Chúa Nhật 13-1-2013 đã có 1 triệu người tham gia cuộc biểu tình trong thủ đô Paris để phản đối dự luật hôn nhân đồng phái và quyền của họ được nhận con nuôi. Dự luật, do chính quyền của Tổng thống Đảng Xã hội Francois Hollande đề xướng, sẽ được quốc hội Pháp thảo luận và bỏ phiếu vào cuối tháng 1 này.
Các đoàn người biểu tình gồm mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, khuynh hướng chính trị xã hội và tôn giáo đã xuất phát từ ba quảng trường Italie, Denfert-Rochereau và Porte Maillot để hướng về Tháp Effel.
Nhiều người mang theo các biểu ngữ viết: "Hôn nhân là thánh thiêng", "Không chấp nhận hôn nhân đồng phái", "Tất cả đều được sinh ra bởi một người nam và một người nữ". Số người tham gia biểu tình lần này vượt xa con số 150-200.000 người của cuộc biểu tình hồi tháng 11-2012. Ngày 12-1, Đức Hồng y André Ving-Trois, Tổng Giám mục Paris kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, tái khẳng định rằng cuộc biểu tình không có tính cách tôn giáo, vì quyền nói lên tư tưởng đối với hôn nhân là quyền của tất cả mọi người. Đức Hồng Y hài lòng vì thấy tuy có rất đông tín hữu Công giáo huy động nhau tham dự cuộc biểu tình, nhưng đây không phải một cuộc biểu tình của Giáo Hội chống lại chính quyền.
Cuộc biểu tình ngày 13-1-2013 khiến cho người ta nhớ tới cuộc biểu tình vĩ đại gồm 2 triệu người, do thế giới công giáo huy động hồi năm 1984 chống lại toan tính của Tổng thống Francois Mitterand muốn sát nhập các trường công giáo vào hệ thống giáo dục công. Nó đã là một chiến thắng lớn khiến cho Tổng thống Mitterand phải nhượng bộ. Vào năm 1999 đã có 100.000 người biểu tình chống lại luật Khế ước Dân sự Liên đới, gọi tắt là PACS, liên quan tới các hình thức sống chung giữa các người khác phái hay đồng phái. Cuộc biểu tình đã không thành công chống lại luật này do chính quyền của Thủ tướng Lionel Jospin đưa ra, mặc dù Tổng thống Jacques Chirac thuộc Đảng tân Golist.
Đã có hơn 500 xe bus chở người biểu tình từ các tỉnh khác về Paris. Có rất nhiều người đi xe tư và đi tàu lửa. Họ là tín hữu công giáo thuộc các giáo xứ, các hiệp hội, sinh viên học sinh, công nhân, công chức, giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế, các chuyên viên dưỡng nhi, các nhà phân tâm, các gia đình thuộc cả 3 thế hệ, đủ mọi lứa tuổi.
Ngay từ mùa hè năm vừa qua, Giáo Hội công giáo đã phát động chiến dịch "Cầu nguyện cho nước Pháp". Song song, các Giám mục đã mạnh mẽ lên tiếng phê bình dự luật chấp nhận hôn nhân đồng phái và cho họ cả quyền nhận nuôi con. Bên cạnh đó là toan tính của đảng xã hội muốn thay đổi cả các từ vựng liên quan tới gia đình, như loại bỏ từ cha mẹ trên giấy tờ chứng nhận và thay thế vào đó bằng những từ nhằm xoá bỏ cơ cấu gia đình truyền thống tự nhiên.
Các Giám mục Pháp mời gọi mọi người suy tư về gia đình tự nhiên như thiện ích chung cần phải được bảo vệ khỏi mọi lệch lạc. Đức Hồng y Philippe Barbarin, Tổng Giám mục Lyon, cũng nhấn mạnh trên vai trò nòng cốt này của gia đình. Ngoài các lời tuyên bố của Đức Hồng y André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, cũng có phản ứng của các vị lãnh đạo các tôn giáo khác. Ông Gilles Bernheim, Đại Rabbi Pháp, đã đưa ra một loạt các lý do chống lại dự luật này của chính quyền đảng xã hội.
Ngoài ra, cũng có lập trường của các lĩnh vực nghề nghiệp và văn hoá như giới giáo chức các trường công giáo và giới trí thức thuộc Hàn lâm viện Công giáo, trong đó có các triết gia nổi tiếng như René Girard, Rémi Brague và Pierre Manent. Thêm vào đó còn có các vị như ông Jean-Francois Mattel, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Tổ chức Chữ Thập Đỏ Pháp. Đối với giới hàn lâm Pháp dự luật của chính quyền xã hội là một đe doạ đối với các "quyền con người đang trong giai đoạn phát triển"; nó trái nghịch với khoản 16 của Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948. Bởi vì gia đình là "yếu tố nền tảng tự nhiên của xã hội", vì thế nó "phải được che chở từ phía xã hội và nhà nước".
Tại Roma các tín hữu Pháp cũng liên đới với 1 triệu người tại Paris tụ tập nhau biểu tình ở Quảng trường Farnese trước Đại sứ quán Pháp. Ông Antoine Marie Izoard, phát ngôn viên của ban tổ chức biểu tình, cho biết: "Đây là cuộc biểu tình ôn hoà không chống lại ai hết, nhưng để bảo vệ gia đình tự nhiên đích thực gồm cha mẹ và con cái. Chúng tôi muốn bảo vệ quyền của con cái chúng tôi và của các trẻ em được nuôi nấng giáo dục bởi một người cha và một người mẹ".
Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị và các bạn bài phỏng vấn ông Tugdual Derville, chủ tịch tổ chức phi chính phủ bảo vệ sự sống "Liên minh Sự Sống" Pháp, về cuộc biểu tình nói trên.
Ông Derville đã là người đặc trách việc huy động cuộc biểu tình toàn quốc. Ông cũng là tác giả nhiều bài khảo luận về tệ nạn phá thai, lèo lái truyềm sinh tuyển giống và nạn trợ tử hay làm cho chết êm dịu.
Hỏi: Thưa ông Berville, cuộc biểu tình có tính cách đa nguyên dưới khẩu hiệu "Biểu tình cho tất cả mọi người" đã khiến cho nhiều người dân Pháp ngạc nhiên. Ông giải thích sự kiện này ra sao?
Đáp: Ở nền tảng có một lý do rất mạnh mẽ của tất cả mọi người là linh hồn của phong trào. Dự luật của chính quyền gọi hỏi một cách sâu đậm lương tâm con người; và bất cứ ai cũng có thể hiểu rằng đàng sau nó là chuyện phổ quát liên quan tới sự bổ túc giữa người nam và người nữ. Dự luật này có thể trở thành cánh cửa mở ra cho mọi thứ lệch lạc. Và như thế, chúng tôi đã có thể vượt thắng mọi hàng rào ý thức hệ và tôn giáo. Tôi cũng ngưỡng mộ cảm phục bà Frigide Barjot, thành viên chiến đấu của Hiệp hội Công giáo, đã trở thành người nối kết không thể thay thế được của phong trào biểu tình.
Hỏi: Trong phong trào biểu tình người ta nhận thấy có một sự tự phát nào đó, có đúng vậy không, thưa ông?
Đáp: Vâng, đúng thế. Còn hơn thế nữa, tôi có cảm tưởng là chúng tôi chỉ hạn hẹp trong việc cho chảy vào kênh một cái gì đã không do chúng tôi dấy lên. Chỉ tại Paris đã có một ngàn bạn trẻ bỏ thời giờ đi phân phát các tờ truyền đơn kêu gọi biểu tình trong nhãn quan của một cuộc đối thoại rộng mở với tất cả những ai muốn. Và anh bạn trẻ đặc trách chia các người biểu tình thành các đoàn khác nhau và liên lạc với sở cảnh sát Paris mới chỉ có 21 tuổi.
Hỏi: Sự phân chia thành những người chống dự luật và những người phò dự luật có thay đổi hay không thưa ông? Nghĩa là có gia tăng hay giảm bớt ở phía bên này hay bên kia hay không?
Đáp: Theo kết qủa các cuộc thăm dò, ý niệm về hôn nhân đồng phái tiếp tục quyến rũ một đa số ảo. Nhưng theo một trong các cuộc thăm dò cuối cùng thì có 63% các người được phỏng vấn ủng hộ quyền của các trẻ em được nhận nuôi bởi một người cha và một người mẹ. Có sự mâu thuẫn tỏ tường, vì ở Pháp hôn nhân dân sự được kết hợp với việc nhận nuôi con một cách pháp lý. Nhưng thật ra, khi người dân Pháp suy tư một chút về tất cả các hệ luỵ của dự luật, thì đại đa số chống lại, chứ không chấp nhận dự luật. Và khẩu hiệu "Hôn nhân cho tất cả mọi người” do chính quyền đưa ra ngày càng phản bội cố gắng tránh né việc tranh luận.
Hỏi: Trong các nhóm chủ chốt của cuộc biểu tình cũng có những người "chống lại sự sợ hãi con người", phải không?
Đáp: Vâng, bởi vì chúng tôi hiểu rằng thường khi là điều đau đớn chừng nào, khi sống một tương quan tình yêu mà không thể đi tới chỗ truyền sinh. Chúng tôi tôn trọng mỗi một người. Ngoài ra, chúng tôi muốn nói với chính quyền rằng đây chính là một dự thảo luật có thể dẫn những người đồng phái tới chỗ xoá bỏ các quy chiếu nhân chủng cha - mẹ, và đáng bị định nghĩa là sợ hãi con người. Những người có chiều hướng đồng phái tiếp tục lập lại điều này, khi họ đến với phong trào của chúng tôi. Ngoài ra, tôi cũng muốn nhắc tới cả cựu Thủ tướng Đảng Xã hội Lionel Jospin là người đã nhắc cho các thành viên đảng của ông biết rằng thế giới được làm thành bởi các người nam và các người nữ, chứ không phải bởi các người khác phái và đồng phái. Chúng tôi triệt để khước từ mọi nhãn hiệu tự động dán trên cuộc sống thân tình của con người, một cuộc sống luôn luôn phức tạp và giòn mỏng.
Hỏi: Các tôn giáo có nắm giữ vai trò chuyên biệt nào trong việc phản đối này không?
Đáp: Tôi nhận thấy rằng tất cả các tôn giáo đều đã từ chối làm thành một loại mặt trận đoàn kết của các tôn giáo. Đồng thời, các tôn giáo đã chứng minh cho thấy một sự phong phú của lý do nhân chủng đồng quy và kích thích toàn xã hội một cách triệt để, bao gồm cả những người không có tín ngưỡng nữa. Mặc dù có các mưu toan duy đời hiện diện tại Pháp, các can thiệp này, nhất là các can thiệp của Giáo hội Công giáo, đã bẻ gẫy cái gía băng và mở ra cuộc thảo luận.
Linh Tiến Khải (Avvenire 12.13-1-2013)
(Nguồn: Radio Vatican)