MỘT NGÀY LÀ CHỦNG SINH GIOAN - MÃI MÃI THUỘC GIA ĐÌNH GIOAN

Thánh Lễ, buổi đọc sứ điệp Phục Sinh và ban Phép lành Urbi et Orbi

Lúc 10 giờ 15 sáng Chúa Nhật Phục Sinh hôm qua ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô, rồi đọc sứ điệp Phục Sinh từ bao lơn chính giữa Đền Thờ và ban phép lành toàn xá “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới.

Mặc dù trời mưa lớn đã có mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự thánh lễ.

Bao lơn, ngai của ĐGH, bàn thờ và thềm đền thờ được trang hoàng với 10.000 hoa Tulip mẩu đỏ, hồng, vàng và cam. Năm nay có thêm loại Tulip đỏ Rococo và Pappagallo, cũng như Tulip kép, hoa hồng Matchpoint và Foxtrot mầu kem. Bên cạnh đó có 7.000 cây Thủy tiên mầu trắng và vàng, đặc biệt là loại Thủy tiên Westward. Ngoài ra còn có các vườn hoa nhỏ với các hoa huệ dạ hương mầu hồng, trắng và xanh, cũng như huệ xạ nhỏ cùng 400 cây thạch thảo, 200 cây hoa cúc, cùng hàng chục loại hoa khác, trong đó có hoa lan trắng và hàng trăm bình hoa tiả. Thềm đền thờ được trang hoàng bằng 8.000 bình hoa thủy tiên. Trong khi bao lơn được trang hoàng với loại Dendrobio nhiều mầu, trong đó có 600 hoa lan gốc Đông Nam Á. Xe vận tại chở hoa đã khởi hành từ Hoà Lan ngày thứ ba Tuần Thánh và đã đến Vaticăng ngày thứ năm Tuần Thánh. Các chuyên viên và nhân viên Vaticăng đã bắt đầu trang hoàng bao lơn và thềm Đền Thờ Thánh Phêrô chiều thứ bẩy và sáng sớm Chúa Nhật.

Truyền thống tặng hoa cho Đức Giáo Hoàng đã nảy sinh từ năm 1985, khi chuyên viên trồng hoa là ông Nic van der Voort được mời sang Roma để trang hoàng hoa nhân dịp lễ phong Chân phước cho cha Titus Brandsma người Hoà Lan. Từ đó mấy anh em ông và các nhà trồng hoa Hoà Lan quyết định tặng và trang hoàng hoa cho Đức Giáo Hoàng vào mỗi dịp lễ Phục Sinh.

Các bài sách Thánh đã được đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha và Anh. Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hy lạp.

Lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng A rập cầu cho ĐTC và các chủ chăn trong Giáo Hội; tiếng Pháp cầu cho các nhà làm luật và hàng lãnh đạo thế giới; tiếng Nga cầu cho các dân tộc bị thử thách vì chiến tranh và chia rẽ; tiếng Đức cầu cho những người bị áp bức bởi hận thù, tội lỗi và nghèo túng; tiếng Hoa cầu cho các tín hữu mới được rửa tội. ĐTC đã cho một số tín hữu rước lễ, trong khi hàng chục linh mục phân phát Mình Thánh Chúa cho tín hữu. Thánh lễ đã kết thúc với bài thánh ca Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng Alleluia. Lúc sau 11 giờ trời tạnh mưa, và đã có thêm hàng chục ngàn tín hữu tuôn đến quảng trường thánh Phêrô. Sau khi thay lễ phục ĐTC đã đi xe díp ra chào tín hữu và du khách hành hương lúc này đã lên tới hơn 70.000 tại quảng trường thánh Phêrô và quảng trường Pio XII. Cảnh reo hò réo gọi ĐTC từ mọi phía lại tái diễn như trong các buổi tiếp kiến chung và các dịp lễ lớn. Lần này xe díp của ĐTC đã ra ngoài ranh giới Vaticăng để ngài chào tín hữu tụ tập tại quảng trường Pio XII.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã xuất hiện trên bao lơn chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô để đọc sứ điệp Phục Sinh và ban Phép Lành Toàn Xá “Urbi et Orbi” cho thành Roma và toàn thế giới.

