MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Viện giáo vụ hay nhà băng Vatican

Ông Jean-Baptiste de Franssu
Phỏng vấn ông Jean-Baptiste de Franssu, tân giám đốc

Trưa ngày mùng 9 tháng 7 vừa qua, Đức Hồng Y Georg Pell, Tổng trưởng Văn phòng Tòa Thánh về Kinh Tế, đã mở cuộc họp báo để giới thiệu khuôn khổ mới về kinh tế của Tòa Thánh. Hiện diện trên bàn chủ tọa tại Phòng báo chí Tòa Thánh còn có ông Joseph Zahra, Phó điều hợp viên Hội đồng kinh tế và 2 quan chức khác là ông Ernst von Freyberg người Đức, chủ tịch mãn nhiệm của Viện giáo vụ và ông Jean-Baptiste de Franssu, tân chủ tịch ngân hàng Vatican.

Đức Hồng Y Pell đã trình bày Tự sắc mới của Đức Thánh Cha quyết định chuyển phân bộ thương vụ của tổ chức APSA, Quản trị tài sản của Tòa Thánh, sang Văn Phòng kinh tế của Tòa Thánh do Đức Hồng Y điều khiển. Phân bộ này có nhiệm vụ quản trị tài sản, cung cấp lương bổng và các dịch vụ khác cho các cơ quan Tòa Thánh. Vấn đề tiền hưu bổng của các nhân viên của Tòa thánh hoàn toàn được bảo đảm. Một Ủy ban được thành lập để trong vòng 12 tháng tới đây đề ra kế hoạch cải tổ các cơ quan truyền thông của Tòa Thánh, tiết kiệm được ngân sách đồng thời vẫn duy trì hiệu năng và đáp ứng các nhu cầu mới.

Về ngân hàng Vatican hay viện giáo vụ, trong vòng 3 năm tới đây qui chế của viện này sẽ được duyệt lại để củng cố nền tảng kinh doanh của viện này, dần dần chuyển tài sản của Viện này cho một cơ quan tân lập để quản lý (VAM), cung cấp tư vấn và các dịch vụ trả tiền cho giáo sĩ, các dòng tu và giáo phận, cũng như các nhân viên Vatican. Hiện nay Viện giáo vụ đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp từ từ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn ông Jean-Baptiste de Franssu, tân chủ tịch ngân hàng Vatican. Ông tân chủ tịch năm nay 51 tuổi có vợ và 4 con, và là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tài chính quốc tế.

Hỏi: Thưa ông De Franssu, ông nghĩ gì về chức vụ mà Tòa Thánh vừa ủy thác cho ông?

Đáp: Đó là một nhiệm vụ lớn được giao cho tôi, nhất là bởi vì tôi phải theo đuổi công việc tốt của ông Ernst von Freyberg, chủ tịch mãn nhiệm. Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều khiêm tốn, bởi vì Viện Giáo Vụ có một vai trò quan trọng đối với nhiều dòng tu và nhiều giáo phận trên thế giới. Nó cũng có vai trò quan trọng trong khung cảnh của toàn tổ chức quản trị và tài chính của Tòa Thánh. Và như thế nó là một nhiệm vụ quan trọng mà tôi đã chấp nhận với niềm vui. Tôi coi nó không gì khác hơn là một sứ mệnh, và tôi hy vọng có thể thỏa mãn các chờ mong đã được đặt trên vai tôi, khi nhiệm vụ này được phó thác cho tôi.

Hỏi: Vị tiền nhiệm của ông đã được chỉ định trong một bối cảnh khó khăn. Ông ta đã gọi nó là “một sứ mệnh đau đớn”. Bây giờ bước sang giai đoạn II của việc cải tổ, nó bao gồm những gì thưa ông?

Đáp: Tôi có lợi thế lớn hơn đối với vị tiền nhiệm: tôi tới sau khi ông đã làm xong việc. Chắc chắn đây là một lợi thế quan trọng, và tôi quý trọng ông vì công việc ông đã đảm trách. Còn có một lợi thế khác nữa: đó là tôi cũng liên lụy với công việc trong Ủy ban Cosea từ tháng 8 năm 2013 tới ngày mùng 2 tháng 5 năm 2014 trong Ban cố vấn kinh tế của Tòa thánh. Điều này cho phép tôi có một sự hiểu biết tốt hơn về hoạt động của tổ chức quản trị và tài chính của Tòa Thánh, cũng như việc điều hành mà Đức Thánh Cha muốn trao ban cho tổ chức. Và đây là điều quan trọng. Như vậy tôi tới Viện Giáo Vụ với một sự hiểu biết hoàn toàn hơn là vị tiền nhiệm của tôi. Vì thế chúng tôi biết mình đang ở đâu, và điều quan trọng nhất là Đức Thánh Cha muốn chúng tôi đi đâu.

