Bài giảng của Đức Cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Huế
trong Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh Giáo phận Đà Nẵng,
nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo phận và 400 năm đón nhận Tin Mừng,
cử hành tại Trà Kiệu ngày 18/01/2013
Kính thưa cộng đoàn,
Hội Thánh Công giáo lữ hành đang trên đường tiến bước về quê trời. Suốt trong cuộc lữ hành trần thế nầy, Thiên Chúa cho phép chúng ta dừng chân ở một vài thời điểm để nhìn lại khuôn mặt của mình dưới ánh sáng đức tin và hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta qua Người Con Chí Ái là Đức Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần.
Điểm dừng chân hôm nay của Giáo Phận Đà Nẵng là Năm Thánh, dịp kỷ niệm 50 thành lập giáo phận và 400 năm, ngày các thừa sai ngoại quốc thuộc Dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn Đà Nẵng thân yêu của chúng ta. Trong thời điểm dừng chân nầy, tất cả chúng ta được mời gọi nhìn về quá khứ, cảm nghiệm một cách xác tín hồng ân Thiên Chúa đã ban để cảm tạ, khắc ghi công ơn trời bể của các bậc tiên nhân, những nhà truyền giáo đã hy sinh bằng chính mồ hôi, nước mắt và cả bằng máu để gầy dựng cho giáo phận chúng ta có ngày hôm nay. Từ đó chúng ta hướng nhìn về tương lai, với tất cả ý thức trách nhiệm, để cùng nhau chung sức gìn giữ và phát huy di sản đang có, để truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau, với tâm tình hiệp nhất, phó thác, tin tưởng, vui mừng và hy vọng.
1- Lịch sử Giáo Hội Việt nam đã ghi lại những dấu chân của các vị thừa sai ngoại quốc ngay từ năm 1533 với giáo sĩ I-Nê-Khu ở phía Bắc, năm 1550 với Santa Cruz ở Hà Tiên và năm 1591 với Pedro Ordoner de Cevallos ở Thanh Hoá, nhưng đó chỉ là những bước thăm dò chuẩn bị cho giai đoạn chính thức kế tiếp.
Ngày 18-01-1615 là một thời điểm lịch sử, lần đầu tiên, Linh mục Francois Buzomi và các bạn đồng nghiệp thuộc dòng Tên, đã đặt chân đến Cửa Hàn Đà Nẵng, với một quyết tâm mang Tin Mừng cứu độ cho dân tộc Việt nam. Như thế Đà Nẵng thân yêu của chúng ta đã được diễm phúc đón tiếp bước chân rao giảng Tin Mừng của các nhà truyền giáo đầu tiên. Mười hai năm sau, 1627, Alexandre de Rhodes mới đến Của Bạng, Thanh Hoá.
Sau hơn 30 năm, nhờ ơn Chúa, với lòng hăng say loan báo tin Mừng, hy sinh thắng vượt bao nhiều gian khổ của các nhà truyền giáo ngoại quốc và địa phương, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã lớn lên và phát triển khá nhanh.
Ngày 9-9-1659 Đức Thánh Cha Alexandre VII, qua sắc lệnh "Super Cathedram" quyết định thành lập hai Giáo phận đầu tiên: Đàng Trong và Đàng Ngoài, lấy sông Gianh là ranh giới, được cai quản bởi Giám Mục Đại Diện Tông Toà, đó là Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu, thuộc Hội Thừa Sai Paris.
Hạt giống đức tin càng ngày càng đâm rễ sâu vào lòng đất Quê hương chúng ta. Cũng như Đức Kitô, hạt giống Tin Mừng đầu tiên gieo vào lòng đất, chịu mục nát đi để sinh nhiều bông hạt, thì Giáo Hội Việt Nam cũng phải đi vào quy luật đó, chấp nhận bao hy sinh gian khổ để lớn lên và trưởng thành hơn mỗi ngày.
Với ơn Chúa, số giáo dân ngày càng đông, linh mục bản xứ được đào tạo để từ từ thay thế các vị thừa sai ngoại quốc, Hội dòng Mến Thánh Giá đã được thành lập và nhất là dòng máu tử đạo của hằng trăm ngàn kitô hữu đã tưới gội cho cây đức tin đâm chồi nẩy lộc và sinh hoa kết trái.
Vào ngày 24-11-1960, Đức Chân Phước Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam, với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài gòn. Các Giám mục trước đây là hiệu toà nay trở thành chính toà, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam. Vào thời điểm nầy, một số giáo phận mới được thành lập: Long xuyên tách ra từ Cần Thơ, Đà Lạt và Mỹ Tho từ Saigòn, và vào ngày 18-01-1963, Giáo phận Đà Nẵng được thành lập, tách ra từ giáo phận mẹ Qui Nhơn, dưới sự chăn dắt của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục tiên khởi của Giáo Phận Đà Nẵng. Xin tạ ơn Chúa, “ vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 136, 1)
2- Năm mươi năm qua, nhìn lại quá khứ, chúng ta tất cả cảm nhận một cách sâu xa tình Chúa đang ấp ủ Giáo phận, bàn tay quan phòng kỳ diệu và mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn và dìu dắt giáo phận qua mọi biến cố thăng trầm của giòng lich sử.
