Phỏng vấn Linh Mục Robert Ndriana, Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Madagascar
Sáng ngày 28-3-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến 25 Giám Mục nước Cộng hòa Madagascar về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, theo giáo luật mỗi năm năm một lần. Ngài đã khích lệ Giáo Hội địa phương trong công tác phục vụ người nghèo và nhắn nhủ các Linh Mục, tu sĩ làm chứng tá Tin Mừng bằng cuộc sống gương mẫu.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi nỗ lực của Giáo Hội địa phương trong lãnh vực bác ái, xã hội, giáo dục, vì có một mối liên hệ mật thiết giữa việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Ngài nói: ”Vì thế, tôi khuyến khích anh em kiên trì trong sự quan tâm đối với người nghèo, nâng đỡ về mặt tinh thần và vật chất tất cả những ai dấn thân trong sứ vụ này, đặc biệt là các dòng tu, mà tôi thành tâm cám ơn họ vì lòng tận tụy và chứng tá đích thực của họ về tình thương của Chúa Kitô đối với mọi người”.
Đức Thánh Cha mời gọi mọi tín hữu Kitô Madagascar hãy sống phù hợp với niềm tin của mình và đào sâu đức tin. Ngài nói: ”Lời mời gọi này được gửi đến trước tiên cho hàng giáo sĩ và những người thánh hiến. Sứ vụ linh mục cũng như đời sống thánh hiến không phải là phương thế để tiến thân trong xã hội, nhưng là một việc phục vụ Thiên Chúa và con người. Cần phải đặc biệt quan tâm đến việc phân định ơn gọi linh mục và tu sĩ, trong các giáo phận cũng như trong các dòng tu. Anh em hãy nhắc nhở cho hàng giáo sĩ tu sĩ biết rằng cần phải hết sức quí trọng đức khiết tịnh và vâng phục; các nhân đức này phải được những người đào tạo trong các chủng viện và tập viện trình bày và sống minh bạch, không chút mơ hồ. Cũng vậy trong quan hệ với của cải vật chất và quản trị chúng một cách khôn ngoan. Thái độ phản chứng tá trong lãnh vực này thật là điều tai hại, vì gương mù gương xấu nó gây ra, đặc biệt là đối với dân chúng sống trong nghèo đói cùng cực”.
Madagascar là một đảo lớn, bị tách rời khỏi Ấn Độ cách đây 88 triệu năm, vì thế có tới 90 loại dã thú và hàng ngàn loại thảo mộc không tìm thấy nơi nào khác trên thế giới. Madagascar rộng hơn 587 ngàn cây số vuông, có hơn 22 triệu dân thuộc nhiều chủng tộc khác nhau như: Merina chiếm 26%, Betsimisaraka chiếm 15%, Betsileo chiếm 12%, Tsimiheti chiếm 7%, Sakalava chiếm 6%, Antaisaka chiếm 5%, Antandroy chiếm 5%, còn lại 24% gồm các chủng tộc khác. Trên bình diện tôn giáo, phân nửa tổng số dân theo các tôn giáo truyến thống, phân nửa theo Kitô giáo. Hồi giao hiện chiếm 7%, và cũng có tín hữu Ấn giáo.
Cho tới thế kỷ thứ XVIII Madagascar được cai trị bởi các liên minh chính trị xã hội địa phương. Đầu thế kỷ thứ XIX hầu như toàn đảo được hiệp nhất và cai trị bởi Vương quốc Madagascar. Năm 1898 chế độ quân chủ sụp đổ và Madagascar trở thành thuộc địa của Pháp cho tới khi được độc lập vào năm 1960.
Từ năm 1992 Madagascar có chính quyền dân chủ. Nhưng các vụ nổi dậy của dân chúng năm 2009 bó buộc tổng thống dân cử Ravalomanana từ chức và ông Andry Rajoelina lên thay thế. Nhưng tình hình xã hội liên tục bất ổn vì các vụ bạo động và tranh giành quyền bính giữa các đảng phái chính trị. Tình hình đã chỉ lắng dịu từ ít lâu nay.
Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các ban bài phỏng vấn Linh Mục Robert Ndriana, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Madagascar, về vai trò của Giáo Hội trong tiến trình hòa giải quốc gia. Bài phỏng vấn do nữ phóng viên Liza Zengarini thực hiện.
Hỏi: Thưa cha Ndriana, tình hình Madagascar hiện nay ra sao và các Giám Mục nhìn tương lai Madagascar như thế nào?
Đáp: Trong các năm qua tình hình Madagascar đã rất là bất ổn. Nhưng ngày nay tất cả mọi người đều tìm kiếm một giải pháp để có hòa bình và hòa giải. Mỗi lần nhóm đại hội toàn thể Hội Đồng Giám Mục đều gửi tín hữu và nhân dân toàn nước một bức thư để thông truyền tinh thần kitô, giáo dục và gây ý thức cho dân chúng. Ngoài ra mới đây các Giám Mục cũng đã dịch một cuốn về Giáo thuyết xã hội công giáo ra tiếng Malgache để mọi người có thể đọc và suy tư về các giáo huấn này.
