Mỗi một trẻ em bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi, phải sống ăn mày trên đường phố và với mọi loại phương thế, không được đi học, không được săn sóc sức khỏe, là một tiếng kêu lên Thiên Chúa và tố cáo hệ thống mà người lớn chúng ta đã xây dựng. Chúng ta làm gì với các lời tuyên bố long trọng về quyền của con người và quyền của các trẻ em, nếu sau đó chúng ta trừng phạt chúng vì các sai lầm của người lớn? Đừng đổ trên đầu các trẻ em các lỗi lầm của chúng ta!
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ĐTC nói: qua loạt bài giáo lý suy tư về gia đình chúng ta đã khẳng định rằng trẻ em là hoa trái đẹp nhất của phước lành Thiên Chúa Tạo Hóa đã ban cho người nam và người nữ. Nhưng hôm nay, rất tiếc, chúng ta phải đề cập đến các “lịch sử cuộc khổ nạn” mà nhiều trẻ em phải sống.
Biết bao nhiêu trẻ em ngay từ đầu đã bị khước từ, bỏ rơi, ăn cắp tuổi thơ và tương lai. Có người, như để tự biện minh, lại còn dám nói rằng cho chúng chào đời đã là một sai lầm. Thật đáng xấu hổ! Chúng ta đừng đổ trên các trẻ em các lỗi lầm của chúng ta! Các trẻ em không bao giờ là “một sai lầm”. Cái đói khát của các em không phải là một sai lầm, cũng như sự nghèo túng, giòn mỏng, bị bỏ rơi của các em không phải là một sai lầm; lại càng không phải là một sai lầm sự ngu dốt hay bất lực của các em. Nếu có, thì đó lại càng là các lý khiến cho chúng ta phải yêu thương các em với nhiều lòng quảng đại hơn. Chúng ta làm gì với các lời tuyên bố long trọng về quyền của con người và quyền của các trẻ em, nếu sau đó chúng ta trừng phạt chúng vì các sai lầm của người lớn?
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nhấn mạnh trách nhiệm của mọi người, đặc biệt là của các chính quyền và giới lãnh đạo xã hội, như sau:
Những người có nhiệm vụ cai trị, giáo dục, nhưng tôi nói rằng tất cả mọi người lớn chúng ta, đều có trách nhiệm đối với các trẻ em và mỗi người phải làm tất cả nhũng gì có thể để thay đổi tình trạng này. Bởi vì mỗi một trẻ em bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, bị bỏ rơi, phải sống ăn mày trên đường phố và với mọi loại phương thế, không được đi học, không được săn sóc sức khỏe, là một tiếng kêu lên Thiên Chúa và tố cáo hệ thống mà người lớn chúng ta đã xây dựng. Và rất tiếc các trẻ em này là mồi của các kẻ tội phạm khai thác bóc lột các em cho các vụ buôn bán và thương mại bất xứng hay huấn luyện các em cho chiến tranh và bạo lực. Nhưng cả trong các nước giầu cũng có biết bao nhiêu trẻ em phải sống các thảm cảnh ghi đậm dấu vết trên các em một cách nặng nề, vì cuộc khủng hoảng gia đình, vì các trống rỗng giáo dục và các điều kiện sống nhiều khi vô nhân. Trong mọi trường hợp, đó là các tuổi thơ bị xúc phạm trên thân xác và trong tâm hồn. Nhưng không có trẻ em nào bị Thiên Chúa Cha trên Trời quên lãng. Không có giọt lệ nào của các em bị mất đi! Cũng như không có trách nhiệm nào, trách nhiệm xã hội của con người, của từng người trong chúng ta, và của các dân nước bị mất đi. Có một lần Chúa Giêsu đã quở trách các môn đệ, bởi vì các ông đuổi các trẻ em được cha mẹ chúng mang tới cho Ngài, để Ngài chúc lành cho chúng. Trình thuật phúc âm thật cảm động: “Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. Người đặt tay trên chúng rồi đi khỏi đó” (Mt 19,13-15). Thật đẹp biết bao sự tin tưởng này của các cha mẹ và câu trả lời của Chúa Giêsu! Tôi ước mong cho trang phúc âm này trở thành chuyện bình thường cho tất cả mọi trẻ em biết chừng nào! Có đúng thật là nhờ ơn Chúa, rất thường khi các trẻ em gặp khó khăn trầm trọng tìm được các cha mẹ phi thường, sẵn sàng với mọi hy sinh và mọi quảng đại. Nhưng không được để cho các cha mẹ này cô đơn một mình lo cho con cái họ. Chúng ta phải đồng hành với sự mệt nhọc của họ, và cũng cống hiến cho họ những giờ phút tươi vui chia sẻ và quên đi ưu phiền, để họ không chỉ bị bận tâm với nhịp sống chữa trị cho con. Trong mọi trường hợp, khi đó là trẻ em, thì không được nghe thấy các công thức bảo vệ loại hợp pháp bàn giấy như :”dù sso đi nữa, chúng tôi không phải là một tổ chức trợ giúp tài chánh”; hay “trong cuộc sống tư, mỗi người tự do làm điều mình muốn”; hoặc “rất tiếc chúng tôi không thể làm gì được”.