Năm mươi năm sống trong phúc lộc của Chúa, chúng ta không thể lãng quên công ơn trời bể của các nhà truyền giáo ngoại quốc đã đến, đã chọn vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng nầy làm quê hương. Một số đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin bất khuất.
Chúng ta thành kính khắc ghi công đức và sự đóng góp lớn lao của các bậc tiền nhân, Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Xin Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho tất cả mọi người đã và đang góp công xây dựng Giáo phận nhà.
Đặc biệt chúng ta nhớ đến hôm nay vị Giám mục tiên khởi, Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, mà chúng ta tưởng niệm 25 năm Ngài qua đời, vào ngày 21-01 sắp tới. Thân xác ngài đang an nghỉ chính tại linh địa Trà Kiệu thân yêu nầy. Chúng ta không thể quên công ơn của hai Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Quang Sách, Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, đang hưu dưỡng tại giáo phận nhà và Đức Cha đương nhiệm Giuse của chúng ta. Các Ngài, mỗi vị mỗi cách, tùy theo khả năng Chúa ban, đã và đang làm hết sức mình, để phát triển và chăm sóc đoàn chiên mà Chúa và Giáo Hội đã giao phó. Xin Chúa chúc lành và ban cho các Ngài mọi phúc lành hồn xác.
Kính thưa cộng đoàn,
3- Năm mươi năm sinh nhật của một giáo phận không phải là thời gian quá dài so với 400 năm hạt giống đức tin bắt đầu gieo vãi trên quê hương chúng ta, nhưng cũng là một điểm dừng rất quan trọng để cùng nhau nhìn về tương lai, bắt tay cộng tác để vạch ra một hướng đi phù hợp với những hoàn cảnh mới về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội mà Đại hội dân Chúa của Giáo phận đã đề ra: đó là hiệp nhất, sống đức tin và loan báo Tin Mừng.
Năm mươi năm thành lập giáo phận đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong tiến trình phát triển đời sống đức tin. Đây là một tiến trình không bao giờ hoàn tất, nhưng luôn luôn phải được cập nhật, lớn lên và hoàn thiện mỗi ngày.
Dưới ánh sáng đức tin dựa vào Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta luôn phải điều chỉnh theo chiều kích hoán cải và canh tân. Nhờ sự hoán cải nội tâm và canh tân tinh thần đối thoại, hiệp nhất, yêu thương và phục vụ, Giáo Hội nói chung và giáo phận nhà chúng ta nói riêng sẽ tìm lại được tính năng động sống đức tin, tinh thần hợp tác khiêm tốn và xây dựng, tình đoàn kết yêu thương và tha thứ để trở thành dấu chỉ ơn cứu độ của Đức Kitô và chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người.
Trong văn thư ban phép lành Toà Thánh, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ: “Ước gì mọi Kitô hữu, với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, có thể tìm lại được sự hiệp thông lớn nhất giữa cộng đoàn và trong Giáo Hội, để họ trở thành những người loan báo Tin Mừng cứu độ. Chớ gì họ là những nhà kiến tạo kiên trì và can đảm của hoà bình và hoà giải trong gia đình và cho toàn thể xã hội, để xây dựng nền văn minh tình thương.”
4- Kỷ niệm Kim Khánh thành lập giáo phận đúng vào năm Đức Tin của Hội Thánh Công Giáo. Hồng ân Đức Tin đã đến với Việt Nam từ 400 năm nay và đến với mỗi kitô hữu từ ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, đây là một ân huệ hoàn toàn nhưng không, do lòng thương xót của Thiên Chúa trao ban. Ân huệ nhưng không này luôn luôn gói gém một sứ điệp là phải trao ban và chia sẻ nhưng không cho người khác như lời Chúa Giêsu đã dạy: "Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không" (Mt 10,8). Nói cách khác đó chính là sứ vụ truyền giáo, lẽ sống của Giáo Hội, vì Giáo hội tự bản chất là truyền giáo.
Đức Thánh Cha Bênêdictô nhắc bảo chúng ta rằng "Ngày nay Giáo Hội phải dấn thân một cách xác tín hơn trong công cuộc tái phúc âm hoá để khám phá niềm vui đức tin và tìm lạí sự hăng say thông truyền đức tin" (Porta Fidei số 7).
Một khi chúng ta ý thức hạnh phúc mình đã được lãnh nhận đức tin, được làm con Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng Máu của Chúa Giêsu, được trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần, thì đức ái Kitô giáo thúc đẩy và đòi buộc chúng ta phải ra đi chia sẻ niềm vui và hạnh phúc đó cho anh chị em của chúng ta.
Nhìn lên Mẹ Maria, Mẹ Trà Kiệu, Mẹ phù hộ các giáo hữu, chúng ta dâng lên Mẹ Giáo phận nhà thân yêu với mọi thành phần dân Chúa, nhất là những anh chị em bất hạnh, nghèo khổ, đang gặp thử thách hồn xác, xin Mẹ thương nâng đỡ ủi an chúng ta như Mẹ đã thi thố tình thương hiền mẫu đối với tổ tiên chúng ta khi hiện ra với con cái Mẹ đang gặp thử thách tại Trà Kiệu nầy. Amen.
(Nguồn: GPĐN)