MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Đức TGM Leopoldo Girelli viếng thăm các Giáo xứ tại Đà Nẵng

GIÁO XỨ HOẰNG PHƯỚC

Nhận lời mời của Đức Cha Giuse, Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng, Đức Tổng Giám Mục Leopondo Girelli đã đến dự lễ mừng Kim khánh Giáo phận (1963– 2013). Nhân chuyến đi này, Đức Tổng đã ghé thăm một số giáo xứ trong giáo phận.

Giáo xứ đầu tiên trong chuyến viếng thăm mục vụ này của Đức Tổng là Hoằng Phước, một giáo xứ miền trung du của giáo phận nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cách Thành phố Đà Nẵng về phía tây nam chừng 40 km.

Sáng ngày 30 tháng 4 năm 2013, giáo dân Hoằng Phước cùng với một số giáo dân của các giáo xứ trong vùng thuộc huyện Đại Lộc (Phú Hương, Hà tân, Ái Nghĩa) đã tề tựu đông đủ với lá cờ trắng vàng nhỏ trên tay đứng dọc hai bên đường cũng như lối vào nhà thờ để đợi đón Đức Tổng. Lớn nhỏ, già trẻ đều háo hức chờ đợi “Đấng Nhân Danh Chúa mà đến”.

Đúng 09 giờ khi đoàn xe vừa đến, cả đoàn người vỗ tay, phất cờ và reo vang câu chào mừng tung hô đầy ấn tượng. Đức Tổng và Đức Giám Mục giáo phận đã nhận một vòng hoa danh dự của giáo xứ trao tặng ngay bực tam cấp đầu tiên của sân nhà thờ.

Đến trước Đài Đức Mẹ lên trời, Bổn mạng Giáo xứ, Đức Cha và Đức Tổng đã thắp hương cầu nguyện với Đức Mẹ. “Nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu” là tên của tượng đài, cũng là tâm tình Đức Tổng muốn nhắn gửi cộng đoàn giáo xứ trong giây phút đầu tiên gặp gỡ.

Trong Thánh lễ, với bài Tin Mừng, Đức Tổng nhấn mạnh đến bình an nội tâm là thứ bình an không như thế gian ban tặng. Bình an này chỉ có được khi biết lắng nghe và thực thi giáo huấn của Chúa. Đồng thời thật sâu sắc khi ngài nói đến sứ mạng của từng thành phần khi đón nhận bình an và sống sự bình an: từ linh mục đến những người làm cha làm mẹ trong đời sống gia đình, anh chị em giảng viên giáo lý tất cả phải thực thi sống sứ mạng truyền giáo trong đời sống kitô hữu của mình trong một thời đại hôm nay dù phải gặp những khó khăn thách thức.

Ngài không quên nói đến lịch sử giáo xứ gần 100 năm với số giáo dân năm ngàn tín hữu rồi chỉ còn 150 người, giờ đây đã trở lại trên 1000 người. Thăng trầm nhưng quả là ơn Chúa luôn ở cùng để có quyền tin tưởng tương lai con số giáo dân sẽ phát triển như con số ban đầu.

Ngài ấn tượng về sự chuẩn bị đón tiếp của cộng đoàn giáo dân Hoằng Phước. Ngài biết cả việc chuẩn bị bên ngoài mấy ngày qua vất vã của Cha Quản xứ Antôn Nguyễn Tri Pháp và anh chị em đã bị gió lốc phá cuốn đi chiều tối ngày hôm trước, nhưng đã kịp thời trang trí lại từ đầu. Ngài hứa sẽ chuyển đến Đức Thánh Cha Phanxicô tâm tình của anh chị em Hoằng Phước và ngài xác quyết Đức Thánh Cha cũng rất yêu mến anh chị em.

Sau thánh lễ là bữa cơm trưa thân mật, đặc sản Quảng Nam vô cùng dân dã nhưng rất ngon miệng: mỗi người một tô mì dù là khách hay người nhà. Sự chân thành trong lời mời của chủ nhà làm cho khách ăn càng thêm ngon miệng. Xin cảm ơn Cha Sở và anh chị em giáo dân giáo xứ Hoằng Phước, cũng như xin chia vui với anh chị em trong dịp hiếm có này.


