1. Buổi tiếp kiến chung hàng tuần
Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào sáng thứ Tư 19 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Giáo Hội như là Thân Thể Chúa Kitô. Ngài kêu gọi sự hiệp nhất Kitô giáo, và nói thêm rằng Giáo Hội không phải là một thực thể văn hóa hay chính trị, nhưng là nhiệm thể sống động của Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta xem xét Giáo Hội như là Thân Thể Chúa Kitô. Thông qua hồng ân của Chúa Thánh Thần, nhận được trong bí tích Rửa Tội, chúng ta được hiệp nhất một cách nhiệm mầu với Chúa như một thành phần trong nhiệm thể mà Ngài là đầu. Hình ảnh nhiệm thể này làm cho chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc tăng cường sự kết hợp của chúng ta với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện hàng ngày, qua việc học hỏi Lời Chúa và sự thông phần trong các bí tích.
Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Côrintô rằng Nhiệm Thể Chúa Kitô, tuy là duy nhất, được tạo thành từ nhiều thành phần. Trong sự hiệp thông của Giáo Hội, và trong tình hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục, mỗi chúng ta có một vai trò, một ân sủng để chia sẻ, một sứ vụ để phục vụ cho việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô trong tình yêu. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta loại bỏ mọi hình thức chia rẽ và xung đột trong gia đình, giáo xứ và Giáo Hội địa phương. Đồng thời, chúng ta hãy xin cho được ơn để mở rộng lòng mình cho tha nhân, ngõ hầu thúc đẩy tình đoàn kết và sự hòa hợp các thành viên của cùng một Nhiệm Thể Chúa Kitô, được linh hứng từ tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta.
2. Chúa Nhật Evangelium Vitae tại Vatican
Chúa Nhật 16 tháng Sáu là ngày Tin Mừng Sự Sống tại Vatican. Như thường lệ, Đức Thánh Cha đã dùng xe Jeep chào thăm hơn 100,000 tín hữu đứng chật quảng trường Thánh Phêrô. Đặc biệt trong ngày Tin Mừng Sự Sống này người ta thấy có cả hàng ngàn người trên các chiếc Harley Davidson tham dự thánh lễ.
Trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Chúng ta hãy nói tiếng "Vâng" với cuộc sống chứ không phải là cái chết. Chúng ta hãy nói "Có" cho tự do và nói tiếng “không” với sự nô lệ các ngẫu tượng trong thời đại chúng ta. Tắt một lời, chúng ta hãy nói "Có" với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, là sự sống và tự do, Đấng không làm ai thất vọng bao giờ.
Đức Thánh Cha giải thích rằng chính Phúc Âm dẫn chúng ta đến với sự sống. Quan điểm cho rằng khước từ Thiên Chúa, sẽ dẫn đến tự do, là nhầm lẫn. Ngược lại, chỉ có Tin Mừng mới dẫn con người đến một cuộc sống viên mãn.
Đức Thánh Cha nói:
"Nhưng quá thường khi, người ta không chọn cuộc sống, họ không chấp nhận" Tin Mừng Sự Sống "nhưng để cho mình được dẫn dắt bởi những ý thức hệ và những cách thế tư duy bóp nghẹt cuộc sống, không tôn trọng cuộc sống, vì những tư tưởng ấy được thống trị bởi sự ích kỷ, tư lợi, quyền lực và khoái lạc, chứ không phải bởi tình yêu, và bởi mối quan tâm tới lợi ích của những người khác."
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Kinh Thánh cho thấy tất cả các chiều kích của bi kịch con người. Tất cả mọi thứ, từ thiện và ác, tới đam mê, tội lỗi và hậu quả của chúng. Ngài nói sự ích kỷ dẫn đến dối trá và mặc dù chúng ta có thể cố gắng để lừa dối mình, chúng ta không che dấu được Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
"Kitô hữu là “siêu nhiên”. Điều này không có nghĩa chúng ta là những người sống"trên mây", xa rời cuộc sống thực, như thể là một loại ảo ảnh. Không! Kitô hữu là người suy nghĩ và hành động trong cuộc sống hàng ngày theo thánh ý Thiên Chúa, những người để cho cuộc sống của mình để được hướng dẫn và nuôi dưỡng bởi Chúa Thánh Thần, hầu đạt đến một cuộc sống viên mãn."
