MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Một vài khám phá khác trên Tấm Khăn Liệm thành Torino

Ngoài dấu vết các đồng tiền tìm thấy trên hai mắt của hình người in trên Tấm Khăn Liệm, hai ông bà giáo sư Alan và Mary Whanger cũng khẳng định đã nhận ra dấu vết các dụng cụ của cuộc khổ nạn: các đinh, một lưỡi đòng, một miếng bọt biển và một sợi dây, hai chiếc kìm vv… Họ cho rằng mọi vật dụng này đã được đặt trong mộ với Chúa Giêsu vì có dính máu của Ngài. Thói quen do thái thường chôn máu với người chết; còn các loại hoa thơm là dùng để át mùi xác thối rữa. Hai giáo sư Alan và Mary Whanger đã gặp rất nhiều dụng cụ cuộc khổ nạn được vẽ trên nhiều cảnh Đóng đinh trong thời gian sau năm 1350, khi Tấm Khăn Liệm được trưng bầy tại Lirey, và chúng thường có hình giống các hình ở trên Tấm Khăn Liệm. Hai người giả thiết rằng vì tiến trình vải gai từ từ ngả mầu vàng, nhất là sau vụ hoả hoạn năm 1532, vào thời đó hình trên Tấm Khăn Liệm rõ ràng hơn hiện nay, và các vật dụng này cũng đã được quan sát trên khăn và được các họa sĩ vẽ lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên viên khăn liệm học coi Tấm Khăn là thật cũng ghi ngờ các khám phá này.

Liên quan tới hình sau lưng, năm 2002 trong dịp thay thế tấm vài đệm bên dưới Khăn Liệm người ta cũng đã chụp hình phiá sau Khăn Liệm không trông thấy được cho tới lúc đó. Các hình chụp cũng cho thấy hình, nhưng yếu hơn nhiều so với phiá trước. Đặc biệt phiá sau Khăn Liệm người ta thấy hình mặt và các tay, nhưng không thấy một hình tương đương với dấu lưng.

Về kích thước hình người trên Khăn Liệm, ngay trong các thế kỷ qua người ta đã tìm cách đo chiều cao. Nhà Savoia thường đưa cho các khách thăm viếng các dải băng dài tương đương với chiều cao của hình trên Khăn Liệm là 183 cm, đúng như sử gia Bisantin Niceforo Callisto đã cho biết hồi thế kỷ XIV. Sự kiên này củng cố giả thuyết cho răng Tấm Khăn Liệm thành Torino cũng là Tấm Khăn Liệm đã được giữ tại Costantinopoli cho tới năm 1204.

Các vụ đo mới sau này cho thấy một chút khác biệt từ gót chân lên tới đầu là 184 cm theo giáo sư G. Judica Cardiglia và 188 cm theo giáo sư Luigi Gedda. Nhưng sự xê xích này là do sự kiện tấm khăn đã bị gấp nhiều lần. Đa số các chuyên viên cho rằng chiều cao của Người trên Tấm Khăn Liệm là giữa 178 cm và 185 cm.

Liên quan tới các phấn hoa năm 1973 chuyên viên tội phạm học người Thụy Sĩ ông Max Frei Sulzer, cựu giám đốc cảnh sát khoa học Zurich, đã dùng băng keo dán để lấy các mẫu bụi và phấn hoa trên Tấm Khăn Liệm và nghiên cứu trên kính hiển vi điện tử. Năm 1976 ông đã công bố kết qủa các cuộc phân tích của mình. Ông Frei đã không cho biết tìm đuợc bao nhiêu phấn hoa, nhưng chỉ hạn chế trong việc kê khai ra 60 loại phấn hoa khác nhau, trong đó có 21 loại đặc thù của đất Palestina, 6 loại vùng Anatolia và 1 loại vùng Costantinopoli. Từ đó ông đi đến kết luận là ngoài Pháp và Italia ra, Tấm Khăn Liệm đã được giữ tại Palestina cũng như bên Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này phù hợp với việc dựng lại lịch sử Tấm Khăn Liệm trước thế kỷ XIV.

