Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga đến từ Honduras nói rằng ngài sẽ kiến nghị Đức Giáo Hoàng cải cách Giáo Triều và việc quản trị của Giáo Hội. Ngài là người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản trị. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tấn phong hồng y cho ngài vào năm 2001, cùng ngày với Đức Bergoglio.
Ngài đã có dịp làm việc chung với Đức Giáo Hoàng đương kim nhiều lần trong Giáo Hội Mỹ Latinh. Hai vị đã cộng tác chặt chẽ với nhau khi phác thảo văn kiện Aparecida năm 2007, một thành quả của Hội nghị các Giám mục Châu Mỹ Latinh lần thứ V. Hiện nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn tiếp tục sử dụng văn kiện này và thường tặng 1 bản cho các nguyên thủ quốc gia Mỹ Latinh mỗi khi họ có dịp gặp ngài ở Rôma.
Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga sẽ đảm nhận nhiệm vụ điều phối công việc của nhóm vốn sẽ xoay quanh những ưu tư mà các Đức Hồng y đã nêu lên trong suốt những phiên họp đại khoáng được tổ chức vài ngày trước mật viện. Trong những phiên họp này, lần đầu tiên ý tưởng thành lập một ủy ban cải cách đã được đưa ra. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng thừa nhận rằng trong suốt những phiên họp đại khoáng đó, các hồng y đã đề nghị thành lập một ủy ban cải cách Giáo Triều Rôma và việc quản trị của Giáo Hội.
Cũng như Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga , Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, đại diện duy nhất của Châu Phi trong ủy ban 8 hồng y cho biết sẽ góp ý cho Đức Thánh Cha về việc cải cách Giáo Triều và quản trị của Giáo Hội.
Đức Hồng Y Monsengwo sinh năm 19339 tại Congo. Ngài xuất thân từ gia tộc Basakata và tên của ngài có nghĩa là “cháu trai của tộc trưởng.” Ngài được biết đến trong Giáo Hội Phi Châu vì những nỗ lực thăng tiến nhân quyền trong thời gian cầm quyền của nhà độc tài Mobuto Sese Seko.
Ngài đã chủ tọa Hội nghị chuyên đề của Liên Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar cũng như của Pax Christi – Hòa bình của Chúa Kitô, một phong trào Công Giáo thăng tiến hòa bình tại những vùng xung đột.
Kể từ năm 2007, ngài đã phục vụ trong cương vị là tổng giám mục Kinshasa và năm 2010 ngài đã được phong hồng y. Năm 2012, vị hồng y người Congo này đã giảng linh thao cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Giáo Triều Rôma. Ngài cũng đã tham gia mật viện bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Một đại diện khác của Châu Mỹ Latinh, Đức Hồng Y người Chilê Francisco Javier Errázuriz Ossa sẽ là tiếng nói của kinh nghiệm tại những phiên họp của ủy ban 8 hồng y được bổ nhiệm để giúp đỡ Đức Giáo Hoàng trong việc cải cách Giáo Triều và quản trị Giáo Hội. Ngài sẽ đóng vai trò là đại diện của Giáo Hội tại Mỹ Latinh. Đức Hồng Y Errázuriz là người có thâm niên trong việc quản trị Giáo Hội. Ngài là hồng y cao niên nhất trong 8 vị hồng y và là người duy nhất quá 80 tuổi.
Giữa năm 2003 và 2007, ngài là chủ tịch của CELAM, tức Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh. Năm cuối cùng trong cương vị chủ tịch, ngài đã chọn Đức Hồng Y Bergoglio để phối hợp soạn thảo Văn kiện Aparecida vốn được xem là hướng dẫn quan trọng nhất cho Giáo Hội tại Châu Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ngài đã giải thích mục đích chính của hội nghị Aparecida tại Brazil như sau:
“Chúng tôi muốn chuẩn bị một môi trường của sự hiệp nhất, một không gian mà ở đó các giám mục có thể cảm thấy thoải mái. Nơi họ có thể chia sẻ những suy tư của mình, tiếp xúc với dân chúng, với những người thấp cổ bé miệng, với các chính trị gia và các nhà truyền thông. Và phản tư: Đâu là điều mà Tin Mừng nói với chúng ta? Làm thế nào chúng ta trở thành những môn đệ và nhà truyền giáo tốt của Chúa Kitô trong đời sống của anh chị em chúng ta.”
Đức Hồng Y Errazuriz sẽ mang tất cả những kinh nghiệm đó vào cuộc họp sắp tới. Ngoài ra, vì là người có thâm giao với Đức Hồng Y Bergoglio trong công việc cũng như đời thường, ngài có thể giúp ủy ban thích ứng với phong cách điều hành của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Một nhân vật đáng chú ý khác cũng đến từ Châu Mỹ, Đức Hồng Y Sean O’Malley là người có nhiều đặc điểm chung với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vị hồng y của Boston này vốn được biết đến với phong cách giản dị và mộc mạc.
