ROMA. Lúc 5 giờ chiều 18-6-2016, ĐTC đã đến viếng thăm Villa Nazareth ở Roma và trả lời nhiều câu hỏi thời sự do các bạn trẻ nêu lên.
Trung tâm này ở gần Nhà Quản Lý Phát Diệm, và do ĐHY Dominico Tardini, sau này là Quốc vụ khanh Tòa Thánh, thành lập cách đây 70 năm (1946) để đón nhận các trẻ mồ côi và con cái của những gia đình nghèo và đông con, với mục đích đề cao giá trị ơn gọi tông đồ của họ, phục vụ Giáo Hội và mưu thiện ích cho xã hội. Từ đó vào năm 1980, nảy sinh Hiệp hội “Cộng đoàn Domenico Tardini” để đón tiếp giới trẻ và huấn luyện họ về đời sống Kitô. Năm 2004, Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân nhìn nhận hiệp hội này như một Hội quốc tế của các giáo dân và thuộc quyền Tòa Thánh.
Tại Nhà nguyện của Villa Nazareth, ĐTC đã gặp gỡ các sinh viên, và chú giải cho họ đoạn Tin Mừng theo thánh Luca về người Samaritano nhân lành (Lc 10,25-37). Khi giải thích về phần này, ĐTC đặc biệt nói rằng:
Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những linh mục đi vội vã
Thực vậy, ĐTC đã bình luận về thái độ của vị tư tế, thầy Lêvi, trong dụ ngôn người Samaritano nhân lành, vội vã đi mà không dừng lại cứu giúp người bị thương bên vệ đường, ngài nói:
“Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những tên cướp, (như kẻ đã đả thương và cướp người đi đường). Có bao nhiêu tên cướp như vậy. Nhưng xin Chúa cũng giải thoát chúng ta khỏi những linh mục luôn vội đi, như người không có thời giờ để dừng lại giúp người bị thương, có thể là linh mục ấy phải đi đóng cửa nhà thờ, có một thời khóa biểu phải tôn trọng, không có giờ để lắng nghe và xem: họ phải làm những việc của mình. Xin Chúa giải thoát khỏi những nhà thông luật, như người không thể dừng lại, có thể đó là một luật sư không thể chịu nguy cơ đánh mất một ngày làm việc, và có lẽ là một ngày đi làm chứng ở tòa án… Họ là một trong những người muốn trình bày đức tin nơi Chúa Giêsu với sự cứng nhắc của toán học. Xin Chúa dạy chúng ta dừng lại, và dạy chúng ta sự khôn ngoan của Tin Mừng. Nghĩa là xin Chúa cho chúng ta được bẩn tay: xin Chúa ban cho chúng ta ơn này.”
Trả lời các câu hỏi
Sau đó, ĐTC gặp gỡ Cộng đoàn Villa Nazareth ở khuôn viên và trả lời 7 câu hỏi do một số đại diện cộng đoàn nêu lên, trước sự hiện diện của 1.300 người.
Trong số các câu trả lời, có những đoạn ĐTC khẳng định rằng:
Tại Trung Đông, có cuộc bách hại nhưng không có cuộc “diệt chủng” Kitô
ĐTC cho biết ngài không thích dùng từ “diệt chủng” để mô tả tình trạng các tín hữu Kitô ở Trung Đông, vì đây là một định nghĩa thu hẹp, chú ý tới vấn đề từ một cái nhìn xã hội học và như thế là thu hẹp thực tại phức tạp vào những thứ loại hoàn toàn theo năng động xã hội. Trong thực tế, ở Trung Đông, đó là một cuộc bách hại, “đưa các tín hữu Kitô đến sự viên mãn niềm tin của họ, là sự tử đạo, và có nghĩa là hy sinh mạng sống của mình vì đức tin... Ví dụ các tín hữu Kitô Copte Ai Cập bị cắt cổ trên bãi biển ở Libia. Tất cả khi chết đều nói: “Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con.” Tôi chắc chắn rằng phần lớn họ không biết đọc biết viết, nhưng họ là những “tiến sĩ về sự sống phù hợp với Kitô giáo, nghĩa là họ là những chứng nhân đức tin và đức tin khiến cho chúng ta làm chứng về bao nhiêu điều khó khăn trong cuộc sống...” ĐTC cũng cảnh giác rằng: “Chúng ta đừng tự lừa mình. Sự tử đạo đổ máu không phải là cách thức duy nhất để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô ngày nay. Ngài nay chúng ta có nhiều tử đạo hơn so với những thế kỷ quá khứ, nhưng có một cuộc tử đạo hằng ngày: tử đạo vì kiên nhẫn, trong việc giáo dục con cái, trong sự chung thủy với tình yêu.”
