MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

“Đừng bao giờ quên người nghèo”

LTS : Khẩu hiệu Giám mục của Đức cha An Phong Nguyễn Hữu Long, Phụ tá GP. Hưng Hóa là “Mang vào mình mùi chiên”, và ngài đã và đang sống với chọn lựa này. Các cha Hưng Hoá kể, Đức cha Long thân thiện với nhiều người lao động, với rất đông bà con nghèo. Ra đường gặp anh chạy xe thồ ngài cũng đứng lại trò chuyện hồi lâu; qua đò ngang cũng tranh thủ thăm hỏi người đưa đò ít nhiều về cảnh sống. Trên những miền Tây Bắc, ngài dong duổi khắp các bản làng, vào nhà ăn với họ, đọc kinh với họ, theo họ lên nương… Dưói đây là một số cảm nhận của ngài về người nghèo, sau gần một năm làm bạn và lắng nghe tiếng nói của họ trên rẻo cao.

“Đừng bao giờ quên người nghèo” (1)

Đã gần một năm kể từ ngày tôi nhập cuộc tại giáo phận Hưng Hóa trong vai trò giám mục phụ tá (6.9.2013).

Năm đầu tiên, tôi dành để thăm viếng mục vụ, và khám phá giáo phận, vì chưa biết gì về giáo phận này. Tôi đi khá nhiều nơi, đến nhiều giáo xứ; gặp nhiều người. Nói chung, bà con vùng Tây Bắc đa số còn nghèo, nhất là người H’Mông ở vùng cao vùng sâu tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Họ nghèo lắm, do sống nơi thâm sơn cùng cốc, đèo heo hút gió, đường sá ngoằn ngoèo. Chỉ vài năm gần đây thôi, đời sống mới khá lên một chút. Tất cả cuộc sống đều trông vào những nông sản, ngô khoai sắn là chủ yếu, nhưng bán ra thì rẻ, mua vào thì đắt, vì tiền vận chuyển đã xén của họ khá nhiều.

Tại những làng H’Mông tôi thấy người ta sống trong những chỗ nhà không ra nhà, chẳng có gì để ngăn cái giá rét mùa Đông, trong nhà chẳng có gì đáng giá; những em bé ở truồng chạy chơi vô tư bên sườn đồi, da tím tái vì lạnh, chân không dép không tất; nhiều em bụng ỏng, đít teo, dơ dáy, mặt mày lấm lem do ăn bốc liếm láp, không chén bát thìa muỗng. Người anh em của tôi ở đây ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa kín. Họ nghèo thật so với những người ở dưới vùng xuôi, mà tiêu chuẩn bây giờ là “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”. Ôi, cùng sống trên một dải đất chữ S mà sao bà con miền Tây Bắc khổ thế!

Đến với người nghèo, tôi có được một số nhận định xin chia sẻ:

1. Ít ai muốn làm bạn với người nghèo, vì người nghèo không có gì để cho lại, và không ở cùng một bình diện với người cho. Cái mà người ta cho đi thường là chút vật chất dư thừa, gọi là chia sẻ, nhưng cũng có thể nói là của bố thí, vất bỏ. Ít người dám cho đi cái cần thiết của cuộc sống mình như bà goá nghèo chỉ còn có hai xu (Lc 21,1-4). Kitô hữu không đến với người nghèo bằng não trạng bố thí của dư thừa, mà phải cho đi cả cái cần thiết của mình nữa, sẵn sàng nghèo đi vì người nghèo, để họ bớt nghèo hơn, theo gương Chúa Giêsu: “Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để anh em được trở nên giàu sang nhớ cái nghèo của Người.” (2 Cr 8,9).

2. Cùng với món quà vật chất là tình thương yêu được trân trọng trao ban. Mòn quà-tình-yêu mới tồn tại trong lòng người, còn vật chất sẽ hết đi. Dù món quà nhỏ bé và không đáng kể nhưng tình thương sẽ làm cho món quà có ý nghĩa và giá trị, thậm chí không gì sánh nổi. Với tình yêu, mọi sự trở nên vĩ đại!

