VATICAN - Sáng ngày 11-10-2012, ĐTC Bênêđictô XVI đã chủ sự Thánh lễ cùng với 400 hồng y và giám mục thế giới, để khai mạc Năm Đức Tin.
Buổi lễ cũng là dịp kỷ niệm đúng 50 năm khai mạc Công đồng Chung Vatican II, và 20 năm công bố Sách Giáo lý Công giáo.
Trong số 400 vị đồng tế với ĐTC có 80 hồng y, 15 nghị phụ đã từng tham dự Công đồng Vatican II (trong số 70 vị còn sống), 8 vị thượng phụ và thủ lãnh của các Giáo hội Công giáo Đông phương, 191 tổng giám mục và giám mục, ngoài ra có 104 vị chủ tịch HĐGM trên thế giới. Hiện diện tại buổi lễ với chỗ danh dự trên lễ đài đặc biệt có Đức Thượng phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính thống Constantinople và cũng là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính thống giáo; tiếp đến là Đức Giáo chủ Anh giáo, Rowan Williams, TGM Canterbury. Ngoài ra, có hơn 20.000 tín hữu, trong đó có đông đảo các linh mục và tu sĩ, đặc biệt là sinh viên nam nữ của nhiều Đại học Giáo hoàng ở Roma.
Cảnh tượng 400 vị giám mục đồng tế đi rước từ giữa quảng trường tiến lên lễ đài gợi lại hình ảnh cách đây nửa thế kỷ hàng ngàn nghị phụ cũng đi rước như thế tiến vào Đền thờ để cử hành Thánh lễ khai mạc Công đồng do Đức Gioan XXIII chủ sự.
Một nghi thức khác nhắc lại Công đồng, đó là cuộc rước Sách Thánh đặt lên ngai cạnh bàn thờ. Ngai giá sách này cũng đã được dùng trong Công đồng, được đặt tại trung tâm Đền thờ trong khoá họp, để nói lên sự kiện chính Lời Chúa chủ toạ và hướng dẫn Công đồng.
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC đã gợi lại biến cố khai mạc Công đồng Chung Vatican II và ảnh hưởng của Công đồng trên Giáo Hội, đồng thời cũng liên kết biến cố này với Năm Đức Tin mà ngài ấn định từ ngày 11-10 hôm qua, đến Chúa Nhật 24-11 năm tới.
Ngài nói: “Năm Đức Tin mà chúng ta khai mạc hôm nay gắn liền với toàn thể hành trình của Giáo Hội trong năm 50 năm qua, từ Công đồng, qua Giáo huấn của vị tôi tớ Chúa Đức Phaolô VI, người đã ấn định Năm Đức Tin vào năm 1967, cho đến Đại Năm Thánh 2000, qua đó Chân phước Gioan Phaolô II đã tái đề nghị với toàn thể nhân loại Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.”
“Công đồng Vatican II đã không muốn đặt đề tài đức tin trong một văn kiện chuyên biệt. Nhưng Công đồng đã hoàn toàn được linh hoạt nhờ ý thức và ước muốn có thể nói là phải tái chìm đắm trong Mầu nhiệm Kitô để có thể tái đề nghị hữu hiệu cho con người ngày nay. Về điểm này vị tôi tớ Chúa Phaolô VI đã nói như sau 2 năm sau khi bế mạc Công đồng: “Tuy Công đồng không đích thị bàn về đức tin, nhưng Công đồng nói về đức tin trong mỗi trang, nhìn nhận đặc tính chủ yếu và siêu nhiên của đức tin, giả thiết đức tin phải toàn vẹn và mạnh mẽ, và kiến tạo các đạo lý của mình trên đức tin. Chỉ cần nhắc lại vài lời khẳng định của Công đồng (...) để thấy rõ tầm quan trọng thiết yếu mà Công đồng, phù hợp với truyền thống đạo lý của Giáo Hội, dành cho đức tin, đức tin chân chính, có nguồn mạch là Chúa Kitô và qua trung gian của Huấn quyền Hội Thánh” (Giáo lý buổi tiếp kiến chung ngày 8-3-1967).
ĐTC Bênêđictô XVI cũng nhắc lại cảm nghiệm bản thân của ngài: “Trong Công đồng có một sự căng thẳng cảm động đối với nghĩa vụ chung là làm cho chân lý và vẻ đẹp của đức tin được rạng ngời trong thời đại chúng ta ngày nay, không hy sinh đức tin cho những đòi hỏi của hiện tại và cũng không gắn chặt đức tin với quá khứ: trong đức tin có vang dội hiện tại vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng vượt lên trên thời gian và chỉ có thể được chúng ta đón nhận trong hiện tại không thể lặp lại. Vì thế, tôi thấy rằng điều quan trọng nhất, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa như hiện nay, cần phải khơi dậy trong toàn thể Giáo Hội sự căng thẳng tích cực ấy, sự khao khát nồng nhiệt tái loan báo Chúa Kitô cho con người ngày nay.”