Khi ngài phải lãnh trọng trách coi sóc một giáo phận đang ở trong bờ vực phá sản, ngài đã bán tòa giám mục để trả nợ và chuyển về sống trong chủng viện. Đức Hồng Y O’Malley là một tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin và ngài vẫn thường mặc bộ tu phục đơn sơ của dòng thay vì mặc phẩm phục hồng y.
Liên quan đến Giáo Hội, cả hai vị cũng đều có chung một cái nhìn. Vị Tổng Giám mục Boston đã nói đến nhu cầu cần có một Giáo Triều làm việc hiệu quả hơn để trợ giúp cho Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản Giáo Hội.
Ngài cũng là người hăng say trong việc tìm kiếm những phương thế mới để loan báo Tin Mừng, và đặc biệt là cho giới trẻ. Ngài nói rằng việc làm hứng khởi đức tin của dân chúng là chìa khóa cho sự thành công trong tương lai.
“Để làm được điều này cần phải bắt đầu trước hết với đức tin cá nhân, hành trình thiêng liêng và tình bạn với Chúa Kitô của chúng ta. Nếu chúng ta càng ý thức về những gì chúng ta được lãnh nhận và tình yêu vô bờ mà Chúa dành cho chúng ta, chúng ta càng muốn chia sẻ điều đó cho người khác.”
Trong tư cách là thành viên của ủy ban hồng y do Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm, Đức Hồng Y O’Malley sẽ mang đến nhiều điểm độc đáo đến bàn nghị sự. Ngài đã có kinh nghiệm làm việc tại Vatican và trong số đó có những vấn đề rất lớn.
Kể từ khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phong hồng y cho ngài vào năm 2006, ngài đã phục vụ trong nhiều ủy ban Giáo hoàng, và làm việc với các giám mục từ Châu Mỹ. Trong tư cách là Tổng Giám mục Boston, ngài đã đi đầu trong việc xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục với một chính sách không khoan nhượng.
Giáo phận Boston là nơi có nhiều người trẻ và Đức Hồng Y O’Malley đã trở thành một người tiên phong trong việc sử dụng những kỹ thuật mới để tiếp cận với họ. Ngài là hồng y đầu tiên tạo blog cá nhân và có một lượng nối kết rất lớn trên tài khoản Twitter.
Nhưng một trong những đặc nét lớn của ngài là khả năng giao tiếp. Ngài là một người khiêm nhường, dễ gần và có khả năng thu hút người khác. Điều này sẽ rất có ích trong việc định hình tương lai của Giáo Hội Công Giáo khi ngài làm việc với các hồng y khác.
Trước khi tham gia Mật viện bầu Giáo Hoàng, khi được hỏi liệu Giáo hoàng mới sẽ đến từ đâu, Đức Hồng Y George Pell của Úc châu đã dự đoán nhiều khả năng vị đó sẽ lại đến từ Châu Âu.
Nhưng sau đó ngài thêm rằng:
“Chúng ta chắc chắn sẽ thấy một vị Giáo hoàng đến từ Nam Mỹ trong 50 đến 100 năm tới, có khi còn có nhiều vị đến từ vùng này nữa.”
Ngài đã không phải đợi chờ lâu, vài ngày sau, ngài đã được chứng kiến vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ. Các Đức Hồng y anh em của ngài đã bầu Đức Phanxicô sau năm vòng bỏ phiếu.
Ngay từ đầu, rõ ràng Đức Hồng Y Pell đã tìm thấy những gì ngài mong đợi nơi vị Giáo hoàng kế tiếp.
“Chúng ta phải có một Giáo hoàng có khả năng đối thoại với thế giới, với giới truyền thông hiện đại và tôi nghĩ rằng đây là lúc chúng ta cần có một giáo hoàng mục vụ, người có thể thúc đẩy Giáo triều Vatican trở nên mạnh mẽ hơn.”
Vị Tổng Giám mục Sydney sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động tại Giáo Triều. Ngài là một trong 8 vị hồng y từ khắp thế giới được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm để tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc cải cách Giáo Hội và Giáo Triều.
Dù chưa biết các hồng y sẽ quyết định điều gì nhưng có một điều mà người ta có thể mong đợi nơi Đức Hồng y Pell được tóm kết qua cuộc trò chuyện giữa ngài với Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô ngay sau Mật viện.
“Tôi đã hứa tuyệt đối trung thành với ngài.”
Đức Hồng y Pell nói ngài đã quen biết Đức Phanxicô từ 10 đến 15 năm nay. Được xem là lãnh đạo nổi bật trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi thấy ngài có mặt trong uỷ ban vốn sẽ tư vấn cho Đức Giáo Hoàng về việc quản trị Giáo Hội hoàn vũ.
Đức Hồng Y Giuseppe Bertello nhà ngoại giao và là người Ý duy nhất trong Ủy ban hồng y. Ngài có hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh. Mặc dầu là người Châu Âu, nhưng ngài biết rất rõ về Mỹ Latinh và tầm quan trọng của khu vực này đối với Giáo Hội. Ngài đã phục vụ trong cương vị là Khâm sứ tại Mexico gần 7 năm. Ngài cũng đã phục vụ trong ngành ngoại giao tại Ý và tại Rwanda trong thời diệt chủng. Sau cuộc chiến khủng khiếp đó, ngài được xem là đã có những nỗ lực tích cực để kiến tạo hòa bình tại quốc gia Châu Phi này.
