Theo tin Zenit ngày 23 tháng Giêng, lên tiếng tại Hội Nghị Hòa Bình Genève II tại Montreux, Thụy Sĩ, Đức TGM Silvano M. Tomasi nói rằng hòa bình tại Syria chỉ có thể đạt được bằng đối thoại. Vị đại diện thường trực của Tòa Thánh bên cạnh LHQ cho hay: “Đứng trước các đau khổ không thể nào tả xiết của nhân dân Syria, một cảm thức liên đới và trách nhiệm chung thúc giục ta phải dấn thân vào một cuộc đối thoại dựa trên trung thực, tin tưởng lẫn nhau và gồm những bước cụ thể”.
Ngài nhấn mạnh rằng “không hề có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria. Tòa Thánh xác tín rằng bạo lực không dẫn tới đâu ngoài chết chóc, hủy diệt và vô tương lai… Tòa Thánh xin nhắc lại lời kêu gọi khẩn thiết của mình với tất cả các bên liên hệ xin họ tôn trọng đầy đủ và tuyệt đối luật nhân đạo”.
Trong khi đưa ra một số đề nghị, ngài tiếp tục cho hay: “một cuộc ngừng bắn ngay tức khắc không có điều kiện tiên quyết và việc chấm dứt bạo lực phải trở thành ưu tiên và là mục tiêu khẩn thiết của các cuộc thương thuyết lần này”. Ngài nói thêm: “phải hạ mọi vũ khí xuống và đưa ra các biện pháp chuyên biệt để chặn đứng việc chuyển vận vũ khí và việc tài trợ vũ khí vốn nuôi sống việc leo thang bạo lực và hủy diệt, để dành chỗ cho các phương tiện hòa bình”.
Ngài cũng nhận định rằng cùng với việc ngưng mọi thù địch, phải có việc “gia tăng trợ giúp nhân đạo và lập tức khởi sự việc tái thiết”, là những việc phải “khởi sự song song với các cuộc thương thuyết và phải được duy trì bằng tình liên đới đại lượng của cộng đồng quốc tế. Trong diễn trình này, người trẻ phải được ưu tiên xem sét để qua việc được sử dụng và việc làm của mình, họ có thể trở thành những người chủ đạo đối với tương lai hoà bình và sáng tạo của xứ sở họ”.
Nhà ngoại giao Vatican nói thêm rằng việc xây dựng lại cộng đồng “đòi việc đối thoại và hoà giải được duy trì bằng chiều kích tâm linh. Tòa Thánh mạnh mẽ khuyến khích mọi tín ngưỡng và cộng đồng tôn giáo tại Syria đạt tới việc biết nhau sâu sắc hơn, hiểu nhau tốt hơn và phục hồi niềm tin tưởng lẫn nhau”.
Ngài nói tiếp “Điều quan trọng là các thế lực trong vùng và quốc tế nên ủng hộ cuộc đối thoại liên tục và các vấn đề trong vùng cần được giải quyết. Hòa bình tại Syria có thể trở thành chất xúc tác cho hòa bình tại các nơi khác trong vùng, và là mô thức cho nền hòa bình hết sức cần thiết này.
“Bên kia các thảm kịch của cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiều cơ hội mới và giải pháp độc đáo cho Syria và các lân bang có thể xẩy ra… [đến nỗi] không ai bị buộc phải rời bỏ quê hương chỉ vì sự bất khoan dung và việc không thể chấp nhận các dị biệt. Thực vậy, sự bình đẳng do tư cách công dân chung bảo đảm có thể giúp cá nhân phát biểu cho chính mình và trong hợp đoàn với người khác các giá trị nền tảng mà mọi người cho là không thể thiếu đối với việc duy trì bản sắc bên trong của họ”.
Đức TGM Tomasi nhận định rằng Đức Giáo Hoàng thường lớn tiếng nói tới cuộc tranh chấp “để nhắc người ta nhớ tới tính vô dụng của bạo lực, mời gọi một phương thức giải quyết vấn đề bằng thương thuyết, kêu gọi việc tham dự công chính và hợp tình hợp lý của mọi người vào đời sống xã hội”.
Ngài nhắc tới Ngày Cầu Nguyện Và Ăn Chay cho hòa bình tại Syria và Trung Đông, do Đức Giáo Hoàng đưa ra, và được khắp thế giới tiếp nhận nồng nhiệt. Và kết luận rằng nền văn hóa gặp gỡ và nền văn hóa đối thoại là “con đường duy nhất đạt hòa bình”.
