1. Dấu ấn quá khứ
Cách đây đúng 100 năm (1912), Công đồng miền Bắc Kì lần thứ hai được diễn ra tại khu vực nhà thờ Chính Tòa Kẻ Sở, từ ngày 10 đến 24 tháng 11, dưới quyền triệu tập và chủ tọa của Đức Giám Mục niên trưởng Phê-rô Gendreau Đông, Vị đại diện Tông tòa Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Nội dung chính của công đồng Kẻ Sở gồm bốn phần:
- Phần 1, quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của các đấng bậc: từ giám mục, thừa sai, linh mục bản quốc, thầy giảng đến các tổ chức nhà Đức Chúa Trời, nhà tràng (Chủng viện), và các Dòng nam nữ.
- Phần 2, quy định về tài sản của Hội Thánh; phần 3, quy định về việc cử hành và lãnh nhận các Bí tích.
- Phần 4, nhắc nhở các linh mục có bổn phận chăm lo cho các tín hữu sống đạo và những bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Ngoài ra, Công Đồng còn khuyến khích các linh mục mở trường học, nhà tiểu nhi và nhà thương.
Từ công đồng Kẻ Sở, chúng ta có nhiều những mục tử nhiệt thành, gắn bó với Hội Thánh hoàn cầu, hiệp thông giữa các giáo phận và hết lòng yêu thương, can đảm chăm sóc đoàn chiên mà Thiên Chúa trao cho các ngài. Các linh mục luôn toát lên tinh thần đạo đức và kỷ luật; còn giáo dân được cổ võ sống tốt đạo đẹp đời;
Có thể nói, thông qua công đồng Kẻ Sở, Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam phần nào hoà nhập và đáp ứng những nhu cầu của thời đại, hầu Tin Mừng của Chúa ngày một rộng khắp.
2. Thánh lễ tạ ơn
Đúng 10 giờ, Thánh lễ được diễn ra dưới sự chủ tế của Đức Tổng Giám Mục Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN; đồng tế với ngài có 10 Đức cha đến từ các Giáo phận miền Bắc, 300 linh mục, 200 chủng sinh, đông đảo nam nữ tu sĩ và giáo dân. Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay cũng được trang hoàng lộng lẫy. Từ những băng rôn với những khẩu hiệu đầy ý nghĩa, tới những sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức thánh lễ cho hết mọi khâu.
Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Phê-rô nói: Hôm nay chúng ta quy tụ các thành phần dân Chúa thuộc 10 giáo phận miền Bắc phần nào làm sống lại khung cảnh và bầu khí của hai Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội tại Việt Nam. Cùng với các mục tử của mình, chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử của các chứng nhân đức tin trên quê hương thân yêu này, để xin Chúa cho mỗi người cộng tác tích cực vào công cuộc tân Phúc Âm hoá, nhằm mở mang nước Chúa và xây dựng một Hội Thánh được hiệp nhất và bình an như ý Chúa muốn.
Trong phần giảng lễ, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên- Giám mục giáo phận Hải Phòng một lần nữa nhắc đến sự ra đời công đồng Kẻ Sở với những bậc tiền bối trong đức tin để ôn lại, noi gương và cùng nhau cầu nguyện cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá tại Giáo Tỉnh. Đây cũng chính là đề tài của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, vừa nhóm họp tại Rô-ma dưới sự chủ tọa của Đức Thánh Cha.
Nói về những bậc tiền bối, ngài nói: Tại địa điểm linh thiêng này, chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân Đức tin; tôn vinh các Thánh Tử đạo; tri ân các Bậc Tiền nhân và cùng nhau lắng nghe bài học của lịch sử, nhờ đó chúng ta tìm ra Thánh ý Chúa để thực thi sứ mạng trong hoàn cảnh thực tại đang đổi thay từng ngày.
Trong bài giảng, Đức cha dùng hình ảnh bên bờ giếng Gia-cóp, một hình ảnh gần gũi với con dân Việt Nam để đề cập tới việc truyền giáo. Khi đề cập tới hình ảnh chiếc giếng, Sứ điệp Thượng Hội Đồng muốn nêu rõ tình trạng con người thời nay. Họ không chỉ khát nước, không chỉ khát tiền bạc vật chất mà họ khát chân lý. Hiện trạng xã hội Việt Nam chúng ta cũng cho thấy điều đó: càng ngày càng phổ biến các vụ tự tử, chém giết, cướp bóc; Khá nhiều người trong xã hội hôm nay, nhất là nơi các bạn trẻ, cảm thấy hoang mang, trống rỗng vì không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Họ mất niềm tin và hậu quả là họ vùi mình trong men rượu, ma túy và ăn chơi trác táng. Họ đang cần có người giúp họ tìm tới mạch nước của hạnh phúc và niềm vui.
Như thế, truyền giáo là giúp cho mọi người tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Loan báo Tin Mừng là nói với anh chị em mình rằng Thiên Chúa yêu thương họ và muốn cho họ hạnh phúc. Đây cũng chính là điều mà Đức Giê-su đã thực hiện bằng trọn vẹn cuộc đời dương thế của Người.
Hình ảnh chiếc giếng đầu làng là những gợi ý để chúng ta diễn tả một Giáo Hội thân thiện hòa đồng, yêu thương chân thành và bác ái yêu thương. Công cuộc Phúc âm hóa là của mỗi chúng ta, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, vì hết thảy chúng ta đều được trao phó nhiệm vụ này khi được Thanh Tẩy.
Cuối Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục bày tỏ lòng biết ơn đến các thành phần tham dự, từ các Đức Giám Mục, quý cha, quý chủng sinh, nam nữ tu sĩ và giáo dân. Ngài nhấn mạnh đến vai trò của mỗi giới trong Hội Thánh và Đức Tổng Giám mục cũng không quên cảm ơn các hội đoàn, dòng tu và tiểu ban đã cầu nguyện, giúp đỡ để tổ chức Thánh lễ được trang nghiêm và sốt sắng. Xin Thiên Chúa đón nhận tất cả tâm tình tin tưởng và phó thác của chúng ta mà ban phúc lành trên Giáo Tỉnh Hà Nội, Đức Tổng Giám mục nói cuối bài cảm ơn.
3. Hướng tới tương lai
Ôn cố tri tân, nhìn lại lịch sử đã qua để học thêm những điều mới mẻ. Một thế kỷ sau công đồng Sở Kiện, những thao thức của các chủ chăn ngày xưa cũng là những thao thức mong đợi của chúng ta hôm nay. Có thể những khó khăn và thách đối của thời đại hôm nay mang những dung mạo khác, nhưng đều chung một đích điểm là nhằm sống và loan truyền đức tin cho anh chị em mình. Việc kỷ niệm 100 năm Công đồng Kẻ Sở cũng trùng lặp với Năm Đức tin vừa được khai mạc trong Giáo Hội hoàn vũ cũng như Giáo Hội địa phương. Hy vọng việc ôn lại một biến cố quan trọng đã qua, giúp chúng ta tìm được những bài học cho ngày hôm nay, nhờ đó chúng ta có thêm sức mạnh để sống và loan báo Tin Mừng của Chúa Giê-su cho mọi người (bài giảng của Đức cha Giuse). Đây cũng chính là đề tài mà Đức Tổng Giám mục Phê-rô đã chọn cho biến cố trọng đại này, biến cố kỷ niệm công đồng Kẻ Sở bách chu niên.
Gioan Đình Sơn
(Nguồn: Xuân Bích Việt Nam)