ĐTC nhận xét: “Nhưng để đà thúc đẩy nội tâm này hướng đến sự tái truyền giảng Tin Mừng không phải chỉ là lý tưởng và không lẫn lộn, cần làm sao để sự thúc đẩy ấy dựa vào một nền tảng cụ thể và chính xác và nền tảng này chính là những văn kiện của Công đồng Vatican II, trong đó nó được biểu lộ. Vì thế, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết phải trở về với văn bản của Công đồng - để tìm ra tinh thần đích thực trong đó - và tôi đã lặp lại rằng gia sản đích thực của Công đồng Vatican II là ở trong các văn kiện. Sự tham chiếu các văn kiện Công đồng giúp tránh được những thái cực hoài tưởng lỗi thời hoặc thái độ chạy về đàng trước, đồng thời cũng giúp lĩnh hội sự mới mẻ trong sự tiếp tục. Công đồng không tạo ra điều gì mới về đức tin, cũng không muốn thay thế những gì cổ kính. Đúng hơn, Công đồng quan tâm làm sao để cũng đức tin ấy tiếp tục được sống trong thời nay, tiếp tục là một đức tin sinh động trong một trong một thế giới đang biến chuyển.
Nếu chúng ta tiến theo hướng đi đích thực mà Chân phước Gioan XXIII muốn đề ra cho Công đồng Vatican II, chúng ta có thể thực hiện hướng đi đó trong Năm Đức Tin này, trong hành trình duy nhất của Giáo Hội muốn tiếp tục đào sâu hành trang đức tin mà Chúa Kitô đã uỷ thác. Các nghị phụ Công đồng muốn tái trình bày đức tin một cách hữu hiệu; và sở dĩ các vị cởi mở đối thoại trong tin tưởng với thế giới hiện đại là vì các vị chắn chắn về đức tin của mình, về đá tảng vững chắc trên đó họ dựa vào. Trái lại, trong những năm sau đó, nhiều người đã đón nhận não trạng thịnh hành mà không phân định, đặt lại vấn đề chính những nền tảng của kho tàng đức tin mà rất tiếc là họ không còn cảm thấy là của họ trong chân lý của họ.
Sở dĩ hôm nay Giáo Hội đề nghị một Năm Đức Tin mới và tái truyền giảng Tin Mừng, không phải để cử hành một kỷ niệm, nhưng vì Giáo Hội đang cần Năm Đức Tin hơn cả cách đây 50 năm! Và câu trả lời cần đáp lại nhu cầu ấy cũng là câu trả lời mà các vị Giáo hoàng và các nghị phụ mong muốn và được chứa đựng trong các văn kiện Công đồng. Cả sáng kiến thành lập một Hội đồng Toà Thánh thăng tiến việc tái truyền giảng Tin Mừng cũng ở trong viễn tượng ấy. Tôi đặc biệt cám ơn Hội đồng này vì sự dấn thân đặc biệt cho Năm Đức Tin. Đâu là ý nghĩa một cuộc sống, một thế giới không có Thiên Chúa, thời Công đồng người ta đã có thể biết từ một vài trang bi thảm của lịch sử, nhưng giờ đây rất tiếc là chúng ta thấy nó xảy ra hằng ngày chung quanh chúng ta. Đó là một sự trống rỗng đang lan tràn. Nhưng chính từ kinh nghiệm về sa mạc, từ sự trống rỗng ấy, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đức tin, tầm quan trọng sinh tử của đức tin đối với chúng ta. Trong sa mạc người ta tái khám phá giá trị của những gì là thiết yếu để sống; cũng thế trong thế giới ngày này có vô số những dấu chỉ, thường được diễn tả trong một hình thức mặc nhiên hoặc tiêu cực, về sự khao thát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Và trong sa mạc, đặc biệt cần những người có đức tin, qua chính cuộc sống của họ, chỉ cho chúng ta con đường về Đất Hứa và giữ vững niềm hy vọng. Đức tin được sống thực mở rộng tâm hồn cho Ơn Thánh Chúa, là Đấng giải thoát khỏi thái độ bi quan. Ngày nay, hơn bao giờ hết, rao giảng Tin Mừng có nghĩa là làm chứng một cuộc sống mới, được Thiên Chúa biến đổi và chỉ đường.
