VATICAN - ĐTC Phanxicô kêu gọi các vị lãnh đạo khối G-8 đặc biệt góp phần tái lập hoà bình tại Syria và đặt con người ở trong tâm các hoạt động kinh tế tài chính.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thư gửi đến Thủ tướng Anh quốc, David Cameron, trong tư cách là chủ tịch khối 8 cường quốc kinh tế nhóm họp tại Lough Erne, Bắc Ireland, trong 2 ngày 17 và 18-6-2013, với chủ đề "Một cuộc họp G-8 trở lại các nguyên tắc đầu tiên".
ĐTC nhắc đến mối quan tâm về những cuộc khủng hoảng quốc tế chắc chắn được đề cập đến trong khoá họp này và ngài viết: "Khoá họp năm nay không thể không chú ý cứu xét tình hình ở Trung Đông và đặc biệt tại Syria. Về nước này, tôi cầu mong Hội nghị Thượng đỉnh góp phần đạt tới một cuộc đình chiến tức khắc và lâu bền, và đưa tất cả các phe trong cuộc xung đột đến bàn hội nghị. Hoà bình đòi hỏi phải sáng suốt từ bỏ một số chủ trương đòi hỏi, để cùng nhau xây dựng một nền hoà bình công bằng và chính đáng hơn. Ngoài ra, hoà bình là một điều kiện không thể thiếu được để bảo vệ các phụ nữ, trẻ em và các nạn nhân vô tội khác, và để bắt đầu bài trừ nạn đói, nhất là nơi các nạn nhân chiến tranh."
ĐTC cũng nhận định rằng các biện pháp dài hạn để đảm bảo khuôn khổ hợp pháp hướng dẫn mọi hoạt động kinh tế, cũng như những biện pháp cấp thời để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đều phải được hướng dẫn nhờ một nền luân lý đạo đức sự thật, bao hàm trước tiên sự tôn trọng chân lý về con người, con người không phải là một nhân tế kinh tế phụ thuộc hoặc là một món hàng có thể gạt bỏ, nhưng con người có một bản tính và phẩm giá không thể bị thu hẹp vào những toan tính kinh tế. Vì thế, sự quan tâm lo lắng cho thiện ích an sinh cơ bản về vật chất cũng như tinh thần của mỗi người là điểm khởi hành của mọi giải pháp chính trị và kinh tế, và con người cũng là mẫu mực tối hậu để đo lường hiệu năng và đặc tính luân lý của các biện pháp đó.
ĐTC nói đến mục đích của kinh tế và chính trị chính là để phục vụ cho con người, bắt đầu là những người nghèo khổ và yếu thế nhất, dù họ ở đâu đi nữa, cả trong lòng mẹ. Mỗi lý thuyết hoặc hoạt động kinh tế và chính trị phải nỗ lực cung cấp cho mỗi người dân của trái đất an sinh tối thiểu, giúp họ sống trong phẩm giá, trong tự do và có khả năng nuôi dưỡng một gia đình, giáo dục con cái, chúc tụng Thiên Chúa và phát huy các khả năng nhân bản. Đó là điều chính yếu. Nếu không có viễn tượng đó thì hoạt động kinh tế sẽ không có ý nghĩa. (SD 16-6-2013)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)