MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Giáo Chủ Coptic Ai Cập Tawadros II

Vị giáo chủ của Giáo Hội Chính Thống Coptic Ai Cập đã tới Vatican để viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô và lên tiếng bày tỏ một nhu cầu cấp thiết cho một sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu tại Trung Đông.

Các Giáo hội Công giáo và Coptic đã phân rẽ trong thế kỷ thứ năm vì các quan điểm thần học bất đồng về bản tính của Chuá Giêsu.

Cả hai giáo hội, tuy nhiên, đang trở thành nạn nhân cuả nạn phân biệt đối xử sau khi Hosni Mubarak bị lật đổ, đặc biệt là với sự nổi lên của phong trào Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập.

Chuyến thăm Vatican của vị giáo chủ Chính thống giáo Ai Cập là quan trọng bởi vì ngài là vị lãnh đạo cuả một Giáo Hội Kitô giáo lớn nhất ở Ai Cập với mười triệu giáo dân (10 phần trăm dân số Ai Cập), so với Công Giaó chỉ có 165.000, và về mặt lịch sử thì đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Rome sau 40 năm.

Vị tiền nhiệm cuả đức Tawadros II, cố giáo chủ Shenouda III, đã viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào tháng 5 năm 1973 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đáp trả bằng một cuộc viếng thăm Ai Cập hồi năm 2000.

Giáo chủ Tawadros được bầu kế vị cố Giáo Chủ Shenouda III hồi tháng 11 năm 2012.

Từ khi lên ngôi Giáo chủ, đức Tawadros đã tỏ ra có nhiều dấu hiệu muốn tái lập quan hệ với Vatican. Tháng trước Ngài đã đến tham dự lễ nhậm chức của đức Thượng Phụ Công giáo mới, GM Ibrahim Sidrak, là một cử chỉ chưa từng có.

Chuyến viếng thăm này cũng là dấu hiệu mới nhất của cuộc đối thoại đại kết ngày càng gia tăng sau khi thượng phụ của Constantinople, Bartholomew, là nhà lãnh đạo tinh thần chính thống đầu tiên đến tham dự lễ đăng quang của Đức Giáo Hoàng vào tháng Ba.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bộ áo màu trắng và Giáo Chủ Tawadros trong bộ áo màu đen, đã họp tại hội trường Clementine trong Cung điện Vatican chừng 15 phút rồi cùng nhau cầu nguyện chung cho hòa bình tại nguyện đường Redemptoris Mater Chapel khoảng 20 phút trong một nghi lễ đơn giản với nhiều bài thánh ca bằng tiếng Ả Rập.

Trong lời phát biểu đến Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo Chủ Tawadros cho biết "Mục tiêu quan trọng nhất cho cả Giáo Hội Công Giáo và Coptic là thúc đẩy đối thoại đại kết để đạt được mục tiêu quan trọng nhất là sự Hiệp Nhất".

Ngài mong muốn "các mối quan hệ giữa Giáo Hội Chính Thống Coptic và Công giáo đã từng rất tốt thì nay có thể trở nên mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn."

Giáo chủ Tawadros cũng mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ai Cập và đề nghị rằng từ nay hai giáo hội nên ghi nhớ ngày 10 tháng 5 là "một dịp lễ mừng của tình huynh đệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống Coptic."

Trong phần đáp từ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cam đoan dâng lời cầu nguyện cho vị Giáo Chủ và dâng lời khẩn cầu lên hai thánh tông đồ Phêrô và Mác Cô, là hai vị đã thành lập ra hai giáo hội.

"Nếu một thành viên bị đau, thì tất cả đều đau cùng nhau, nếu một thành viên được tôn vinh, thì tất cả cùng được hoan lạc," Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại một câu trong thánh thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Côrintô.

"Hãy cho tôi đảm bảo với Ngài rằng những nỗ lực của Ngài nhằm xây dựng sự hiệp thông giữa các tín hữu trong Chúa Kitô, và sự quan tâm sống động của ngài cho tương lai của đất nước và cho vai trò của cộng đồng Kitô hữu trong xã hội Ai Cập, là một tiếng vang đánh động sâu xa trái tim của người Kế Vị Thánh Phêrô và của cộng đồng Công Giáo toàn cầu, " ĐGH nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng "việc chia sẻ những đau khổ hàng ngày có thể trở thành một công cụ hữu hiệu cho sự hiệp nhất."

"Từ những đau khổ được chia sẻ, có thể nở ra sự tha thứ và hòa giải, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa," Ngài cho biết.

Trước cuộc họp, phái đoàn Giáo Hội Coptic Ai Cập đã đến thăm Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo và các sở khác cuả giáo triều Rôma.

Văn phòng báo chí cuả Giáo Hội Coptic cũng phân phát cho báo chí lời tuyên bố cuả Giáo Chủ Tawadros như sau, "Chúng ta phải chuẩn bị giáo dân cuả chúng ta cho việc đoàn kết mà chúng ta đã biết là cần thiết và đã sống cách rất thiết thực này, chúng ta phải làm việc nhanh chóng và nghiêm túc."

Cha Rafic Greiche, giám đốc báo chí Công giáo tại Ai Cập cũng hợp ý với lời tuyên bố trên cuả Giáo Chủ Tawadros II, ngài nói "Sự gia tăng của các đảng chính trị Hồi giáo ở các nước Ai Cập và Syria đã loại các Kitô hữu ra khỏi xã hội và dồn họ trở thành những công dân hạng thứ hai hoặc thứ ba."

"Kitô hữu chúng tôi ở Ai Cập mong mỏi các anh em từ tất cả các nhà thờ trên thế giới giúp đỡ chúng tôi, cầu nguyện cho chúng tôi và là những anh em thực sự trong Chúa Giêsu Kitô".

Cha Greiche lưu ý rằng kể từ sau cuộc lật đổ Hosni Mubarak, "vẫn không có gì thay đổi tốt hơn cho các Kitô hữu và cho những người Hồi giáo bình thường."

"Mọi người đang trở nên nghèo hơn, tầng lớp trung lưu ngày càng nghèo đi và trở thành vô gia cư, công việc thì không có và ngành du lịch đã biến mất", Cha Greiche cho biết.

"Vì vậy, chúng tôi hy vọng những anh em của chúng tôi sẽ giúp đỡ chúng tôi, không phải bằng tiền, nhưng bằng tinh thần đoàn kết và chứng tỏ cho các chính phủ của họ biết rằng tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới là một khối hiệp nhất trong một trái tim", ngài nói thêm.

Trần Mạnh Trác

(Nguồn: Vietcatholic News)