MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Giáo hội không thể không biết đến các phương tiện truyền thông xã hội

WHĐ (04.06.2014) – Phương tiện truyền thông xã hội có thể phơi bày điều tồi tệ nhất trong con người, và ngay cả các tweet được rất nhiều người đọc của Đức giáo hoàng Phanxicô cũng phải hứng chịu những lời bình ​​xấu xa. Nhưng Đức Tổng giám mục Celli nói rằng Giáo hội Công giáo không thể bỏ qua những cơ hội Phúc Âm hoá mà Internet mang lại.

Trong một buổi họp báo hôm thứ Năm 22-05, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội đã nói với các phóng viên: “Trong Giáo hội, chúng ta cứ đánh bắt cá ở trong hồ, mà quên rằng còn có rất nhiều cá ở bên ngoài”.

“Nếu Giáo hội không tham gia lĩnh vực truyền thông xã hội, thì rốt cuộc chúng ta sẽ nói chuyện với chính mình”.

Trong bài nói chuyện tại buổi cử hành Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội của giáo phận Brooklyn (New York, Hoa Kỳ) hôm thứ Năm 29-05 vừa qua – ngày lễ Chúa Thăng thiên –, Đức Tổng giám mục Celli công nhận rằng các diễn đàn truyền thông xã hội có thể kích động các cuộc tấn công cá nhân và gây chia rẽ hơn là xây dựng cộng đoàn.

Chẳng hạn –nói với các giám đốc điều hành phương tiện truyền thông kỹ thuật số tại New York hôm thứ Tư 28-05–, Đức Tổng giám mục Celli cho biết Toà Thánh đã bác bỏ yêu cầu của Facebook đề nghị thiết lập một trang Facebook cho Đức giáo hoàng Phanxicô, vì việc đọc các lời bình bất nhã trên Facebook rất vất vả. Ngài nói rằng các nhân viên Toà Thánh đã dành thời gian “dọn dẹp” trang Facebook để chăm sóc cổng thông tin của Vatican; họ xoá bỏ những lời bình thô tục và để lại những lời bình lịch sự.

Đức Tổng giám mục Celli nói rằng những phản hồi bất nhã trên Twitter thì ít nổi bật nên cũng ít cần phải để ý. Đức giáo hoàng có 4 triệu follower cho tài khoản @Pontifex và Đức Tổng giám mục Celli nói những ước tính dè dặt cho thấy: qua các tweet lại và các hình thức chia sẻ khác, có khoảng 60 triệu người đã đọc các tweet của Đức giáo hoàng – thường được gửi đi mỗi ngày một lần bằng chín thứ tiếng.

Đức Tổng giám mục Celli nói: “Chúng ta không ‘ngây thơ’ về những mối nguy hiểm của các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng khi gia nhập lĩnh vực này, chủ yếu bạn phải nhìn vào khía cạnh tích cực”. Ngài coi phương tiện truyền thông xã hội như một “lục địa kỹ thuật số” mà Giáo hội phải ứng xử như miền đất truyền giáo.

Khi được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm đứng đầu Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội vào năm 2007, Đức Tổng giám mục Celli đã thúc đẩy Vatican nắm bắt các phương tiện truyền thông mới.

Đức Tổng giám mục Celli nói rằng có điều gì giống như xảy ra “khủng hoảng” khi Toà Thánh khai trương tài khoản Twitter của Đức giáo hoàng Bênêđictô vào năm 2012, vì lo ngại sẽ có những chỉ trích trên mạng. Ngài nói rằng thực tế số lượng các ý kiến ​​tiêu cực trên Twitter đã tăng mạnh trong năm cuối cùng của triều đại Đức Bênêđictô khi ngài phải đối mặt với một loạt các bài báo về những bê bối ở Vatican.

Nhưng Đức Tổng giám mục Celli nói giọng điệu đã thay đổi đáng kể dưới thời Đức giáo hoàng Phanxicô, mà ngài cho rằng phần nào do sự hăng hái của vị tân giáo hoàng trong việc truyền thông bằng mọi phương tiện có thể. Ngài nói rằng sự cởi mở với truyền thông rõ ràng phản ánh quan điểm của Đức giáo hoàng Phanxicô về Giáo hội.

“Đó là một Giáo hội Công giáo luôn mở cửa cho mọi người. Cánh cửa mở ra để những ai muốn vào đều vào được, bất kể hoàn cảnh sống của họ”.

Chìa khoá cho người Công giáo, Đức Tổng giám mục Celli nói với cử toạ, là chìa má bên kia khi bị tát má này. “Sự hiện diện của chúng ta (trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số) sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng ta là những chứng nhân đích thực cho đức tin của mình”.

Minh Đức (Theo David Gibson, Huffington Post)

(Nguồn: WHĐ)