Bài đọc I trích từ sách Huấn ca nói với chúng ta về sự khôn ngoan của người du hành (x. Hc 34,9-13): hành trình là biểu tượng cuộc sống và người lữ hành khôn ngoan là người đã học nghệ thuật sống và có thể chia sẻ với anh chị em mình - như vẫn xảy ra với các tín hữu hành hương theo con đường Santiago de Compostela, hoặc trên những con đường khác, không phải tình cờ mà các cuộc hành hương này tái thịnh hành trong những năm gần đây. Làm sao mà bao nhiêu người ngày nay cảm thấy cần phải đi hành hương theo những con đường ấy? Phải chăng tại đó họ tìm được, hoặc ít là trực giác được ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trần thế? Đó cũng là cách thức chúng ta có thể áp dụng cho Năm Đức Tin: đó là một cuộc lữ hành trong sa mạc của thế giới ngày nay, trong đó ta chỉ mang theo mình những gì là thiết yếu: không gậy, không bao bị, không bánh và không tiền bạc, không mang theo hai áo dài, như Chúa nói với các Tông đồ khi sai họ đi giảng đạo (x. Lc 9,3), như Tin Mừng và đức tin của Giáo Hội, mà các Vvăn kiện Công đồng Vatican II diễn tả một cách rạng ngời, cũng như Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo công bố cách đây 20 năm diễn tả.
Và ĐTC kết luận rằng ngày 11-10-1962 là lễ kính Đức Maria Chí Thánh, Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta phó thác cho Mẹ Năm Đức Tin, như tôi đã làm cách đây một tuần khi đến hành hương tại Loreto. Xin Đức Trinh Nữ Maria luôn chiếu sáng như ngôi sao trên con đường tái truyền giảng Tin Mừng. Ước gì Mẹ giúp chúng ta thực hành lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô: “Hãy để cho Lời Chúa Kitô ngự trị nơi anh chị em trong sự phong phú của Lời. Với mọi khôn ngoan anh chị em hãy dạy dỗ và nhắn nhủ nhau… Và bất kỳ anh chị em làm hãy trong lời nói và công việc, tất cả hãy xảy ra nhân danh Chúa Giêsu, nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,16-17).
Đức Thượng phụ Bartolomaios
Cuối Thánh lễ, Đức Thượng phụ Bartolomaios đã lên tiếng phát biểu. Ngài nhắc đến những ảnh hưởng tích cực của Công đồng Vatican II về đại kết Kitô, và gợi lại kinh nghiệm bản thân của ngài về Công đồng, khi còn là một sinh viên trẻ học tại Giáo hoàng Học viện Đông phương ở Roma, và ngài cũng đích thân tham dự vài khóa họp đặc biệt của Công đồng. Đức Thượng phụ nói: “Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt các giám mục cảm nghiệm với một ý thức mới về giá trị của truyền thống và đức tin “được thông truyền cho các thánh một lần cho tất cả” (Giuda 1,3). Đó là một thời kỳ đầy triển vọng, nhiều hy vọng ở bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội Công giáo.
Đức Thượng phụ nhắc đến những tiến bộ cụ thể trong việc đối thoại thần học giữa Công giáo và Công giáo, và bao nhiêu thành quả khác của Công đồng, và ngài nói đến nỗ lực chung mà Giáo hội Công giáo và Chính thống có thể thực hiện được.
Ngài nói với ĐGH: “Hiền huynh quý mến, sự hiện diện của chúng ta ở đây có nghĩa và đánh dấu sự dấn thân chung của chúng ta cùng làm chứng cho sứ điệp cứu độ và chữa lãnh cho anh chị em nhỏ bé nhất của chúng ta: những ngừơi nghèo khổ, bị áp bức, bị gạt ra ngoài lề thế giới được Thiên Chúa tạo dựng. Chúng ta hãy bắt đầu những kinh nguyện cho hoà bình và an sinh của anh chị em Kitô chúng ta đang sống tại Trung Đông. Trong cái lò bạo lực hiện nay, sự phân cách và chia rẽ đang gia tăng giữa các dân nước, ước gì tình thương và ước muốn hòa hợp mà chúng ta đang tuyên bố ở đây, cũng như sự cảm thông và chúng ta tìm kiếm bằng đối thoại và tôn trọng lẫn nhau, trở thành mẫu mực cho thế giới chúng ta. Ước gì nhân loại có thể giơ tay ra cho người khác, và chúng ta có thể cùng nhau làm việc để khắc phục đau khổ của các dân tộc khắp nơi, đặc biệt là nơi họ đang chịu đau khổ vì đói khát, thiên tai, bệnh tật và chiến tranh, mà rốt cục chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta”.
Trao sứ điệp Công đồng
Sau khi ban phép lành kết thúc, ĐTC đã diễn lại một cử chỉ đã được thực hiện khi bế mạc Công đồng Vatican II: Đức Phaolô VI đã trao 7 Sứ điệp gửi Dân Chúa.
ĐTC Bênêđictô XVI cũng trao 7 Sứ điệp ấy cho các đại diện của cộng đồng nhân loại: vị niên trưởng và phó niên trưởng đoàn ngoại giao cạnh Toà Thánh và 5 đại sứ 5 châu lên nhận Sứ điệp, đại diện cho các chính phủ. Tiếp đến là đại diện của giới khoa học và trí thức, nghệ sĩ, các ký giả, phụ nữ, công nhân, di dân, giới trẻ, và cả một người tàn tật ngồi trên xe lăn nữa.
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)