MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Tổ chức nhân đạo cứu trợ hai nơi bị tàn phá nặng do bão Haiyan

ĐHY Theodore McCarrick, Chủ tịch CRS (trái) và 
Đức TGM John Lu của Palo thị sát thiệt hại ở 
Nhà thờ Chính toà Palo. - Ảnh: Vincent Go
Tổ chức Catholic Relief Services sẽ xây lại nhà ở cho người dân ở Palo and MacArthur

Catholic Relief Services (CRS), một tổ chức nhân đạo quốc tế của Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ, thông báo hôm Chủ Nhật rằng họ sẽ ưu tiên xây dựng lại nhà cửa cho người dân ở các thành phố bị siêu bão tàn phá là Palo và McArthur ở tỉnh Leyte.

“Chúng tôi dự tính sẽ đưa vùng này của Philippines trở lại nhịp sống bình thường. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình có thể để xây dựng lại” – Đức Hồng y Theodore McCarrick, Chủ tịch CRS, nói.

Đức Hồng y McCarrick hôm Chủ Nhật đã thăm Palo và các vùng phụ cận của tỉnh Leyte bị siêu bão Haiyan tàn phá nặng nề hôm 8-11, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người và làm ảnh hưởng ít nhất khoảng 4 triệu người khác.

Chính phủ cho biết cùng lúc với các tỉnh bị thiệt hại nặng nề là Leyte và Eastern Samar với tổng dân số 2,3 triệu người, thì “tình trạng thảm hoạ quốc gia” cũng vừa được tuyên bố ở các tỉnh Cebu, Iloilo, Capiz, Aklan và Palawan.

Donal Reilly, phó trưởng Nhóm Phản ứng khẩn cấp của CRS, thông báo tổ chức này sẽ thiết lập văn phòng tại Nhà thờ Chính toà Palo bị tàn phá nặng nề trong siêu bão.

Tổ chức nhân đạo này bắt đầu phân phát các tấm bạt để dựng chỗ ở tạm cho những ai mất nhà cửa, cũng như cung cấp nước và thiết bị vệ sinh.

“Tôi chưa biết là hết bao nhiêu nhưng việc này sẽ tiêu tốn nhiều tiền để xây dựng lại” – Reilly nói trong một cuộc phỏng vấn. Tổ chức CRS vừa hứa chi 20 triệu Mỹ kim để hỗ trợ các nạn nhân của siêu bão “trở lại cuộc sống bình thường”.

Thành phố Palo có 62.727 dân là nơi có nhiều văn phòng hành chánh Giáo hội của Tổng Giáo phận Palo, Toà Tổng Giám mục và các chủng viện.

“Về mặt địa lý, lúc này chúng tôi sẽ bắt đầu từ Palo và xuống phía nam tới McArthur”, Reilly nói.

Cùng lúc Hội đồng Giám mục Công giáo nước này kêu gọi các tổ chức Giáo hội và nhóm tôn giáo “nhận đỡ đầu” một cộng đoàn giáo xứ trong các giáo phận bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ này.

Đức Tổng Giám mục Socrates Villegas của Tổng Giáo phận Lingayen Dagupan, người vừa được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục, cho biết có ít nhất 32 giáo xứ trong Giáo phận Borongan ở tỉnh Samar và 64 giáo xứ ở Tổng Giáo phận Palo có thể được kết nghĩa làm “cộng đoàn chị em”.

“Đói khát và bệnh tật không chờ đợi ai. Đừng chờ chính phủ. Chúng ta phải mở rộng mọi khả năng thay vì đứng bất động trong ngõ cụt hay bên cạnh các cây cầu gãy. Chúng ta phải hành động kiên quyết và sáng tạo để thúc đẩy công việc cứu trợ”, vị giám chức kêu gọi.

Tổng Giáo phận Manila đã đóng góp 803.000 Mỹ kim để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ tại nhiều khu vực ở miền trung Philippines. “Chúng tôi là một với anh chị em đang đau khổ của chúng tôi. Anh chị em không cô đơn và sẽ chẳng bao giờ cô đơn” – Đức Hồng y Tagle nói.

Đến ngày thứ Sáu vừa qua, Bộ Ngoại giao đã ghi nhận được 43 quốc gia đã hứa hoặc đã gởi trợ giúp hỗ trợ các hoạt động cứu trợ và phục hồi tại những vùng bị ảnh hưởng siêu bão.

Trị giá ước tính hiện nay của các trợ giúp quốc tế đạt mức 126,8 triệu Mỹ kim. Số tiền này chỉ là những khoản đóng góp cứu trợ mà các nước đóng góp bằng hiện kim.

Hôm thứ Hai Liên Hiệp Quốc cho biết có tới 12,9 triệu người bị ảnh hưởng bởi siêu cuồng phong này trong khi khoảng 2,5 triệu người cần cứu trợ và chỗ ở khẩn cấp.

Bernard Kerblat, đại diện Cao uỷ Tị nạn Liện Hiệp Quốc, nhận xét công việc khẩn cấp là “phải mở rộng hỗ trợ càng nhiều càng tốt vì có 4,9 triệu người đang đối diện hoàn cảnh kinh khủng”.

Hàng cứu trợ khẩn cấp bắt đầu tới được những khu vực bị tàn phá chỉ mới hôm thứ Năm tuần trước sau khi một tàu sân bay Mỹ đến nơi và mang theo trực thăng chở thực phẩm và nước uống tới các ngôi làng.

Hôm thứ Bảy, hàng trăm thi thể vẫn chưa được chôn cất trên các con phố ở Tacloban, thủ phủ của tỉnh có dân số 220.000 người, hơn một tuần sau khi siêu bão đổ vào.

Uỷ ban Hồng Thập tự Quốc tế cho biết số người ban đầu được báo cáo mất tích là 22.000 người, mặc dù tổ chức này khẳng định con số này có thể bao gồm cả những người đã được tìm thấy.

Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc xác nhận số người tử vong là 4.460. Họ nói khoảng 921.200 người bị di dời chỗ ở trong tổng số 11,8 triệu người bị ảnh hưởng, và chừng 243.600 căn nhà bị phá huỷ.

Tuy nhiên, hôm Chủ Nhật, chính phủ đưa ra con số người chết là 3.974 nhưng các quan chức địa phương nói số tử vong có thể lên đến 14.000 người.

(Nguồn: UCANews)