Thánh Lễ này, được cử hành trong khuôn khổ của năm Đức Tin như là một cách để làm vang vọng thông điệp "Evangelium Vitae," trong đó chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vạch ra lập trường của Giáo Hội về bảo vệ sự sống trong tất cả các giai đoạn của nó. Vào cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha ban phép lành cho một số đông bệnh nhân tập trung trên Quảng trường Thánh Phêrô.
3. Căng thẳng giữa Giáo Hội và Venezuela chấm dứt với việc Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá trên trán tổng thống Nicolás Maduro
Sáng thứ Hai 17 tháng 6, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến ngoại giao có thể được mô tả là khó khăn nhất kể từ khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng . Đức Thánh Cha Francis đã tiếp tân tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela, là quốc gia hiện đang trải qua những biến động xã hội và chính trị kể từ cái chết của Tổng thống Hugo Chavez.
Trong quá khứ, mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Venezuela đã rất căng thẳng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa cho không khí bớt căng thẳng và tổng thống Maduro tỏ ra khá thân thiện cho nên từ lời chào chính thức, không khí đã có vẻ thoải mái.
- Chào buổi sáng, thưa ngài tổng thống.
- Rất vui được gặp Đức Thánh Cha, con rất vui.
Trong cuộc họp kéo dài 20 phút, hai vị đã nói về tình hình ở Venezuela sau cái chết của Hugo Chávez. Các chủ đề như cuộc chiến chống tội phạm, buôn bán ma túy và nghèo đói cũng đã được đề cập. Đức Giáo Hoàng và tổng thống Maduro cũng thảo luận về vai trò của Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức bác ái của Giáo Hội tại Venezuela.
Cả hai vị đã nói đùa để không khí thân thiện hơn.
Tổng thống nói:
- Đức Thánh Cha có vẻ gầy hơn là nhìn trong các hình ảnh.
- Ngài biết đấy, đó là truyền hình biến dạng ra ... Tôi không bao giờ trang điểm!
Ngay cả lúc Đức Giáo Hoàng chào đón đoàn tùy tùng của tổng thống Nicolás Maduro, ngài đã không để mất cơ hội để đưa ra những nhận xét hài hước.
Tổng thống giới thiệu:
- Đây là Đô đốc đầu tiên của hạm đội Venezuela.
- Trọng kính Đức Thánh Cha, thật là một vinh dự lớn. Con có thể hôn nhẫn của ngài không?
- Hãy cầu nguyện cho tôi.
- Dạ vâng.
Đức Thánh Cha nói:
- Cầu nguyện cho tôi, đừng chống lại tôi, OK?
- Không đâu, con luôn ủng hộ Đức Thánh Cha!
Đức Giáo Hoàng đã nhận được bức ảnh Đức Mẹ Coromoto, bổn mạng của Venezuela, một tờ in đá của Simon Bolivar và một tác phẩm điêu khắc của José Gregorio Hernández, là một bác sĩ đã sống tại thủ đô Caracas của Venezuela mà quá trình phong chân phước hiện đang được tiến hành. Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã tặng tổng thống Maduro một cây bút màu trắng khắc hình bảo tàng viện Vatican và một bản sao những kết luận đưa ra sau Thượng Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La Tinh tại Aparecida.
- Nhìn vào mục lục và đọc chương này tổng thống sẽ thấy rất thú vị vì giá trị của nó. Tôi đã ở trong ủy ban soạn thảo kết luận chung thẩm này. Đó là một tiếng kêu cứu từ châu Mỹ La tinh.
Vào cuối cuộc họp Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành cho Tổng thống Venezuela bằng cách ghi dấu thánh giá trên trán.
4. Đức Giáo Hoàng đề cập đến nạn thanh niên thất nghiệp với Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp José Manuel Durao Barroso, Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu, tại Vatican. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhu cầu hội nhập lớn hơn của châu Âu, các hậu quả gây ra bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp trong thanh niên. Cả hai vị đã đồng ý về cách thức Giáo Hội Công Giáo có thể giúp xoa dịu tình trạng hiện nay.
