Trong khuôn khổ Năm Đức Tin, Ủy ban Thần học Quốc tế đã công bố một Sứ điệp cho biết Ủy ban sẽ sống Năm Đức tin ra sao với tư cách một cộng đoàn đức tin và đóng góp cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa như thế nào qua sứ vụ của mình. Sứ điệp tái khẳng định mối liên hệ giữa tìm hiểu nội dung đức tin và chính hành vi tin.
WHĐ xin giới thiệu Sứ điệp này.
Fides quaerens intellectum, khoa thần học chỉ hiện hữu trong mối liên hệ với ân huệ đức tin. Thần học có đối tượng là chân lý đức tin và có mục tiêu là trình bày “sự phong phú khôn lường” (Ep 3,8) của chân lý ấy, để mang lại niềm vui thiêng liêng cho toàn thể cộng đoàn tín hữu và cũng để phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin mừng.
Ủy ban Thần học Quốc tế vui mừng đón nhận lời mời gọi cử hành Năm Đức Tin theo Tông Thư “Cánh cửa đức tin” (11-10-2011) của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Từng thành viên của Ủy ban quyết tâm tích cực tham gia vào các hoạt động sẽ được tổ chức trong Năm Đức Tin này. Nhưng với tư cách là một cộng đoàn đức tin, Ủy ban Thần học Quốc tế muốn chú tâm hơn đến sứ điệp mời gọi hoán cải của Năm Đức Tin và canh tân sâu xa hoạt động dấn thân phục vụ Giáo hội. Để thực hiện quyết tâm đó, ngày 6 tháng 12 năm 2012, vào dịp phiên họp khoáng đại hằng năm dưới sự chủ toạ của Đức giám mục Gerhard Müller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Ủy ban Thần học Quốc tế sẽ hành hương đến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả tại Roma để phó dâng các hoạt động của Ủy ban cũng như của các thần học gia công giáo cho Đức Trinh Nữ, Đấng đầy lòng tin, mẫu gương của các tín hữu, thành luỹ bảo vệ đức tin chân thực, Đấng được chúc tụng là “có phúc vì đã tin” (Lc 1,45).
Trong Năm Đức Tin này, giữa lòng Giáo hội, Ủy ban Thần Học Quốc tế muốn góp phần đặc biệt vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá đã được Toà Thánh khởi xướng, qua nỗ lực giúp các tín hữu đào sâu hơn nữa mầu nhiệm đã được mạc khải, bằng cách vận dụng tất cả năng lực của lý trí được đức tin soi dẫn, đồng thời trợ giúp cho việc tiếp nhận mầu nhiệm cao cả ấy nơi các nền văn hoá đương đại, vì “nội dung cốt yếu từ các thế kỷ qua, vốn là gia sản của mọi tín hữu, cần phải được củng cố, hiểu biết và ngày càng đào sâu hơn, để đưa ra chứng từ phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đã khác xưa” (Bênêđictô XVI, Porta fidei, 4).
Như đã được triển khai trong tập tài liệu của Ủy ban Thần học Quốc tế về “Thần học hôm nay, viễn cảnh, nguyên lý và tiêu chuẩn”, toàn bộ thần học xuất phát từ đức tin và hoạt động trong tư thế luôn gắn liền với đức tin của đoàn dân Thiên Chúa đang sống dưới sự hướng dẫn của các mục tử. Thật vậy, chỉ có đức tin mới giúp cho nhà thần học thực sự tiếp cận được với đối tượng mình đang suy tư, đó là chân lý của Thiên Chúa đang soi tỏ toàn bộ thực tại bằng một luồng sáng mới – sub ratione Dei. Cũng chính đức tin, được tác động bởi đức ái, khơi nguồn năng lực tinh thần và thúc đẩy nhà thần học kiếm tìm không mệt mỏi “sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng được Thiên Chúa thực hiện theo ý định muôn đời Ngài đã có nơi Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta” (Ep 3,10-11). Thánh Tôma Aquinô cũng cho thấy “người thực sự muốn tin, sẽ yêu thích chân lý mình đã tin, suy nghĩ và ôm ghì lấy chân lý ấy với tất cả những lý chứng có thể tìm thấy được (cum enim homo habet promptam voluntatem ad credendam, diliget veritatem creditam et super ea excogitat et amplectitur si quas rationes ad hoc invenire potest)” (Tôma Aquinô, Tổng luận thần học, IIa-IIae, q. 2, a. 10).