Ngày 1 tháng 10, ngày họp đầu tiên giữa Đức Giáo Hoàng và ủy ban hồng y, ngài sẽ tròn 71 tuổi.
Đức Hồng Y Giuseppe Bertello hiện là chủ tịch của Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican, một cơ quan phụ trách hoạt động hàng ngày và hậu cần của quốc gia nhỏ nhất thế giới này.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã phong hồng y cho ngài ngày 18.02.2012. Ngài cũng phục vụ trong tư cách là thành viên của Bộ Giám mục, Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc và Hàn lâm viện Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình.
Trong nhóm 8 vị hồng y được bổ nhiệm tư vấn cho Đức Giáo Hoàng trong việc cải cách Giáo Triều Rôma có Đức Hồng Y người Đức Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich. Ngài là một chuyên viên về thần học luân lý và học thuyết xã hội tại quê hương Đức quốc của ngài.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn những hồng y đại diện cho từng châu lục, vì thế vị hồng y 60 tuổi này dĩ nhiên là đại diện cho Châu Âu.
Đức Hồng Y Marx được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI phong hồng y tháng 11 năm 2010. Trong tư cách là Tổng Giám mục Munich, ngài đang phục vụ cùng một cương vị như Đức Bênêđictô XVIđã từng phục vụ tại Munich vào thập niên 70.
Tháng 3 năm 2013, ngài được bầu làm chủ tịch liên Hội đồng Giám mục Âu Châu. Ngài cũng là thành viên của Bộ các Giáo hội Đông Phương.
Cuối cùng, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, một trong số 8 vị hồng y được Đức Giáo Hoàng chọn làm tư vấn trong cuộc cải cách Giáo Triều và quản trị Giáo Hội, đã mô tả ủy ban này như một lối tiếp cận mới đối với Giáo Hội.
“Tôi cảm nhận rằng người Công Giáo nên mong chờ có nhiều sự thay đổi theo chiều hướng trực tiếp. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể nói rằng sau cuộc họp của ủy ban sẽ có nhiều thay đổi đột phá. Không, tôi không mong đợi điều đó,” vị Tổng Giám Mục Bombay của Ấn Độ nói.
8 vị hồng y đã có một thời gian dài để suy tư về những chủ đề mà họ sẽ trình lên Đức Thánh Cha. Trong số đó có chủ đề về vai trò của người nữ trong Giáo Hội và vấn đề tiêu hôn. Ủy ban sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 10.
“Nhưng dựa theo bối cảnh này và sau khi chúng tôi gặp Đức Thánh Cha, chúng tôi sẽ biết chính xác những gì ngài muốn. Và tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể mang các giáo hội địa phương đến với Đức Thánh Cha từ những người bình dân. Đó là điều rất quan trọng đối với Đức Thánh Cha.”
Đức Hồng Y Oswald Gracias nói rằng bất kỳ cải cách nào cũng phải phát xuất từ nhu cầu của toàn thể Giáo Hội chứ không chỉ là Giáo Hội ở Âu Châu.
“Theo tôi, điều mà Đức Thánh Cha đang cố gắng nói với chúng ta là: quay trở về với những gì cơ bản, quay trở về với những gì thiết yếu. Chúa Giêsu đã đến để phục vụ người nghèo, những người thấp cổ bé họng để giải phóng họ. Đó là những gì mà Giáo Hội nên dấn thân và đó là những gì mà họ đang kêu lên với chúng ta hôm nay.”
Đức Hồng Y Bombay là đại diện duy nhất của Á Châu trong ủy ban vốn được đặt biệt danh là ‘G8’. 7 vị hồng y khác đến từ những khu vực khác nhau trên thế giới.
Theo nguồn tin từ cha Federico Lombardi, Dòng Tên, Phát ngôn viên Toà Thánh, trước cuộc họp đầu tiên của các vị hồng y vào ngày 01 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thể chế hoá nhóm 8 Hồng y đã bổ nhiệm để giúp ngài cải cách và quản trị Giáo Hội. Nhóm 8 vị này sẽ chính thức được gọi là “Hội đồng Hồng y”. Đó cũng là bước khởi đầu trong việc cải cách Giáo triều Rôma.
Nhóm 8 Hồng y đã đến nhà khách Thánh Martha những ngày trước đó và đã gặp nhau 2 lần để trao đổi ý kiến. Các cuộc thảo luận chính thức sẽ bắt đầu vào lúc 9h30 sáng thứ ba, mồng 1-10, tại thư viện của Căn hộ Giáo Hoàng.
Chỉ có 10 người được phép vào bên trong phòng họp là 8 hồng y cố vấn, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám mục thư ký.
Biên tập và chuyển ngữ: Chỉnh Trần, S.J.
(Nguồn: Dòng Tên Việt Nam)