Bao nhiêu lần tôi gặp khủng hoảng đức tin
Đáp một câu hỏi khác, ĐTC Phanxicô nói: “Bao nhiêu lần tôi gặp khủng hoảng đức tin, nhiều lần tôi táo bạo trách Chúa Giêsu và nghi ngờ. Đây có phải là chân lý không? Đây là giấc mơ? Tôi đã gặp khủng hoảng như thế khi còn là một thiếu niên, chủng sinh, tu sĩ, linh mục, giám mục và cả khi làm giáo hoàng nữa.” Rồi ĐTC nhấn mạnh rằng “một Kitô hữu không cảm thấy vài lần bị khủng hoảng vì đức tin thì họ thiếu một cái gì đó…” Ngài nói thêm rằng: “Tôi không biết tiếng Hoa, với sinh ngữ tôi gặp nhiều khó khăn. Họ nói rằng từ khủng hoảng trong tiếng Hoa gồm 2 chữ gộp lại: rủi ro và cơ may.”
ĐTC cũng kêu gọi các bạn trẻ “hãy chấp nhận rủi ro, nếu không cuộc sống của bạn dần dần sẽ bị tê liệt, hạnh phúc, hài lòng, nhưng nó bị dừng lại ở đó… Thật là buồn khi thấy những người giống như những xác ướp ở trong bảo tàng viện hơn là một người sống động. Hãy chấp nhận rủi ro, hãy tiến bước!”
Tốt hơn đừng kết hôn nếu không ý thức về bí tích
ĐTC lập lại điều ngài đã nói trong hội nghị giáo phận Roma chiều thứ năm, 16-6-2016 ở Đền thờ Thánh Gioan Laterano: “Tốt hơn đừng kết hôn nếu bạn không biết bí tích là gì!” Ngài ghi nhận phần lớn các hôn nhân ngày nay là bất thành vì lý do đó. Câu nói của ngài, khi công bố trên tờ thông tin của Phòng báo chí Tòa Thánh và báo Quan sát viên Roma, được điều chỉnh lại là “một số hôn nhân ngày nay bất thành.”
Tại Villa Nazareth, ĐTC trở lại vấn đề này và giải thích rằng “Ngày nay nhiều người không tự do trong nền văn hóa duy khoái lạc. Bí tích hôn phối chỉ có thể cử hành trong tự do, nếu không bạn đừng lãnh nhận bí tích này… một số người kết hôn mà không biết điều mình làm. Có một nền văn hóa tạm bợ xâm nhập chúng ta, trong các giá trị và phán đoán của chúng ta. Điều này có nghĩa là hôn phối chỉ kéo dài bao lâu tình yêu còn kéo dài, rồi sau đó chấm dứt. Giáo Hội phải làm việc nhiều về điểm này trong việc chuẩn bị hôn phối.”
Nền kinh tế giết người, kỹ nghệ võ khí là doanh nghiệp nhiều lợi lộc
ĐTC cũng nói rằng: “Chiến tranh là doanh nghiệp hiện nay mang lại nhiều tiền bạc nhất. Nhiều khi Hội Chữ Thập Đỏ không đưa đồ cứu trợ đến nơi được. Nhưng võ khí vẫn luôn được đưa tới nơi, không có hải quan nào ngăn chặn chúng được.”
“Ngày nay có một nền kinh tế giết người. Nơi trung tâm kinh tế ấy không có con người nhưng chỉ có thần tiền bạc và điều này giết hại chúng ta. Một buổi sáng người ta thấy một người vô gia cư chết vì giá lạnh ở quảng trường Risorgimento (gần Vatican), điều này không thành tin tức. Nhưng nếu thị trường chứng khoán ở Tokio hay New York bị giảm 2, 3 phần trăm, thì nó trở thành một thảm họa quốc tế. Chúng ta là nô lệ của một chế độ giết người.” (SD 18-6-2016)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)