Hỏi: Ông đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô trong nhiều dịp khác nhau, như là thành viên Ban cố vấn Kinh tế Tòa Thánh. Mục đích của Viện Giáo vụ là gì?

Đáp: Trước hết tôi không thể nói nhân danh Đức Thánh Cha. Tôi chỉ có thể nói lên cảm tưởng của tôi, khi tôi hiểu các sứ điệp mà Đức Thánh Cha đã chuyển tới cho tôi. Đầu tiên sứ mệnh chính mà Đức Thánh Cha đã có trong trí khi nói về Viện Giáo Vụ, như cơ quan qua đó Giáo Hội, Tòa Thánh có thể tiếp tục trợ giúp và ngày càng trợ giúp nhiều hơn các người nghèo túng và phổ biến đức tin. Từ đó nảy sinh ra câu hỏi: đâu là các dụng cụ chúng ta có thể dùng trong việc quản trị hằng ngày Viện Giáo Vụ, cho phép nó gia tăng các trợ giúp dành cho người nghèo và phổ biến đức tin trên thế giới? Đó là yếu tố thứ nhất và là một đặc thái mà Đức Thánh Cha đề ra: sự trong sáng lớn nhất. Việc thực thi sự trong sáng đó đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bắt đầu. Chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chỉ định ông Ernst von Freiberg làm chủ tịch cơ quan này. Như vậy phải trong sáng hơn, và nhất là hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Viện Giáo Vụ không được khác với tất cả các cơ cấu ngân hàng chính. Nhưng với một tập trung quan trọng trên khách hàng: chúng tôi phải bảo đảm đáp ứng các chờ mong của khách hàng, của các dòng tu và các giáo phận, trên bình diện phẩm chất của việc phục vụ. Và đây là đặc thái của Viện Giáo Vụ trong giai đoạn hai của việc tái tổ chức.

Hỏi: Thưa ông tân chủ tịch, Viện Giáo Vụ cũng phải theo hệ thống kinh tế tài chính thế giới chứ, có đúng thế không?

Đáp: Không. Chúng tôi không phải theo hệ thống kinh tế tài chính thế giới. Chúng tôi phải tôn trọng tổng thể các luật lệ quốc tế một cách đúng đắn như bất cứ ngân hàng hay viện tài chính nào khác. Tôi xin được nhắc rằng chúng tôi không phải là một nhà băng, chúng ta thường nói “nhà băng”, nhưng trong quy chế chúng tôi không phải là một nhà băng. Như vậy tất cả mọi cơ cấu tài chính khác trên thế giới phải tôn trong các luật lệ này là điều bình thường. Đây là phần của việc toàn cầu hóa kinh tế, nhưng nếu Tòa Thánh muốn có thể có các liên lạc với các quốc gia khác, thì chúng tôi phải tôn trọng tỉ mỉ các luật lệ và điều khoản mới này. Do đó từ lâu nay Tòa Thánh đã dấn thân, và công việc của ông Ernst von Freiberg liên quan tới Viện Giáo Vụ là đi theo chiều hướng này. Và đương nhiên là chúng tôi tiếp tục khía cạnh này trong các tháng năm tới.

Hỏi: Viện Giáo Vụ cũng phải sinh lời nữa. Vậy làm thế nào để có thể là mẫu gương trên bình diện luân lý đạo đức và trong sáng thưa ông?

