Tông huấn “Marialis cultus” về lòng sùng kính Đức Mẹ của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI canh tân việc kính nhớ Trái Tim vô nhiễm nguyên tội của Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria giữa các lễ nhớ hay lễ kính, diễn tả các hướng đi nổi bật trong lòng đạo đức hiện đại.
Trong nguồn gốc lịch sử của ngày lễ chúng ta thấy người đã thăng tiến việc cử hành phụng vụ Trái Tim Mẹ Maria là thánh Jean Eudes (1610-1680), cũng như kết quả các lời tuyên bố tỏ tường của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII năm 1903 và Đức Giáo Hoàng Piô X năm 1909. Hai vị gọi thánh nhân là “cha, tiến sĩ và tông đồ đầu tiên” của lòng tôn sùng và đặc biệt của việc sùng kính phụng vụ đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria. Và thánh nhân đã muốn thánh hiến các tu sĩ của dòng do ngài thành lập cho hai Trái Tim Thánh này. Ngay khoảng năm 1643, nghĩa là chừng 20 năm trước việc cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, thánh nhân và các người theo ngài đã bắt đầu cử hành lễ Trái Tim Đức Mẹ. Năm năm sau đó, ngày mùng 8 tháng 2 năm 1648, lễ này cũng được cử hành công khai trong thành phố Autun, với thánh lễ và kinh thần vụ do thánh nhân biên soạn và được Đức Giám Mục sở tại chấp thuận. Các văn bản phụng vụ này của thánh Eudes cũng được nhiều Giám Mục chấp thuận, mặc dù có sự chống đối của nhiều người theo phái giangsênít. Ngày mùng 2 tháng 6 năm 1668 lễ và các văn bản phụng vụ được sự đồng ý của ĐHY sứ giả của Đức Giáo Hoàng bên Pháp. Nhưng năm sau khi xin Tòa Thánh xác nhận, thì Thánh Bộ Phụng Tự từ chối.
Vào năm 1726 linh mục Gallifet, dòng Tên, đã tái xin phép Tòa Thánh chấp nhận lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vấn đề được cứu xét bởi ĐHY Prospero Lambertini, sau này sẽ trở thành Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIV, lúc đó là Tổng trưởng Bộ phụng tự. Câu trả lời lần đầu tiên của bộ năm 1727 là đừng nài nỉ, vì các khó khăn đạo lý lời xin có thể bị từ chối. Nhưng cha Gallifet không chịu thua, cứ viết đơn xin, và ngày 30 tháng 7 năm 1729 Bộ trả lời không chấp nhận.
Như đã biết, năm 1765 Tòa Thánh cho phép chính thức cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng trong dịp đó người ta không nghĩ tới việc lôi cuốn cả Trái Tim Đức Mẹ vào. Năm 1799 Đúc Giáo Hoàng Piô VI cho phép giáo phận Palermo, trên đảo Sicilia nam Italia, cử hành một lễ kính Trái tim rất thánh của Đức Trinh Nữ Maria. Năm 1805 Đức Giáo Hoàng Piô VII quyết định ban phép cử hành lễ cho tất cả những ai làm đơn xin, nhưng phải dùng các văn bản của lễ Đức Bà xuống tuyết mùng 5 tháng 8. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô IX năm 1855 Thánh Bộ Phụng Tự chấp nhận các văn bản mới một phần lấy lại của thánh Jean Eudes cho lễ kính Trái tim rất vẹn sạch Mẹ Maria, nhưng chỉ dành cho các giáo phận và dòng tu làm đơn xin phép. Năm 1914 nhân dịp cải tổ sách lễ Rôma, lễ kính Trái Tim Đức Mẹ bị chuyển vào phần phụ giữa các lễ ngoại lịch.
Tiếp theo đó đã có rất nhiều đơn xin Tòa Thánh cho phép cử hành lễ này trong toàn Giáo Hội. Một đàng nó được thăng tiến bởi lòng nhiệt thành đặc biệt của các Thừa sai con cái của Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria là các Tu sĩ Claretiani, và đàng khác bởi việc phổ biến lòng sùng kính này đặc biệt sau các vụ Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Và lần này thì Tòa Thánh chấp thuận. Ngày 31 tháng 10 năm 1942, và rồi ngày mùng 8 tháng 12 trong Đền Thờ thánh Phêrô, nhân kỷ niệm 25 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức Giáo Hoàng Piô XII thánh hiến nhà thờ và nhân loại cho Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria. Để muôn đời ghi nhớ cử chỉ này ngày mùng 4 tháng 3 năm 1944 với sắc lệnh “Cultus liturgicus” Đức Piô XII ban phép cử hành lễ Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ trong toàn Giáo Hội Latinh vào ngày 22 tháng 8, trong Tuần Bát Nhật Lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời và nâng lên thành lễ bậc nhì. Lịch phụng vụ hiện nay đã để việc cử hành vào lễ nhớ tùy ý, và đặt sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Việc đặt hai lễ gần nhau khiến chúng ta trở về nguồn gốc lịch sử của lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ. Thật thế, trong các bút tích của mình thánh Jean Eudes đã không bao giờ tách rời hai Trái Tim Thánh ấy. Ngoài ra trong 9 tháng sự sống của mình Con Thiên Chúa nhập thể đã đập nhịp cùng với trái tim của Mẹ Maria.
