WHĐ (20.12.2014) – Ngay hôm sau ngày tuyên bố lịch sử về việc Hoa Kỳ và Cuba hòa giải với nhau (ngày 17-12-2014), Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã trả lời phỏng vấn của Đài Vatican về sự kiện này.
Nhắc lại những nỗ lực của Vatican từ nhiều năm qua (từ sứ điệp của Thánh giáo hoàng Gioan XXIII đến hai chuyến viếng thăm Cuba của Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II năm 1998 và của Đức Bênêđictô XVI), Đức hồng y Parolin nhấn mạnh đến “vai trò quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô” trong việc Hoa Kỳ và Cuba nối lại bang giao, “vì ngài đã chủ động viết thư cho 2 vị Tổng thống và Chủ tịch nước, để kêu gọi hai bên vượt qua những khó khăn còn tồn tại giữa hai quốc gia, tìm ra những điểm có thể thỏa thuận và phương thế để có thể tái lập bang giao. Cũng phải kể đến là vì Đức Thánh Cha là người của vùng này nên ngài hiểu rõ vấn đề và tìm ra được những cách thế thích hợp để giảm thiểu những khoảng cách và đem hai bên lại gần nhau”.
Giải quyết bằng con đường đối thoại
Đối với Đức hồng y Quốc vụ khanh Tòa thánh, thì đây là một thí dụ cụ thể của “nền văn hóa gặp gỡ” mà Đức Thánh Cha nói đến rất nhiều lần, cho thấy “chúng ta có thể thỏa thuận với nhau, có thể hiểu nhau, có thể hợp tác, thậm chí có thể tìm ra cách giải quyết những khó khăn làm chúng ta xa nhau”.
Sử dụng những từ ngữ Đức Thánh Cha thường lặp đi lặp lại, Đức hồng y Parolin tuyên bố là “khi có những vấn đề, thì cần phải đối thoại. Càng có nhiều vấn đề và nhiều khó khăn, thì càng phải đối thoại nhiều hơn nữa”.
Theo kiểu mẫu của Đức Thánh Cha Phanxicô, thì nền ngoại giao của Vatican gồm 3 điểm: “Hòa bình, đấu tranh chống nghèo đói và xây dựng cầu nối”. Thí dụ trong trường hợp của Hoa Kỳ và Cuba, việc “xây dựng cầu nối” là “tạo thuận lợi cho hai bên đối thoại”: Toà Thánh đã “làm trung gian hoà giải để hai bên có thể gặp nhau và đạt được kết quả tốt đẹp là sự dấn thân này của mỗi bên”.
Những hiệu quả tích cực cho Cuba và Châu Mỹ Latinh
Được hỏi về những hiệu quả của một sự kiện ngoại giao như thế trong khu vực mà Đức hồng y Parolin rất am hiểu –vì ngài từng làm Sứ thần Toà Thánh ở Venezuela từ năm 2009 đến 2013–, Đức hồng y Quốc vụ khanh Tòa thánh tin tưởng và hy vọng rằng “một bước đi như thế chắc chắn sẽ có những hiệu quả tích cực cho toàn Châu Mỹ Latinh, bởi vì còn nhiều tình huống cần được cải thiện và tìm ra một giải pháp. Sự kiện có một loại kiểu mẫu –hai quốc gia với bao nhiêu vấn đề và khó khăn trong các mối quan hệ mà còn có thể giải quyết được, nhờ vào thiện chí và lòng can đảm của hai nhà lãnh đạo– điều đó có thể truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo khác, cũng can đảm tìm ra con đường đối thoại và gặp gỡ”.
Sau hết, Đức hồng y Parolin vui mừng khi thấy Giáo hội Cuba cho “đổ chuông trên toàn đảo quốc” khi tin Hoa Kỳ và Cuba hoà giải được công bố. Đây là “một tin vui giữa bao nhiêu thông tin tiêu cực khác”. “Tôi nghĩ bước kế tiếp sẽ là giúp Giáo hội địa phương luôn phát triển sứ vụ của mình hơn nữa trong lòng xã hội Cuba, để xây dựng một đất nước ngày càng đoàn kết hơn, và giúp Giáo hội địa phương đóng góp cho đất nước này một cách toàn diện”. (Vatican Radio)
An Phú Sĩ
(Nguồn: WHĐ)