phụ nữ và thanh nữ thường ít gặp thuận lợi hơn thanh niên và đàn ông. Như các số của tài liệu từ 55 đến 59 nhấn mạnh: “Còn có quá nhiều các thực thi hạ nhục phụ nữ và giảm giá trị của họ, nhân danh truyền thống cha ông”. Vì thế, Đức Thánh Cha cùng với các Nghị phụ kiên trì mời gọi các môn đệ Chúa Kitô bài trừ mọi hành động bạo lực chống lại các phụ nữ và cần phải tố cáo và lên án nó.
Hỏi: Có thể có loại cộng tác nào trên bình diện quốc tế và vùng miền, cả trong lĩnh vực Giáo Hội, để chống lại các tệ nạn xã hội này không, thưa Đức Hồng Y?
Đáp: Tôi xin nhấn mạnh rằng, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã ước mong trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Phi châu kỳ II Aficae munus, cần phải dấn thân trong chiều hướng này theo 2 phương cách, từ phía các chính quyền và từ phía các Giáo Hội địa phương. Chúng tôi đã rất hài lòng vì đã có một vài hình thức cộng tác, chẳng hạn như sự cộng tác giữa Liên Hội đồng Giám mục Âu châu và Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar nhắm mục đích truyền giảng Tin Mừng và thăng tiến nhân bản.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, có các vấn đề mục vụ đặc biệt nào liên quan tới các tài xế vận tải và sự an ninh trên đường không?
Đáp: Tham dự Đại hội cũng có một đại diện của Liên hiệp Vận tải Quốc tế để minh giải các vấn đề và các đòi buộc và nhu cầu của các nhân viên vận tải, là những người phải di chuyển trên những con đường dài, mặc dù tiền lương thấp, không có bảo hiểm nghề nghiệp và sức khoẻ, và phải đương đầu với rất nhiều khó khăn như phải thường xuyên sống xa gia đình, phải chờ đợi lâu ở biên giới các nước, sự mệt mỏi và nạn gian tham hối lộ. Đức Tổng Giám mục Giáo phận Johannesburg trình bày trước đại hội các vấn đề này để cống hiến cho các tham dự viên các chỉ dẫn và định hướng mục vụ dưới ánh sáng của việc giáo dục và việc truyền giáo trên đường.
(SD 7-9-2012)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)