Các văn bản phụng vụ riêng của lễ ban ngày nêu bật công việc tinh thần của con tim nữ môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô. Ca Tin Mừng và lời nguyện hiệp lễ dùng văn bản Phúc Âm thánh Luca chương 2 câu 19 và bài Phúc Âm thánh Luca chương 2 câu 1 đến 51 với kết thúc giới thiệu với chúng ta Mẹ Maria trong thái độ nội tâm hướng tới việc lắng nghe và đào sâu lời Chúa. Trong văn bản thứ nhất thánh Luca cho thấy Đức Maria yêu thương chú ý tới những gì Mẹ trông thấy và lắng nghe các biến cố của Thiên Chúa liên lụy tới mình. Cả thánh Giuse và những người khác, đặc biệt là chứng tá của các mục đồng, nhưng theo thánh Luca trình bầy chỉ có Mẹ Maria là suy gẫm trong tim và tìm bước vào trong mầu nhiệm Mẹ đang sống. Thế rồi, trong văn bản thứ hai thánh sử Luca ghi nhận rằng Đức Maria và thánh Giuse đã không hiểu lời Chúa Giêsu nói trong Đền Thờ, nhưng vừa nhắc tới việc trở về Nazareth thánh sử lôi kéo sự chú ý trên thái độ thường hằng của Đức Maria và viết: “Và Mẹ Người gìn giữ tất cả những điều này và suy gẫm trong tim” Như thế, Mẹ Maria, Đấng đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa, khi gắn bó với Lời của Thiên Chúa Cha trong ngày truyền tin, giờ đây thực hiện từ từ sự trưởng thành hiền mẫu của mình, bằng cách lắng nghe và gìn giữ trong tim các lời của Con mình. Đây đã là mối dây sâu đậm nhất kết hiệp hai mẹ con, vì các mối dây của thịt xác và máu huyết cũng đã không đủ nữa (x. Lc 8,12; 11,28; Mt 12,49-50; Mc 3,34-35). Mẹ đã thật sự mang Chúa Giêsu trong tim hơn là trong cung lòng; Mẹ đã sinh ra Chúa với dức tin hơn là với thịt xác.
Giải thích dụ ngôn người gieo giống Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hạt gíống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ” (Lc 8,12). Ở đây Mẹ Maria giữ gìn lời Chúa và nghiền gẫm, suy đi nghĩ lại trong lòng. Thánh sử Luca cũng kể: Một lần kia trong khi Chúa Giêsu đang giảng thì có một phụ nữ lớn tiếng ca tụng rằng: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Nhưng người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Chúa Giêsu cũng đang ca tụng Mẹ Maria, vì trong gia đình nhân loại đã không có ai biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa hơn Mẹ. Phúc Âm thánh Mátthêu và Phúc Âm thánh Marcô cũng kể rằng: “Chúa Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ và là anh em tôi?” Rồi Người đưa tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em và là mẹ tôi” (Mt 12,46-50; Mc 3,31-35). Ở đây Chúa Giêsu cũng gián tiếp ca ngợi Mẹ Maria. Vì Mẹ là người đã luôn thưa lên hai tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa và để cho Chúa hoàn thành nơi Mẹ tất cả những gì Chúa muốn trong chương trình tình yêu cứu rỗi của Người.
Như thế, Mẹ Maria đã lắng nghe và suy niệm trong tim lời Chúa, như là bánh dưỡng nuôi Mẹ trong tâm hồn, như là nước vọt lên tưới gội một mảnh đất phong phú. Dọc dài toàn thời Cựu ước người ta đã thường bắt buộc dân được tuyển chọn nhớ lại và suy gẫm trong tim tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho họ, để có thể vững tin và luôn mãi đào sâu hơn đức tin của họ nơi Chúa. Giờ đây Đức Trinh Nữ cho thấy đã xứng đáng thừa hưởng gia tài đó của cha ông. Mẹ cũng có hai thái độ trước các biến cố và các lời của Chúa Giêsu: một đàng Mẹ giữ gìn kỷ niệm, đàng khác Mẹ học đào sâu việc hiểu biết nó, bằng cách suy tư trong tim, hay theo nghĩa gốc của động từ “symbállein” mà thánh sử Luca dùng trong văn bản chương 2 câu 19, đặt để so sánh chúng trong con tim. Đây là câu năng động trong đức tin của Mẹ Maria: nhớ lại để đào sâu, đối chiếu để nhập thể, suy tư để thời sự hóa.
Và đây là điều Mẹ dạy chúng ta. Với việc suy đi nghĩ lại lời Chúa trong tim Mẹ Maria dạy cho chúng ta biết đón tiếp Chúa trong lòng như thế nào, dưỡng nuôi mình bằng Ngôi Lời của Mẹ ra sao, làm thế nào để ăn và uống Ngài để được no thỏa. Nhất là lời nguyện trong thánh lễ chứa đựng việc quy chiếu này: “Lậy Chúa, Chúa đã chuẩn bị một nơi ở xứng đáng của Chúa Thánh Thần trong tim của Trinh Nữ diễm phúc Maria, nhờ lời bầu cử của Người, xin cũng ban cho chúng con là các tín hữu Chúa, được là đền thờ sống động của vinh quang Chúa”. Như thế, Mẹ Maria trở thành mẫu gương của những kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa và lấy đó làm kho tàng. Mẹ là mẫu gương toàn vẹn của những người mà trong Giáo Hội phải khám phá ra cái hôm nay của sứ điệp này của Chúa với việc suy niệm. Noi gương Mẹ Maria trong thái độ sống này có nghĩa là luôn luôn chú ý tới các dấu chỉ thời đại, nghĩa là chú ý tới điều lạ lùng và mới mẻ Thiên Chúa làm trong các dáng vẻ bề ngoài của sự tầm thường. Tắt một lời, nó có nghĩa là suy tư với trái tim của Mẹ Maria các biến cố thường ngày, và như Mẹ rút tỉa ra từ đó các kết luận của đức tin. MẸ MARIA 453
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)