MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

ĐGH Bênêđictô XVI và cuộc đối thoại với người Hồi giáo

WHĐ (23.02.2013) – Kitô hữu và Hồi giáo, hãy hợp nhất lại: đó là một trong những nét chủ đạo của triều đại Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Đối thoại liên tôn, và đặc biệt quan hệ với người Hồi giáo, là một trong những vấn đề lớn được Đức Giáo hoàng quyết tâm giải quyết. Theo dấu chân các vị tiền nhiệm và với kho tàng phong phú các ngài để lại - Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng chung Vatican II do Đức Phaolô VI công bố năm 1965, việc thành lập một Uỷ ban liên lạc với người Hồi giáo vào năm 1974, các chuyến tông du có tính biểu tượng rất cao của Đức Gioan Phaolô II tại Maroc năm 1985, tại Syria năm 2001 và cả tinh thần hiệp nhất của sự kiện Assisi - Đức Bênêđictô XVI đã không ngừng cổ vũ để đi đến một cuộc đối thoại thực sự.

Các mối quan hệ của ngài với người Hồi giáo quả đã không bắt đầu một cách suôn sẻ với bài diễn văn từng bị công kích tại Ratisbon, không lâu sau khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Nhưng chẳng phải là cũng chính từ sau bài diễn văn nổi tiếng này - đề cập đến mối quan hệ giữa lòng tin và lý trí - mà một khúc ngoặt đã được đánh dấu và một giai đoạn mới trong cuộc đối thoại Hồi giáo - Kitô giáo đã được vượt qua đó sao?

Những cử chỉ mang tính quyết định và một cuộc đối thoại của lý trí

Diễn đàn Công giáo - Hồi giáo đã được thành lập tiếp theo sau một bức thư của 138 nhân vật Hồi giáo, đề tháng 10-2007. Hai hội nghị đã được tổ chức tại Roma và tại Jordani, quy tụ những đại diện cấp cao của Công giáo và Hồi giáo để cùng suy tư về các chủ đề như “Lý trí, lòng tin và con người”.

Rồi chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2006) và khoảnh khắc chiêm niệm của Đức Giáo hoàng, đi chân không, tại Đền thờ Hồi giáo màu xanh cạnh vị Đại luật sĩ (mufti) ở Istanbul: một hình ảnh đã được truyền đi khắp thế giới.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã kết hợp lời nói với cử chỉ khi nhiều lần mời gọi các Kitô hữu và người Hồi giáo hợp tác với nhau để chống lại chủ thuyết tương đối. “Trong một thế giới mang dấu ấn của chủ nghĩa tương đối và quá nhiều khi phủ nhận sự siêu việt trong tính phổ quát của lý trí, chúng ta cần một cuộc đối thoại đích thực giữa các tôn giáo và các nền văn hoá, có khả năng giúp chúng ta cùng nhau vượt qua mọi căng thẳng trong một tinh thần hợp tác đem lại hiệu quả” (Diễn văn của Đức Bênêđictô XVI trước các vị đại sứ của 21 nước đa số là Hồi giáo tại Toà Thánh và một số đại diện các cộng đồng Hồi giáo, ngày 25-9-2006).

Tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo được mời gọi đoàn kết với nhau để lên tiếng chống lại bạo lực

Đức Bênêđictô XVI cũng còn lên tiếng cổ vũ các tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo cùng chung sức hoạt động cho hoà bình: “Đã đến lúc người Hồi giáo và Kitô giáo đoàn kết với nhau để chấm dứt bạo lực và chiến tranh”. Những lời mời gọi được cất lên từ Liban, vào tháng 9 năm ngoái, khi Đức Giáo hoàng ký và trao Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Ecclesia in Medio Oriente, tiếp theo sau khoá họp đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục về Trung Đông tại Vatican từ 10 đến 24-10-2010.

Cả trước khi đặt chân lên đất Liban, trên chuyến bay đưa ngài tới Beyrouth, Đức Bênêđictô XVI đã tố cáo chủ nghĩa bảo thủ vốn “luôn là một thứ bóp méo tôn giáo”. “Nhiệm vụ của Giáo hội và của các tôn giáo là 'soi sáng và thanh luyện các tâm trí' (…) Thông điệp căn bản của tôn giáo phải chống lại bạo lực vốn là một sự bóp méo tôn giáo - cũng như chủ nghĩa bảo căn - và phải là sự giáo dục, sáng soi và thanh luyện tâm trí để có khả năng đối thoại, hoà giải và xây dựng hoà bình” (Họp báo trên chuyến bay tới Liban - 14-9-2012).

Trong khi đối với nhiều người, đối thoại Hồi giáo - Kitô giáo xem ra còn là một ảo tưởng, thì Đức Bênêđictô XVI lại xác tín điều ngược lại. Hơn cả các vị tiền nhiệm của ngài, ngài đã xem đây là một ưu tiên cần phải thực hiện. Vẫn còn nhiều điều phải làm như tình trạng không thấu hiểu nhau và các vụ bạo lực nổ ra hầu như hàng ngày tại nhiều quốc gia cho thấy. Nhưng các nền móng cũng đã được củng cố và những cánh cửa sổ cũng đã được mở, bởi một vị giáo hoàng vừa nhẹ nhàng từ nhiệm nhưng vẫn để lại những dấu ấn không thể bị xoá mờ (Hélène Destombes).

Vincent Aucante, từng là nhà ngoại giao ở Roma, tại toà đại sứ Pháp cạnh Toà Thánh, xác tín về điểm này. Đối với tác giả của cuốn “Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và Hồi giáo” (Parole et silence, 2008), điểm đặc biệt của vị giáo hoàng này là “cổ vũ thực sự cho một cuộc đối thoại, một cuộc trao đổi dựa trên lý trí nhằm đi tới những lập trường thực sự chung nhất giữa các đại diện của Hồi giáo và Giáo hội Công giáo”.

“Đức Bênêđictô XVI đã muốn đi xa hơn Đức Gioan Phaolô II, xa hơn một cuộc gặp gỡ vốn đã cần thiết, đã là một giai đoạn. Ngài muốn thiết lập một cuộc đối thoại của lý trí”. Diễn văn ở Ratisbon là một sự “vụng về” - Vincent Aucante khẳng định - nhưng bài diễn văn đề cập đến vấn đề quan hệ giữa đức tin và lý trí bị phản ứng ấy, sau đó đã giúp vượt qua được một giai đoạn mới.

Nhiệm vụ của vị Giáo hoàng tương lai sẽ là “tiếp tục công trình do Đức Bênêđictô XVI đã khởi xướng”. Đặc biệt là “thực hiện cuộc trao đổi lần thứ ba giữa Công giáo và Hồi giáo, mở rộng cuộc đối thoại với các thành phần khác của thế giới Hồi giáo và tiếp tục theo đuổi sứ vụ hoà bình tại Trung Đông”.

Mai Tâm (Theo Vatican Radio, 21-02-2013)

(Nguồn: WHĐ)