MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn nói về chính sách tôn giáo ở Việt Nam

ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Chính sách tôn giáo chỉ khiến người ta sợ hãi

Thông cáo báo chí sau cuộc họp vòng 4 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Toà Thánh diễn ra ngày 13 và 14-6 tại Vatican viết, Việt Nam nhấn mạnh “việc tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng, cũng như không ngừng khuyến khích các tôn giáo khác nhau, và Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng, tích cực tham gia công cuộc xây dựng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội”.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trước cuộc họp, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Tổng Giáo phận TP.HCM trình bày một quan điểm khác. Theo ngài, các chính sách tôn giáo của chính phủ “làm cho người ta cảm thấy sợ hãi, nghi ngại và bất mãn”.

Đức Hồng y Mẫn cho biết chính quyền tuyên bố rằng các chính sách tôn giáo của họ nhằm bảo đảm an ninh trật tự, nhưng “họ cai trị đất nước bằng bản năng tự vệ và chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình thay vì bằng con tim, lòng trí, lòng nhân, lòng đạo của con người”.

Ngài nêu ví dụ việc tổ chức Đại hội Khoáng đại lần thứ 10 của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tại Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái. Nhiều viên chức tới chúc mừng ngài đã tổ chức tốt đẹp đại hội. Ngài nói với họ rằng việc chính quyền yêu cầu gửi danh sách các tham dự viên cùng thư mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi cấp visa đã làm cho nhiều hồng y, giám mục châu Á e sợ vì các nước khác không đòi hỏi những thủ tục ấy, nhất là khi đón tiếp các lãnh đạo Giáo Hội.

Ngài thêm rằng các hoạt động tôn giáo đều bị kiểm soát chặt chẽ. “Tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người. Thật không công bằng khi nhà nước lấy cái quyền này rồi lại đi ban phát lại cho người dân.”

Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, cho biết chính quyền yêu cầu gửi bản danh sách các ứng viên linh mục trước lễ phong chức cho họ và cả tên giám mục phong chức. Tuy nhiên, ngài từ chối cung cấp tên giám mục vì giám mục có thể bị ngăn cản.

“Việc phong chức là của Giáo Hội, không phải của nhà nước, vì thế chúng tôi không xin phép nhà nước”, Cha Thành, người bị cấm xuất cảnh từ năm 2011, giải thích. Ngài nói thêm nhà chức trách cũng yêu cầu ngài không phong chức cho một số linh mục nhưng ngài cũng từ chối.

Việc từ chối này có thể phải trả giá vì các linh mục có thể bị ngăn cản không cho thực hiện công việc mục vụ.

Trước đây, nhiều linh mục ở các giáo phận miền bắc đã chịu chức mà không có sự cho phép của nhà nước, buộc phải theo học các khoá bồi dưỡng thần học 2 năm để được chịu chức lần hai.

Tình hình này cũng không có vẻ sáng sủa trong tương lai gần. Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng hồi tháng 5 nói rằng Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 cần phải được sửa đổi để “bắt kịp những thay đổi nhanh chóng trong xã hội”.

Hiện nay, các tổ chức tôn giáo chỉ được phép tham gia các hoạt động nhân đạo và giáo dục mầm non trong giới hạn nào đó. Các nhà quan sát lo ngại việc sửa đổi luật sẽ hạn chế thêm phạm vi các hoạt động của Giáo Hội.

Đức Hồng y Mẫn cũng nhắc lại quan điểm nói rằng chính quyền sợ các nhóm tôn giáo lấy bớt ảnh hưởng của họ vì thế họ tiếp tục thắt chặt kiểm soát sự tham gia của tôn giáo trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục.

"Đầu năm nay, Thủ tướng có hứa sẽ cứu xét, giải quyết ước nguyện của Giáo hội Công giáo muốn tham gia phục vụ nhân dân trong lĩnh vực giáo dục, y tế" - Đức Hồng y Mẫn nói và cười lớn - "nhưng ông thủ tướng không nói là khi nào".

Theo ngài, tình hình cũng không phải là hết hy vọng hoàn toàn. Ngài tin là trong những năm qua chính quyền nhận thấy rằng tín đồ tôn giáo, nhất là Công giáo, muốn phục vụ công ích và xây dựng một xã hội thân thiện và nhân bản, chứ không có ý tranh chấp quyền lực với họ.

Kết quả là có được một số tiến bộ trong chừng mực nào đó.

Đức Hồng y Mẫn cũng lưu ý rằng mặc dù các sinh hoạt tôn giáo bị giới hạn nhưng ngày càng có nhiều người đang tìm đến với tôn giáo như một cách giải thoát khỏi xã hội bị lấn át bởi chủ nghĩa vô thần, đạo đức xuống cấp, chủ nghĩa vật chất, hưởng thụ và tham nhũng.

Chỉ riêng 200 nhà thờ ở TP. HCM luôn đầy ắp người Công giáo tham dự các nghi lễ là một minh chứng rõ ràng.

(Nguồn: UCANews)