Đề cập đến các hệ lụy mà trẻ em phài hứng chịu trong cuộc sống ĐTC nói:
Rất thường khi các hậu quả của cuộc sống bị soi mòn bởi cảnh công việc làm bấp bênh và đồng lương ít ỏi, bởi các giờ giấc không thể chịu đựng nổi, vì các phương tiện di chuyển không hữu hiệu… cũng rơi trên đầu các trẻ em nữa. Nhưng trẻ em cũng phải trả giá cho các kết hiệp hôn nhân không trưởng thành và các vụ chia lià vô trách nhiệm; chúng cũng chịu các hậu qủa nền văn hóa của các quyền chủ quan thái quá, và rồi chúng trở thành những đứa con sớm phát triển. Thường khi chúng bị thấm nhiễm bạo lực mà chúng không hủy bỏ được và dưới mắt người lớn chúng bị bó buộc phải quen với sự suy đồi ấy.
ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Cũng như trong quá khứ, cả trong thời đại ngày nay nữa Giáo Hội dùng tình mẫu tử phục vụ trẻ em và gia đình chúng. Giáo Hội đem đến cho các cha mẹ và trẻ em của thế giới chúng ta phưóc lành của Thiên Chúa, sự dịu dàng hiền mẫu, lời quở trách nghiêm nghị và việc lên án cương quyết. Không đuợc đùa giỡn với các trẻ em!
Anh chị em hãy nghĩ xem: sẽ là một xã hội như thế nào, khi một xã hội quyết định, một lần cho luôn mãi, thiết lập nguyên tắc này: Có đúng thật là chúng tôi bất toàn và phạm nhiều lầm lỗi. Nhưng khi đó là việc các trẻ em chào đời, thì không có hy sinh nào của người lớn bị coi là quá mắc mỏ hay quá lớn lao, miễn là tránh cho một trẻ em nghĩ rằng nó là một sai lầm, nó không có giá trị gì và bị bỏ rơi cho các vết thương của cuộc sống và chuyên quyền của người lớn. Thật đẹp biết bao một xã hội như thế! Tôi nói với xã hội đó rằng các lỗi lầm vô số của nó được thứ tha rất nhiều. Thật thế, được thứ tha rất nhiều.
Chúa phán xử cuộc sống chúng ta, khi nghe điều các thiên thần của các trẻ em tường trình với Ngài, các thiên thần “luôn trông thấy mặt Thiên Chúa Cha trên trời” (Mt 18,10). Chúng ta hãy luôn luôn tự hỏi: Các thiên thần của các trẻ em sẽ tường trình nhừng gì về chúng ta với Thiên Chúa?
ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu như Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Đức, Áo, Ailen, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croazia; tử Phi châu như Nigeria; từ Á châu như Nhật Bản, và Thái Lan; từ châu Mỹ Latinh như Argentina, Mêhicô và Brasil.
Trong số các đoàn hành hương cũng có thân nhân của hai tân phó tế Việt Nam, dòng Tên là thầy Giuse Nguyễn Tuân Phục và Tađêô NguyễnVăn Yên, đến từ Việt Nam, Hoa Kỳ và Canada. Hai thầy mới được ĐHY James Michael Harvey, Linh Mục trưởng Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ngoại thành, phong Phó tế cùng với 5 thầy khác và tân Linh Mục Michele Papaluca, tất cả thuộc dòng Tên, trong thánh lễ cử hành tại nhà thờ Chúa Giêsu của dòng ở Roma lúc 4 giờ chiều thứ ba mùng 7 tháng 4.
ĐTC đã đặc biệt chào phái đoàn các bạn trẻ thiện nguyện giáo phận Dubrovnik bên Croát, do ĐC Mate Uzini hưóng dẫn. Ngài nói: như Giáo Hội là mẹ an ủi biết bao nhiêu người thiếu thốn cần được trợ giúp, các con cũng hãy xây dựng xã hội nơi các con sinh sống với nhiệt huyết tông đồ và tình huynh đệ. Hãy tìm ra chỗ đứng của các con trong Giáo Hội và trong xã hội, và quảng đại dấn thân trong và ngoài gia đình của các con.
Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC đã chào các bạn trẻ tổng giáo phận Milano và giáo phận Cremona, cũng như nhóm Tân Phó Tế dòng Tên và các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế. Ngài khích lệ các vị làm chứng cho Chúa Giêsu và trung thành với Giáo Hội.
Chào đông đảo các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu mong Tin Mừng Phục Sinh tiếp tục vang vọng trong con tim từng người, như đã vang vọng trong tim của hai môn đệ trên đường về làng Emmaus. Ngài xin Chúa Kitô phục sinh đáp lại các ưóc vọng hạnh phúc của giới trẻ, an ủi nỗi khổ đau của các bệnh nhân, và giúp các đôi tân hôn sống gắn bó với Chúa Kitô và các giáo huấn của Chúa.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)