VATICAN - Sáng 20-12-2012, ĐTC đã cho phép Bộ Phong thánh công bố 24 sắc lệnh liên quan đến các án phong chân phước và hiển thánh, trong đó có sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI.
Đứng đầu danh sách là sắc lệnh nhìn nhận phép lạ của Chân phước Antonio Primaldo và hơn 800 vị tử đạo tại thành phố Otranto, nam Italia. Các vị bị người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ giết hại vào ngày 13-8-1480.
2 sắc lệnh khác nhìn nhận phép lạ của 2 nữ Chân phước Laura di Santa Caterina, người Colombia, sáng lập Dòng Nữ Thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh nữ Catarina, qua đời năm 1949 tại Belencito-Medellín, thọ 75 tuổi; và nữ Chân phước Maria Guadalupe đồng sáng lập Dòng Nữ Thánh Margarita Maria và Người nghèo, qua đời năm 1963, thọ 85 tuổi.
Có 5 sắc lệnh nhìn nhận phép lạ và 3 sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của các vị tôi tớ Chúa thuộc nhiều nước như Italia, Argentina, Tây Ban Nha, Ba Lan, Ucraine, Croatia, trong đó có nhiều vị bị giết vì đức tin trong thời nội chiến ở Tây Ban Nha.
Sau cùng, 10 sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của các vị tôi tớ Chúa, đứng đầu là Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI, qua đời năm 1978, thọ 81 tuổi.
Nhóm hơn 800 chân phước tử đạo ở Otranto có lẽ là nhóm đông đảo nhất được nhìn nhận phép lạ và sẽ được tôn phong hiển thánh.
Cuộc tử đạo của các vị diễn ra cách đây 532 năm, sau khi quân Thổ Nhĩ kỳ của Pascià Acmet vây thành Otranto, nam Italia, từ ngày 28-7 đến 11-8-1480. Họ chiếm được thành và tụ tập 813 người còn sống sót, và đưa lên ngòn đồi Minerva gần đó, buộc phải chối bỏ Chúa Kitô, nếu không sẽ bị giết chết. Vị tử đạo đầu tiên là Antonio Primaldo, lần lượt tất cả đều bị chém chết.
Ngày 14-12-1771, ĐGH Clemente 14 công bố sắc lệnh nhìn nhận các vị tử đạo là chân phước. (SD 20-12-2012)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)