GIÁO XỨ AN NGÃI

Chiều cùng ngày lúc 14 giờ, Cha Tổng Đại Diện, Phaolô Maria Trần Quốc Việt và một số cha đã tháp tùng Đức TGM thăm giáo xứ An Ngãi. Đây là một giáo xứ nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng chừng 20km về phía tây và là một trong những giáo xứ được các Cố Tây gieo hạt giống Tin Mừng sớm trên quê hương Đà Nẵng. Hiện nay, An Ngãi trở thành một giáo xứ có số giáo đông nhất so với các giáo xứ trong Giáo phận.

Vừa bước xuống xe ngay cuối dốc đường lên nhà thờ Đức Tổng đã được Cha Quản xứ Giuse Nguyễn Văn Thú và giáo dân cùng với vòng hoa danh dự đón tiếp. Một khung cảnh đầy màu sắc của cờ của băng rôn, cổng chào và cả màu áo của các ban ngành đoàn thể làm cho bầu khí tràn đầy niềm hân hoan.

Bước vào nhà thờ, Đức Tổng đã quỳ cầu nguyện thật lâu trước Thánh Thể, như muốn kết hợp thật sâu xa với Chúa Giêsu. Những bài hát đầy tâm tình của ca đoàn và cộng đoàn đông đảo trong nhà thờ tạo nên những giây phút cầu nguyện thật sốt sắng.

Sau đó, Cha Quản xứ mời Đức Tổng tiến ra khán đài trước nhà xứ để gặp gỡ giáo dân. Sau khi Cha Quản xứ thay mặt cộng đoàn có lời chào, vị đại diện giáo dân đọc lại lược sử của giáo xứ An Ngãi. Đồng thời nêu lên nhữnng thách đố và những công việc mục vụ trong hiên tại và định hướng của giáo xứ trong tương lai.

Tiếp đến, Đức Tổng dành những lời chia sẻ đầy tâm tình với cộng đoàn. Ngài mời gọi mỗi người hãy tiếp tục sứ mạng truyền giáo đặc biệt bằng cầu nguyện. Ngài nói hãy cầu nguyện tại gia đình và cầu nguyện nơi nhà thờ.


GIÁO XỨ HOÀ KHÁNH

16 giờ chiều ngày 30.4.2013, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha đã đến thăm Mục vụ Giáo xứ Hòa Khánh. Đây là chặng thứ ba trong chuyến kinh lý ngày hôm nay.

Thật là niềm vui lớn của Giáo xứ Hòa Khánh, mới 15 giờ sân nhà thờ đã nhộn hẳn lên, nhiều màu sắc đồng phục của nhiều đoàn thể Công giáo tiến hành kéo dài từ cửa chính nhà thờ ra đến cổng hơn 100m, ai cũng nô nức chờ đón vị Đại diện Đức Thánh Cha,

16 giờ, Đức TGM từ An Ngãi đến trong tiếng hoan hô vỗ tay và tiếng chuông nhà thờ. Tháp tùng Ngài có Cha Anrê Phụ tá của Ngài và Cha Tổng Đại diện Giáo phận. Cha Phó Hòa Khánh Phêrô Nguyễn Trọng Đường dẫn đầu phái đoàn giáo xứ đã đến tận Giáo xứ An Ngãi để đón Đức TGM.

Trong lời chào mừng, vị Đại diện Giáo xứ vui mừng thân thưa: “Như bà Isave vui mừng được Mẹ Chúa đến thăm, giáo xứ chúng con được hồng phúc trọng đại ngày hôm nay”.