Trong cuộc gặp gỡ của họ, kéo dài khoảng 15 phút, Đức Thánh Cha Phanxicô và Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý về sự cần thiết phải thúc đẩy nhân quyền và tự do tôn giáo.
Đức Giáo Hoàng đã tặng Chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu một dụng cụ mở thư có khắc hình Vatican. Đáp lại, ông Durao Barroso tặng Đức Giáo Hoàng một cuốn sách về nền tảng của Liên minh châu Âu.
5. Phong chân phước cho anh Odoardo Focherini
Anh Odoardo Focherini (1907-1944), một giáo dân người Ý đã cứu hơn 100 người Do Thái trong Thế chiến II, đã được phong chân phước vào ngày 16 tháng 6 tại thành phố Carpi ở phía bắc nước Ý.
Anh Focherini là người bán bảo hiểm, nhà báo, và là cha của bảy người con đã qua đời ở tuổi 37 trong một trại tập trung tại Hersbruck bên Đức.
Năm 1969, Yad Vashem, đài tưởng niệm Holocaust của Israel, đã tuyên bố Focherini là "Người Công Chính giữa các dân nước" vì những nỗ lực của anh nhằm cứu người Do Thái. Tháng 5 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã phê chuẩn việc công bố một sắc lệnh của Bộ Phong Thánh tuyên bố Focherini là một vị tử đạo.
Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng của Thánh Bộ, đã chủ sự Thánh Lễ phong chân phước ngoài trời.
6. Các cuộc họp báo của các vị Giáo Hoàng trên máy bay
Trong những chuyến tông du quốc tế của Đức Giáo Hoàng, một trong những khoảnh khắc được chờ đợi nhất, là cuộc họp báo trên máy bay. Truyền thống này lần đầu tiên được giới thiệu bởi Đức Gioan Phaolô II vào lúc bắt đầu triều Giáo Hoàng của ngài, và sau đó được tiếp nối bởi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.
Nhà báo Angela Ambrogetti, thường trú tại Vatican vừa cho ra mắt cuốn 'Sull'aereo di Papa Benedetto, tạm dịch là “Trên máy bay với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô' để ghi lại những tư tưởng Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã trình bày trong các cuộc họp báo này
Đề cập đến lý do hình thành cuốn sách, ông Angela AMBROGETTI nói:
"Đó là 'thể loại văn học' mới mà Đức Gioan Phaolô II khai sáng. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tiếp nối truyền thống các cuộc gặp gỡ với báo chí trên các chuyến bay từ Vatican trong các chuyến tông du quan trọng của mình, đặc biệt là những chuyến bay xa. Vì vậy, tôi quyết định thu thập tất cả các lời dạy của ngài, để thể hiện những nét tổng quát cũng như sự phát triển triều Giáo Hoàng của ngài. "
Mặc dù các cuộc họp báo thường ngắn gọn và giới hạn trong chỉ vài câu hỏi, một số các nhà báo đi với ngài, đã nhớ mãi những khoảnh khắc thân ái ấy.
Cha Federico Lombardi, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh Vatican nhận định:
"Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 là một người rất có khiếu truyền thông. Ngài có thể giải thích suy nghĩ của mình một cách rõ ràng và thẳng thắn. Lời ngài rất phong phú về nội dung. Đó là lý do tại sao các phát biểu của ngài đã được lắng nghe với sự chú ý cao độ. Sau đó, người ta có thể đọc lại, và suy gẫm những lời ấy. Đó là những lời nhẹ nhàng nhưng kích động tư duy. "
Trước mỗi cuộc hành trình, các nhà báo ghi danh được chọn tham dự các chuyến bay của Đức Giáo Hoàng một cách cẩn thận. Angela Ambrogetti nói rằng nếu may mắn có được một chỗ ngồi trên máy bay thì đó là một kinh nghiệm đáng nhớ trong đời.
