MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Công bố Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới tháng 10-2014

ĐHY Lorenzo Baldisseri
VATICAN. Sáng 26-6-2014, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM khóa đặc biệt tiến hành tại Vatican từ ngày 5 đến 19-10 năm nay đã được công bố.

ĐHY Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới, đã giới thiệu văn kiện này dài hơn 60 trang đúc kết các câu trả lời theo bản 39 câu hỏi, và sẽ được dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận tại Công nghị GM thế giới tới đây về đề tài Những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”.

Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh cũng có ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom - Budapest, Tổng tường trình viên, ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, Chủ tịch thừa Ủy và Đức Cha Bruno Forte, TGM giáo phận Chieti-Vasto, Italia, Tổng thư ký đặc biệt của Công nghị GM thế giới tới đây.

Bố cục

Tài liệu gồm 3 phần:

- Phần thứ I nói về việc thông truyền Tin Mừng gia đình ngày nay và được chia làm 4 chương lần lượt nói về: ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình (c.I); kiến thức và sự đón nhận Kinh Thánh cũng như các Văn kiện của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình (c.II), Tin Mừng về gia đình và luật tự nhiên (c. III); Gia đình và ơn gọi của con người trong Chúa Kitô (c.IV)

- Phần thứ II nói về Mục vụ gia trình trước các thách đố và gồm có 3 chương: Trước tiên là các đề nghị liên quan đến việc mục vụ gia đình (c.I), tiếp đến là những thách đố mục vụ về gia đình ngày nay (c.II), thứ ba là những hoàn cảnh khó khăn trong việc mục vụ gia đình (c.III)

- Phần thứ III bàn về sự cởi mở đón nhận sự sống và trách nhiệm giáo dục. Phần này gồm hai chương: trước tiên là những thách đố mục vụ đối với việc cởi mở đón nhận sự sống (c.I) tiếp đến là Giáo Hội và Gia đình đứng trước thách đố giáo dục (c.II).

Tài liệu làm việc trình bày một cái nhìn về thực tại gia đình ngày nay và là khởi đầu của tiến trình suy tư sâu xa, và được khai triển qua hai giai đoạn khác nhau: trước tiên là Thượng HĐGM khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19-10 năm nay có mục đích thu thập các dữ kiện và lập trường, tiếp đến là Thượng HĐGM khóa thường lệ vào tháng 10 năm tới, 2015, nhắm đề ra những đường hướng mục vụ gia đình cần thi hành. Văn kiện chung kết của khóa họp thứ hai này sẽ được đệ trình lên ĐTC để ngài quyết định (SD 26-6-2014)

Nội dung tổng quát của Tài Liệu Làm Việc

Tin Mừng về gia đình, những tình trạng khó khăn của gia đình, giáo dục về cuộc sống và đức tin trong gia đình, đó là 3 lãnh vực được khai triển trong tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt vào tháng 10 tới đây về gia đình. Văn kiện này tóm tắt và tổng hợp những câu trả lời bản câu hỏi liên quan những đề tài hôn nhân và gia đình công bố hồi tháng 11 năm 2013 để chuẩn bị cho Thượng HĐGM.

I. Phần thứ I: Thông truyền Tin Mừng gia đình ngày nay”

Trong phần này, Tài Liệu tái khẳng định những dữ kiện Kinh Thánh về gia đình, dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa và là những cộng tác viên của Chúa trong việc đón nhận và thông truyền sự sống. Vì thế, sau khi nhắc lại nhiều văn kiện của Giáo Hội về đề tại gia đình, trong đó có Thông điệp Humanae vitae” (Sự sống con người) của ĐGH Phaolô VI, Tài liệu làm việc nhấn mạnh sự kiện nhiều tín hữu chỉ có kiến thức ít ỏi về vấn đề này, một phần cũng vì các linh mục ít được chuẩn bị nên không biết đề cập một cách đúng đắn về đề tài hôn nhân và gia đình, đặc biệt là lãnh vực tính dục và sinh sản.

Giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề này nói chung chỉ được các tín hữu đón nhận một phần, người ta chấp nhận việc bảo vệ phẩm giá sự sống con người, nhưng lại chống lại đạo lý về việc kiểm soát sinh sản, về ly dị hoặc về những quan hệ tính dục trước khi kết hôn. Tất cả tình trạng đó một phần cũng do bối cảnh xã hội ngày nay, trong đó chủ nghĩa cá nhân, duy vật, nền văn hóa gạt bỏ” chiếm ưu thế. Vì thế, cần tìm lại những phương thức mới mẻ, ngôn ngữ mới để thông truyền giáo huấn của Hội Thánh trong lãnh vực này, huấn luyện một cách thích hợp cho các nhân viên mục vụ.

Tiếp đến, Tài liệu làm việc trình bày một suy tư đặc thù về sự khó hiểu ý nghĩa và giá trị của luật tự nhiên”, ở căn cội chiều kích phu phụ giữa một người nam và một người nữ. Đối với nhiều người, tự nhiên” có nghĩa là bộc phát”, và điều này làm cho người ta quan niệm các quyền con người như một sự thực thi những ước muốn riêng của mình. Điều này mở đường cho lý thuyết gender, hay là giới tính, làm băng hoại ý tưởng theo đó sự kết hiệp vợ chồng là chung thủy”, là mãi mãi; nó cũng khiến người ta chấp nhận sự đa thê hoặc từ bỏ người phối ngẫu của mình. Vì không nhìn nhận luật tự nhiên, nên nhiều đôi vợ chồng ngày nay ly dị, hoặc sống chung mà không kết hôn, ngừa thai, và cũng vì họ con cái bị coi như một chướng ngại cho cuộc sống thoải mái của mình, đặc biệt là tại Âu Châu và Bắc Mỹ.

Một thách đố lớn khác được Tài liệu Làm việc nêu rõ, đó là sự riêng tư hóa gia đình: gia đình không còn được coi là một yếu tố tích cực của xã hội, một tế bào cơ bản của xã hội nữa.

Vì thế, Nhà Nước được yêu cầu hãy bảo vệ gia đình và phục hồi vai trò của gia đình như chủ thể xã hội trong nhiều bối cảnh như công ăn việc làm, giáo dục, y tế, bảo vệ sự sống.

Rồi khi nhìn mẫu gương Thánh Gia Nazareth, Tài Liệu Làm việc tái khẳng định tầm quan trọng của cha mẹ như những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái về đức tin, và nhấn mạnh sự phân biệt vai trò giữa người cha và người mẹ, hai vai trò ấy bổ túc cho nhau và cha mẹ đều can dự vào sự tăng trưởng của con cái và kinh tế gia đình.

Gia đình, trong tư cách là Giáo Hội tại gia”, cần phải được xây dựng mỗi ngày, trong kiên nhẫn, cảm thông và yêu thương, để giúp con người được phát triển toàn diện. Đặc biệt có hai yếu tố được Tài liệu Làm việc cổ võ: trước tiên là liên hệ trường tồn giữa gia đình và giáo xứ là gia đình của các gia đình”, và yếu tố thứ hai là cần có việc thường huấn, về thần học, cũng như về nhân bản và hiện sinh, để các gia đình gặp khủng hoảng, nhất là nơi nào có nạn bạo hành trong gia đình. Chữa lành các vết thương đã phải chịu và loại bỏ tận gốc rễ những nguyên nhân gây ra những vết thương ấy”, vì nạn lạm dụng, bạo hành và bỏ rơi sẽ không tạo ra sự tăng trưởng nào trong gia đình.

