WHĐ (03.12.2014) – Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới đã quy tụ tại Vatican để lên tiếng đòi hỏi xoá bỏ chế độ nô lệ mới.
Buổi gặp gỡ diễn ra vào Ngày Quốc tế Xóa bỏ chế độ nô lệ (02-12), tại trụ sở của Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học, nằm trong Biệt điện giáo hoàng Piô IV. Kết thúc buổi gặp gỡ, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã ký kết một Tuyên bố chung yêu cầu xoá bỏ chế độ nô lệ. Sự kiện long trọng này diễn ra tiếp theo sau thỏa thuận đã ký ngày 17-03 tại Vatican với Mạng lưới Tự do toàn cầu nhằm xoá bỏ mọi hình thức mới của chế độ nô lệ và buôn người từ nay đến năm 2020.
Sau đây là toàn văn Tuyên bố chung nói trên:
“Chúng tôi ký tên dưới đây, đang quy tụ ở đây hôm nay theo một sáng kiến mang tính lịch sử để truyền cảm hứng cho những hành động tinh thần và thiết thực của tất cả các tôn giáo trên toàn cầu và mọi người thiện chí khắp nơi nhằm xoá bỏ chế độ nô lệ mới trên thế giới vào năm 2020 và mãi mãi.
Trong mắt Thiên Chúa*, mỗi con người là một người tự do, dù đó là con gái hay con trai, phụ nữ hay đàn ông, và được tạo dựng vì thiện ích của mọi người trong sự bình đẳng và tình huynh đệ. Chế độ nô lệ mới, dưới những hình thức buôn người, cưỡng bức lao động và mại dâm, buôn bán nội tạng, và bất kỳ mối tương quan nào không tôn trọng xác tín căn bản rằng mọi người đều bình đẳng và có quyền tự do và phẩm giá như nhau, là một tội ác chống lại nhân loại.
Hôm nay và tại đây chúng tôi cam kết làm hết sức mình, trong phạm vi cộng đồng đức tin của chúng tôi và xa hơn nữa, cộng tác với nhau vì tự do của tất cả những ai đang lâm cảnh nô lệ và bị đem bán, để hồi phục tương lai cho họ. Ngày nay chúng ta có cơ hội, sự nhận thức, sự khôn ngoan, đổi mới và công nghệ để thực hiện mệnh lệnh nhân văn và đạo đức này.”
Trong số các vị lãnh đạo tôn giáo, về phía Công giáo có Đức giáo hoàng Phanxicô; Do thái giáo có Rabbi Skorka; Phật giáo có Tỷ-khâu-ni Thích Nữ Chân Không (đại diện cho thiền sư Thích Nhất Hạnh); Anh giáo có tiến sĩ Justin Welby, Tổng giám mục Canterbury; Ấn giáo có Mata Amritanandamayi; Chính thống giáo có Tổng giám mục Emmanuel (đại diện cho Đức Thượng phụ Bartholomaios I); Hồi giáo có Trưởng lão Omar Abboud. (Theo VIS)
–––––––––––––––
* Vị Đại Imam Al Azhar dùng từ “các tôn giáo” thay vì “Thiên Chúa”
Minh Đức
(Nguồn: WHĐ)