MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thượng HĐGM Thế giới chú trọng cách Giáo Hội đối diện tương lai

ĐTC Bênêđictô XVI khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục
ĐHY Donald Wuerl và TGm Claudio Maria Celli nói về nhiệm vụ của Thượng Hội đồng trong việc tân Phúc Âm hoá

"Giáo Hội đối diện tương lai" là tâm điểm của Thượng Hội đồng Giám mục vừa khai mạc tại Vatican, ĐHY Donald Wuerl, Tổng Giám mục của Washington, phát biểu tại cuộc họp báo ở Vatican hôm 8-10.

Đầu buổi sáng hôm đó, Đức Hồng y đóng vai trò quan trọng chuẩn bị toàn bộ báo cáo tại Thượng Hội đồng đã có bài phát biểu chính trước 262 hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân từ khắp thế giới đến tham dự Thượng Hội đồng dài 3 tuần về chủ đề "Tân Phúc Âm hoá để chuyển tải đức tin Kitô giáo".

Ngài nói Thượng Hội đồng sẽ khám phá cách thức mà Giáo Hội có thể tìm đường để tái truyền giáo cho những người đã bỏ đức tin, và truyền giáo cho nhiều người chưa từng nghe nói về Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Đây là ý nghĩa của "tân Phúc Âm hoá".

Ngài gợi nhớ "trận sóng thần của chủ nghĩa thế tục đã càn quét cả thế giới phương Tây" kể từ Công đồng Vatican II (1962-1965), và làm suy giảm hay cuốn phăng các thể chế và giá trị truyền thống kể cả hôn nhân, gia đình, hệ thống đạo đức, khái niệm khách quan đúng sai và khái niệm về lợi ích chung.

Điều này đã khiến "việc hành đạo nơi những người đã được rửa tội giảm mạnh" đặc biệt là trong thế giới Tây phương, nhưng đang xảy ra chuyện tương tự - mặc dù ở mức độ ít hơn, trong các nước thuộc thế giới thứ ba được truyền giáo gần đây hơn.

Ngài truy nguyên nguồn gốc của tình hình hiện nay có từ "những chuyển biến ở các thập niên 1970 và 1980", lúc đó "cách dạy giáo lý rất nghèo nàn" ở mọi cấp học.

Tình hình này còn tệ hơn do "lối chú giải không liên tục" tràn lan trong nhiều trung tâm học vấn và diễn giải khác thường trong việc thực hành phụng vụ, ngài nói. Kết quả là, các tín hữu Công giáo "không được chuẩn bị tốt" để đối phó với "một nền văn hoá mang nặng chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân" - ngài nhận xét.

Tuy nhiên, Đức Hồng y nhận thấy các dấu hiệu hy vọng ngày nay trong Giáo Hội ở Mỹ và ở những nơi khác nữa, khi nổi lên "một thế hệ Kitô hữu trẻ mới" trong các trường trung học, cao đẳng và đại học đang tìm kiếm một thứ gì đó "siêu nghiệm hơn" xã hội hiện nay có.

"Nhiều người, nhất là người trẻ xa rời Giáo Hội, đang nhận ra thế gian này không có câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề được nêu ra lâu nay về lòng người" - ngài nhấn mạnh.

Một trong những vấn đề mà Giáo Hội đối mặt là làm thế nào để chuẩn bị cho những người trẻ này về mặt đức tin và Thượng Hội đồng sẽ thảo luận vấn đề này.

Ngài thu hút sự chú ý của mọi người về quan điểm phổ biến trong "văn hoá phục hồi đức tin ngày nay" đó là "đạt được sự cứu độ thông qua gặp gỡ Chúa Giêsu ngoài Giáo Hội". Ngài nói: "Tân Phúc Âm hoá cần phải có sự giải thích rõ về mặt thần học vấn đề Giáo Hội cần sự cứu rỗi".

Đáng ngạc nhiên là trong bài phát biểu trước Thượng Hội đồng ngài không đề cập gì đến vai trò của các Giáo hội và Cộng đoàn Kitô hữu khác trong công tác tân Phúc Âm hoá, nhưng ngài nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng mà các phong trào mới như Opus Dei, Hiệp thông và Tự do và Phương pháp tân Dự tòng, có thể đóng góp trong lĩnh vực này.

"Một trong những điều tôi muốn nhìn thấy xuất phát từ Thượng Hội đồng này là niềm tin mới vào chân lý đức tin" - Đức Hồng y nói và nêu lên 4 phẩm chất mà người truyền giáo ngày nay cần có là "can đảm, kết hiệp với Giáo Hội, ý thức sự cấp bách và vui mừng".

Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli tham dự cuộc họp báo với Đức Hồng y, nhấn mạnh phẩm chất cuối là "vui mừng". Ngài kể lại Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã khai mạc Công đồng Vatican II (1962-1965) bằng các từ "Giáo Hội Mẹ vui mừng", và nói ngài hy vọng Thượng Hội đồng này sẽ chuyển tải dấu hiệu "vui mừng" đó đến cho thế giới, niềm vui xuất phát từ việc nhận biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta và yêu thương cả nhân loại.

"Tôi hy vọng Thượng hội đồng sẽ giúp tất cả chúng ta mơ ước và hy vọng", ngài nói.

Đức cha Celli là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của các phương tiện truyền thông xã hội mới (Twitter, Facebook,…) trong công tác tân Phúc Âm hoá. Đồng thời, ngài cũng nhấn mạnh cần tìm ra một ngôn ngữ thích hợp để chuyển tải thông điệp của Đức Kitô đến cho người dân hiện nay. Đó cũng là một thách thức mà Thượng Hội đồng phải đối mặt - ngài nói.

Gerard O'Connell từ Roma

(Nguồn: UCANews)