Việc nghiên cứu của ông Max Frei đã bị nhiều học giả phê bình, vì cho rằng ông đã không chú ý tới các ô nhiễm từ các khách hành hương, vì trong bao thế kỷ Tấm Khăn Liệm đã được hằng trăm ngàn bàn tay tín hữu sờ vào. Ngoài ra theo các học giả, không thể xác định loại của một cây có phấn hoa, trừ vài trường hợp rất họa hiếm. Bình thường phấn hoa chỉ cho phép xác định các nhóm loại, hay giống, hoặc gia đình thôi. Giáo sư Baruch đã duyệt xét lại các nghiên cứu của ông Frei và giản luợc xuống còn ba loại phấn hoa, trong khi đối với các phấn hoa khác chỉ có thể nhận diện giống. Vào năm 2000 các kết luận của giáo sư Baruch bị giáo sư V. M. Bryant phản đối, vì ông Baruch dã chỉ dùng một kính hiển vi quang học, chứ không phải là kính hiển vi điện tử. Thế rồi các phấn hoa dính keo khó có thể được phân tích.

Mặc dù có các nghi ngờ, các kết qủa nghiên cứu của ông Max Frei đã được lấy lại trong các năm 1997-1998 bởi vài học giả coi Tấm Khăn Liệm là thật, và họ cho rằng nơi phát xuất Tấm Khăn Liệm là một vùng rất gần với Giêrusalem. Tuy nhiên, việc nhận diện các loại phấn hoa khác nhau tự nó không chỉ cho thấy nơi chốn, nếu không quy chiếu quang phổ của nó, nghĩa là các giá trị phần trăm của tùng loại phấn hoa hiện diện trong chất liệu nghiên cứu. Giáo sư Gaetano Ciccone khẳng định rằng ông Frei đã không đo quang phổ phấn hoa, mà chỉ liệt kê các phấn hoa và gọi chúng môt cách không đúng là quang phổ phấn hoa. Ngoài ra các phấn hoa không thể chống lại một môi trường có khí hằng trăm năm. Nếu phấn hoa bị trưng bầy ngoài không khí, thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ bị phá hủy, vì dưỡng khí làm hao mòn khiến cho phấn hoa sẽ bị phá hủy bởi các thứ nấm và vi khuẩn. Giáo sư Marta Mariotti Lippi thử tìm đo việc duy trì của phấn hoa, và cho biết chỉ sau hai tháng các phấn hoa mất đi 77%.

Hồi năm 2010 giáo sư Danin đã duyệt xét toàn bộ các phân tích của ông Frei và kết luận rằng khó có thể chỉ dùng các phấn hoa để xác định vùng địa lý phát xuất ra Tấm Khăn Liệm.

Mới hơn nữa là việc phân tích của giáo sư Litt qua kính hiển vi quang học tân tiến và kính hiển vi đồng tiêu cự dựa trên tia hồng ngoại đã chứng minh cho thấy không thể xác định các phấn hoa trên bình diện giống, và lại càng không thể xác định loại của chúng.

Giáo sư Raymond Rogers đã đề nghị một phương pháp hóa học dể định tuổi Tấm Khăn Liệm bằng cách đo chất vanillina hiện diện trên khăn. Theo ông chất vanillina hiện diện trong chất gỗ của tế bào vải gai mất đi rất chậm chạp theo thời gian. Nó phải hiện hữu, nếu Khăn Liệm thuộc thời Trung Cổ. Nếu không có sự hiện diện của nó, thì khăn cổ xưa hơn. Dựa trên kết quả do ông công bố năm 2005 Tấm Khăn Liệm thuộc thời gian năm 1000 tới 700 sau công nguyên. Ông Rogers dùng phương trình của Arrhenius để phỏng đoán thời gian cần thiết cho việc mất đi 95% vanillina, 1319 năm với nhiệt độ thường hằng là 25 độ C, 1845 năm với nhiệt độ 23 độ C, và 3095 năm với nhiệt độ 20 độ C, bằng cách coi các nhiệt độ này của các ước lượng nhiệt độ hữu lý, trong đó Tấm Khăn Liệm được giữ gìn.