3. Đến với người nghèo, có khi chúng ta không còn là người cho mà là người nhận, ta cho đi cái vật chất, nhưng nhận lại cái tinh thần, mà tinh thần thì không cân đong đo đếm được như vật chất. Một lần kia, đến giáo xứ Gìàng La Pán (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) để cử hành Bí tích Thêm sức, tôi mang theo món quà cho các em bé là bịch kẹo sô-cô-la ngoại khá to. Nhưng trẻ đông quá, đến năm bảy trăm, gói kẹo to trở thành nhỏ. Tôi nghĩ thầm: thôi, cho những đứa nhỏ nhất. Nhưng khi phát kẹo thì thấy đứa lớn chả lớn hơn đứa nhỏ, cho đứa này mà chừa đứa nọ cũng không ổn, vì tất cả đều chăm chăm ngó túi kẹo. Ngó thôi chứ không xin, không giành giật. Chỉ một thoáng thì hết kẹo. Những em không được chẳng kèo nài một lời, vẻ cam chịu! Ngạc nhiên là nếu em nào đã được rồi, nếu đưa thêm, nó không nhận nữa, mà giơ cái kẹo đã có lên cho mình thấy. Lúc ăn cơm cũng vậy, chúng ăn bốc chứ không có chén bát. Miếng thịt là họa hiếm, nhưng chúng ăn chung với nhau cách từ tốn, đàng hoàng. Những em bé nhỏ nhít, đơn sơ ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp, đáng yêu và đáng nể, đã cho tôi một bài học nhớ đời. Hoá ra tôi là kẻ nhận nhiều hơn là cho. Vậy là cả hai bên cùng cho và nhận trong tình bác ái Kitô giáo, chẳng bên nào chỉ cho và cũng chẳng bên nào chỉ nhận mà thôi đâu: “Trong hoàn cảnh hiện thời, sự dư giả của anh em đắp vào sự thiếu thốn của họ, để rồi ra sự dư giả của họ cũng sẻ bồi vào sự thiếu thốn của anh em, và như thế là có đồng đều, như đã viết: Kẻ được nhiều cũng không dư, mà kẻ có ít cũng không thiếu.” (2 Cr. 8,14-15)

5. Mới đây, một đoàn Caritas từ Đà Nẵng, Tam Kỳ đến thăm Giàng La Pán. Đoàn gom góp và cất công chở quần áo ra tặng bà con, nghĩ rằng họ sẽ thích, ngờ đâu, họ không hồ hởi lắm, vì không quen ăn mặc theo kiểu người Kinh, họ nói giá cho mỗi người vài gói mì ăn liền thì thích hơn! Tôi chợt nhớ câu đồng dao “ThằngBờrn có cái quạt mo”. Vậy là tôi phải điều chỉnh suy nghĩ của mình. Cái mình tưởng là tốt, là hay, là cần, thì chưa chắc người anh em nghèo khó kia cũng nghĩ như thế. “Cái khó cái khôn”, nhưng cũng đúng nếu nói “Cái khó cái khôn”. Phải chăng người anh em tôi vì đói nghèo, nên chỉ nghĩ được những cái gì gần nhất, thực nhất, hiện sinh nhất? Phải chăng vì đó mà họ không khá lên được, bởi cứ mãi lo kiếm cái gì bỏ bụng, “làm ngày nào, xào ngày ấy”? Còn lo xa hơn thì không cần. Điều này đặt ra cho chúng ta ưu tư về phát triển dân trí, dân sinh. Người ta vẫn nói nên cho người nghèo cái cần câu hơn là con cá. Sao bao năm rồi mà những anh em dân tộc thiểu số ở Tây Bắc hay Tây Nguyên vẫn nghèo hoài, không khấm khá lên được?

