MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

ĐHY George Pell: Minh bạch, chuyên nghiệp, trung thực - Những yêu cầu đặt ra cho cuộc cải tổ hoạt động tài chính của Toà Thánh

WHĐ (17.07.2014) – Ngày 11-07 vừa qua, lần đầu tiên sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm (ngày 24-02-2014) vào vị trí đứng đầu Quốc vụ viện Kinh tế Toà Thánh (La Segreteria per l’economia), Đức hồng y George Pell đã có cuộc gặp gỡ và trả lời phỏng vấn báo chí. Maria Antonietta Calabrò, nữ phóng viên tờ Corriere della Sera, một nhật báo của Italia, là người đầu tiên trong báo giới đã thực hiện cuộc tiếp xúc với vị đứng đầu cơ quan mới được thành lập và đang được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Được biết, hồi tháng Hai vừa qua, bà Maria Antonietta Calabrò đã xuất bản dưới dạng ấn bản điện tử quyển sách bằng tiếng Ý, nhan đề Ior: le mani della Mafia, da Calvi a oggi (Viện Giáo vụ: bàn tay của Mafia, từ sự kiện Calvi đến ngày nay). Quyển sách nghiên cứu về Viện Giáo vụ từ những tài liệu điều tra về cái chết (năm 1982 tại Anh) của Roberto Calvi, giám đốc BancoAmbrosiano, sự sụp đổ của ngân hàng này và những tình nghi về mối liên hệ giữa Banco Ambrosiano, Viện Giáo vụ và mafia. Vào tháng Ba năm tới (2015), bà sẽ cho xuất bản quyển sách ở dạng giấy in.

Trong bài phỏng vấn Đức hồng y George Pell, tác giả Maria Antonietta Calabrò đã đặt những câu hỏi liên quan đến việc cải tổ giáo triều của Đức Thánh Cha Phanxicô, hoạt động của Hội đồng Hồng y tư vấn, đặc biệt về hoạt động sắp tới của Quốc vụ viện Kinh tế Toà Thánh, dưới sự điều hành của Đức hồng y Pell.

Sau đây là một số câu hỏi và trả lời được trích từ bài phỏng vấn nói trên.

Hỏi: Quốc vụ viện Kinh tế Toà Thánh, Hội đồng Kinh tế, cuộc cải tổ Viện Giáo vụ, ban lãnh đạo mới của Viện Giáo vụ, Ngân khố Vatican, Vụ Quản lý Tài sản Vatican, v.v… Quả đây là cấu trúc được xây dựng với những cơ quan nhằm hoạt động có hiệu quả hơn. Nhưng phải chăng trước hết vẫn cần một sự thay đổi về triết lý kinh tế, hoặc nói đúng hơn, thay đổi về thái độ?

ĐHY Pell: Sự thay đổi này đã được các hồng y đặt ra trong các phiên họp thảo luận trước khi khai mạc Mật tuyển viện (Mật tuyển viện tháng Ba 2013, sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm - Chú thích của T.T.). Các hồng y lúc đó đã nói: “Những vụ bê bối như vậy là đủ quá rồi!”. “Chúng ta không muốn đọc các tin thót tim như vậy trên báo nữa!”. “Thật không tốt đẹp chút nào cho Giáo hội và các giáo huấn Công giáo, chúng ta phải tìm ra một kiểu mẫu cho các tín hữu và cho cả thế giới, cho mọi người!”. Tôi đã nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn của Đức Thánh Cha, xác định các việc cần làm, nhưng nếu không được Đức Thánh Cha nâng đỡ, khó mà tiếp tục công việc được. Không được vội vã hoặc trông mong vào chiếc đũa thần có thể thay đổi nhanh chóng, nhưng sự nâng đỡ của Đức Thánh Cha giúp chúng tôi biết kiên nhẫn. Chúng tôi hành động một cách kiên nhẫn. Coepimus nunc. Lúc này chúng tôi chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi hướng về phía trước. Chúng tôi cần thay đổi cho tốt hơn. Với một điều chắc chắn: Đã quá đủ rồi các sự kiện như Calvi (giám đốc Banco Ambrosiano - Chú thích của T.T.) và Sindona (nhà hoạt động ngân hàng có dính dáng mafia - Chú thích của T.T.). Cũng quá đủ rồi các tin tức trên báo chí khiến chúng ta phải sửng sốt.