Thận trọng lạc quan
Đức TGM Tomasi đã dành cho Zenit, qua ký giả H. Sergio Mora, một cuộc phỏng vấn, nhân ngày kết thúc giai đoạn chuẩn bị của Genève II trước khi hội nghị chính thức đi vào cuộc thương thuyết mặt đối mặt bắt đầu ngày mai, thứ Sáu, 24 tháng Giêng. Trong cuộc phỏng vấn bằng điện thoại này, Đức TGM Tomasi nói tới các thách đố và hy vọng của Genève II. Ngài cũng cho biết Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon rất cảm kích đối với sự can thiệp của Đức Thánh Cha.
Nói về diễn tiến của hội nghị, Đức TGM Tomasi cho hay tình huống cực kỳ phức tạp, nhưng vẫn có một số dấu chỉ tích cực, dù rất nhỏ. Đầu tiên là sự hiện diện của chính phủ Syria cũng như phe đối lập, với một sứ điệp khá mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và sự hiện diện của khoảng 40 chính phủ và phái đoàn, hầu hết đều do các ngoại trưởng hướng dẫn, ngoại trừ Tòa Thánh và Úc.
Do đó, ý muốn của Cộng Đồng Quốc Tế đã được biểu lộ, dẫn đầu là Kerry của Hoa Kỳ, Lavrov của Nga và Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon. Cộng Đồng này cho mọi người thấy rõ bạo lực đủ rồi và đang tạo áp lực đối với người Syria để họ tự giải quyết vấn đề của họ, mà bước đầu là một cuộc ngưng bắn.
Ngày mai, tại Genève, các cuộc thương thuyết cụ thể sẽ bắt đầu giữa phái đoàn chính phủ và phái đoàn của phe đối lập để tìm một thoả hiệp cho tương lai. Đây là tình huống rất khó khăn và phức tạp, nhưng phải làm một điều gì đó.
Nói về phe đối lập tại Syria, Đức TGM Tomasi cho hay: họ không được đại diện đầy đủ tại Genève. Trên hết, hiện đang có chung một tiếng nói muốn các lực lượng ngoại quốc phải về nước. Thực vậy, hiện có tới 60 quốc gia do những nhóm đánh thuê và những người bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa quá khích đại diện. Họ tới từ Tây Phương và các nước Hồi Giáo và chính họ là nhân tố tạo bất ổn làm cho các cuộc thương thuyết trở thành phức tạp. Tuy nhiên, những ai nghiêm chỉnh trong phe đối lập và trong chính phủ xem ra nhất định muốn nói chuyện với nhau.
Đức TGM Tomasi nhấn mạnh rằng một trong các khuyến cáo của Tòa Thánh là ngưng việc nhập khẩu vũ khí và tiền bạc cho mọi bên có liên hệ tới vụ xung đột ngõ hầu chú mục vào các vấn đề nhân đạo. Nói cách khác, cắt đứt nguồn tài trợ cho các nhóm cực đoan nói trên.
Đức TGM Tomasi cho hay điểm xuất phát phải là các kết luận của Hội Nghị Genève I [tháng Sáu, 2012]. Các kết luận này chủ yếu yêu cầu một chính phủ chuyển tiếp, chuẩn bị một tân hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử tự do. Từ đó, sẽ tiến từng bước cụ thể để thực thi thoả hiệp ấy với sự bảo đảm của Hội Đồng Bảo An.
Hoả tiễn gây thiệt hại cho trụ sở Caritas tại Aleppo
Trong khi ấy, theo tin Zenit, trung tâm Caritas tại Aleppo vừa bị một hỏa tiễn đánh trúng vào hôm thứ Tư. Không ai bị thương nhưng một văn phòng bị hư hại nặng.
Các gia đình nghèo bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh chấp kéo dài 3 năm qua thường xuyên tới trung tâm này để được trợ giúp về thực phẩm, tiền thuê nhà và quần áo. Trung tâm này đặt trong cơ sở của giáo phận.
Rất may, khi văn phòng trợ giúp tiền thuê nhà bị đánh trúng, thì các nhân viên chưa tới làm việc. Chứ nếu không, không biết bao nhiêu nhân mạng bị hy sinh vì thường là văn phòng đầy ắp những người đến xin được giúp đỡ.
Tổng Thư Ký Caritas Quốc Tế Michel Roy cho hay biến cố này cho thấy các nguy hiểm đang đe dọa mọi người tại Syria “Cám ơn Chúa không ai bị thương trong cuộc tấn công vào Caritas ở Aleppo… Việc này cho thấy rõ tính khẩn thiết của một cuộc ngưng bắn tức khắc như là bước đầu tìm ra giải pháp hoà bình”.
Vũ Văn An
(Nguồn: Vietcatholic News)
(Nguồn: Vietcatholic News)