Khi Giáo hoàng Phanxicô chuẩn bị cho chuyến công du Hoa Kỳ tháng tới, mọi người chú ý nhiều đến tỷ lệ ủng hộ nước này dành cho ngài, chủ yếu liên quan đến hai bước tiến mới: Tông thư Laudato Si kêu gọi hành động thiết thực chống lại sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, cùng với những bình luận nảy lửa chống chủ nghĩa tư bản mà ngài đã lên tiếng trong chuyến công du Mỹ La tinh vừa qua.
Trong tinh thần đó, tôi xin đưa ra một bài thử về kiến thức huấn giáo của giáo hoàng về cả hai vấn đề này. Xin đưa ra một câu trích, kèm theo 4 lựa chọn xem thử giáo hoàng nào đã nói câu đó:
1. Câu trích: ‘Việc thuê nhân công và quản lý thương mại tập trung trong tay một số khá ít người, nên con số nhỏ những người rất giàu có thể áp đặt trên đại chúng đông đảo những người lao động nghèo một cái ách không khá hơn là mấy so với chế độ nô lệ.’
A. Lêo XIII
B. Piô XII
C. Gioan Phaolô II
D. Phanxicô
2. Câu trích: ‘Cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Marx đều hứa hẹn chỉ ra con đường tạo dựng những cấu trúc công bằng, và chúng tuyên bố rằng một khi những cấu trúc này được thiết lập thì chúng sẽ tự vận hành … Lời hứa hẹn kiểu hệ tư tưởng này đã được chứng minh là sai lầm. Thực tế đã thể hiện rõ ràng điều này.’
A. Piô XI
B. Phaolô VI
C. Bênêđictô XVI
D. Phanxicô
3. Câu trích: ‘Chúng ta phải khuyến khích và nâng đỡ ‘sự hoán cải sinh thái’ vốn trong các thập niên gần đây đã khiến cho nhân loại nhạy cảm hơn với tai ương mà mình đang lao đầu đến. Con người không còn là ‘quản gia’ của Đấng Tạo Hóa nữa, nhưng là một chuyên quyền tự trị, đến cuối cùng bắt đầu nhận ra rằng mình phải dừng lại ngay trước bờ vực thẳm.’
A. Bênêđictô XV
B. Gioan Phaolô II
C. Bênêđictô XVI
D. Phanxicô
4. Câu trích: ‘Đâu là một chính thể trong đó chủ nghĩa tư bản chiếm vai trò thống trị? … Bạn biết các dấu chỉ đặc trưng của nó, và chính bạn đang lao công dưới cái ách nó áp đặt: là sự quần cư dân số quá mức ở các thành phố, là quyền lực ngày càng lớn và chiếm trọn mọi thứ của việc kinh doanh quy mô lớn, là khó khăn và điều kiện bấp bênh của các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là nghề thủ công và nông nghiệp, là nạn thất nghiệp đang lặng lẽ lan tràn.’
A. Gioan XXIII
B. Lêo XIII
C. Piô XII
D. Phanxicô
Theo thứ tự, câu trả lời chính xác là A, C, B, và C, nghĩa là của các giáo hoàng Lêo XIII, Bênêđictô XVI, Gioan Phaolô II, và Piô XII.
Các đọc giả nhạy bén sẽ để ý thấy rằng không có câu trả lời nào là ‘Phanxicô,’ và có lẽ cũng nhận ra được ý tôi muốn nói gì. Trong nhiều khía cạnh đổi mới trong triều giáo hoàng của ngài, thì đường hướng xã hội thực sự là nét ít mang tính sáng tạo nhất.
Điều này không nói rằng ngài không góp thêm những nét riêng, như những giáo hoàng khác đã làm, nhưng, nhìn rộng hơn, thì huấn giáo công bằng xã hội của ngài là một sự tiếp nối chứ không phải đứt đoạn.
Nói cách khác, nếu một vài người không đồng ý với Đức Phanxicô vì những quan điểm của ngài về môi trường và kinh tế, thì theo lôgic, họ cũng bác bỏ tất cả mọi giáo hoàng ít nhất là từ thời Đức Leo XIII với tông thư Tân Sự 1891, cho đến bây giờ.
Câu hỏi thực sự không phải là vì sao Đức Phanxicô mang những quan điểm này. Nhưng phải là vì sao người ta phản ứng quá mạnh như thế trước quan điểm của ngài, trong khi cùng một lập trường như thế nhưng khi được phát biểu bởi các giáo hoàng khác, người ta lại dường như lờ đi hay lấp liếm.