Nhiều nhà nghiên cứu khác đã lưu ý rằng chất vanillina mất đi nhanh chóng hơn khi gia tăng nhiệt độ, và họ cho rằng các nhiệt độ do ông Rogers đưa ra không chính xác. Việc gia tăng 5 độ C so với 25 độ C do ông Rogers giả thuyết, nghĩa là khi ở 30 độ C, sẽ khiến mất đi 95% vanillina chỉ nội trong 579 năm. Nhưng sự kiện Tấm Khăn Liệm được giữ ở nhiệt độ 30 hay 25 độ C trong bao thế kỷ, ngày đêm mùa hè cũng như mùa đông, là điều không thật. Nhiệt độ trung bình hằng năm tại Torino là dưới 15 độ C.

Việc trưng bầy Tấm Khăn Liệm dưới ánh sáng của các ngọn đuốc cũng có thể lấy mất đi chất vanillina. Tuy nhiên, thời gian trưng bầy cộng chung lại chỉ kéo dài vài tháng, cả khi có cho nó là một năm đi nữa, để cho hiệu qủa việc tiêu thụ 95% chất vanillina này xảy ra thì phải gia tăng nhiệt độ tới 75 độ C là nhiệt độ qúa mức.

Các nhiệt độ khác mà Tấm Khăn Liệm phải chịu, khoảng 200 độ trong vụ hỏa hoạn năm 1542, đã khiến cho chất vanillina mất đi rất nhanh. Chẳng hạn ở nhiệt độ 200 độ C thì chỉ cần trong vòng 7 phút. Nhưng ông Rogers luận cứ rằng vụ hỏa hoạn năm 1542 đã không ảnh hưởng nhiều trên chất vanillina, vì vải gai dẫn nhiệt rất thấp, và Tấm Khăn Liệm ở xa chỗ cháy. Nhưng cần phải trả lời câu hỏi tại sao trong các mẫu dùng để thử Carbon 14 chất vanillina đã không bị mất. Do đó các nghiên cứu của ông bị coi là “rất nghèo nàn” và thiếu sót trên bình diện phương pháp dưới ba khía cạnh. Thứ nhất, phương pháp đã dùng để kiểm thực các dấu vết vanillina trong các sợi vải gai: ông Rogers đã dùng thử nghiệm phẩm để xác định các kết quả về lượng. Thứ hai, việc kiểm soát: trong việc tìm tòi ông Rogers đã không dùng các mẫu kiểm soát. Thứ ba, tính tái thực hiện các thí nghiệm: các phân tích của ông Rogers đã chỉ được làm có một lần, vì thế thiếu các kiểm soát cần thiết để đo một lề sai lầm trong việc định tuổi Tấm Khăn Liệm.

Khi chấp nhận Tấm Khăn Liệm là một di tích thực sụ liên quan tới một người đã sống bên Palestina vào thế kỷ thứ I, có vài nhà nghiên cứu đã thử tính xác xuất người đó không tương ứng với Đức Giêsu Kitô dựa trên các đặc thái của Tấm Khăn Liệm. Năm 1902 ông Yves Delage, giáo sư giải phẫu học so sánh thuộc đại học Sorbone, đã trình bầy cho Hàn lâm viện Khoa học một bản tường trình trong đó ông đã duyệt xét các sự kiện được biết cho tới lúc đó về Tấm Khăn Liệm và các đặc thái vật lý và giải phẫu học của hình người và lượng định một cách chủ quan rằng việc Tấm Khăn Liệm không phải là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu, theo ông, chỉ dưới 1 trên 10 tỷ lần.

Vào thập niên 1970 ông Bruno Barberis, giáo sư đại học Torino, và là giám đốc Trung tâm quốc tế Khăn Liệm học, cũng đã đưa ra nhận xét chủ quan như thế, dựa trên các dữ kiện mới. Xác xuất mà ông giả thiết là 1 trên 200 tỷ lần. Đây cũng đã là các lượng định chủ quan của nhà toán học và khăn liệm học Tino Zeuli, nguyên giáo sư đại học Torino. Nghĩa là các giáo sư nói trên cho rằng Tấm Khăn Liệm thành Torino đã là tấm khăn liệm xác Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, cần minh xác rằng các lượng định giả thiết trên đây là các ý kiến chủ quan dựa trên các lý luận loại suy, chứ không phải dựa trên các tính toán khoa học, thống kê hay toán học trong nghĩa kỹ thuật của các từ này.

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)