Như thế, nhà thần học sẽ làm việc theo phương pháp của một ngành khoa học đích thực để đưa vào “văn hoá’ của trí năng nhân loại nội dung khả tri của “đức tin đã được truyền lại cho dân thánh chỉ một lần là đủ” (Giuđa 3). Nhưng thần học gia cũng chú tâm cách đặc biệt đến chính hành vi tin. Vấn đề là “tìm hiểu sâu xa hơn, không chỉ là nội dung đức Tin, nhưng phải kèm theo đó một hành vi, qua đó, chúng ta quyết định hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa với tất cả tự do. Thật vậy, có sự thống nhất sâu xa giữa động tác tin và nội dung những gì chúng ta tin nhận” (Bênêđictô XVI, Porta fidei, 10). Từ hành vi đức tin này, nhà thần học nêu rõ tính tương hợp trong lãnh vực nhân học (x. Gioan-Phaolô II, Fides et ratio, 31-33); tra cứu để hiểu cách thức ân sủng từ Thiên Chúa đưa con người, với tất cả tự do, đến với lời “vâng thuận” của đức tin; tìm cách chứng minh đức tin chính là “nền tảng của toàn thể công trình xây dựng đời sống thiêng liêng (fundamentum totius spiritualis aedificii)” (Tôma Aquinô, In III Sent., d. 23, q. 1,a. 1, ad 1; x. Tổng luận thần học,IIa-IIae, q. 4, a. 7), theo ý nghĩa chính đức tin kiến tạo nên tất cả các chiều kích của đời sống Kitô hữu, trong phạm vi cá nhân, gia đình cũng như cộng đoàn.
Công việc của nhà thần học không chỉ gắn chặt vào đức tin sống động của dân Kitô giáo, lắng nghe điều “Thánh Thần nói với các Giáo đoàn” (Kh 2,7), nhưng còn luôn luôn hướng đến sự tăng triển của đức tin nơi đoàn Dân Thiên Chúa và sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Công việc đó còn nhắm đến điều gì khác hơn là “tác sinh, nuôi dưỡng, bảo vệ và củng cố đức tin mang ơn cứu độ” (Augustinô, De Trinitate, XIV, 1, 3)? Nhà thần học, khi cộng tác trong tinh thần trách nhiệm với Huấn quyền, muốn thực thi ơn gọi phục vụ cho đức Tin của Dân Thiên Chúa (x. Huấn thị Donum veritatis ngày 24.5.1990).
Như thế, thần học gia là người phục vụ cho niềm vui Kitô hữu, “niềm vui xuất phát từ chân lý (gaudium de veritate)” (Augustinô, Confessiones, X, 23, 33). Thánh Tôma Aquinô phân biệt trong hành vi đức tin ba chiều kích: “Có sự khác biệt giữa “Tôi tin kính Thiên Chúa [credo Deum]” (tôi muốn nói đến đối tượng của đức tin) – “Tôi tin Thiên Chúa [credo Deo] (tôi muốn nói đến lý do bảo đảm cho việc tin) và “Tôi tin vào Thiên Chúa [credo in Deum] (tôi muốn nói đến cứu cánh của đức tin). Thiên Chúa có thể được nói đến như một đối tượng, bảo chứng hay cứu cánh của đức tin, nhưng nếu đối tượng và bảo chứng của đức tin có thể là một tạo vật, thì cứu cánh của đức tin lại chỉ có thể là Thiên Chúa, vì tinh thần của chúng ta chỉ có Thiên Chúa là cứu cánh duy nhất (Tôma Aquinô, In Ioannem, c.6, lectio 3). Tin vào Thiên Chúa (credere in Deum) là yếu tố chủ yếu tạo sức năng động cho đức tin. Điều đó có nghĩa là, nhờ sự gắn bó trong đức tin của chính bản thân vào Lời Thiên Chúa, người tín hữu tiếp nhận sức cuốn hút mãnh liệt của sự Thiện sung mãn và tuyệt đối là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, nỗi khát vọng đạt đến hạnh phúc đích thực, nằm sâu tận trong tâm khảm, sẽ điều động tâm trí và dẫn đưa con người đạt đến tình trạng thành toàn bản thân trong thái độ phó thác trọn cả cuộc đời cho Đấng là Thiên Chúa và là Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Trong ý nghĩa này, đức tin – và thần học hiểu như khoa học về đức tin và khôn ngoan – sẽ mang lại cho “những người yêu mến sự toàn mỹ thiêng liêng” (Augustinô, Regula ad servos Dei, 8, 1) những cảm nếm ngọt ngào của niềm vui vĩnh cửu.
Lm Emmanuel chuyển dịch
(Nguồn: WHĐ)