II. Phần thứ hai: Việc mục vụ gia đình đứng trước những thách đố mới”

Sau khi nhắc lại tầm quan trọng của việc chuẩn bị hôn nhân, cổ võ lòng đạo đức bình dân nâng đỡ gia đình và linh đạo về gia đình với tinh thần truyền giáo, không quá tự tham chiếu chính mình, Tài liệu Làm Việc đến những thách đố mục vụ ngày nay. Bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn mà gia đình ngày nay đang phải đương đầu như: hình ảnh và vai trò người cha bị suy yếu, gia đình bị phân tán vì ly dị và chia cách, nạn bạo hành và lạm dụng đối với phụ nữ và trẻ em, một dữ kiện thực sự đáng lo âu, đặt câu hỏi cho toàn thể xã hội và việc mục vụ của Giáo Hội về gia đình”, nạn buôn bán trẻ vị thành niên, ma túy, nghiện rượu, cờ bạc, nạn nghiện các mạng xã hội cản ngăn việc đối thoại trong gia đình và cướp mất thời giờ rảnh rỗi lẽ ra phải dành cho những quan hệ giữa con người với nhau.

Văn kiện của THĐGM thế giới cũng nêu bật ảnh hưởng của công việc làm trên đời sống gia đình: thời khóa biểu làm việc quá vất vả, công ăn việc làm bấp bênh, chế độ làm việc uyển chuyển đòi nhiều công nhân viên phải di chuyển xa, không được nghỉ việc ngày chúa nhật, những điều đó cản trở việc sống chung với nhau trong gia đình. Vì thế, Giáo Hội cần phải hỗ trợ cụ thể cho những công ăn việc làm xứng đáng, đồng lương đúng đắn, một chính sách thuế khóa bênh vực gia đình.

Những yếu tố khác gây khó khăn cho việc mục vụ gia đình là di cư, về vấn đề này, Văn kiện đề cao sự cần thiết phải tạo điều kiện dễ dàng cho việc đoàn tụ gia đình; tiếp đến là nạn nghèo đói, trào lưu duy tiêu thụ, chiến tranh, sự khác đạo giữa đôi vợ chồng, từ đó có những khó khăn trong việc giáo dục con cái; thái độ đối với bệnh tật, nhất là bệnh AIDS. Nhưng Tài Liệu làm việc không quên nhắc đến điều phản chứng, gương mù” trong Giáo Hội, như những xì căng đan lạm dụng tính dục, loạn dục trẻ em, những linh mục có lối sống khoa trương, hoặc có thái độ loại trừ đối với những người ly dị hoặc những cha mẹ độc thân. Tất cả những điều đó góp phần làm giảm uy tín tinh thần của Giáo Hội.

Tài liệu làm việc đề cập đến những hoàn cảnh mục vụ khó khăn và nhấn mạnh rằng sự kiện nam nữ sống chung không kết hôn thường vì họ thiếu được huấn luyện về hôn nhân, hoặc vì quan niệm tình yêu chỉ là một điều riêng tư, hoặc cũng vì họ sợ dấn thân trong đời sống vợ chồng, coi đây là một sự mất tự do cá nhân. Cũng không thiếu những lý do xã hội, trong đó có nạn thất nghiệp của người trẻ, thiếu nhà ở, hoặc thiếu những chính sách gia đình thích hợp. Vì thế, việc giáo dục về tình cảm và sự hiện diện yêu thương của Giáo Hội để giúp đỡ những người trẻ hiểu tình thương như một sự hướng tới một dự phong sống chung với một người bạn đường chứ không phải như một quan niệm thơ mộng về tình cảm.

Vấn đề những người ly dị và tái hôn dân sự

Cũng trong Phần thứ II, Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM về gia đình sắp tới dành một phần dài để nói về những tình trạng không hợp giáo luật, lý do vì các câu trả lời gửi về tập trung nhiều vào vấn đề những người ly dị tái hôn. Nói chung người ta nêu bật con số lớn những ngừơi sống bất cần trong tình trạng như thế và không yêu cầu được rước lễ hoặc lãnh nhận bí tích hòa giải.