Đáp: Viện Giáo Vụ phải sinh lời, nhưng trước hết Viện Giáo Vụ phải phục vụ các cơ cấu của Tòa Thánh cần thông truyền và chuyển ngân với thế giới bên ngoài. Vì thế chúng tôi cần có một cơ cấu tương đương với một nhà băng cho phép chúng tôi làm các việc chuyển ngân này. Thí dụ chúng tôi cũng nghĩ tới các Viện Bảo Tàng Vaticăn lôi cuốn hàng triệu người thăm hàng năm. Chúng có các chi tiêu và phải liên lac với bên ngoài. Thế rồi cũng có một nhà sách và biết beo nhiêu điều khác nữa... Chúng tôi cần tiền luân lưu, và vì thế chúng tôi cần có một nhà băng. Và đối với Tòa thánh cơ cấu này quan trọng—tôi xin lập lại một lần nữa rằng đây không phải là một nhà băng, mà là một viện tài chính nằm giữ vai trò này—và là một cơ cấu nằm dưới sự kiểm soát của Tòa Thánh, để Tòa Thánh biết một cách chính xác điều xảy ra trong đó. Như vậy điều đầu tiên là phục vụ Tòa Thánh, phục vụ các cơ quan của Tòa Thánh. Thứ hai đó là chuyện bình thường các Bộ, các Dòng tu và các Giáo phận mà chúng tôi chia sẻ niềm tin công giáo, có thể liên lac với một cơ cấu của Tòa Thánh hơn là với các ngân hàng thương mại khác, mà chúng tôi không luôn luôn chia sẻ các giá trị công giáo của chúng tôi. Người ta đã luôn luôn nói về những gì đã không được làm, mà không nói về những gì đã được làm một cách tột đẹp. Và có biết bao nhiêu điều đã được làm cách tốt đẹp trong Viện Giáo Vụ, từ biết bao lâu nay. Nhưng rất tiếc là vì đã có vài chuyện không xuôi chảy trong qúa khứ, như đáng lý ra chúng phải xuôi chảy, nên đôi khi người ta có cảm tưởng rằng cơ quan này có lẽ không đủ khá năng chu toàn việc phục vụ của nó. Nhưng không đúng như vậy. Một lần nữa tất cả những gì sẽ được làm trong các tháng năm tới sẽ củng cố nhiệm vụ này: đó là phục vụ các khách hàng, theo luân lý đạo đức công giáo. Tất cả những gì chúng tôi sẽ làm, tất cả các sản phẩm mà chúng tôi sẽ phát triển để phục vụ, để tôn trọng các ngưỡng vọng và chờ mong của khách hàng sẽ được tập trung nơi đức tin của chúng tôi, trên các giá trị khiến cho các giáo phận và các dòng tu hướng tới chúng tôi và tín thác tiền bạc cho chúng tôi, vì biết rằng mọi sự đã được chu toàn trong sự “hiệp thông”, nếu tôi có thể nói như vậy...

Hỏi: Thưa ông, đâu sẽ là lề hành động của ông?

Đáp: Nó giống như của tất cả mọi vị giám độc một cơ cấu tài chính dấn thân thoa mãn các đòi hỏi của khách hàng, bằng cách mỗi ngày tìm hoạt động tốt chừng nào có thể trong một thế giới tài chính và kinh tế chẳc chắn là không dễ dàng. Chúng tôi sẽ làm tốt hết sức có thể. Chúng tôi sẽ tìm đáp ứng tất cả mọi đòi hỏi. Chúng tôi đã đề ra các mục tiêu rất chuyên biệt. Bây giờ tất cả có thể nó không luôn luôn luôn hoàn hảo, chúng tôi xin các khách hành thông cảm cho. Nhưng trong mọi trường hợp ý chí và công việc sẽ có đó để đồng hành với chúng tôi trong chiều hướng này.

Hỏi: Theo sau vài gương mù gương xấu từ vài phía, người ta đã đòi đóng cửa vĩnh viễn Viện Giáo Vụ, có đúng thế không thưa ông tân chủ tịch?

Đáp: Tôi tin rằng Đức Thánh Cha đã rất chinh xác liên quan tới thông báo ngày mùng 7 tháng 4 năm 2014. Việc phân tích khả thể đóng Viện Giáo Vụ đã quan trọng, bởi vì chỉ khi nghiên cứu khả thể đóng nó, người ta mới ý thức được rằng người ta cần sự hiện diện của nó.

Hỏi: Ông đã biết các cơ cấu kinh tế và tài chính của quốc gia thành Vaticăng. Ông đã khám phá ra thực tại nào khi tới đây?

Đáp: Một thực tại rất đơn sơ, có lẽ đã không luôn luôn có tiến bộ trong suốt 15-20 năm qua với cùng tốc độ của thế giới tài chính trong đó chúng ta đang sống. Một thực tại, mà đôi khi—có lẽ vì thiếu một số nhân viên chuyên nghiệp trong lãnh vực này ngày càng phức tạp hơn vì sự phức tạp của thị trường cũng như môi trường pháp lý—nên đã không giúp đỡ Tòa thánh. Đó là điều đương nhiên, khi các các người của Giáo Hội, các linh mục, các giám mục, các hồng y, đứng đầu một cơ quan tài chính, không phải là hoạt động thứ nhất của các vị, và các vị đã không nhận được một sự đào tạo thích hợp nào cho nhiệm vụ đó. Vì thế thật là quan trọng—và đây là điều Đức Thánh Cha có ý làm—có thêm các chuyên viên ngày càng nhiều hơn thuộc mọi lãnh vực quản trị và tài chính. Hôm nay chúng ta nói tới Viện Giáo Vụ, nhưng chúng ta cũng nhìn tất cả những gì đang xảy ra trong rất nhiều lãnh vực khác, nhờ sự hiệp nhất các ý hướng và các cố gắng giữa các thành viện của hàng giáo sĩ và các chuyên viên công giáo dấn thân. Tất cả là để trợ giúp Giáo Hội, để củng cố họạt động của Giáo Hội và hoạt động của Đức Thánh Cha. (SD 9-7-2014; RG 10-7-2014)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)