Các nguyên do tiểu sử, chính trị, và truyền thông
Là giáo hoàng đầu tiên đến từ thế giới đang phát triển, Đức Phanxicô đem theo một ưu tư đặc biệt về nghèo khổ đến với cương vị mới của mình, cũng cùng kiểu như Đức Gioan Phaolô tập trung vào chủ nghĩa cộng sản, và Đức Bênêđictô tập trung vào chủ nghĩa tương đối vậy. Mọi giáo hoàng phải suy gẫm về sự quan phòng đã đặt để mình vào cương vị lãnh đạo, phải đầu tư thời gian và mọi vốn quý vào nơi nào mình có thể làm được tốt nhất.
Do đó, sự tương phản giữa Đức Phanxicô và các bậc tiền nhiệm vấn đề về môi trường và kinh tế, không đến nỗi như người ta ngụy biện.
Hơn nữa, Đức Phanxicô đã đánh vào một loạt các lãnh đạo toàn cầu và các nhà hoạch định dư luận đang tự mãn về mặt chính trị, ngài đã làm thế với một tư thế chưa từng có kể từ sau thời thánh Gioan Phaolô II đóng vai trò lớn trong việc chấm dứt Chiến tranh lạnh.
Trong quá khứ, thật dễ dàng hơn nhiều khi muốn bác bỏ huấn giáo của giáo hoàng về người nghèo và tự nhiên, và gắn mác đó là những lời sùng đạo. Nhưng bây giờ, Đức Phanxicô có thể tác động đến các hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và phát triển toàn cầu, hay ngài có thể thúc đẩy các chính phủ thuộc thế giới đang phát triển (có lẽ đặc biệt là ở Mỹ La tinh) hãy kiên quyết hơn trong các vấn đề chính sách toàn cầu về thương mại và bảo vệ môi trường.
Dù có thể người ta bất đồng với ngài về chuyện này, nhưng thật khó để lờ ngài đi.
Cuối cùng, ngôn từ của Đức Phanxicô về môi trường và công bằng kinh tế khơi dậy phản ứng, bởi những lời ngài nói tương hợp với hình ảnh mà truyền thông gán cho ngài, một nhà cải cách cấp tiến.
Trong khi các nhân vật công chúng đi theo đúng vai trò tư thế mà người ta ấn định cho, thì những lời nói và hành động của họ gây được sự chú ý. Khi họ bỏ đi lề lối này, thì phản ứng điển hình là xem bất kỳ điều gì họ nói hay làm là một ngoại lệ gây khó xử, và do đó muốn hạ giá những lời nói hành động đó.
Kết quả là khi Đức Bênêđictô XVI nói về phá thai và đồng tính luyến ái, những lời của ngài có đồng hưởng, bởi ăn khớp với hình ảnh của một người bảo thủ nghiêm nghị về văn hóa. Còn khi ngài nói về sinh thái hay nghèo khổ, thì phản ứng phần đông lại là lờ đi, và thường bị xem là một tin đệm mà thôi.
(Thú vị là, điều này cũng đúng bất chấp chất dân túy bài chủ nghĩa tư bản thực sự ăn sâu trong máu Đức Bênêđictô hơn cả trong Đức Phanxicô nữa. Bác của Đức Bênêđictô, George Ratzinger, là đức ông Công giáo thời thế kỷ XIX gắn bó mãnh liệt với công tác chính trị và xã hội. Ngài 2 lần được bầu vào cơ quan lập pháp Bavaria và liên bang Đức, và đã giúp thành lập một đảng chính trị là đảng Bauerbund đại diện cho các nông dân nghèo chống lại các hãng công nghiệp lớn, và nâng đỡ các mục tiêu xã hội cấp tiến như luật lao động trẻ em và mức lương tối thiểu.)
Về chuyến công du sắp đến của Giáo hoàng Phanxicô, rõ ràng là chính đáng khi đặt vấn đề và thảo luận về những quan điểm mà ngài vạch ra đối với mọi sự, trong đó có môi trường và kinh tế. Bản thân giáo hoàng cũng đã nhìn nhận là Giáo hội Công giáo không thể tự nhân mình là chuyên gia đặc biệt trong những lĩnh vực này.
Nhưng điều quan trọng là phải làm rõ rằng những quan điểm này không bắt nguồn từ Đức Phanxicô, và cũng không kết thúc nơi ngài. Đây không phải là một ý tưởng riêng, nhưng là một truyền thống giáo hoàng tiếp nối, ít nhất là hơn 200 năm qua.
Khi nói đến công bằng xã hội, Đức Phanxicô không phải đang tái suy tư. Nhưng, theo cách nói môi sinh, thì là đang tái chế lập trường công bằng xã hội truyền thống của các giáo hoàng đó.
John L. Allen Jr. (Crux 04-8-2015)
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(Nguồn: phanxico.vn)