VATICAN. Sáng thứ hai 5-9-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ tạ ơn nhân dịp lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta.
Đồng tế với ĐHY có hơn 30 Hồng Y, Giám mục, gần 200 Linh mục, trước sự hiện diện của hơn 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, trong đó có đông đảo các nữ tu thừa sai bác ái.
Hôm qua, cũng là lễ kính thánh nữ Têrêsa Calcutta và là ngày giỗ lần thứ 19 (1997) của Mẹ.
Bài giảng của Đức Hồng Y
Trong bài giảng thánh lễ, ĐHY Quốc vụ khanh nhấn mạnh bí quyết cuộc sống và hoạt động của Mẹ Têrêsa là lời Chúa Giêsu như được công bố trong bài Tin Mừng của ngày lễ: “Thật, Thầy bảo các con, tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).
“Mẹ Têrêsa đã khám phá nơi những người nghèo, khuôn mặt của Chúa Kitô, 'Đấng đã trở nên nghèo vì chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài' (Xc 2 Cr 8,9). Mẹ đã đáp lại tình yêu vô biên của Chúa bằng một tình yêu vô biên đối với người nghèo.. Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta.” (2 Cr 5,14).
ĐHY Parolin cũng nhận xét rằng: “Mẹ Têrêsa đã có thể trở thành một dấu dấu chỉ rất sáng ngời về lòng từ bi thương xót, như ĐTC đã nói trong bài giảng lễ Phong thánh: 'Lòng từ bi thương xót đối với Mẹ là 'muối' mang lại hương vị cho mỗi hoạt động của Mẹ và là 'ánh sáng' chiếu sáng bóng đêm của những người không còn nước mắt để khóc sự nghèo khổ của họ', vì Mẹ đã để cho mình được Chúa Kitô soi sáng, Chúa Kitô được thờ lạy, yêu mến, chúc tụng trong Thánh Thể, như chính Mẹ đã giải thích: “Cuộc sống của chúng ta phải liên tục được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, vì nếu chúng ta không có khả năng nhìn thấy Chúa Kitô dưới hình bánh, thì chúng ta cũng không có thể khám phá Chúa dưới những vẻ khiêm hạ của những thân thể tiều tụy của người nghèo.” (Xc Teresa di Calcutta, L'amore che dissetta, p.16).
Trong bài giảng, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng nhắc đến một trong những hình thức nghèo khổ đau thương nhất, đó là biết mình không được thương yêu, không được mong muốn và bị khinh rẻ. Đó là một thứ nghèo cũng hiện diện tại các nước và các gia đình không nghèo, và cả nơi những người thuộc giới có những phương tiện và khả năng, nhưng cảm thấy tâm hồn trống rỗng vì đánh mất ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời, hoặc bị thất vọng, sầu muộn vì những liên hệ bị phá vỡ, vì cô đơn trầm trọng, vì cảm tượng bị mọi người quên lãng hoặc không còn ích lợi gì cho ai nữa.”
Mẹ Têrêsa cũng coi các thai nhi chưa sinh ra và bị đe dọa trong cuộc sống như “những người nghèo nhất trong những người nghèo.. Từ đó mẹ đã can đảm bảo vệ những sự sống đang sinh ra, Mẹ nói thẳng thắn và có những hành động rõ ràng, là dấu chỉ sáng ngời về sự hiện diện của các Ngôn Sứ và Các Thánh, là những người không quì gối trước mặt ai ngoại trừ trước Đấng Toàn Năng.”
Sau cùng, ĐHY Parolin nhắc đến sự kiện khi Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5-9-1997, thành phố Calcutta hoàn toàn bị mất ánh sáng trong vài phút dài. Mẹ Têrêsa trên trái đất này đã là một dấu chỉ minh bạch chỉ Trời Cao. Trong ngày Mẹ qua đời, Trời Cao muốn cống hiến một dấu ấn cho cuộc đời của Mẹ và thông báo cho chúng ta rằng một ánh sáng mới đã được thắp lên trên chúng ta. Giờ đây, sau khi được chính thức nhìn nhận sự thánh thiện, ánh sáng của Mẹ càng chiếu tỏa rạng ngời hơn. Ước gì ánh sáng không tàn lụi của Tin Mừng, tiếp tục chiếu sáng cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta và những con đường của thế giới khó khăn này.” (SD 5-9-2016)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)