Một số nhận định của linh mục Antonio Spadaro, giám đốc Nguyệt san ”Văn minh công giáo” của dòng Tên
Từ khi lên giữ chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ cách đây một năm, Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên lập đi lập lại ý niệm ”gặp gỡ”, và mời gọi mọi thành phần dân Chúa và cơ cấu giáo hội ra khỏi chính mình, để đi đến gặp gỡ tha nhân trong các vùng ngoại biên của cuộc sống. Ngài cũng hay nói tới ”nền văn hóa gặp gỡ” và đối chọi nó với ”nền văn hóa loại bỏ” trong tâm thức của con người sống trong xã hội tiêu thụ hưởng thụ ngày nay. Có thể nói gặp gỡ là ”phạm trù chìa khóa” trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ngay trong phần đầu của chương thứ nhất Tông huấn ”Niềm vui của Tin Mừng” Đức Thánh Cha đã trình bầy hình ảnh một Giáo Hội được mời gọi ra đi, tới nơi Thiên Chúa chỉ cho, như Thiên Chúa đã làm với tổ phụ Abraham, với ông Môshê, với ngôn sứ Giêrêmia. ”Hãy ra đi” cũng là lệnh Chúa Giêsu Kitô đã truyền cho các môn đệ. Nó bao gồm các quang cảnh và các thách đố luôn mới mẻ trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Và chúng ta tất cả đều được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng: ra khỏi các khung cảnh tiện nghi dễ dãi của cuộc sống để can đảm đi đến tất cả các vùng ngoại biên cần ánh sáng của Tin Mừng. Cộng đoàn Giáo Hội được mời gọi ra đi để gặp gỡ mọi người và loan báo Chúa Kitô cho họ.
Để có thể rao truyền Tin Mừng một cách hữu hiệu, mọi tín hữu phải tìm gặp gỡ Chúa Giêsu, sống mối dây thân tình với Người để noi theo gương sống và hành xử của Người: kiểu người gặp gỡ tiếp đón người nghèo, các cử chỉ lời nói và việc làm của Người, sự quảng đại đơn sơ và hoàn toàn tận tụy trong cuộc sống thường ngày của Chúa đối với tất cả mọi người. Kiểu găp gỡ của Chúa Giêsu phải là mẫu gương cho kiểu gặp gỡ của chúng ta với nhau giữa các kitô hữu và với tất cả mọi người khác.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của linh mục Antonio Spadaro, Giám đốc nguyệt san ”Văn minh công giáo” của dòng Tên về điểm này.
Hỏi: Thưa cha Spadaro, tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô hay dùng từ ”gặp gỡ” như vậy: gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân, gặp gỡ nhau...?
Đáp: Đức Thánh Cha Phanxicô có một quan niệm thừa sai về Giáo Hội: ngài đang làm việc và sẽ làm việc cho một sự biến đổi truyền giáo của Giáo Hội. Điều này có nghĩa là Giáo Hội, như ngài thấy, là tuyệt đối hướng tới thế giới, rộng mở cho thế giới, bởi vì Đức Thánh Cha muốn rằng Tin Mừng được loan báo cho tất cả mọi người, cho bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào trong đó tín hữu sinh sống. Như thế, ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô là một thứ ngôn ngữ tự nhiên, bình thường. Mục đích của ngài là đến với tất cả mọi người.
Hỏi: Sự chú ý tới châu Mỹ Latinh, chiều kích tin mừng mục vụ, cải tổ các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, cải tổ các tương quan với các Giáo Hội khác: đó là vài điểm đặc thù trong năm đầu tiên triều đại của ngài. Theo cha, chúng ta có thể thấy trước được một sự thay đổi bước đi trong các lãnh vực nào nữa trong các tháng tới hay không?
Đáp: Chúng ta không biết được. Và có lẽ cả Đức Thánh Cha cũng không biết, trong nghĩa triều đại của ngài không có trong trí các tư tưởng trừu tượng cần áp dụng cho thực tại, bằng cách nhào nặn nó theo quan điểm riêng của mình. Thực ra, Đức Thánh Cha tiến tới từng bước một, bằng cách phân định lịch sử, đồng hành với các tiến trình đang có trong Giáo Hội, đương nhiên là trong tương quan với cuộc sống của thế giới. Điều này có nghĩa là điều quan trọng nhất đối với Đức Thánh Cha là theo dõi những gì xảy ra và duyệt xét tiến trình cải tổ như là một cuộc canh cải từ bên trong. Chắc chắn là có một dữ kiện rất hiển nhiên nơi sự kiện ngày nay trong sự phát triển của nó Giáo Hội rất gắn bó với các Giáo Hội trẻ, và như thế đang có sự thay đổi viễn tượng, sự thay đổi quan niệm. Đó là ơn ngôn sứ hiện diện trong cuộc sống của các Giáo Hội trẻ đang bước vào tràn đầy trong cuộc sống bình thường của Giáo Hội, và như thế cũng qua các vị đại diện của nó trong các cơ cấu ở trung ương nhất.
