VATICAN. ĐTC đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc chăm sóc căn nhà chung của nhân loại và ngài cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trong lý tưởng này.
ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-9-2016, dành cho 200 tham dự viên hội nghị đối thoại liên tôn đầu tiên của Mỹ châu, nhóm tại Roma từ hôm 7-9-2016, với mục đích thiết lập Viện đối thoại liên tôn cho đại lục này. Hội nghị do Viện đối thoại liên tôn ở Buenos Aires Argentina cùng với Tổ chức các quốc gia Mỹ châu đứng ra phối hợp dưới sự giám sát của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn. Các tham dự viên đã bàn về việc bảo vệ căn nhà chung của nhân loại, theo thông điệp 'Laudato sí' của ĐTC Phanxicô.
Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: “Các tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong việc thăng tiến sự chăm sóc và tôn trọng môi trường. Niềm tin nơi Thiên Chúa đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận Ngài trong thiên nhiên, kết quả tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Niềm tin ấy cũng kêu gọi chúng ta chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên. Vì thế, các tôn giáo cần cổ võ một nền giáo dục chân chính, trên mọi cấp độ, giúp phổ biến thái độ trách nhiệm và quan tâm đối với những đòi hỏi của việc chăm sóc thế giới, và đặc biệt bảo vệ, thăng tiến và bênh vực các quyền con người” (LS 201).
Trong ý hướng đó, ĐTC cổ võ sự cộng tác liên tôn, dựa trên sự thăng tiến một nền đối thoại chân thành và tôn trọng nhau. Ngài nói: “Nếu không có sự tôn trọng nhau thì sẽ không có đối thoại liên tôn: đó là nền tảng để có thể đồng hành và đương đầu với các thách đố. Cuộc đối thoại này dựa trên chính căn tính của mình và sự tín nhiệm lẫn nhau, nó nảy sinh khi ta có khả năng nhìn nhận người khác như một món quà của thiê Chúa và ta chấp nhận họ cũng có những điều để nói với ta”.
ĐTC nhấn mạnh rằng “Mỗi cuộc gặp gỡ với tha nhân là một hạt giống nhỏ được gieo vãi; nếu nó được tưới gội chăm chỉ và tôn trọng, dựa trên sự thật, thì sẽ lớn thành cây xum xuê, với nhiều hoa trái, nơi mà tất cả có thể hưởng bóng mát và có thể nuôi dưỡng mình, không ai bị loại trừ, và tại đó mọi người sẽ trở nên thành phần của một dự án chung, liên kết những nỗ lực và khát vọng của mình”.
Sau cùng, ĐTC cũng cổ võ sự cộng tác của những tín hữu và những người thiện chí, những người không tín ngưỡng trong việc bảo vệ các quyền con người, chống lại những tai ương của thế giới chúng ta như chiến tranh và đói kém, nạn lầm than đang đè nặng trên hàng triệu ngừơi, cuộc khủng hoảng môi trường, bạo lực, tham ô, và sự suy đồi luân lý. cuộc khủng hoảng gia đình, và kinh tế, nhất là sự thiếu hy vọng”.
ĐTC không quên lên án sự lạm dụng tôn giáo để gây ra những hành vi tàn ác như khủng bố, gieo rắc sợ hãi và bạo lực, và vì thế có những người coi tôn giáo như là những tổ chức tạo nên tai gương trên thế giới. Cần phải cùng nhau quyết liệt lên án những hành động đáng kinh tởm như thế và xa tránh tất cả những gì tìm cách làm ô nhiễm các tâm hồn, chia rẽ và hủy hoại sự sống chung. Cần chứng tỏ các giá trị tích cực gắn liền với các truyền thông tôn giáo của chúng ta, để mang lại một động lực hy vọng vững chắc” (SD 8-9-2016)
G. Trần Đức Anh OP
(Nguồn: Radio Vatican)