ROMA - Lúc 5 giờ 30 chiều ngày 25-1-2014, lễ Thánh Phaolô trở lại, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25-1 vừa qua với chủ đề "Chúa Kitô bị phân rẽ sao!" (x. 1 Cr 1,1-17).
Hiện diện tại buổi cầu nguyện, ngoài hàng chục hồng, còn có các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, nhất là Đức TGM Gennadios Zervos, Đại diện Toà Thượng phụ chung của Chính thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính thống tại Italia, Malta và miền nam Âu châu, ĐGM David Moxon người New Zealand, đại diện Đức Giáo chủ Anh giáo tại Roma.
Trước khi kinh chiều bắt đầu, ĐHY Kurt Koch, người Thuỵ Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện chào mừng và cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này.
Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn chủ đề tuần cầu nguyện hiệp nhất năm nay, rút từ thứ thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cộng đoàn Corinto đang bị chia rẽ, người thì quả quyết mình thuộc về Phaolô, người khác nói mình thuộc về Apollo, cũng có người nói mình thuộc về Chúa Kitô. Tình trạng đó cho thấy "kinh nghiệm riêng của mỗi người, sự tham chiếu một số nhân vật quan trọng của cộng đoàn, đã trở thành thước đo để phán đoán đức tin của người khác... Trong tình trạng chia rẽ ấy, thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu thành Côrintô, "vì danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tất cả hãy đồng tâm nhất chí trong lời nói, để giữa họ không có chia rẽ, trái lại được hiệp nhất trọn vẹn với nhau trong tư tưởng và cảm thức".
ĐTC cũng nói: "Các bạn thân mến, Chúa Kitô không thể bị phân rẽ! Xác tín này phải khích lệ và nâng đỡ chúng ta khiêm tốn và tín thác tiếp tiến bước trong hành trình tiến về sự hiệp nhất hữu hình giữa mọi tín hữu của Chúa Kitô."
ĐTC nhắc đến sự nghiệp của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm từ Đức Gioan XXIII đến Phaolô VI và Gioan Phaolô II trong nỗ lực đại kết, người đã đề nghị đối thoại đạt kết như một chiều kích thông thường và không thể tách rời khỏi đời sống của mỗi giáo hội địa phương.
Ngài nói thêm: "Hoạt động của các vị Giáo hoàng làm cho chiều kích đối thoại đại kết trở thành một khía cạnh thiết yếu trong sứ vụ của Giám mục Roma, đến độ ngày nay người ta không thể hiểu trọn vẹn sứ vụ của Phêrô mà không bao gồm trong đó cả sự đợi mở đối thoại với tất cả những người tin nơi Chúa Kitô. Chúng ta có thể nói rằng hành trình đại kết đã giúp đào sâu sự hiểu biết về sứ vụ của người Kế vị Thánh Phêrô và chúng ta phải tín thác rằng Người sẻ tiếp tục hành động theo nghĩa đó cả trong tương lai." (SD 25-2-2-2014)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio vatican)