5. Chúng ta vẫn thường nghĩ người nghèo là người khốn khổ nhất. Thật sự chưa chắc. Trong sứ điệp Mùa Chay 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô kể ra 3 hạng người khốn khổ: khốn khổ vật chất, luân lý và tâm linh. Có người nghèo về vật chất, nhưng lại giàu về luân lý và tâm linh. Họ là người hạnh phúc thật theo hiến chương Nước Trời. Người nghèovì không có gì nên dễ có Chúa; còn người giàu vì có mọi sự rồi nên không cần Chúa nữa. Bởi vậy, không nên khinh thường người nghèo. Xã hội Việt Nam hôm nay có một điều không bình thường là khoảng cách giữa giàu nghèo rất lớn, “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Một xã hội công bằng, văn minh cần phải thu hẹp khoảng cách này, sao cho không có cảnh “người bóc lột người”, để mọi người có cuộc sống bình đẳng hơn, đúng phẩm giá con người hơn. Đức Phanxicô khẳng định: “Những nỗ lực của chúng ta cũng nhằm để chấm dứt những vụ vi phạm phẩm giá con nguời, những kỳ thị và lạm dụng trên thế giới, thường là nguồn gốc gây ra nỗi khốn khổ. Khi quyền lực, sự xa hoa và tiền bạc thành thần tượng, chúng sẽ chiếm quyền ưu tiên trước nhu cầu phân phối của cái vật chất cách công bằng. Vì thế lương tâm chúng ta phải hoán cải, trở về với công lý, bình đẳng, với điều độ và chia sẻ” (SĐMC.2). Tội nghiệp cho những người anh em H’Mông không đòi quyền lợi vật chất cho mình. Bản chất hiền lành khiến họ cam chịu, nhẫn nhục trước cảnh nghèo đói không đáng có trong thời đại văn minh tân tiến hôm nay.

6. Kitô hữu, trong mọi giao tiếp, bất luận với người nào, ở đâu, trong hoàn cảnh nào, luôn ý thức phải giới thiệu hoặc đem Chúa đến với người ấy, nơi ấy, trong hoàn cảnh ấy. Mới đây, nữ tu Cristina Scuccia đã làm mọi người sửng sốt khi tham gia cuộc thi “Giọng hát của Ý năm 2014”, và chị đã đoạt giải Nhất. Chị cho biết lý do tham dự cuộc thi: “Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng.” Chị nhấn mạnh lúc nhận giải thưởng: “Tôi muốn Chúa Giêsu đến đây, điều ấy là tuyệt vời”, và mời khán giả cùng đọc một kinh lạy Cha với chị (CGvDT số 1961, tr.27).

Vậy thì khi đến với người nghèo, bất luận là người nghèo về vật chất, luân lý hay tâm linh, chúng ta hãy xác tín rằng điều mà họ mong đợi nhất và ta có thể đáp ứng nhất, là chính Chúa Kitô, bởi vì chỉ có Ngài mới giải thoát họ khỏi mọi nỗi khốn khổ. Và như vậy, chúng ta nối kết việc bác ái với loan báo Tin Mừng, như Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sứ điệp mùa Chay: “Chúa mời gọi chúng ta trở nên những người hân hoan loan báo sứ điệp của lòng khoan dung và niềm hy vọng ấy! Thật phấn khởi khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền Tin Mừng ấy, chia sẻ kho tàng đã đuợc ủy thác cho chúng ta, an ủi những tâm hồn tan nát và mang lại hy vọng cho anh chị chúng ta đang sống trong tăm tối.” (SĐMC.2)

Hội Thánh Công giáo, qua Đức Thánh Cha Phanxicô, được mời gọi phải là “Giáo Hội nghèo cho người nghèo”, bằng cách “đứng dậy”, “ra đi”, “đến vùng ngoại biên”, đến với mọi người, nhất là những người khốn khổ, loan báo Tin Mừng cho họ. Ước gì tại Việt Nam, mọi thành phần dân Chúa sẽ đáp lại lòng mong đợi của ngài, cách cụ thể qua những hoạt động từ thiện, bác ái, xã hội, ngày một có phẩm và lượng hơn.

ĐGM. AN PHONG NGUYỄN HỮU LONG

_____

(1) Lời ĐHY Claudio Hummes nói với Đức Phanxicô tại Mật tuyển viện bầu giáo hoàng, khi cuộc kiểm phiếu sắp kết thúc.

(Nguồn: Công giáo và Dân tộc)