MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thảm cảnh nội chiến tại Syria

Phỏng vấn một nữ tu dòng Trapist Syria

Cuộc nội chiến tại Syria đã bùng nổ theo sau mùa xuân Ả Rập và đã kéo dài hơn 3 năm qua khiến cho hơn 100.000 người chết, hàng trăm ngàn người bị thương và gây ra cảnh di cư cho hơn 4 triệu dân Syria. Trong cuộc bầu cử tổng thống tổ chức đầu tháng 6 vừa qua tổng thống Bashar Al Assad tái đắc cử, mặc dầu các lực lượng đối lập hoàn toàn đồng loạt tẩy chay cuộc bầu cử.

Ngày 14-6-2014 trong sứ điệp gửi trên Twitter, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng quên dân nước Syria. Ngài viết: “Có nguy cơ lãng quên các nỗi khổ đau không đụng tới gần chúng ta. Chúng ta hãy phản ứng và cầu nguyện cho hòa bình tại Syria.” Thực ra từ nhiều tháng qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục kêu gọi hoà bình cho Syria trong các buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần cũng như trong các buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Chiến cuộc vẫn tiếp diễn hàng ngày và trong tuần qua dân chúng thành phố Aleppe đang lâm vào trình trạng thiếu nước trầm trọng. Đức Cha Georges Abou Khazen, Đại diện Tông Tòa giáo phận Aleppo, cho biết đây là lần thứ hai dân chúng tại Aleppo lâm vào tình trạng này, lần đầu hồi đầu tháng 5 vừa qua. Nguyên nhân vì các chất nổ được đặt dưới các ống dẫn nước chính phá hủy hệ thống này và cả các ống cống nữa. Nước trong lành không còn được dẫn vào thành phố và nước được dẫn thì lẫn với nước ống cống. Nhiều người dân đã bị bệnh truyền nhiễm và các bệnh về đường ruột. Đức Cha cho biết thủ phạm gây ra các tình trạng này là các lực lượng thánh chiến Hồi giáo, chứ không phải vì các cuộc pháo kích của phía chính quyền.

Ngày 14-6-2014 đã có 30 dân quân bị giết tại Mayaden trong vùng biên giới với Iraq.

Ngày 14-5-2014 một bản tường trình của Trung tâm nghiên cứu về các người ty nạn nội địa công bố tại Genève cho biết hiện nay tại Syria liên tục có các gia đình phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Tổ chức canh thức nhân quyền cũng tố cáo sự kiện từ đầu năm tới nay đã có 850 tù nhân chết vì bị tra tấn hay là nạn nhân của các vụ xử sơ sài. Ngoại trưởng Laurent Fabius của Pháp cho biết vũ khí hoá học đã được sử dụng 14 lần từ cuối năm 2013 đến nay. Ngoài ra trong năm 2013 đã có hơn 1.000 người chết vì bị khí độc tại Ghouta.

Ông Maurizio Simoncelli, chủ tịch Học viện nghiên cứu quốc tế Văn khố giải trừ vũ trang cho biết các tin tức vụn vặt không cho phép có các dữ kiện chắc chắn liên quan tới loại hoá học sử dụng nên không biết có là iprite, sarin hay tabun hay loại nào khác. Nhưng có nhiều vụ có các nhân chứng và hình ảnh tài liệu. Vì chiến cuộc vẫn tiếp diễn với các vũ khí quy ước cũng như với các vũ khí hoá học, nên không thể đến tận nơi để điều tra. Thật ra theo các thoả hiệp thì tiến trình giao nộp mọi vũ khí hoá học phải kết thúc nội trong tháng 6 này. Nhưng tình hình hiện nay cho thấy đó là điều khó thực hiện.

Ngoài ra trong chiến tranh nạn nhân đầu tiên là sự thật, vì mọi phía đều đổ tội cho nhau. Nước Pháp muốn đưa vấn đề các tội phạm tàn ác của Syria ra trước Tòa Án quốc tế, nhưng chắc chắn Nga sẽ bỏ phiếu chống. Cho tới khi nào chiến tranh chưa chấm dứt thì điều này sẽ chỉ có một kết quả khiêm tốn.