Cha Tổng Đại diện Giáo phận giới thiệu Đức TGM cho cộng đoàn, Ngài cũng cho biết : đây là lần thứ hai Đức TGM đến thăm Giáo phận Đà Nẵng, lần thứ nhất đến thăm Mục vụ các Giáo phận Việt Nam và lần này Ngài đến thăm mừng Lễ Kim Khánh thành lập Giáo phận. Những tràng pháo tay tỏ lòng hân hoan mến yêu, vâng phục Đức Thánh Cha qua vị Đại diện là Đức TGM, thấy Đức TGM là như thấy Đức Thánh Cha. Giáo dân vây quanh Ngài trong tình thương mến và bày tỏ tâm tình hiệp nhất với Vị Đại diện Đức Giáo Hoàng.

Tiếp đó, Cha Giuse Nguyễn Thanh Sơn, Quản xứ Hòa Khánh, giới thiệu với Đức TGM về Giáo xứ. Trước 1975 có lúc Giáo xứ có hơn 20 ngàn Giáo dân, được chia làm 7 đơn vị nhỏ. Sau khi thống nhất đất nước, anh chị em đã trở về quê quán xưa, chỉ còn khoản 150 người. Ngày nay Giáo xứ đông trở lại, là một trong năm Giáo xứ đông nhất của Giáo phận. Vì ở gần nhiều trường đại học, khu công nghiệp, thương mại… có rất nhiều anh chị em di dân, quan tâm Mục vụ di dân được Giáo xứ đặt làm ưu tiên.

Ngài cũng giới thiệu với Đức TGM về nhân sự, cơ cấu tổ chức, đoàn thể của Giáo xứ. Với niềm lạc quan tin tưởng vào Thiên Chúa, Ngài xác quyết: “… còn nhiều khó khăn, song anh chị em tín hữu luôn giữ vững đức tin và truyền giáo cho anh em lương dân.”

Đức TGM cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của cộng đoàn, thay mặt ĐTC tỏ lòng yêu mến cộng đoàn, Ngài cầu chúc cộng đoàn lớn mạnh như trước đây Giáo xứ đã từng đạt được. Trong huấn từ của Ngài: “… trong Năm Đức Tin và Năm Thánh Giáo phận, chúng ta cần làm mới Đức tin…các thành viên trong Giáo xứ là thành phần của Giáo phận, là thành phần Giáo Hội toàn cầu. Đức Thánh Cha là biểu tượng của sự hiệp nhất Giáo Hội toàn cầu...” Ngài đến tỏ sự quan tâm của ĐTC, Ngài thay mặt ĐTC tỏ lòng yêu mến và chúc lành cho cộng đoàn, Ngài hứa sẽ trình ĐTC về lòng mến yêu vâng phục của công đoàn khi gặp ĐTC.

Tiếp đó, trong phần giao lưu, trả lời câu hỏi của một Giáo dân về tâm tình người Giáo dân Việt Nam khi gặp Ngài, Ngài cho biết: tất cả các Giáo phận Ngài đến thăm đều vui mừng đón tiếp, Giáo Dân Việt nam có lòng yêu mến thẳm sâu, những cộng đoàn lớn tại Giáo phận Sài Gòn hay các cộng đoàn nhỏ tại Lai Châu đều có cùng lòng cảm mến như nhau, cùng niềm tin, đó là dấu hiệu sự hiệp nhất trong Chúa Kitô, trong Giáo Hội. Giải đáp cho một bạn trẻ: giới trẻ cần làm gì để thăng tiến đức tin giới trẻ? Ngài hướng dẫn: cần học mọi kiến thức thông tin nơi trường học, cần học giáo lý, theo gương và vâng giữ lời dạy của Chúa Giêsu, thi hành Giáo huấn của Hội Thánh, tất cả mọi người phải đọc Tin Mừng. Ngài đi đến kết luận: “học, học nữa, học mãi mọi kiến thức về cuộc sống và giáo lý đức tin”.

Sau lời cám ơn của Cha Quản xứ, đoàn con Hòa Khánh vây quanh Ngài để ghi những tấm hình lưu niệm trong màu áo từng hội đoàn, ai cũng muốn đứng gần Ngài như muốn hòa tan nên một trong Hội Thánh Nhiệm Thể Chúa Kitô.


Ban Truyền Thông GP