MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Hỏi-Đáp về Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền thông xã hội thứ 48

Vào ngày 24-1-2014, Đức giáo hoàng Phanxicô đã công bố một Sứ điệp đặc biệt nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội (NTGTTXH) thứ 48 được cử hành vào ngày 1-6-2014. Để giúp các thành viên của các Ban Mục vụ Truyền Thông và các tín hữu học hỏi, đào sâu Sứ điệp này, Uỷ ban Truyền thông xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã soạn một số câu Hỏi-Đáp như sau:

1. Chủ đề của Sứ điệp NTGTTXH thứ 48 là gì?

Chủ đề của Sứ điệp NTGTTXH thứ 48 là “Truyền thông phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực”

2. Sứ điệp NTGTTXH 48 có kể ra một vài biến chuyển trong thế giới hôm nay có thể giúp con người gặp gỡ và gần gũi nhau nhiều hơn. Đó là những biến chuyển nào?

Đó là những phát triển về giao thông, về công nghệ và toàn cầu hóa… Những biến chuyển này của thế giới có thể giúp con người gặp gỡ và gần gũi nhau nhiều hơn.

3. Những hình thức xã hội nào trong thế giới hôm nay chứng tỏ vẫn còn nhiều xa cách giữa con người với nhau?

Đó là sự xa hoa của người giàu bên cạnh cảnh cơ cực của người nghèo; đó là nhiều hình thức loại trừ, tình trạng bị gạt ra bên lề và sống nghèo khổ, những cuộc xung đột phát sinh từ các nguyên nhân kinh tế, chính trị, ý thức hệ, và cả nguyên nhân tôn giáo nữa.

4. Khi đứng trước tình trạng xa cách của con người, ngày nay người ta thường có thái độ đáng ngại nào?

Thưa đó là thái độ bàng quan, không một chút áy náy vì đã trở nên quá quen thuộc với những cảnh tượng xa cách và bất công trong xã hội.

5. Những điểm tích cực mà truyền thông hôm nay có thể tạo ra là gì?

Đó là những cách truyền thông tốt đẹp có thể giúp con người gần gũi, hiểu biết, hiệp nhất, lắng nghe, đối thoại, cảm thông, học hỏi và tôn trọng nhau. Internet có thể cho con người vô số cơ hội gặp gỡ và liên đới.

6. Bên cạnh những mặt tích cực, truyền thông cũng có những vấn đề được coi là tiêu cực như thế nào?

Sứ điệp NTGTTXH 48 có kể ra một số vấn đề:
– Vận tốc thông tin mau lẹ, vượt quá khả năng suy tư và phán đoán, khiến con người khó thể hiện mình một cách quân bình và đúng đắn.
– Tự do ý kiến có thể khiến con người dễ cố chấp, cố thủ với ý kiến chủ quan của mình.
– Truyền thông có thể khiến con người bị lạc hướng, bị cô lập.
– Nhiều người không có khả năng tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội, sẽ bị bỏ rơi lại phía sau.

7. Những điểm bất lợi của truyền thông có thể được coi là lý do chính đáng để Giáo hội loại bỏ các phương tiện truyền thông xã hội không?

Những điểm bất lợi ấy không biện minh cho việc loại bỏ các phương tiện truyền thông xã hội. Chúng vẫn nhắc nhở con người rằng: truyền thông sẽ là một thành tựu tốt đẹp và rất hữu ích cho con người khi họ biết dùng nó để phát huy những gì giúp họ lớn lên trong tình người và trong sự hiểu biết lẫn nhau.

8. Trong lĩnh vực truyền thông, đâu là những điều chúng ta cần phát huy để có thể lớn lên trong tình người và trong hiểu biết lẫn nhau?

Theo sứ điệp NTGTTXH 48, để có thể lớn lên trong tình người và hiểu biết lẫn nhau, chúng ta cần phát huy nhiều điều trong lĩnh vực truyền thông, chẳng hạn, cần phục hồi ý nghĩa của sự khoan thai và điềm tĩnh. Cần phải kiên nhẫn, bao dung, quan tâm lắng nghe người khác. Cần phải quý chuộng những giá trị quan trọng lấy cảm hứng từ Kitô giáo, chẳng hạn nhân sinh quan về con người, bản chất của hôn nhân và gia đình, sự phân biệt giữa các lĩnh vực tôn giáo và chính trị, các nguyên tắc liên đới và bổ trợ, và nhiều giá trị khác.
9. Truyền thông có thể phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực như thế nào?
Truyền thông có thể phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực khi con người biết truyền thông để xây dựng “tình thân cận” với những người mình gặp được trên đường đời, giống như người “Samari nhân hậu” sẵn lòng chăm sóc kẻ bị đánh trọng thương mà anh gặp thấy nằm bất tỉnh ven đường. Người “Samari nhân hậu” đã không coi nạn nhân như kẻ xa lạ; anh tận tình giúp đỡ nạn nhân như người rất “thân cận” của mình, và khi làm như thế, anh đã phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực.

10. Cần sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như thế nào để trở thành “thân cận” với những người ta gặp gỡ trong môi trường kỹ thuật số?

Xa lộ kỹ thuật số là một trong những con đường đầy rẫy những người bị thương và những người đang băn khoăn tìm kiếm niềm hy vọng, khao khát chân lý và ơn cứu độ. “Mở rộng những cánh cửa nhà thờ cũng có nghĩa là mở những cánh cửa ấy trong môi trường kỹ thuật số, để cho mọi người bước vào, dù họ ở trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào, và để cho Tin Mừng bước ra gặp gỡ mọi người.” Giáo hội cần đi vào môi trường kỹ thuật số để mang lại hơi ấm và lay động các tâm hồn đang sinh hoạt ở đấy. Trong môi trường này, chứng tá Kitô giáo hiệu quả không phải là dùng các sứ điệp tôn giáo dội bom người khác, nhưng là mong muốn tự hiến cho tha nhân “qua việc lấy sự kiên nhẫn và lòng tôn trọng tham dự vào những vấn nạn và hoài nghi của họ trên con đường kiếm tìm chân lý và ý nghĩa đời người” (Đức Bênêđictô XVI, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 47, 2013). Giống như Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, các tín hữu phải có khả năng đồng hành và đối thoại với con người ngày nay, để hiểu những ước vọng, hoài nghi và hy vọng của họ và trao tặng họ Tin Mừng là chính Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, đã chịu chết và sống lại để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Các tín hữu được thách đố trở nên những người có chiều sâu, biết quan tâm đến những gì diễn ra chung quanh mình và tỉnh thức về tinh thần.

11. Trong sứ điệp NTGTTXH thứ 48, Đức giáo hoàng Phanxicô nhắn nhủ các tín hữu cần dấn thân vào thế giới kỹ thuật số như thế nào?

Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta hãy mạnh dạn trở thành những công dân của thế giới kỹ thuật số. Giáo hội cần quan tâm hiện diện trong thế giới truyền thông, để đối thoại với con người ngày nay và giúp họ gặp gỡ Chúa Kitô. Giáo hội phải là một Giáo hội ở với mọi người, có thể đồng hành với mọi người. Cuộc cách mạng diễn ra trong các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ thông tin là một thách đố lớn lao và đầy thú vị. Mong sao chúng ta đáp ứng thách đố ấy bằng nghị lực mới mẻ và đầy sáng tạo khi tìm cách thông truyền vẻ đẹp của Thiên Chúa cho tha nhân.”

Uỷ ban Truyền thông xã hội / HĐGMVN

(Nguồn: WHĐ)