Bên cạnh đó có vấn đề cứu trợ người tị nạn Syria bên Liban. Cha Paul Karam tân chủ tịch Caritas Liban cho biết tình tình rất khó khăn vì con số người tị nạn Syria bên Liban đã lên tới hơn 1 triệu, rải rác trong nhiều vùng chứ không được tập trung trong các trại tị nạn như bên Jordania và Thổ Nhĩ Kỳ. Con số người tị nạn quá đông đe dọa an ninh xã hội vì nạn tội phạm gia tăng. Nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng vì đất Liban quá nhỏ mà một phần ba hay một phần tư dân số là người tị nạn ngoại quốc. Thiếu điện nước và thực phẩm. Đó là chưa kể tới lãnh vực y tế thiếu thuốc men và các điều kiện vệ sinh. Các nhà thương và trung tâm y tế thiếu phương tiện đáp ứng các nhu cầu của các bệnh nhân. Ngoài ra Liban còn có 500 ngàn người tị nạn Palestine sống tại đây từ 60 năm qua mà chưa có thể Hồi giáo hương. Tiến trình hòa bình và các cuộc thương thuyết giữa người Israel và người Palestine đã không đi đến đâu, vì sự thù hận quá sâu đậm và hai bên không nhân nhượng nhau. Hiện nay cha Karam đang tổ chức một trại hè để thăng tiến đối thoại hòa bình giữa người trẻ Liban và người trẻ Syria, giúp họ hướng tới tương lai và sống tình huynh đệ liên đới.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn một nữ tu Trapist bên Syria.

Hỏi: Xin chị cho biết chị nghĩ gì về nguy cơ tình hình chiến sự tại Syria bị thế giới lãng quên?

Đáp: Tôi nghĩ rằng có nguy cơ tình hình chiến sự của Syria bị thế giới quên lãng. Cả khi có rất nhiều người quảng đại tiếp tục trợ giúp người dân Syria. Vấn đề đó là vài tình trạng đang trở thành tin tức thời sự: việc chia nước Syria thành nhiều vùng dưới quyền kiểm soát của các lực lượng Hồi giáo cuồng tín, các vùng khác thì dưới quyền kiểm soát của chính quyền, thế rồi còn có sự kiện khí giới được cung cấp cho các lực lượng lâm chiến. Nhưng có nguy cơ lớn là chiến tranh trở thành tin thời sự và người ta quen thuộc với tình trạng này.

Hỏi: Đức Thánh Cha nói tới các nỗi khổ đau: người dân Syria đang khổ đau về điều gì?

Đáp: Tùy theo từng vùng, nhưng nói chung toàn dân Syria đều đau khổ. Trong các vùng nơi tình hình tốt hơn một chút dân chúng khổ đau vì tình hình bất an. Người trẻ không có viễn tượng học hành. Thế rồi còn có các vùng như thành phố Aleppo đã không có nước từ 15 ngày nay, cũng không có điện và là nơi dân chúng khổ đau thực sự. Các bạn bè của chúng tôi sống tại đó đã kể cho chúng tôi biết cảnh đói khát mà họ phải chịu, và với các đầu đạn rơi liên tục vô tội vạ có thể gây chết người bất cứ lúc nào, rồi cảnh tiền lương không đủ sống... Vì thế người dân đau khổ rất nhiều về mặt vật chất và về mặt tinh thần.

Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Chúng ta hãy phản ứng”. Thế thì phải phản ứng như thế nào thưa chị?

Đáp: Vâng, theo tôi thấy thì việc phản ứng đòi hỏi chúng ta hành động. Phản ứng theo các kiểu thông thường không đủ vì tình hình có nguy cơ trở thành tồi tệ thêm. Cần phải thực sự quan tâm tới hoàn cảnh và tìm hiểu các sự việc liên hệ, và chúng thường phức tạp, nhưng chỉ như thế mới có thể tìm ra các giải pháp.

