(Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trả lời phỏng vấn của WHĐ và WGPSG)
WHĐ (22.12.2012) – Vào cuối Đại hội toàn thể lần thứ X Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), hai vị Chủ tịch FABC (Đức Hồng y Oswald Gracias) và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn) đã ưu ái dành cho chúng tôi những câu trả lời phỏng vấn, bộc lộ tâm tư của các ngài từ những cuộc thảo luận trong Đại hội.
Khi được hỏi về những thách đố quan trọng, Đức Hồng y Gracias đã cho rằng toàn cầu hoá và tục hoá là những vấn đề cần quan tâm nhất. Và giải pháp ưu tiên là huấn luyện đức tin. Việc tu chỉnh điều lệ của FABC được thực hiện trong hướng đó.
Riêng với Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chúng tôi đã xin được đặt 2 câu hỏi:
1. Với chủ đề “Đáp ứng những thách đố của Á châu”, hẳn là Đại hội toàn thể FABC lần thứ X đã nhận diện và phân tích nhiều về các thách đố trong thời đại của chúng ta. Vậy theo Đức Tổng thì đâu là những thách đố quan trọng đối với Giáo Hội tại Việt Nam, và hướng giải quyết như thế nào?
2. Đại hội toàn thể FABC lần thứ X lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, chắc chắn sẽ mang lại những hoa trái đặc biệt, ảnh hưởng tốt đẹp trên Giáo Hội. Để những hoa trái đó có thể triển nở trên đời sống Giáo hội tại Việt Nam, xin Đức Tổng, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, cho chúng con một số lời khuyên cụ thể?
Qua những câu trả lời của mình, Đức Tổng giám mục Phêrô bày tỏ quan điểm: cần phải quan tâm đến tất cả 15 thách đố được đưa ra thảo luận trong Đại hội, vì những vấn đề như: bảo vệ sự sống, toàn cầu hoá, biến đổi khí hậu, di dân, tị nạn… đều khiến mọi người phải suy nghĩ. Giải pháp thì tuỳ từng địa phương, không thể có giải pháp chung được. Đại hội chỉ đưa ra những gợi ý, những quyết tâm nằm trong chương trình tân Phúc Âm hoá, Phúc Âm hoá với nhiệt tình mới, phương pháp mới, ngôn ngữ mới… Cần ngồi lại chia sẻ với nhau, cầu nguyện với nhau để tìm ra giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.
Từ biến cố Đại hội toàn thể FABC lần thứ X đầy ấn tượng, Đức Tổng Giám mục Phêrô mời gọi các tín hữu Công giáo Việt Nam hãy có “tâm tình Hội Thánh”: sentire cum Ecclesia (đồng cảm với Giáo Hội). Không nên đứng bên ngoài Giáo Hội mà phê phán vì như vậy là phê phán chính mình. Hãy ở trong Giáo Hội và tự hỏi: Tôi đã làm gì, đã đóng góp gì cho Giáo Hội? Hãy nhìn xem: tề tựu về đây là hơn 100 giám mục từ bao nhiêu nước khác nhau, kể cả từ những nước đối nghịch với nhau, vẫn có thể ngồi lại bàn bạc, đón nhận, chia sẻ với nhau. Ta có tự do phát biểu ý kiến, nhưng vì ở trong Giáo Hội và vì yêu mến Giáo Hội, ta lắng nghe nhau, hợp nhất và cộng tác với nhau. Sự cộng tác thể hiện rõ nét khi tổ chức Đại hội này. Có rất nhiều phận vụ: nhà bếp, điện nước, trật tự, phụng vụ, tất cả đều quan trọng, và khi mọi người cộng tác với nhau và làm tròn trách nhiệm của mình, Đại hội đã diễn ra tốt đẹp.
(Nguồn: WHĐ)