Hỏi: Nếu cần mô tả quá trình cải tổ này trong ba từ, Đức hồng y sẽ đưa ra những từ nào?

ĐHY Pell: Tài chính minh bạch, tính chuyên nghiệp (nghĩa là dùng phương pháp hiện đại) và sự trung thực (Quá đủ các vụ bê bối rồi!). Tôi đưa thêm một từ nữa: sự đóng góp của giáo dân. Giáo hội là một Dân, không chỉ có các linh mục mà thôi. Giáo dân được tham gia một cách đầy đủ, bỏ phiếu, đưa ra quyết định. Điều này dựa trên nền tảng thần học vững chắc.

Hỏi: Có người nói Giáo triều phản ứng tiêu cực với công cuộc cải tổ. Có đúng vậy không, thưa Đức hồng y?

ĐHY Pell: Điều đáng nói nhất về các hồng y là sự tán thành.

Hỏi: Có phải Đức hồng y muốn nói đến các vị Hồng y tư vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, thường gọi là “Nhóm Chín Hồng y” (C9)?

ĐHY Pell: Tôi không chỉ nói đến các hồng y tư vấn, mà là tất cả các hồng y.

Hỏi: Bây giờ xin nói về vấn đề có liên quan đến người Ý. Giáo hội mang tính phổ quát, vì vậy cấu trúc của Giáo hội cũng phải như thế. Hẳn Đức hồng y cũng thừa nhận đã diễn ra quá trình giảm bớt chất Ý?

ĐHY Pell: Tôi đang làm việc trong cơ cấu Giáo hội hoàn vũ chứ không phải giáo phận Roma. Tôi đã phát biểu trong một cuộc họp báo về việc đã xin bổ nhiệm một người Ý vào ban lãnh đạo Viện Giáo vụ. Nay tôi muốn nói thêm, việc này sẽ sớm xảy ra. Trong Giáo triều, có rất nhiều vị giỏi giang là những người Ý.

Hỏi: Quan hệ của ngài với Đức hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin ra sao?

ĐHY Pell: Đức Hồng y Parolin và tôi gặp nhau vào các ngày thứ Tư và chúng tôi rất thẳng thắn và chân thành với nhau trong họp hành cũng như trong cuộc sống. Chúng tôi không phải là hai cơ quan –hai cực– trong một hệ thống, nhưng là một cặp song sinh. Tôi thực sự muốn nói chúng tôi là anh em sinh đôi.

Hỏi: Phải chăng đã có cuộc vận động đưa người Malta thế chỗ người Ý trong việc điều hành tài chính của Vatican? Những việc này đều tồi tệ cả?

ĐHY Pell: Chẳng có cuộc vận động Malta nào cả. Tôi không thích thú gì nếu biết những người đang làm việc ở đây nhưng thực tế lại theo đuổi lợi ích riêng tư. Tôi rất ấn tượng về ông Joseph Zahra (người Malta, phó điều phối viên Hội đồng Kinh tế) với những gì ông đã làm. Ông thật là một con người có khả năng và rất vững vàng. Làm việc đã nhiều tháng, vậy mà ông chẳng mong muốn gì, dù chỉ một euro.

Hỏi: Quan hệ tài chính với Ý hiện chưa được bình thường hoá. Đức hồng y có kế hoạch gì về vấn đề này?

ĐHY Pell: Chúng tôi đặt tất cả niềm tin vào ông René Bruelhart, Giám đốc Cơ quan Thông tin Tài chính. Hội đồng quản trị mới sẽ phải giúp đỡ ông. Sẽ bổ nhiệm hai kiểm sát viên hình sự để áp dụng luật mới về chống rửa tiền và bộ luật hình sự mới ban hành. Tất nhiên phải tôn trọng thẩm quyền của chúng tôi. Chúng tôi muốn tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, và như vậy, sẽ trở thành kiểu mẫu trong lĩnh vực này. Mối quan hệ với Italia sẽ nhanh chóng được bình thường hoá.

Thành Thi

(Nguồn: WHĐ)