Hỏi: Một lời cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình Syria, là điều luôn luôn cần thiết đối với Đức Thánh Cha. Ngài đã tổ chức ngày cầu nguyện cho hòa bình trong toàn vùng Trung Đông với rất nhiều can đảm. Chứng tá này có được cảm nhận bên Syria hay không?

Đáp: Theo tôi thì chứng tá cầu nguyện này của Đức Thánh Cha có tới và tới với tất cả mọi người, chứ không phải chỉ tới với dân nước Syria chúng tôi mà thôi. Hôm qua có một tín hữu Hồi giáo nói với chúng tôi: “Tôi là tìn hữu Hồi giáo, nhưng với lòng biết ơn vô bờ tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha đang làm rất nhiều cho chúng ta và cho dân nước Syria”. Như thế, tôi nghĩ là chứng tá cầu nguyện ấy đến với tất cả mọi người. Nó cần thiết lắm, vì tôi tin rằng có vài điều nào đó chỉ được giải quyết thực sự với một cái nhìn của việc cầu nguyện, bởi vì lời cầu nguyện cũng là một hành động và thay đổi kiểu nhìn các sự vật. Nó giúp bạn hiểu phải làm gì can thiệp ra sao, và lắng nghe người dân như thế nào.

Hỏi: Lời Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện có giá trị đối với tất cả mọi người hay không, thưa chị?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tôi nghĩ là có chứ. Xem ra chúng ta luôn luôn cùng nhau đứng trước mặt Thiên Chúa Tạo Hóa và đứng trước sự thiện trong con tim của từng người. Tôi nghĩ rằng ngay từ đầu Đức thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi ấy với con người.

Hỏi: Trong nước láng giềng Iraq hiện đang có cuộc tấn công của các lực lượng Hồi giáo cuồng tín khiến cho toàn thế giới kinh hoàng. Các chị sống gần biên giới Iraq, và các người Hồi giáo cuồng tín đang hiện diện trong một vài vùng của nước Syria. Các tin tức này có khiến cho các chị lo sợ hay không? Và người ra có các phản ứng nào không?

Đáp: Chắc chắn là điều này khiến cho chúng tôi rất âu lo, chính bởi vì người ta đang tạo ra một vùng rộng lớn liên tục đang nằm trong tay của những người Hồi giáo quá khích. Một đàng điều này không gây ngạc nhiên cho lắm, nhất là đối với người Syria, bởi vì từ lâu họ đã trông thấy sự kiện này tiến tới, nhằm xé rách quốc gia thành các vùng dưới quyền kiểm soát của các phe phái khác nhau. Đàng khác, nó cũng khiến cho người ta lo âu và kinh hoàng, bởi vì bây giờ nó là một sự hiện diện đông đảo và cũng rất sinh động, các trận đánh ngày càng khốc liệt. Trước tình trạng này kết quả cuộc bầu cử không khiến cho người ta ngạc nhiên, nhưng chắc chắn là nó không được đồng nhất. Tôi tin rằng người dân đã muốn nói rằng: “Chúng tôi muốn cùng nhau tái thiết quê hương. Chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi muốn an ninh.”

Hỏi: Một vương quốc Hồi giáo thánh chiến “Califfato jihadista” trong một đất nước như Iraq gây nguy hại cho các tín hữu kitô. Như là tín hữu kitô, chị nghĩ gì khi xảy ra một điều như thế trong quê hương Syria của chị?

Đáp: Điều mà chúng tôi biết kể cả người Hồi giáo Sunnít, người Syria, và tất cả mọi kitô hữu, người Hồi giáo, nước Syria đã không bao giờ là một quốc gia nơi có khuynh hướng Hồi giáo cuồng tín đâm rễ. Người dân có một linh hồn khác, một tâm thức khác. Dĩ nhiên là có nỗi lo sợ đối với chủ trương Hồi giáo cuồng tín, bởi vì đó là một phong trào có thật hiển nhiên và được vũ trang. Nhưng mà chúng tôi cầu nguyện để đừng xảy ra điều đó. (RG 14-6-2014; 12.14-5-2014)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)