Đại diện các binh chủng Italia và đội Cận Vệ Thụy Sĩ đã dàn hàng chào danh dự trước thềm Đền Thờ. Ban quân nhạc đã cử Quốc thiều Vaticăng và Quốc thiều Italia. Mở đầu sứ điệp ĐTC nói:

Anh chị em thân mến. Xin chúc mừng lễ Phục Sinh anh chị em. Chúa Giêsu Kitô đã sống lại! Tình yêu đã chiến thắng hận thù, sự sống đã chiến thắng cái chết, ánh sáng đã xua tan bóng tối! Chúa Giêsu Kitô, vì yêu thương chúng ta, đã lột bỏ vinh quang thiên linh của Ngài; đã dốc đổ chính mình, đã mặc lấy hình hài nô lệ và hạ mình cho đến chết và chết trên thập giá. Ví thế Thiên Chúa đã nâng cao Ngài và đặt làm Chúa của vũ trụ. Đức Giêsu là Chúa!

Với cái chết và sự phục sinh của Ngài Chúa Giêsu đã chỉ cho tất cả chúng ta con đường của sự sống và hạnh phúc: con đường này là sự khiêm nhường bao gồm sự nhục nhã. Đó là con đường dẫn tới vinh quang. Chỉ những ai hạ mình xuống mới có thể đi đến với “các sự trên cao”, đi đến với Thiên Chúa (x. Cl 3,1-4). Kẻ kiêu căng nhìn “từ trên cao xuống dưới”, người khiêm nhường nhìn “từ dưới lên cao”.

Vào sáng ngày Phục Sinh, khi được các phụ nữ báo tin, Phêrô và Gioan đã chạy ra mộ và tìm thấy mộ mở và trống. Khi đó họ tới gần và “cúi mình” để vào trong mộ. Để bước vào trong mầu nhiệm cần phải “cúi mình”, hạ thấp mình xuống. Chỉ có ai tự hạ mình mới hiểu sự tôn vinh của Chúa Giêsu và có thể theo Người trên con đường của Người.

Thế gian đề nghị áp đặt bằng mọi cách, thi đua, khoe khoang… Nhưng các kitô hữu, nhờ ơn thánh của Chúa Kitô chết và phục sinh, là các mầm mống của một nhân loại khác, trong đó họ tìm sống phục vụ nhau, không kiêu căng ngạo nghễ, nhưng sẵn sàng và biết tôn trọng nhau.

Đây không phải là sự yếu đuối, nhưng là sức mạnh! Ai đem theo trong chính mình sức mạnh của Thiên Chúa, tình yêu và công lý của Ngài, thì không cần dùng bạo lực, nhưng nói và hành động với sức mạnh của chân lý, vẻ đẹp và tình yêu.

ĐTC khích lệ mọi người như sau:

Chúng ta hãy nài xin Chúa Phục Sinh ơn thánh không nhượng bộ kiêu căng dưỡng nuôi bạo lực và chiến tranh, nhưng có lòng can đảm khiêm tốn của sự thứ tha và hòa bình. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu chiến thắng xoa dịu các khổ đau của biết bao nhiêu anh chị em bị bách hại vì Danh Ngài, cũng như của tất cả những người khổ đau một cách bất công vì hậu quả của biết bao nhiêu xung khắc và bạo lực đang xảy ra. Họ đông lắm!

Tiếp đến ĐTC đã kêu gọi hòa bình cho mọi quốc gia đang có chiến tranh bạo lực, chia rẽ, bất công. Ngài nói:

Trước hết chúng ta xin hoà bình cho đất nước Siria thân yêu và Iraq, để tiếng súng ngưng và để cho sự chung sống tốt lành giữa các nhóm làm thành các quốc gia thân yêu này được tái lập. Xin cộng đồng quốc tế đừng bất động trước thảm cảnh nhân đạo mênh mông bên trong các quốc gia này, và thảm cảnh của biết bao người di cư tỵ nạn.

Chúng ta nài xin hoà bình cho tất cả mọi người dân sống tại Thánh Địa. Ước chi nền văn hóa gặp gỡ có thể gia tăng giữa người Israel và người Palestin, và tiến trình hòa bình tái lập để chấm dứt bao nhiêu năm khổ đau và chia rẽ.

Chúng ta xin hòa bình cho Libia để việc đổ máu vô lý và mọi bạo lực man rợ chấm dứt, và tất cả những người lưu tâm tới số phận của quốc gia hoạt động hầu tạo thuận tiện cho sự hòa giải và để xây dựng một xã hội huynh đệ biết tôn trọng nhân phẩm. Chúng ta cũng cầu mong cho ý chí chung tái tạo hòa bình chiến thắng tại Yemen vì công ích cho toàn dân.

