WHĐ (12.02.2015) – Ngày 11 tháng Hai là ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức và cũng là Ngày Thế giới các Bệnh nhân. Đức giáo hoàng Giaon Phaolô II đã khởi xướng Ngày vào năm 1992 để khuyến khích mọi người cầu nguyện cho các bệnh nhân và những người chăm sóc họ. Chủ đề được Đức giáo hoàng Phanxicô chọn cho Ngày Thế giới các Bệnh nhân năm nay là “Tôi nên mắt cho kẻ mù loà, thành chân cho người què quặt” (Gióp 29,15). Trong Sứ điệp Ngày Thế giới các Bệnh nhân lần thứ 23 năm nay, Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi người đau yếu, cũng như các chuyên gia và những nhân viên tình nguyện chăm sóc y tế, suy ngẫm về sự khôn ngoan của con tim (sapientia cordis).
Sứ điệp có đoạn viết: “Tôi muốn nhắc lại lần nữa là phải xem sự ưu tiên tuyệt đối của ‘việc ra khỏi chính mình để đi về phía anh em của mình’, là một trong hai điều răn chính làm nền tảng cho tất cả các quy tắc luân lý và là dấu chỉ rõ ràng nhất để phân định trên cuộc hành trình tăng trưởng tâm linh ngõ hầu đáp lại hồng ân hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa” (Evangelii Gaudium, số 179). Chính từ bản chất truyền giáo của Giáo hội mà phát sinh ra “hiệu quả đức ái đối với những người lân cận, là lòng trắc ẩn, cảm thông, giúp đỡ và khuyến khích họ”.
Theo số liệu mới nhất của “Niên giám Thống kê Giáo hội Công giáo”, do Agenzia Fides xuất bản nhân dịp Ngày Thế giới Truyền giáo, các cơ sở bác ái, chăm sóc y tế, trợ giúp xã hội do Giáo hội Công giáo điều hành trên toàn thế giới là 115.352 đơn vị, bao gồm: 5.167 bệnh viện, hầu hết ở châu Mỹ và châu Phi; 17.322 trạm xá, chủ yếu ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á; 648 Nhà chăm sóc người phong, chủ yếu ở châu Á và châu Phi; 15.699 Nhà cho người già, người mắc bệnh kinh niên hay người khuyết tật, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ; 10.124 cô nhi viện, chủ yếu ở châu Á và châu Mỹ; 11.596 nhà trẻ, chủ yếu ở châu Á và châu Mỹ; 14.744 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu ở châu Mỹ và châu Âu; 3.663 trung tâm phục hồi chức năng xã hội và 36.389 cơ sở khác. (Agenzia Fides)
Minh Đức
(Nguồn: WHĐ)