Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Giống như trường hợp của người đàn bà xứ Samaria, gặp gỡ Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 70.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 23-3-2014.
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay Phúc Âm trình bầy với chúng ta cuộc găp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà xứ Samaria, tại Sicar, gần một cái giếng cổ, nơi bà tới kín nước mỗi ngày. Hôm ấy bà tìm thấy Chúa ngồi đó ”mệt mỏi vì đường xa” (Ga 4,6). Người nói ngay với bà: ”Xin cho tôi nước uống” (c. 7). Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa cử chỉ này của Chúa Giêsu như sau:
Trong cách thức này Người thắng vượt các hàng rào thù nghịch đã có giữa người Do thái và người Samaria, và bẻ gẫy các lược đồ thành kiến đối với các phụ nữ. Lời xin đơn sơ của Chúa Giêsu là khởi đầu của một cuộc đối thoại thắng thắn, qua đó với sự tế nhị rất lớn, Chúa Giêsu bước vào trong thế giới nội tâm của một người, mà theo các lược đồ xã hội đáng lý ra Ngài cũng không nên bắt chuyện. Nhưng Chúa Giêsu làm điều đó! Ngài không sợ hãi. Khi trông thấy một người, Chúa Giêsu tiến tới, vì Ngài yêu thương. Ngài yêu thương tất cả chúng ta. Ngài không bao giờ dừng lại trước một người vì các thành kiến. Chúa Giêsu đặt để bà trước tình trạng của bà, bằng cách không phán xử bà, nhưng làm cho bà cảm thấy được trân trọng, thừa nhận, và như thế gợi lên nơi bà ước muốn đi xa hơn cuộc sống nhàm chán thường ngày.
Cái khát của Chúa Giêsu không phải là khát nước, nhưng là khát gặp gỡ một linh hồn đã khô héo. Chúa Giêsu cần gặp người đàm bà xứ Samaria để mở con tim bà ra: Ngài xin bà cho nước uống để minh nhiên cái khát bà có trong chính bà. Người đàn bà bị đánh động bởi cuộc gặp gỡ ấy: bà hỏi Chúa những cầu hỏi sâu xa, mà chúng ta tất cả đều có ở trong lòng, mà thường chúng ta không biết. Cả chúng ta nữa cũng có biết bao nhiêu câu hỏi, nhưng không tìm ra can đảm để hỏi Chúa Giêsu!
Lồng khung sứ điệp cuộc găp gỡ này vào Mùa Chay Đức Thánh Cha nói:
Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp chúng ta nhìn vào bên trong chính mình để làm nổi lên các nhu cầu tinh thần đích thật nhất, và xin sự trợ giúp của Chúa trong lời cầu nguyện. Gương của người đàn bà xứ Samaria mời gọi chúng ta bầy tỏ mình như vầy: ”Xin cho con nước sẽ làm cho con đã khát đời đời.” Phúc Âm nói rằng các môn đệ ngạc nhiên thầy Thầy mình nói chuyện với người phụ nữ đó. Nhưng Chúa vĩ đại hơn các thành kiến, vì thế Người không sợ hãi dừng lại với người đàn bà xứ Samaria: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Đây là điều chúng ta phải học: lòng thương xót lớn hơn thành kiến. Và Chúa Giêsu thì vô cùng thương xót, vô cùng! Kết qủa cuộc gặp gỡ bên bờ giếng là người đàn bà được biến đổi: bà ”bỏ cái vò bà mang tới kín nước lại đó” (c. 28) và chạy vào thành phố kể lại kinh nghiệm ngoại thường của bà. Bà đi kín nước giếng và đã tìm thấy một thứ nước khác, nước hằng sống của lòng thương xót vọt lên từ cuộc sống vĩnh cửu. Bà đã tìm thấy nước, mà bà đã luôn luôn kiếm tìm! Bà chạy vào làng, ngôi làng đã phán xử bà và khước từ bà, và loan báo rằng bà đã gặp Đấng Messia, Đấng Cứu Thế: một người đã thay đội cuộc sống của bà. Bởi vì mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu luôn luôn thay đổi cuộc sống chúng ta. Đó là một bước tiến tới, một bước gần Thiên Chúa hơn. Và như thế mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta. Luôn luôn, luôn luôn là như vậy.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Trong Phúc Âm này chúng ta cũng tìm thấy sự khích lệ ”để vò nước của chúng ta lại đó”, nó biểu tượng cho tất cả những gì xem ra quan trọng, nhưng mất giá trị trước tình yêu của Thiên Chúa, đã ”được đổ tràn đầy con tim của chúng ta qua Chúa Thánh Thần” (Rm 5,5). Chúng ta được mời gọi tái khám phá ra tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc sống kitô, đã bắt đầu với Bí tích Rửa Tội và như người đàn bà xứ Samaria, chúng ta được mời gọi làm chứng cho các anh chị em khác. Làm chứng cho cái gì? Niềm vui! Làm chứng cho niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, bởi vì tôi đã nói rằng mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta, và mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta niềm vui, niềm vui đến từ bên trong. Và Chúa là như thế. Và kể lại biết bao điều kỳ diệu mà tình yêu của Người biết làm trong con tim chúng ta, khi chúng ta có can đảm để cái vò của mình ra một bên, và các điều kỳ diệu mà tình yêu của Chúa hoàn thành trong cuộc sống chúng ta.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha còn dặn mọi người đừng quên tư tưởng này ”Mỗi một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi cuộc sống chúng ta. Mỗi một cuộc gặp gở với Chúa Giêsu ban cho chúng ta niềm vui.” Và ngài xin mọi người cùng lập lại với ngài câu đó.
Đức Thánh Cha cũng nhắc cho mọi người biết Thứ hai hôm nay là Ngày Quốc Tế Bệnh Lao Phổi và nói: chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người bị bệnh lao và cho những ai trợ giúp họ bằng nhiều cách khác nhau.
Thứ sáu và thứ bẩy tới chúng ta sẽ sống một thời điểm sám hối đặc biệt gọi là ”24 giờ cho Chúa”. Nó sẽ bắt đầu với việc cử hành tại đền thờ Thánh Phêrô chiều thứ sáu, rồi sau đó ban đêm vài nhà thờ ở trung tâm thành phố Roma sẽ mở cửa cho việc cầu nguyện và xưng tội. Đó sẽ là một lễ, chúng ta có thể gọi là một lễ của ơn tha thứ. Nó cũng sẽ được cử hành trong nhiều giáo phận và giáo xứ trên thế giới.
Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu hiện diện tại quảng trường. Ngài cũng chào đặc biệt 18.000 tham dự viện cuộc chạy đua Marathon mùa xuân tại Roma và chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an lành.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)