Ký giả Angela AMBROGETTI nói:
"Đi du lịch với Đức Giáo Hoàng vượt quá mơ ước của các ký giả. Nhưng cũng rất mệt mỏi. Bạn phải đúng giờ, theo sát lịch trình của mình, và đôi khi thậm chí còn phải tới sớm hơn. Nhưng thực sự hào hứng khi cảm thấy như bạn là một phần của chuyến đi ấy. Thật đẹp để thấy rằng nhờ công việc của bạn, bạn sẽ đóng góp vào kết quả và sự thành công của chuyến đi”
Trong tám năm triều đại Giáo Hoàng của ngài Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tông du hải ngoại 24 lần. Chuyến đi đầu tiên của ngài là tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne, bên Đức. Ngày hội của Giới Trẻ Thế Giới cũng sẽ đánh dấu chuyến đi đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào cuối tháng Bảy này.
7. Chuyến tàu của trẻ em: Hành trình đến Vatican để gặp Đức Giáo Hoàng
Hơn 250 trẻ em sẽ có một cơ hội độc đáo là gặp gỡ Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Chuyến đi này là một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Các em sẽ đến nhà ga xe lửa của Vatican vào ngày Chúa Nhật 23 tháng Sáu từ các nước khác nhau. Mặc dù còn trẻ, tất cả các em trong số này đã phải đối mặt với các vấn đề xã hội và gia đình.
Bác sĩ. PATRICIA Martinez, nhà tổ chức chuyến tàu của trẻ em cho biết:
"Chương trình này đã được phát động dành cho trẻ em. Đó là cho những em đã không bao giờ có cơ hội được du lịch như thế vì sinh ra trong một gia đình khó khăn, trong một tình hình xã hội bất lợi. Thực sự họ phải đối mặt với các loại vấn nạn khác nhau của các khó khăn xã hội. Chúng tôi đã làm việc trong chương trình này từ tháng mười hai, với các cơ quan khác nhau dành cho trẻ em. "
Các trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 12 sẽ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm của họ, sẽ có thể xem thấy các nền văn hóa khác nhau và những nơi họ chưa bao giờ có cơ hội đến được. Sự kiện này là một phần trong chương trình "Khu vườn thiếu nhi” được sự tài trợ của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa.
Trước khi đến Rome, các em sẽ đến thăm các nhà thờ tại các thành phố nổi tiếng của Ý như Milan, Florence và Bologna.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 18 tháng Sáu, Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa nói:
"Sau khi đến ba thành phố khác nhau của Ý, các em sẽ được đưa lên tàu để đến Vatican. Mỗi em có những kinh nghiệm riêng của mình, có thể là giáo dục, văn hóa hay tâm linh nhưng thực sự tất cả những đứa trẻ này có những bối cảnh rất khác nhau. "
Xe lửa tốc độ cao sẽ dừng lại ở nhà ga xe lửa chính của Vatican. Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ gặp các trẻ em tại Đại Thính Đường Phaolô VI của Vatican.
Sáng kiến này được chào đón nồng nhiệt bởi các trung tâm chăm sóc trẻ em.
8. Bốn nhà thờ Công Giáo ở miền bắc Nigeria đã bị đánh bom và đốt cháy cuối tuần qua, trong các cuộc tấn công do các nhóm khủng bố Boko Haram thực hiện.
Trong tuần qua, Đức Tổng Giám Mục Ignatius Ayau Kaigama của Jos, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nigeria, nói với hãng tin Fides rằng quân đội Nigeria đã di chuyển vào khu vực ở bang Borno miền Bắc, mang lại một cảm giác an ninh hơn cho người dân, sau các cuộc tấn công vào các nhà thờ Công Giáo trong vùng kèm theo việc cướp bóc lương thực dự trữ, và gia súc.
Tuy nhiên, ngay sau đó thì bốn nhà thờ Công Giáo ở miền bắc Nigeria đã bị đánh bom trong các thánh lễ cuối tuần và đã bị đốt cháy.
Các cuộc tấn công đã do Boko Haram phối hợp với các nhóm Hồi giáo từ nước láng giềng Mali tràn sang.
Đức Tổng Giám Mục đã kêu gọi một "giải pháp khu vực" để chống lại bạo lực, trong đó các chính quyền Nigeria, Niger, và Mail sẽ làm việc cùng nhau chống lại các chiến binh Hồi giáo.
9. Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp gỡ lần đầu tiên với Đức Tân Tổng Giám mục Anh Giáo thành Canterbury
Sáng thứ Sáu 14 tháng 6, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp Đức Tân Tổng Giám mục Justin Welby tại Vatican. Cuộc họp chính thức đầu tiên của hai vị bao gồm một lời cầu nguyện vào buổi trưa, và cuộc viếng mộ Thánh Phêrô Tông Đồ và Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Trước buổi cầu nguyện chung, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các vị đứng đầu mới của Liên Hiệp Anh giáo tại Điện Tông Tòa của Vatican. Phu nhân của Tổng Giám Mục Anh Giáo cùng đi với nhà lãnh đạo Anh Giáo. Hai vị đã nói chuyện về những vấn đề cùng quan tâm. Đức Giáo Hoàng đề cập đến một thực tế là cả hai vị đã tuyên thệ nhậm chức chỉ cách nhau vài ngày.
Đức Thánh Cha nói:
"Chúng ta đã bắt đầu sứ vụ của mình chỉ cách nhau vài ngày, nên tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ luôn luôn có một lý do cụ thể để hỗ trợ lẫn nhau trong lời cầu nguyện."
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Welby thừa nhận rằng mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Liên Hiệp Anh giáo gần đây đã trở nên phức tạp. Tuy nhiên, ý chí đề cao các giá trị Kitô giáo trên thế giới vẫn là điều cả hai Giáo Hội đều mong muốn. Vì thế, hòa giải và sự hiệp nhất là rất cần thiết.
Đức Tổng Giám mục của Canterbury nói:
"Vì thế, đã có một khao khát mới cho sự hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu, và dù đường còn xa bao lâu đi nữa, lòng bác ái chắc chắn sẽ thay đổi được tình hình”.
Căng thẳng gần đây giữa hai Giáo Hội và giữa các tín hữu Anh giáo Công Giáo bao gồm việc truyền chức cho phụ nữ. Điều này gây ra một rạn nứt trầm trọng ngay bên trong Liên Hiệp Anh giáo đến mức Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã thành lập các Giáo Hạt Tòng Nhân để đón tiếp những tín hữu Anh Giáo quay lại với Công Giáo nhưng vẫn muốn giữ những hình thức Phụng Vụ riêng của họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến những tiến bộ trên hành trình đại kết Công Giáo và Anh Giáo.
Ngài nói:
"Cuộc hành trình này có được thông qua cuộc đối thoại thần học, cụ thể là qua công việc của Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo- Công Giáo, và thông qua sự tăng trưởng của các mối quan hệ thân ái ở mọi cấp độ trong cuộc sống hàng ngày, và trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau sâu sắc và hợp tác chân thành."
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh thêm rằng trước một số vấn nạn làm lung lay nền tảng xã hội như việc tôn trọng sự sống, gia đình và hôn nhân, các nhà lãnh đạo Kitô giáo phải làm việc cùng nhau để đề cao các giá trị chung.
10. Ngày Tin Mừng Sự Sống tại Vatican.
Sáng Chúa Nhật 16 tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô với các phong trào và các hiệp hội phò sinh. Đó là một phần trong chương trình ngày Tin Mừng Sự Sống. Evangelium Vitae hay Tin Mừng Sự Sống là tiêu đề của một trong những Tông thư do Đức Gioan Phaolô II ban hành trong đó vạch ra lập trường của của Giáo Hội trước những tấn kích liên tục vào sự sống con người.
Thánh Lễ Chúa Nhật đã được bắt đầu lúc 10: 30a.m tại quảng trường Thánh Phêrô. Tuy nhiên, trước đó vào ngày Thứ Bẩy nhiều bài giáo lý về sự sống đã được tổ chức tại các giáo xứ Rôma nằm gần Tòa thánh Vatican. Đông đảo anh chị em tín hữu từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự biến cố này.