Đồng thời với niềm hy vọng chúng ta cũng phó thác cho Chúa xót thương thỏa hiệp đã đạt được trong những ngày này tại Lausanne, để nó là một bước tiến hướng tới một thế giới an ninh và huynh đệ hơn.

Chúng ta cũng nài xin từ Chúa Phục Sinh ơn hòa bình cho Nigeria, Nam Sudan, và nhiều miền khác nhau của Sudan và Cộng Hoà Dân chủ Congo. Một lời cầu liên lỉ cũng được dâng lên từ tất cả những người thiện chí cho những ai đã thiệt mạng – tôi nghĩ tới các người trẻ bị giết ngày thứ năm tuần vừa qua trong đại học Garissa bên Kenya – cho biết bao nhiêu người đã bị bắt cóc, cho những người đã phải bỏ nhà cửa và các người thân thương của mình.

Ước chi sự Phục Sinh của Chúa đem lại ánh sáng cho đất nước Ucraina thân yêu, nhất là cho những ai đã phải chịu các bạo lực của cuộc xung đột trong các tháng qua. Ước chi quốc gia này tìm lại được hòa bình và niềm hy vọng nhờ sự dấn thân của mọi phe liên hệ.

Nhắc tới các nạn nhân của mọi hình thức nô lệ ĐTC nói:

Chúng ta xin hòa bình và tự do cho tất cả những người nam nữ, đối tượng của các hình thức nô lệ cũ mới từ phía các người và các tổ chức tội phạm. Hòa bình và tự do cho các nạn nhân của những kẻ buôn bán ma túy, biết bao lần liên minh với các quyền lực đáng lý ra phải bênh vực hòa bình và hòa hợp trong gia đình nhân loại. Và chúng ta xin hòa bình cho thế giới nằm dưới ách của những kẻ buôn bán khí giới, tay nhuốm máu của biết bao nạn nhân.

Cho nhũng người bị gạt bỏ ngoài lề; cho các tù nhân; cho người nghèo và người di cư biết bao lần bị khước từ, đối xử tàn tệ và bị gạt bỏ; cho những người đau yếu; cho các trẻ em, đặc biệt cho các trẻ em bị bạo hành; cho những người hôm nay đang gặp tang chế; cho tất cả những người nam nữ thiện chí ước chi tiếng nói ủi an của Chúa Giêsu “Bình an cho các con” tới với họ (Lc 24,36) “Đùng sợ, Thầy đã sống lại và sẽ luôn mãi ở cùng các con” (Sách Lễ Roma, Ca nhập lễ Phục Sinh ban ngày).

Tiếp đến ĐHY trưởng đẳng phó tế đã công bố ĐTC sẽ ban phép lành toàn xá cho mọi người với các điều kiện theo thông lệ là xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng. Ngài xin tín hữu cầu nguyện cho ĐTC khang an trường thọ. ĐTC đã đọc công thức ban phép lành toàn xá:

Xin các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

Nhờ lời chuyển cầu và công nghiệp của Đức Trinh Nữ Maria, của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em, và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự ủi an của Chúa Thánh Thần, cũng như được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen. Và tiếp theo là phép lành của Đức Thánh Cha. Kính mời quý vị thành tâm lãnh phép lành toàn xá của vị cha chung.

Sau phép lành ĐTC đã chúc mừng lễ Phục Sinh tín hữu hiện diện tại quảng trường đến từ nhiều nước, cũng như tất cả những ai theo dõi buổi đọc sứ điệp phục sinh và phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới trên các phương tiện truyền thông. Ngài nói: xin anh chị em hãy đem về nhà và cho những người thân yêu lời loan báo tươi vui Chúa của sự sống đã phục sinh đem theo Người tình yêu, công lý, sự tôn trọng và ơn tha thứ.

Xin cám ơn anh chị em vì sự hiện diện, lời cầu nguyện và đức tin hăng say của anh chị em. Tôi xin đặc biệt biết ơn về món quà hoa tặng năm nay cũng đến từ Hoà Lan. Xin chúc tất cả anh chị em ngày lễ Phục Sinh tốt lành.

Linh Tiến Khải

(Nguồn: Radio Vatican)