MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Các tài liệu chép tay của Vatican được “số hoá”

WHĐ (21.03.2014) – Hôm thứ Năm 20-3 vừa qua, Công ty NTT Data của Nhật Bản đã ký một hợp đồng với Toà Thánh Vatican về việc lưu trữ theo dạng kỹ thuật số 3.000 tài liệu chép tay của Thư viện Vatican từ nay đến năm 2018.

Hợp đồng này trị giá 18 triệu Euro, trung bình mỗi tài liệu 6.000 Euro. Giám đốc điều hành Công ty NTT Data, ông Toshio Iwamoto, cho biết đây chỉ là giai đoạn đầu. NTT Data là một Công ty khá nổi tiếng ở Nhật Bản trong việc số hoá Thư viện của Quốc hội nước này. Tại Roma, mục tiêu cuối cùng là số hoá - để bảo vệ - 82.000 bản chép tay của Thư viện Vatican. Công trình này đã khởi sự từ vài năm nay với đợt đầu tiên gồm 6.000 tài liệu.

Trong số 3.000 tài liệu mà NTT Data sẽ số hoá bằng công nghệ có tên Amlad, có hàng chục bản chép tay có giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc biệt. Đức Tổng Giám mục Jean-Louis Bruguès, Quản thủ Văn khố và Thư viện Vatican từ năm 2012, cho biết: “Các bản chép tay này có xuất xứ từ châu Mỹ trước thời Columbus cho đến Trung Quốc và Nhật Bản ở Viễn Đông, bao gồm tất cả các nền văn hoá và ngôn ngữ đã hình thành văn hoá châu Âu.” Ngài giải thích việc số hoá các tài liệu này là do Toà Thánh muốn “kho tàng bao la này được đưa vào sử dụng, tự do tham khảo trên trên mạng Internet”.

Theo trang web của Thư viện Vatican, “kho báu” này cũng bao gồm 1,6 triệu cuốn sách, 8.600 incunabulum (sách của phương Tây in hồi thế kỷ XV-XVI), hơn 300.000 tiền xu và huy chương, 150.000 bản vẽ, khắc và hơn 150.000 bức ảnh. Đây là một gia tài được tích luỹ từ khi thành lập Thư viện hồi thế kỷ XV, do công của Đức Giáo hoàng Nicolas V, mà Đức Tổng Giám mục Bruguès gọi là “vị Gáo hoàng đầy tính nhân văn”.

Thư viện Vatican đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, trong đó có Nhật Bản. Tháng Giêng vừa qua, cơ quan lưu trữ của Vatican đã tìm thấy 10.000 tài liệu bằng tiếng Nhật trên giấy gạo gọi là “bộ sưu tập Marega” - theo tên của Cha Mario Marega, người thu thập tài liệu này - mô tả cuộc bách hại các Kitô hữu trong thời kỳ Edo (1603-1867); các tài liệu này sẽ được các nhà nghiên cứu Nhật Bản nghiên cứu trong 6 năm theo một thoả thuận giữa Thư viện Vatican và Chính phủ Nhật Bản.

Minh Đức

(Nguồn: WHĐ)