Chương trình ngày Tin Mừng Sự Sống cũng đã bao gồm một cuộc hành hương viếng mộ Thánh Phêrô và một đêm canh thức tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichela, Chủ tịch, Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm Hóa cho biết thêm:
"Buổi tối ngày thứ Bẩy 15 tháng Sáu lúc 08:30 tối một đoàn rước trong thầm lặng đã diễn ra trên đại lộ Via della Conciliazione để kêu gọi sự chú ý đến các vấn đề về sự sống con người và giá trị bất khả nhượng của nó. Đêm canh thức đã kết thúc tại Quảng trường Thánh Phêrô nơi đông đảo anh chị em tín hữu đã đưa ra những chứng từ mạnh mẽ. "
Hàng chục ngàn người từ tất cả các nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, Ý, Đức, Nhật Bản, Hungary, Romania và Tây Ban Nha, và những nước khác đã tham dự biến cố này.
11. Triển lãm nhân kỷ niệm sắc lệnh tha đạo của Hoàng đế Constantine tại hí trường Côlôsêô
Nhân kỷ niệm 1,700 năm sắc lệnh Milan tuyên bố tự do tôn giáo trong các lãnh thổ của Đế chế La Mã, Đại hý trường Côlôsêô đã tổ chức một cuộc triển lãm về một trong những nhân vật chính liên quan đến sắc lệnh này là vị hoàng đế Thiên Chúa giáo Constantine Đệ Nhất.
Cuộc triển lãm trưng bày hơn 160 cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật đáng kể từ tất cả các nơi ở châu Âu và được chia thành các khu vực khác nhau, mỗi khu vực đưa ra những hình ảnh đa dạng và có chiều sâu về thời đại Constantine.
Ông Mariarosaria Barbera, Giám đốc, Di sản Khảo cổ học Rôma nói:
"Cuộc triển lãm này tập trung vào Constantine, Helena và triều đình đế quốc. Nó mô tả sự tiến triển của Kitô Giáo đạt được nhờ vào sự trợ giúp của vị hoàng đế và cách thức Kitô Giáo đã tiến hóa trong suốt những thế kỷ sau đó. "
Trong số các đồ vật trưng bày có các đồng xu, các tranh ghép và đồ trang sức, và một trong những phần thú vị nhất là bộ sưu tập về người mẹ của Constantine, là thánh Helena.
Một phần nổi bật trong cuộc triển lãm được dành cho các 'Chrismon', tức là những ký hiệu liên quan đến Chúa Kitô.
Ông Mariarosaria Barbera nói thêm:
"Phần triển lãm này giải thích cách thức hình thành các biểu tượng của Kitô giáo. Đối với chúng ta, đó là Thập Giá, nhưng nhiều người đã không nghĩ như thế. Hình Chữ Thập là một biểu tượng của ô nhục, vì đó là giàn giáo nơi tù nhân bị xử tử. Bản thân các biểu tượng đã tiến hóa. Thật là thú vị để hiểu từ lúc nào Thập Giá đã được xem như một dấu hiệu của chiến thắng. Một chiến thắng bởi một người đã bị đóng đinh; đó thực là một khái niệm hoàn toàn mang tính cách mạng vào thời điểm đó".
Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày đến từ các viện bảo tàng khác nhau và các tổ chức trên thế giới, chẳng hạn như Viện Bảo Tàng Capitoline của Rôma, các Bảo tàng Anh, các Thư viện Quốc gia của Pháp và Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington.
Từ đây cho đến ngày 15 tháng Chín, khách hành hương Rôma có thể xem các di vật từ thời Costantino vào năm 313 sau Chúa Giáng Sinh.
12. Đức Giáo Hoàng thảo luận về nền kinh tế và giáo dục với thủ tướng Slovenia
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp nữ thủ tướng Alenka Bratusek của Slovenia tại Vatican. Cả hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện về vai trò Giáo Hội Công Giáo trong hệ thống giáo dục của đất nước.
Thủ tướng đã chia sẻ mối quan tâm của bà với Đức Thánh Cha về cuộc khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng đến đất nước. Các mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà nước Slovenia cũng đã được thảo luận, cùng với tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do tôn giáo.
Slovenia nổi danh thế giới về ngành công nghiệp thủy tinh. Vì thế thủ tướng đã tặng Đức Giáo Hoàng một chiếc bình nghệ thuật thực hiện bởi một trong các nghệ nhân hàng đầu của Slovenia. Bà nói phù điêu trên bình tiêu biểu cho một 'sự cởi mở về tinh thần'.