Trái lại, có nhiều người khác cảm thấy bị gạt ra ngoài lề, và họ tự hỏi tại sao những tội khác được tha thứ mà tội ly dị tái hôn thì không, và họ cảm thấy việc Giáo Hội cấm lãnh nhận các bí tích như một hình phạt, do đó mở đường cho một não trạng đòi hỏi đối với chính các bí tích. Trong một số trường hợp, một vài HĐGM yêu cầu có những phương thế mới để có thể thực thi lòng từ bi, khoan dung và ân xá đối với những vụ tái hôn như thế. Những giải pháp khác, như mỗi linh mục cho phép những trường hợp cụ thể được lãnh nhận các bí tích, hoặc nhìn sang các Giáo Hội Chính Thống cho tín hữu ly dị tái hôn trong một số trường hợp, tuy nhiên những giải pháp này không làm cho các tín hữu Công Giáo cảm thấy được tái chấp nhận công khai trong đời sống Giáo Hội và không loại trừ sự ly dị.

Về đề nghị đơn giản hóa thủ tục cứu xét tuyên bố hôn nhân vô hiệu - ví dụ cứu xét xem có cần phải có hai phán quyết đồng thuận của hai cấp tòa án hay không, khi mà không có yêu cầu kháng án, Tài liệu của Thượng HĐGM mời gọi hãy thận trọng, để tránh những bất công và sai lầm, và để không nuôi dưỡng ý tưởng về một thứ ly dị Công Giáo. Trái lại, Tài liệu đề nghị một sự đào tạo thích hợp những người có khả năng để theo dõi những trường hợp như thế và gia tăng con số các tòa án về lãnh vực này. Dầu sao thì người ta thấy rõ rằng tiến hành mau lẹ hơn thủ tục cứu xét đơn xin tuyên bố hôn nhân bất thành chỉ là điều hữu ích nếu ta thi hành việc mục vụ gia đình một cách toàn diện.

Tóm lại, Tài liệu làm việc nêu rõ rằng đối với những hoàn cảnh khó khăn, Giáo Hội không được có thái độ quan tòa lên án, nhưng là thái độ của một người mẹ luôn đón nhận con cái mình, và nhấn mạnh rằng sự kiện không được lãnh nhận các bí tích không có nghĩa là bị loại khỏi đời sống Kitô và quan hệ với Thiên Chúa”. Trong viễn tượng đó, các cha sở cần hết sức đón tiếp và sẵn sàng đối với những người không thực hành đạo và không tin xin làm đám cưới, vì đây có thể là cơ hội thuận tiện để loan báo Tin Mừng cho cặp nam nữ. Ngoài ra, Giáo Hội cần phải tháp tùng các đôi vợ chồng cả sau khi họ cưới nhau, qua những cuộc gặp gỡ chuyên biệt.

Đồng tính luyến ái

Ngoài ra, về sự kết hiệp giữa những người đồng phái, Tài liệu nêu bật điều này là tất cả các HĐGM đều chống lại việc ban hành luật lệ cho phép sự kết hiệp như thế, hoặc sự định nghĩa lại hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, Tài liệu yêu cầu phải có thái độ tôn trọng và không phán đoán đối với những người ấy, đồng thời nêu rõ tình trạng thiếu những chương trình mục vụ cho những ngừơi đồng tính luyến ái, vì đây là hiện tượng mới mẻ gần đây. Các câu trả lời được trình bày trong Tài liệu làm việc tuyên bố chống lại luật lệ cho phép những cặp đồng tính luyến ái nhận con nuôi, vì đây là điều gây nguy hiểm cho thiện ích toàn diện của trẻ vị thành niên, là những người cần một người cha và một người mẹ. Tuy nhiên, nếu những người ấy xin rửa tội cho trẻ em, thì em phải được đón nhận với cùng một sự chăm sóc, dịu dàng và quan tâm như đối với các trẻ em khác.