Hỏi: Có điều gì là của thánh Ignazio và điều gì là của thánh Phanxicô trong triều đại của Đức Bergoglio thưa cha?
Đáp: Đức Bergoglio đã được đào tạo một cách triệt để theo linh đạo của thánh Ignazio ngay từ khi còn trẻ, vì thế kiểu ngài hành xử, nhìn và duyệt xét thực tại một cách triệt để được gắn liền với linh đạo này. Đó là một linh đạo hiển nhiên theo tinh thần Tin Mừng, chú ý rất nhiều tới sự hiện diện của Chúa trong thế giới. Nó không phải là một linh đạo lạc quan - Đức Thánh Cha không thích từ này - nhưng chắc chắn nó là một linh đạo tràn đầy niềm hy vọng. Điều này có nghĩa là đối với Đức Thánh Cha, Chúa đã hành động trong thế giới, vì thế chúng ta luôn luôn tới sau, và chúng ta phải thừa nhận sự hiện diện của Người. Và đó là sự phân định. Như thế, trước hết tôi sẽ nói rằng triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là một triều đại của sự phân định xem Chúa đang di chuyển trong thế giới như thế nào, trong nghĩa này thì nó theo tinh thần của thánh Iganzio và dòng Tên một cách sâu xa. Và nó cũng theo tinh thần của thánh Phanxicô trong nghĩa Ignazio nhất của từ này, bởi vì linh đạo của thánh Phanxicô được sống bên trong linh đạo của thánh Ignazio. Điều này chắc chắn đưa Đức Thánh Cha tới chỗ rất chú ý đến sự nghèo khó và điều nòng cốt. Tuy nhiên, cũng có một chiều kích khác rất hiện diện nơi thánh Phanxicô đó là chiều kích của sự tái thiết. Chúng ta biết rằng giấc mơ đã ghi đậm dấu trong cuộc đời của thánh Phanxicô đó là giấc mơ tái thiết Giáo Hội, giấc mơ sự hiện diện của các đổ nát trong thế giới. Khi đó hình ảnh ”bệnh xá chiến trường”, hình ảnh của các tình trạng trong đó cần tái thiết, rất hiện diện trong triều đại của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hỏi: Vào tháng tư tới đây sẽ có lễ phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II; rồi tháng 5 có chuyến viếng thăm Thánh Địa và tháng 8 có chuyến công du Nam Hàn, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới Trẻ Á châu lần thứ 6. theo cha có sợi chỉ nào nối liền ba biến cố xem ra khác nhau này không?
Đáp: Gặp gỡ là phạm trù chìa khóa của triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Có sự gặp gỡ với lịch sử, với các gương mặt lớn của qúa khứ mới đây. Ngoài ra cũng thật là hay việc phối hợp hai triều đại giáo hoàng vĩ đại này trong một cách thức rất khác biệt nhau. Thế rồi còn có cuộc gặp gỡ với thực tại của vùng Trung Đông, vô cùng phức tạp; rồi tới cuộc gặp gỡ lớn với Đại Hàn, nghĩa là cuộc gặp gỡ với giới trẻ của đại lục Á châu, ngày nay là đại lục có năng lực rất to lớn, có tiềm năng lớn đối với cả cuộc sống của Giáo Hội nữa.
Hỏi: Theo cha, Đức Thánh Cha Phanxicô có gặp phải vài khó khăn nào trong năm đầu tiên triều đại giáo hoàng của ngài hay không?
Đáp: Chắc hẳn là có biết bao nhiêu là khó khăn chứ; tuy nhiên, điều đánh động tôi và tôi cũng đã nói chuyện với ngài, trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 năm ngoái - đó là Đức Thánh Cha ý thức được các vấn đề đó, nhưng ngài sống thái độ nền tảng rất thanh thản. Chính ngài đã nói lên đều này: ngài ăn ngủ ngon, nghĩa là ngài cảm thấy một sự bình an nội tâm rất lớn, khiến cho ngài khỏe mạnh và cũng cho phép ngài đương đầu với các khó khăn với sự rất đơn sơ và ngay lập tức. Có lẽ sự mới mẻ trong kiểu sống của ngài có thể gây vài khó khăn cho vài người, trong khi trái lại ngài muốn là một con số của cuộc sống tin mừng.
Hỏi: Nếu cha có phải phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô ngày mai, thì cha sẽ hỏi ngài cái gì?
Đáp: Tôi không biết, bởi vì phỏng vấn ngài thực sự đã là một kinh nghiêm tinh thần lớn, một kinh nghiệm hoàn toàn cởi mở. Vì vậy tôi sẽ nói rằng tôi đứng trước mặt ngài, và bắt đầu từ điều Đức Thánh Cha muốn nói. Và đối với tôi đó sẽ là điều hay nhất. (RG 13-3-2014)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)