Thiên Chúa không vắng bóng, Ngài ở gần và thực hiện các việc cứu độ lớn lao cho kẻ tín thác nơi Ngài. Vì thế không được nhượng bộ thất vọng, nhưng phải tiếp tục xác tín rằng Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi. Cả tội lỗi cùng không ngăn cản được tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với con người.
ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 40.000 tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hôm qua.
Ngài đã khai triển bài giáo lý dựa trên hai chương 30 và 31 sách ngôn sứ Gêrêmia đưọc goi là “sách ủi an”, vì trong đó lòng thương xót của Thiên Chúa đưọc giới thiệu với tất cả khả năng an ủi và mở trái tim của những người khổ đau ra cho niềm hy vọng .
Ngôn sứ Giêrêmia nói với những người Israel đã bị đi đầy tại nước ngoài và tiên báo cuộc trở về quê hương. Việc hồi hương đó là dấu chỉ tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa Cha, là Đấng không bỏ rơi các con cái Ngài, nhưng lo lắng cho họ và cứu thoát họ. Lưu đầy đã là một kinh nghiệm tàn phá đối với dân Israel. Niềm tin đã chao đảo, vì trên đất khách, không có đền thờ, không có phụng tự, sau khi đã chứng kiến cảnh quê hương bị tàn phá, thật rất khó mà tiếp tục tin tưởng vào lòng lành của Chúa. Tôi nghĩ tới nước Albania, sau bao nhiêu bách hại và tàn phá đã thành công vươn lên trong phẩm giá và niềm tin. Các người Israel cũng đã khổ đau như thế.
Áp dụng vào thực tại cuộc sống của tín hữu ngày nay ĐTC nói:
Cả chúng ta nữa nhiều lần cũng có thể sống một loại lưu đầy, khi sự cô đơn, khổ đau và cái chết khiến cho chúng ta nghĩ rằng mình đã bị Thiên Chúa bỏ rơi. Biết bao lần chúng ta đã nghe lời này: “Thiên Chúa đã quên tôi rồi”: đó là những người khổ đau và cảm thấy bị bỏ rơi. Có biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta trái lại đang sống trong thời đại này một tình trạng thê thảm đích thực của sự lưu đầy, xa quê hương, còn có trong đôi mắt cảnh nhà cửa tan nát, và trong con tim sự sợ hãi và rất tiếc thường khi cả nỗi đau đớn vì mất đi các người thân thương. Trong các trường hợp đó ngưòi ta có thể tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Tại sao biết bao khổ đau lại có thể đổ ập trên các người nam nữ và trẻ em vô tội như thế? Và khi họ tìm vào vài ngõ khác, thì người ta đóng cửa lại không cho vào. Và họ ở đó, trên vùng biên giới vì biết bao cửa và biết bao con tim khép kín. Các người di cư ngày nay bị lạnh, không thực phẩm, không thể vào, không cảm thấy sự tiếp đón. Tôi rất thích nghe và trông thấy các quốc gia và các nhà cầm quyền mở rộng con tim và cánh cửa cho các anh chị em di cư này.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: ngôn sứ Gêrêmia cho chúng ta một câu trả lời thứ nhất. Dân bị đi đầy sẽ có thể trở về trông thấy quê hương mình và sống kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa. Đó là lời loan báo hy vọng lớn lao: Thiên Chúa không vắng bóng, cả ngày nay trong các tình trạng thê thảm này. Ngài ở gần và thực hiện các việc cứu độ lớn lao cho kẻ tín thác nơi Ngài. Vì thế không được nhượng bộ thất vọng, nhưng tiếp tục xác tín rằng Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt và sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi sợ hãi. Vì thế ngôn sứ Giêrêmia cho Thiên Chúa mượn tiếng của mình để nói với dân ngài các lời yêu thương: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương. Ta sẽ lại xây ngươi lên, và ngươi sẽ được xây lại, hỡi trinh nữ Ít-ra-en. Ngươi sẽ lại nên xinh đẹp; với những chiếc trống cơm, ngươi sẽ xuất hiện giữa đám nhảy múa tưng bừng.” (Gr 31.3-4).
Thiên Chúa trung thành, Ngài không bỏ rơi con người trong sự phiền muộn. Thiên Chúa yêu thương với một tình yêu vô tận, mà cả tội lỗi cũng không thể ngăn cản được, và nhờ Ngài trái tim con người được tràn đầy niềm vui và sự an ủi. Giấc mơ hồi hương tiếp tục trong các lời của ngôn sứ, hướng tới những người sẽ trở về Giêrusalem và nói: “Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Xi-on, lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc Giavê. Nào lúa thơm rượu mới dầu tươi, nào bò bê cùng với chiên cừu. Lòng thoả thuê như vườn cây tưới nước, họ chẳng còn mỏi mệt héo hon.” (Gr 31,12).