III. Phần thứ III: Cởi mở đối với sự sống và trách nhiệm giáo dục”

Trước tiên văn kiện nhận xét rằng đạo lý của Giáo Hội về sự cởi mở đối với sự sống ít được các đôi vợ chồng biết đến trong chiều kích tích cực và vì thế họ coi đạo lý này như một sự xen mình vào đời sống lứa đôi, và giới hạn quyền tự quyết của lương tâm họ. Từ đó có sự lẫn lộn giữa các thuốc ngừa thai và các phương pháp tự nhiên để điều hòa sinh sản mà họ lầm tưởng là vô hiệu lực. Tuy nhiên các phương pháp này phản ánh sinh thái (ecologia) con người và phẩm giá quan hệ tính dục giữa đôi vợ chồng. Về vấn đề bao cao su chống bệnh AIDS, người ta yêu cầu Giáo Hội giải thích rõ hơn lập trường của mình, và cũng để trả lời cho một số lập luận thu hẹp và chế nhạo từ phía các cơ quan truyền thông, cũng như để tránh đóng khung vấn đề trong một khung cảnh hoàn toàn là kỹ thuật, trong khi thực ra đây là những thảm kịch ghi đậm trên đời sống của nhiều người”.

Nhiều người yêu cầu Giáo hội có những câu trả lời có nền tảng, đi xa hơn sự lên án chung chung, đối với ý thức hệ gender, giới tính, ngày càng lan tràn. Ngoài ra, họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải thích các phương pháp tự nhiên điều hòa sinh sản với sự cộng tác của các trung tâm đại học chuyên biệt, dành nhiều cho vấn đề này trong việc đào tạo các LM, vì thường các linh mục không được chuẩn bị về vấn đề này. Nói chung, Tài Liệu đề nghị thăng tiến một tâm thức cởi mở đối với sự sống như sự dấn thân của các tín hữu về mặt dân sự, cổ võ những đạo luật và cơ cấu nâng đỡ sự sống đang sinh ra.

Sau cùng về việc thông truyền đức tin trong gia đình, Tài liệu của Thượng HĐGM nhấn mạnh rằng cần phải nâng đỡ các trường Công Giáo, các trường này ngày càng thay thế gia đình và vì thế phải kiến tạo bầu không khí đón tiếp, có khả năng chứng tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.

Về việc thông truyền đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn ví dụ cha mẹ ở trong tình trạng bất hợp lệ và xin cho con cái được lãnh nhận các bí tích, Tài Liệu cổ võ thái độ đón tiếp, không nuôi thành kiến, vì nhiều khi con cái loan báo Tin Mừng cho cha mẹ, và để các trẻ em hiểu rằng tình trạng bất hợp lệ chứ không phải con người. Dường như ngày càng cần có một nền mục vụ nhạy cảm, được hướng dẫn tôn trọng những hoàn cảnh bất hợp lệ ấy, có khả năng nâng đỡ thực sự việc giáo dục con cái. Trong viễn tượng ấy, cần tái thẩm định vai trò của cac cha mẹ đỡ đầu trong hành trình đức tin của trẻ em và người trẻ, trong khi một sự tháp tùng mục vụ chuyên biệt cần thực hiện cho các hôn nhân hỗn hợp và hôn nhân khác đạo. Tài liệu làm việc kết thúc với Kinh nguyện do ĐTC Phanxicô soạn và đọc trong buổi đọc Kinh truyền tin chúa nhật 29-12 năm 2013, lễ Thánh Gia.

Cần nhớ rằng Thượng HĐGM thế giới vào tháng 10 tới đây về những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng sẽ là một Thượng HĐGM ngoại thường, gắn liền với sự cấp thiết của vấn đề cần được bàn tới. Nghĩa vụ đầu tiên của Công nghị Giám mục này là thẩm định và đào sâu các dữ kiện do các Giáo Hội địa phương trình bày. Trái lại những đường hướng mục vụ cần thực thi sẽ ở trung tâm của Thượng HĐGM khóa thường lệ nhóm vào tháng 10 năm tới, cũng về đề tài gia đình.

G. Trần Đức Anh OP

(Nguồn: Radio Vatican)