Đối với Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, trong bài trả lời các câu hỏi do báo La Croix và hãng thông tấn Roma I. Media nêu lên, chuyến tông du tại Liban của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đối thoại giữa người Hồi giáo và người Kitô hữu.
– Các người Hồi giáo tham gia cuộc đối thoại liên tôn đã phản ứng ra sao trước các lời phát biểu của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong cuộc gặp gỡ với họ?
– Hồng y Jean-Louis Tauran: Các vị lãnh đạo Hồi giáo đã phản ứng rất tích cực trước bài diễn văn của Đức Giáo hoàng. Đối với các người Hồi giáo khác cũng vậy. Theo những gì tôi biết được thì người Hồi giáo, đặc biệt, người có trách nhiệm ở khu vực, cho là Đức Giáo hoàng đã nói lên chính điều họ chờ đợi.
– Đức Hồng y có ngạc nhiên về các phản ứng này?
– Một sự đáp ứng đầy nhiệt tình vượt quá mong đợi của tôi. Đức Giáo hoàng đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ của ngài đối với Hồi giáo, tuy vẫn giữ tính đặc thù của Kitô giáo, dĩ nhiên. Đây không phải là vấn đề hạ giá đức tin của mình, cũng không phải là tạm thời đặt đức tin ấy sang một bên! Ngài đã thường nói đến điều này. Nhưng nếu quý vị đọc các bài diễn văn của Đức Giáo hoàng, đặc biệt diễn văn tại dinh tổng thống ở Baabda, quý vị sẽ thấy ngài nhiều lần nhấn rất mạnh tới việc đối thoại. Điều này rất quý giá đối với chúng tôi trong tương lai.
– Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay, các quan hệ giữa Hồi giáo và Kitô giáo chuyển biến ra sao?
– Tại Liban, chúng tôi không gợi lên cuộc khủng hoảng tại Syria. Liban và Syria là hai nước có chủ quyền riêng. Nhưng rõ ràng là Đức Giáo hoàng đã lên tiếng kêu gọi hoà bình. Đối với Toà Thánh, người ta không thể xây dựng hoà bình bao lâu còn có tiếng súng. Bởi vậy, các bên phải bỏ khí giới, phải ngồi vào bàn để thương thuyết, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Cũng phải có sự giúp đỡ nhân đạo để các quyền căn bản của con người được tôn trọng. Kế đó, cùng nhau xây dựng một xã hội ở đó các quyền của mọi con người đều được tôn trọng, mà không hề bị phân biệt đối xử.
– Chuyến tông du này hẳn đánh dấu một giai đoạn trong cuộc đối thoại giữa Hồi giáo và Kitô giáo?
– Chắc chắn rồi. Điều Đức Giáo hoàng nói về chủ đề này sẽ là một tấm giấy thông hành đối với chúng tôi. Tôi đặc biệt nghĩ tới những khó khăn chúng tôi gặp phải với Ai Cập hay với các nước khác. Đức Giáo hoàng đã cho thấy ngài không hề có ý định hạ thấp Hồi giáo, trái lại thì có. Câu sau đây trong bài diễn văn của ngài tại dinh tổng thống cho thấy ngài nhắm tới điều cao hơn nữa: “Niềm tin đích thực không thể gây chết chóc. Kẻ kiến tạo hoà bình là người khiêm tốn và chính trực. Do đó, các tín hữu hôm nay có một vai trò thiết yếu, đó là vai trò làm chứng cho hòa bình vốn từ Thiên Chúa mà đến. Không thể để cho cái ác toàn thắng vì những người của Chúa không hành động. Chẳng làm gì cả lại còn tệ hơn.” Mặt khác, trong Tông huấn, ngài khẳng định rằng sống chung với nhau không phải là điều không tưởng. Đó là sứ điệp.
– Trong bối cảnh này, phải khuyên nhủ các cộng đồng Kitô hữu đang là nạn nhân của các cuộc tấn công của chủ nghĩa cực đoan như thế nào?
– Kitô hữu và người Hồi giáo có chung một kẻ thù, đó là chủ nghĩa Hồi giáo quá khích. Từ lâu, tôi đã cho thấy là tất cả phải bắt đầu từ trường học, với việc giáo dục. Chính qua đó, người ta có thể bắt đầu thay đổi xã hội. Điều làm nên nước Liban, chính là trường học: mọi người dân Liban, từ trung học đến đại học, dù thuộc niềm tin nào, đều học cùng một sách giáo khoa, có chung cùng một thầy dạy. Bản thân tôi cũng đã có lúc dạy học ở Liban. Cách người ta giảng dạy môn lịch sử quả có tính quyết định. Đó là chìa khoá để mở tương lai. Tôi nhiều lần ghi nhận cùng với các người Hồi giáo tham gia đối thoại rằng trong các sách dạy sử tại các nước Hồi giáo, người Kitô hữu không được gọi là Kitô hữu mà là “những người lầm lạc trong lòng tin”. Đây là một điều người ta có thể chỉnh sửa một cách dễ dàng. Các người đối thoại của tôi, nói chung, xác tín về điều này, nhưng vần đề còn phải là thực thi những chỉnh sửa này về mặt pháp luật, hành chính…
– Sau chuyến tông du này, Đức Hồng y có cảm thấy nhẹ nhõm?
– Có chứ. Đức Giáo hoàng đã phát biểu với một tầm nhìn độc đáo. Với sự hiền từ vốn quen thuộc của ngài, với sự tốt lành và lòng quan tâm đến con người. Tôi đặc biệt nghĩ rằng trong tương lai tình hình của chúng tôi với Đại học Al-Azhar ở Cairo sẽ được làm sáng tỏ. (Chú thích của báo: Đại học đã ngưng cuộc đối thoại với Roma vào đầu năm 2012, sau phát biểu của Đức Giáo hoàng liên quan tới một loạt các vụ khủng bố, cho rằng ngài chỉ động lòng trước những khổ đau của người Kitô hữu).
– Có thể nói được rằng Beirut đã xoá bỏ cuộc tranh luận ở Ratisbon?
– Trong thời gian vừa qua, cuộc tranh luận đã được khơi dậy, nhưng trong suốt hai năm, tôi không thấy có vị Hồi giáo nào trong số những người tham gia đối thoại khơi lên vấn đề Ratisbon. Đức Giáo hoàng đã nói rõ về vấn đề này. Mọi người đều xác tín rằng tôn giáo và bạo lực không thể đi đôi được với nhau. Bản văn của Đức Giáo hoàng khi ấy đã nói lên điều này một cách rõ ràng, không úp mở.
– Liban có thực sự là một mô hình?
– Chắc chắn là như vậy trên bình diện các mối quan hệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo. Đức Giáo hoàng đã nói điều này với các vị có trách nhiệm Hồi giáo Liban. Ngài quy về cuộc đối thoại giữa Hồi giáo và Kitô giáo, nhưng dĩ nhiên, không phải về hệ thống hiến pháp.
Theo Frédéric Mounier (báo La-Croix, phóng viên thường trú tại Roma)
Mai Tâm
(Nguồn: WHĐ)