Trong tươi vui và lòng biết ơn các người bị đi đầy sẽ trở về Sion, lên núi thánh hướng về nhà Chúa và như vậy họ sẽ lại có thể nâng các bài thánh thi và lời cầu nguyện lên Chúa, là Đấng đã giải thoát họ. Việc trở về Giêrusaelm và các của cải của nó được miêu tả với một động từ dịch sát chữ có nghĩa là “chảy về”. Trong một chuyển động mâu thuẫn, dân Israel được coi như một dòng sông tràn bờ chảy lên núi Sion, lên cho tới đỉnh núi. Đây là một hình ảnh táo bạo để nói lên lòng thương xót của Chúa lớn lao chừng nào!
Đất mà dân dã phải bỏ, đã trở thành mồi của thù địch và hoang tàn. Trái lại giờ đây, nó hồi sinh và nở hoa. Và chính các người bị đi đầy sẽ như một ngôi vườn được tưới gội, như một mảnh đất phì nhiêu. Dân Israel được Chúa đem về quê hương, chứng kiến chiến thắng của cuộc sống trên cái chết và của việc chúc lành trên sự chúc dữ. Đây thật là điều an ủi! Và chính như thế mà dân được Thiên Chúa củng cố và ủi an. Các người hồi hương nhận được sự sống từ một nguồn tưới gội họ một cách nhưng không.
Tới đây ngôn sứ loan báo niềm vui tràn đầy, và luôn luôn nhân danh Thiên Chúa ông công bố: “Tang tóc họ, Ta biến thành hoan hỷ, và sau cảnh sầu thương, sẽ cho họ được an ủi vui mừng.” (Gr 31,13). Thánh vịnh nói với chúng ta rằng khi họ trở về quê hương miệng họ tràn đầy tiếng cười; đó là một niềm vui lớn biết bao! Đó là ơn mà Chúa cũng muốn ban cho từng người trong chúng ta, với sự tha thứ khiến hoán cải và hoà giải.
Ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta lời loan báo, bằng cách trình bầy việc hồi hương của những người bị đi đầy như một biểu tượng lớn lao của sự ủi an trao ban cho con tim hoán cải. Và ĐTC kết luận bài huấn dụ như sau:
Từ phía Ngài, Chúa Giêsu đã thành toàn sứ điệp này của ngôn sứ. Việc trở về đích thật và triệt để từ nơi lưu đầy và ánh sáng ủi an sau đêm đen của cuộc khủng hoảng đức tin, được hiện thực trong lễ Phục Sinh, trong kinh nghiệm tràn đầy và vĩnh viễn của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu thương xót trao ban niềm vui, hoà bình và sự sống vĩnh cửu.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ nhiều nước khác nhau như Pháp, Đức, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Ailen, Canada, Hoa Kỳ, cũng như từ các nước Indonesia, Nhật Bản và châu Mỹ Latinh. Vì có rất đông sinh viên học sinh các trường trung học tham dự buổi tiếp kiến ĐTC mời gọi các bạn trẻ tiến tới gần Chúa đặc biệt qua bí tích Hoà Giải, để sống kinh nghiệm lòng thương xót của Chúa. Ngài cũng cầu mong tín hữu khắp nơi sống Năm Thánh Lòng Thương Xót như thời điểm của ơn thánh và canh tân tinh thần trong gia đình để có được niềm vui và sự an bình của Chúa Giêsu. Ngài cũng cầu mong đừng có gì có thể ngăn cản tín hữu sống tình bạn của Thiên Chúa Cha, nhưng để cho tình yêu của Chúa luôn tái sinh họ như con cái và hoà giải họ với Chúa.
Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài hiệp ý với các bạn trẻ tụ tập nhau tại sân vận động Tauron để cử hành Năm Thánh với đề tài “Giới trẻ và lòng thương xót”. Ngài cầu chúc họ bước theo Chúa từ nhân, khi bước qua Cửa Thánh, cử hành bí tích hòa giải, chầu Mình Thánh Chúa, suy niệm dụ ngôn người Samaritano nhân hậu và chuẩn bị tiếp đón người trẻ tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia.
Chào các đoàn hành hương Italia, trong đó có tín hữu nhiều giáo phận do các Giám Mục hướng dẫn về hành hương Roma, các sinh viên và giáo sư đại học Auxilium Roma, cũng như các thành viên hiệp hội hiến cơ phận vùng Marche trung Italia, các sinh viên dại học Perugia, các thành viên tổ chức chuyên chở bệnh nhân hành hương Lộ Đức vùng Lombardia bắc Italia, ĐTC việc bước qua Cửa Thánh là dịp thuận tiện giúp mọi người trở về trong cánh tay nhân từ của Thiên Chúa Cha.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho biết hôm nay phụng vụ nhớ thánh Patrizio, tông đồ dân nước Ailen. Ước chi cuộc sống tinh thần mạnh mẽ của ngài kích thích người trẻ sống đức tin trung thực, sự tin tưởng của thánh nhân nơi Chúa Kitô Cứu Thế ban sức chịu đựng đau khổ cho các bệnh nhân, và lòng tận tụy truyền giáo của thánh nhân giúp các cặp vợ chồng mới cưới hiểu tầm quan trọng của việc giáo dục con cái trong đức tin kitô.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: Radio Vatican)