Các Giám Mục luôn nhìn tương lai với niềm hy vọng. Có đúng thật là có nhiều ích kỷ, nhưng cũng có biết bao nhiêu kitô hữu tìm trợ giúp tha nhân vượt thắng sự ích kỷ này.
Hỏi: Tương lai của Madagascar tùy thuộc giới trẻ: vậy đâu là dấn thân của Giáo Hội trong việc giáo dục các thế hệ mới theo các giá trị tin mừng và thăng tiến hòa bình thưa cha?
Đáp: Có nhiều dòng tu điều khiển các trường học và dấn thấn trong việc thông truyền cho giới trẻ một nền giáo dục kitô. Trường học là nền tảng của việc giáo dục trẻ em và người trẻ. Liên quan tới giới trẻ, có Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, cũng như có Ngày Giới Trẻ Toàn Quốc. Cách đây hai ba năm đã có một Ngày Giới Trẻ Toàn Quốc được triệu tập tại giáo phận Diogo, và Ngày Giới Trẻ Toàn Quốc lần tới sẽ diễn ra trong năm 2015 tại giáo phận Fianarantsoa. Nó là một góp phần quan trọng cho việc giáo dục giới trẻ, mà Giáo Hội rất chú ý.
Hỏi: Giáo Hội Madagascar cũng rất hiện diện trong các phương tiện truyền thông xã hội, có đúng thế không? Xin cha cho biết một chút về lãnh vực này.
Đáp: Hiện nay tại Madagascar có dài phát thanh Radio Don Bosco, nhưng không phải chỉ có thế. Hầu như mỗi giáo phận đều có một đài phát thanh riêng và có sự cộng tác giữa tất cả mọi đài phát thanh công giáo do Radio Don Bosco điều hợp. Đài Don Bosco quan trọng, vì rất nhiều gia đình nghe đài mỗi ngày và đài dành rất nhiều giờ cho chương trình giáo dục người trẻ, và đài có một chương trình dành riêng cho giới trẻ gọi là ”Giáo dục sống yêu thương”.
Hỏi: Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới tới đây sẽ dành cho gia đình và việc rao truyền Tin Mừng. Tình hình gia định tại Madagascar hiện nay ra sao thưa cha? Có các vấn đề đặc biệt nào không?
Đáp: Có chứ. Có các vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan tới trẻ em. Có gần một triệu trẻ em phải làm việc và các em được trả lương rất thấp. Lao động trẻ em tự nó đã là một vấn đề, bởi các trẻ em phải được đến trường học tập và chơi đùa, nhưng tại Madagascar các em phải làm việc, và có sự khai thac bóc lột sức lao động của các em, cũng như nạn đối xử với các em một cách tàn tệ không thể tưởng tượng được. Thế rồi cũng có vấn đề trẻ em mại dâm nữa.
Hỏi: Tương quan của Giáo Hội công giáo với các Giáo Hội khác như thế nào thưa cha?
Đáp: Có một tương quan rất nghiêm chỉnh giữa các Giáo hội Kitô: chẳng hạn như có Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô Madagascar quy tụ mọi Giáo Hội Kitô gồm Công giáo, Tin lành cải cách, Anh giáo, Luther. Các Giáo Hội tìm cách đóng góp các đề nghị cho chính quyền và dân chúng và đề nghị các giá trị được mọi người dân Malgache chia sẻ chấp nhận.
Hỏi: Thưa cha tại Madagascar có vấn đề các giáo phái như tại các nước khác hay không?
Đáp: Vâng cũng có vấn đề các giáo phái, và nó là một vấn đề trầm trọng. Nếu Giáo Hội không làm một cái gì đó để lôi cuốn người trẻ, để thăng tiến giáo lý, phụng vụ, để cho tín hữu thực sự cảm thấy họ hiệp thông với Thiên Chúa, thì tôi tin là trong tương lai vấn đề các giáo phái sẽ trở thành rất nghiêm trọng. Bởi vì các giáo phái phân phát tiền bạc, vì thế người dân vốn đã rất nghèo hướng tới các giáo phái để có tiền.
Hỏi: Biến cố Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng đã được đón nhận như thế nào tại Madagascar?
Đáp: Ban đầu người dân Madagascar đã không biết đến Đức Phanxicô, vì ngài là nhân vật mới. Nhưng hiện nay họ biết ngài và họ rất hài lòng, bởi vì đối với họ ngài cởi mở, gần gũi người dân, và nhất là các tín hữu công giáo luôn theo dõi buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha để lắng nghe lời ngài và học hỏi tinh thần tu đức của ngài. (RG 27-3-2014; SD 28-3-2014)
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)